Đời sống) - Tại cuộc họp các thành viên Horea ngày 28/2, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho biết hiệp hội kiến nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, tiền lãi thu được từ những khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên phải bị đánh thuế.
[links()]
Đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên nhằm hướng dòng tiền trong dân thay vì gửi ngân hàng đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ảnh: LĐ |
Trước đây, các hình thức gửi tiết kiệm này không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Tuy nhiên, quan điểm hiện nay cho rằng những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu là những đối tượng có thu nhập khá trở lên và cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư.
Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE cũng nói, nếu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện vẫn từ 9%/năm trở lên thì người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng hơn là đầu tư sản xuất hay mua bất động sản.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, việc đánh thuế như trên sẽ hạn chế việc huy động vốn mà các ngân hàng đang nỗ lực thu hút hiện nay.
Bên cạnh đó, sẽ gây thiệt thòi cho một số đối tượng không khá giả nhưng gửi tiết kiệm để giữ tiền như cán bộ hưu trí, viên chức Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn với bài viết "Một góc nhìn tai hại!" đã nhin nhận rằng, đề nghị đánh thuế vào tiền lãi tiết kiệm, các nhà kinh doanh bất động sản nghĩ rằng, dòng tiền nhàn rỗi của người dân sẽ chảy vào mua sắm nhà đất, làm sống lại “thời hoàng kim” của ngành này,nhưng kỳ vọng đó sẽ rất khó xảy ra vì tình hình hiện nay không giống những năm 2006-2008.
Khi ấy tín dụng bùng nổ, tiền mặt từ các tập đoàn kinh tế nhà nước bung ra ngập thị trường, đẩy giá bất động sản và cổ phiếu lên mức cao chót vót, vượt xa khả năng thanh toán của người có nhu cầu, nhưng hiện nay thì tín dụng được kiểm soát kỹ, tiền mặt không dồi dào như trước nữa và nền kinh tế đang rất khó khăn.
Con đường duy nhất để vực dậy thị trường bất động sản hiện nay là giảm giá nhà đất xuống mức giá trị thật của nó và phù hợp với thu nhập bình quân của xã hội để người có nhu cầu có thể mua được nhà đất bằng thu nhập chính đáng của mình chứ không phải bằng cách vận động (lobby) để Nhà nước đưa ra những biện pháp chỉ có lợi cho nhà kinh doanh bất động sản mà có hại cho nền kinh tế nói chung.
Trên các mạng xã hội, đã có người chỉ thẳng ra rằng: “Kiến nghị này chứng tỏ lợi ích nhóm muốn chi phối chứ chẳng phải vì lợi ích toàn bộ nền kinh tế. Về nguyên lý thì chẳng qua họ đang muốn hướng dòng tiền vào các bất động sản đang ế ẩm!”.
- Khánh Trung (Tổng hợp)