Giết chồng nhưng vẫn được mẹ chồng tha thứ

( PHUNUTODAY ) - Bà nhìn thẳng vào tôi nói: “Con dâu mẹ có lỗi. Con trai mẹ cũng có lỗi. Nó phải trả giá bằng cái chết. Còn con nhất định phải đi tù, không tránh được đâu. Nhưng mẹ mong con sẽ sớm trở về để thay chồng nuôi con”.

Đến bây giờ tôi vẫn ngơ ngác khi nhớ đến tội lỗi của mình. Là phụ nữ dân tộc hiền lành, cả đời chẳng đi đâu quá xa khỏi bản, tôi chẳng bao giờ ngờ có một ngày mình lại phải bước chân vào tù, với cái án tày trời: “Giết chồng”.

[links()]

Mọi tội lỗi và đau đớn của tôi ngày hôm nay, chỉ bởi sự thiếu kiềm chế trong tích tắc. Con gái tôi không tha thứ cho tôi. Con trai tôi không nhìn mặt tôi. Mỗi ngày trôi qua trong tù là mỗi ngày tôi phải đối mặt với sự ân hận dày vò.

Nhưng sau tất cả, tôi vẫn nghĩ mình là người may mắn, vì mẹ chồng tôi, người lẽ ra phải oán giận tôi nhất lại tha thứ cho tôi và sẵn sàng mở rộng vòng tay đón tôi trở về.

Quê tôi ở một xã vùng cao của huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. 40 tuổi đời, nhưng thế giới của tôi chỉ gói gọn quanh những người hàng xóm nghèo khó, quanh những con đường mòn nhỏ dọc ngang trong bản, quanh những nương ngô nương sắn, nơi mà mấy chục năm nay tôi vẫn cặm cụi, lầm lũi để nuôi chồng nuôi con.

Đến lúc bước qua cánh cửa trại giam, tôi vẫn cứ tưởng mình bị tòa tuyên 9 năm tù là sẽ phải đi 9 năm tù. Vào đây, tất cả những hiểu biết pháp luật của tôi, từ việc giảm án là gì, đặc xá là gì, điều kiện để được giảm án và đặc xá là như thế nào, đều do các cán bộ trại bảo ban, giúp đỡ.

Phạm nhân Vi Thị Chanh
Phạm nhân Vi Thị Chanh

Tôi là con gái Tày, nên theo phong tục của dân tộc tôi khi đó, 17 tuổi tôi đã bước về nhà chồng, vừa làm vợ, vừa làm mẹ, làm dâu. Hai vợ chồng tôi sống với bố mẹ chồng, nhưng suốt 20 năm làm dâu, tôi chưa một lần ngồi ăn cùng mâm với chồng và bố chồng.

Bố chồng tôi và chồng tôi đều là người gia trưởng. Bữa nào cũng như bữa nào, tôi đều phải dọn một mâm riêng, chọn những thứ ngon nhất để họ ăn trên nhà. Tôi, mẹ chồng và hai đứa con ăn dưới bếp, mâm cơm lúc nào cũng lạt lẽo, hẩm hiu hơn.

Những người bạn trong tù nghe tôi kể lại chuyện này không ai tin, vì họ bảo đây là thời đại nào rồi mà còn thế. Nhưng trước đây, tôi chưa bao giờ cảm thấy đó là một điều buồn lòng. Phụ nữ quê tôi đều thế. Đến mẹ chồng tôi, đã làm dâu 50 năm, cũng chưa một lần có cái may mắn đấy.

Mẹ chồng tôi bảo để có được một gia đình êm ấm, điều khắc cốt ghi tâm là phải biết hi sinh, hi sinh và hi sinh. Đừng kêu ca, chỉ biết cúi đầu mà làm, cúi đầu mà nghe chồng sai khiến.

Tôi đã làm theo lời mẹ 20 năm ròng, đã hi sinh 20 năm ròng, phút nào giây nào cũng dặn lòng mình phải tuyệt đối nghe lời chồng vô điều kiện. Nhưng chỉ một phút quên đi lời dạy đó, tôi đã gây ra tai họa, làm liên lụy đến bao người xung quanh.

Là người đàn ông gia trưởng, nên bao nhiêu công việc nương rẫy, vườn tược, lợn gà, chồng tôi đều giao hết cho tôi. Làm việc quần quật trên nương từ sáng đến tối, về nhà là vội vàng lo cơm nước, rồi cám lợn, cám gà, nhưng đều đặn một tuần hai lần, cứ mỗi khi chồng tôi say rượu, anh ta lại lôi tôi ra đánh đập hành hạ.

Chồng tôi thường để một con dao đi rừng ở đầu giường. Cứ mỗi lần không vừa ý cái gì, thì kể là đang giữa đêm khuya, anh ta cũng dựng tôi dậy, túm tóc tôi, dí dao vào cổ tôi, miệng không ngừng gào thét: Tao sẽ giết chết mày.

Có lần, anh ta ghì đầu tôi lên bàn uống nước, dùng dao chặt phăng mái tóc của tôi. 1 tiếng đồng hồ trôi đi, mà toàn thân tôi vẫn tê dại. Tôi cứ tưởng đâu cái đầu mình lúc đó đã vĩnh viễn lìa khỏi thân.

20 năm sống với chồng tôi, trên người tôi không chỗ nào là không có sẹo, không tuần nào là cơ thể tôi không bầm tím. Đó là hậu quả của những trận đòn đau, những cơn giận vô cớ, những cái đạp, những cú đá, những roi vọt mà mỗi lần say rượu hay có gì đó không vừa lòng, anh ta lại trút lên tôi.

Hàng xóm, anh chị em trong nhà nhìn thấy những vết bầm đó quen mắt đến nỗi, dần dà họ cũng không hỏi tôi nguyên nhân của những vết thương đó. Còn tôi, đã có lúc tôi quen thuộc với những đau đớn, dằn vặt về thể xác đó đến không còn cảm giác đau đớn, sợ hãi.

Tôi bình thản đón nhận những trận đòn đó, từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm kia. Ban ngày tôi đi làm nương, làm rẫy kiếm cái ăn cho cả gia đình. Tối đến tôi lầm lũi với cơm nước, lợn gà. Tôi vẫn chăm sóc hai đứa con, vẫn phục vụ chồng mỗi khi anh ta có nhu cầu.

Còn chồng tôi vẫn ngày ngày ngồi rít thuốc lào, uống nước chè, rồi nhậu nhẹt xay xỉn, rồi chửi bới, đánh đập…Bao nhiêu năm nay, hai vợ chồng tôi đã quen như thế, mỗi người một việc. 20 năm, tôi chưa một lần cãi chồng…

Tối ngày 2/1/2009, tôi giết chồng, bằng con dao thái rau lợn, trước ánh mắt bàng hoàng của đứa con trai. Cuộc đời tôi đã thay đổi chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Ngày hôm đó, cậu em họ tôi lấy vợ. Cậu ấy nhờ tôi đi cùng đoàn người đi đón dâu rồi về đám cưới phục vụ nước cho khách.

Cậu ấy vẫn mời chồng tôi đến ăn cỗ, nhưng không nhờ anh ấy tiếp khách. Vì cậu biết, chồng tôi hay nhậu nhẹt, xay xỉn và chửi bới người khác. Chỉ có thế thôi mà chồng tôi tự ái, anh ta cho rằng gia đình nhà tôi khinh anh ta.

Anh ta không những không đến ăn cưới, mà còn nhất quyết không đưa tiền mừng cưới cho tôi. Đến lúc tiệc cưới tan, tôi về nhà, thì anh ta đã chìm ngập trong men rượu. Anh ta chửi bới, la hét. Cái này tôi đã quen. Nhưng lần này anh ta còn lôi bố mẹ tôi ra xúc phạm, miệt thị.

Tôi vừa băm rau lợn vừa khóc, nghĩ phận đàn bà tủi nhục, không may lấy phải tấm chồng không ra gì thì đành ngậm đắng nuốt cay. Chưa dừng lại ở đó, anh ta mang con dao làm bếp trong nhà ra, túm tóc tôi giật ngược lên rồi dí dao vào cổ tôi.

Lúc đó, nhìn trong mắt anh ta, tôi chỉ thấy sự điên cuồng của một con ác thú. Thế là, với con dao trong tay, tôi đâm anh ta. Chỉ một nhát dao thôi, nhưng chồng tôi chết. Bao nhiêu tủi hờn của 20 năm chất chồng, bao nhiêu đau đớn, cay đắng, bao nhiêu nhẫn nhục, hình như tôi đã trút hết vào nhát dao đó.

Ngay lúc rút dao ra, tôi đã biết là chồng mình chết. Đứa con trai tôi đang đứng đó lặng người đi bảo trời ơi, mẹ giết bố mất rồi. Trong lúc anh chị em trong nhà, hàng xóm chạy đến, xúm lại đưa chồng tôi đi cấp cứu, thì tôi cứ đứng đó như trời chồng, tay cầm con dao đầy máu, mặt ngơ ngẩn.

Tôi không biết mình nên khóc hay nên cười, càng không biết phải đối mặt với mẹ chồng tôi như thế nào. Chỉ sau đó vài tiếng đồng hồ, công an vào bắt tôi đi.

Những ngày bị giam chờ xét xử, tôi khóc cạn nước mắt, vừa đau đớn, vừa sợ hãi. Không phải vì sợ đối mặt với sự trừng trị của pháp luật, mà là sợ đối mặt với người mẹ chồng hiền lành, lúc nào cũng yêu thương tôi như con ruột.

Nhưng điều tôi không ngờ là mẹ chồng tôi là người đầu tiên gửi quà vào tiếp tế cho tôi, cũng là người xin giảm án cho tôi trong phiên tòa, và là người đầu tiên đến trại giam thăm tôi. Trước tòa, với tư cách là mẹ bị hại, tức chồng tôi, nhưng khi được tòa hỏi, mẹ chỉ một mực xin giảm án cho tôi.

Bà bảo tôi đã làm con dâu bà 20 năm, và bà đã coi tôi như con đẻ. Bà kể từ chuyện tôi là một cô con dâu ngoan như thế nào đến chuyện tôi đã vất vả, nhẫn nhịn chồng ra sao. Bà nói bà mất đứa con trai, đau đớn nghìn phần nên bà không thể không trách tôi.

Nhưng đứng trên cương vị một người phụ nữ, với tất cả những chuyện đã xảy ra, bà tha thứ cho tôi, vì bà biết tôi đã làm chuyện đó trong một phút thiếu tỉnh táo, thiếu kiềm chế và hoàn toàn bị dồn vào chân tường.

Câu cuối cùng, bà nhìn thẳng vào tôi nói: “Con dâu mẹ có lỗi. Con trai mẹ cũng có lỗi. Nó phải trả giá bằng cái chết. Còn con nhất định phải đi tù, không tránh được đâu. Nhưng mẹ mong con sẽ sớm trở về để thay chồng nuôi con”. Tôi đã sụp xuống dưới vành móng ngựa, khóc nức nở khi nghe những lời lẽ chân tình tha thiết đó.

Tôi có hai con, một trai một gái. Và đến giờ hai đứa con tôi rứt ruột đẻ ra vẫn chưa thể tha thứ cho tôi. Từ lúc tôi bị bắt giam đến lúc chị vào đây cải tạo, các con tôi chưa hề gửi cho tôi một dòng thư. Tôi không trách con, vì tôi biết tội của tôi gây ra nghiêm trọng đến mức nào.

Con tôi hận tôi vì đã buộc nó phải chứng kiến cảnh mẹ nó giết bố nó. Nó hận tôi vì đã khiến nó thành kẻ mồ côi cha. Nhưng tôi vẫn hi vọng, một ngày nào đó, khi thời gian đã đủ lâu, vết thương đó sẽ liền sẹo, những đứa con bé bỏng của tôi sẽ tha thứ cho lỗi lầm của mẹ chúng.

Niềm hi vọng của tôi, niềm an ủi của tôi, nguồn động viên khiến tôi đủ can đảm sống tiếp, để trả giá và tìm cơ hội làm lại, đó là người mẹ chồng già nua nhưng vị tha.

Mẹ tôi lên thăm nuôi tôi, và bà khóc. Bà bảo là người mẹ, bà khó lòng tha thứ cho tôi. Nhưng là người phụ nữ thì bà hiểu, bà thông cảm và thương xót cho cuộc đời tôi.

Bà dặn tôi yên tâm cải tạo để sớm được hưởng khoan hồng rồi bà về, bà không hứa sẽ quay lại thăm tôi lần nữa. Nhưng tôi biết bà tha thứ. Với tôi, đó là sự ân xá lớn nhất.

  • Ghi theo lời kể của phạm nhân Vi Thị Chanh, trại giam Quyết Tiến
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn