Một đêm tháng 8/2012, cái tin ông Đặng Văn Thới (49 tuổi, ở thôn 8, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên, Yên Bái) bị đứa con trai Đặng Văn Thắng (sinh năm 1988) giết hại dã man đã làm kinh động xóm làng. Người ta thương xót cho số kiếp hẩm hiu của người đàn ông nghèo khổ, cả đời vất vả nuôi con cuối cùng lại chết thảm dưới bàn tay đứa con đẻ. Vì đâu nên nỗi…
[links()]
Cái chết thảm thương
Vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào đêm ngày 12/8/2012. Hơn 1 tháng qua đi, nhưng khắp trong thôn, ngoài làng ở xã Yên Hưng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân không ngớt bàn tán, xót thương cho cái chết bi thảm của ông Đặng Văn Thới.
Cỏ đã xanh nấm mồ người đã khuất, những nỗi đau tang tóc vẫn bao trùm căn nhà tồi tàn, lẩn khuất trong con ngõ nhỏ của thôn 8.
Trong tâm trí của bà Phạm Thị Lựu (vợ nạn nhân Thới, cũng là mẹ của đứa con nghịch tử), chưa ngày nào quên được cái đêm kinh hoàng ấy. Ánh mắt của người góa phụ 50 tuổi thẫn thờ, không chút sức sống.
Đêm đó, như mọi lần, trước khi đi ngủ, Thắng vẫn giữ thói quen mài dao, rồi gối lên đầu giường. Còn ông Thới chồng bà, vì đi làm cả ngày, buổi chiều về nhà có uống vài chén rượu nên chỉ chập tối ông đã lên giường đi ngủ.
Khi bị kích động, người tâm thần dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa) |
Thấy đứa con mài dao như mọi ngày, đêm nay, nó lại ngủ cùng ông chú đầu óc “biêng biêng” là Đặng Văn Thứ, nên bà Lựu sợ có chuyện chẳng lành. Dù rất mệt mỏi sau một ngày làm lụng vất vả, bà vẫn cố thức để dỗ dành, khuyên nhủ con đi ngủ, để lén lấy con dao giấu đi.
Nhưng bà có khuyên nhủ hết lời, đứa con bướng bỉnh vẫn chẳng nghe. Khoảng 22h đêm, nghe Thắng bảo sẽ đi ngủ, người mẹ yên tâm lên giường nằm định canh chừng con ngủ say sẽ trộm con dao cất đi, nhưng mệt quá, bà thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Chỉ đến khi tiếng những bước chân người chạy thình thịch mới khiến bà chợt tỉnh giấc. “Linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra, theo phản xạ, tôi lay người chồng chẳng thấy ông ấy nói gì, mà chỉ thấy máu phun ra khắp người. Lúc đó, tôi chỉ còn biết gào thét thảm thiết”.
Tâm sự đắng lòng của người vợ, người mẹ khốn khổ
Chồng chết thảm dưới bàn tay của chính đứa con mang nặng đẻ đau đã khiến bà Phạm Thị Lựu suy sụp sức khỏe và tinh thần trầm trọng. Ở tuổi 50, bà Lựu trông già hơn tuổi rất nhiều. Nhìn gương mặt hốc hác, đôi mắt hõm sâu thâm quầng của bà có thể hiểu được phần nào nỗi đau chất chồng mà những ngày qua bà đã phải cắn răng chịu đựng.
Bà Lựu tâm sự: “Nhiều đêm tôi không thể nào chợp mắt được, nhắm mắt lại là hình ảnh của ông nhà tôi lại hiện về. Nghĩ đến cái chết thảm thương của ông ấy mà tôi lại ứa nước mắt. Giận con xong rồi cũng lại thương nó, cũng chỉ vì bệnh tật nên nó mới có hành động dại dột mất hết tính người như vậy”.
Vợ chồng bà sinh hạ được 5 người con, Đặng Văn Thắng là con thứ 3 trong nhà. Gia cảnh nghèo túng, năm 15 tuổi, Thắng đã bươn chải vào Nam làm kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi em ăn học. Lao động vất vả trên đất khách quê người, Thắng hay đau ốm, nhất là bị chứng nhức đầu thường xuyên hành hạ.
Bố mẹ ở xa, chỉ biết khuyên con nên đi khám, nhưng lo tốn kém, Thắng chỉ mua thuốc về uống. Cuộc sống của các Thắng cũng bị đói nghèo bám riết, làm đầu tắt mặt tối với ruộng nương cũng chẳng dư dả gì.
Khoảng 4 năm trước, em gái của Thắng bị chó dại cắn rồi mất, dù mang bệnh trong người nhưng Thắng vẫn lặn lội về chịu tang em. Ngày ngày, Thắng ngồi bên mộ em than khóc, từ người hay nói hay cười, Thắng ít nói hẳn, rồi đổ bệnh rối loạn tâm thần dẫn đến trầm cảm.
Chạy chữa được 2 năm, bệnh tình thuyên giảm, Thắng xin cha mẹ đi bốc vác ở TP Yên Bái kiếm tiền giúp cha mẹ trang trải nợ nần. Nhưng cũng chỉ được vài tháng yên ổn, cái tin Thắng bị tai nạn như sét đánh ngang tai ông bà Thới. Bị chấn thương ở đầu, Thắng phát bệnh “tâm thần” trở lại.
Có bao nhiêu của nả trong nhà, ông bà Thới bán sạch chạy chữa cho con nhưng bệnh tình của Thắng không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Cũng từ đấy, cuộc sống của gia đình ông bà rơi vào bi kịch đẫm nước mắt.
Tái bệnh, cả ngày Thắng ở lì trong nhà. Chỉ chờ bóng cha mẹ đi khỏi, là đứa con “biêng biêng” lại hí hoáy mở đĩa phim “mát” ra xem. Bố mẹ bắt gặp, có đánh chửi, vứt đĩa đi thì chỉ vài hôm, Thắng lại mang về nhà cả tệp đĩa, và hắn “hành sự” kín đáo hơn.
Bị ám ảnh bởi những thước phim đen, đầu óc vốn không bình thường đã biến Thắng thành kẻ “dâm tà”. Bà Lựu không nhớ nổi bao nhiêu lần Thắng xin phép bố cho được ngủ chung với mẹ, và đều bị vợ chồng bà mắng chửi.
Trớ trêu hơn có lần thấy mẹ vừa đi làm về, Thắng liền sấn đến. Lần đó, bị mẹ tát và mắng, Thắng lại càng sấn sổ vồ lấy mẹ khiến bà Lựu phải hét toáng lên kêu cứu. Nghe tiếng kêu, người em trai của Thắng chạy đến giằng co giải cứu cho mẹ, liền bị Thắng vác dao truy sát chạy quanh làng.
Biết chuyện nghịch lý, ông Thới bực tức đe con: “Mày còn thế, tao sẽ giết mày”. Những lời nói dọa nạt của bố, vào tai kẻ có “đầu óc không bình thường” như Thắng được hắn coi đó là thật. Ý nghĩ giết chóc, đổ máu cứ thế ngự tri trong cái đầu “biêng biêng” của hắn. Và cũng từ đấy, bi kịch đau lòng đã xảy ra…
- Phú Lãm