Giám đốc xẻ thịt rừng giàu trồng cao su sa lưới

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chuyện doanh nghiệp lợi dụng chủ trương phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất rừng rồi “phù phép” để phá rừng giàu lấy gỗ không còn là mới.

Ngày 11/9, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông đã bàn giao Hồ Hữu Hiển (47 tuổi, trú tại thôn 3, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nguyên giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển, trụ sở tại H.Bù Đăng) cho Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ về hành vi hủy hoại rừng.

Nói chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Lâm Đồng nhưng toàn là gốc cây gỗ to bị chặt hạ

Theo kết quả điều tra, năm 2009, Công ty Vinh Hiển và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới (gọi tắt là Công ty Kiến Trúc Mới) đã ký kết hợp đồng triển khai thực hiện dự án khai thác quản lý và bảo vệ rừng.

Theo đó, Công ty Kiến Trúc Mới đồng ý giao cho Công ty Vinh Hiển nhận khai hoang, thiết kế trồng mới 600 ha cao su đại điền tại các tiểu khu 1528, 1534, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Trực, H.Tuy Đức, Đắk Nông, trên diện tích 600 ha thuộc Công ty Kiến Trúc Mới quản lý.

Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng, với cương vị là giám đốc, Hiển đã đứng ra tổ chức, thuê người chặt phá trái phép 38 ha diện rừng khoanh nuôi bảo vệ, gây thiệt hại với tổng trị giá ước tính gần 10 tỉ đồng.

Sau khi gây án, Hồ Hữu Hiển bỏ trốn khỏi địa phương cho đến nay.

Ngày 16/7/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 12/8/2013 ra lệnh truy nã toàn quốc về tội hủy hoại rừng đối với Hồ Hữu Hiển.

Chiều 10/9, Hồ Hữu Hiển đã tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông đầu thú.

Từ lâu đã có chuyện lợi dụng chính sách, phù phép rừng giàu thành rừng nghèo để 'xẻ thịt'

Chuyện doanh nghiệp lợi dụng chủ trương phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất rừng rồi “phù phép” để phá rừng giàu lấy gỗ không còn là mới.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ đã chia sẻ với Đất Việt xung quanh việc hô biến “rừng giàu” thành “rừng nghèo” để lấy gỗ. Ông chia sẻ:

"... Cách làm kiểu lợi dụng chính sách khoanh nuôi trồng mới rừng để lấy gỗ là không mới. Nhất là vừa rồi khi trồng 100.000 ha cao su, người ta chủ yếu làm kiểu này. Các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su theo chủ trương này. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng “nghèo” mà tập trung chuyển đổi rừng “giàu”.

Còn về người chịu trách nhiệm khi các cánh rừng không nghèo nhưng lại bị “phù phép” để có thể khai thác gỗ một cách hợp pháp, ông cho biết: "Người có thẩm quyền phê duyệt những dự án này là ông chủ tịch tỉnh. Dưới ông chủ tịch tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có chi cục lâm nghiệp, viện điều tra quy hoạch rừng. Cơ quan này có trách nhiệm đi làm các số liệu. Chỉ cần các cơ quan này “nhắm mắt”, có những khu rừng rất tốt sẽ trở thành nghèo kiệt. Nghĩa là ông chủ tịch phê duyệt nhưng cũng phải có người chứng minh rừng đó là nghèo kiệt. Đó mới là vấn đề".

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cũng chia sẻ: 

"Cứ dựa vào mục đích chuyển đổi, địa phương cho phép các doanh nghiệp phá rừng. Chuyện lợi ích nhóm nếu thẳng thắn cũng có thể chỉ ra được nhưng trên thực tế mới chỉ nói mà chưa làm được.

Ở đây có chuyện phục vụ lợi ích nhóm, còn người nghèo, người phụ thuộc vào rừng thì bị ảnh hưởng trực tiếp mà không ai để ý".

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn