Bảo vệ người tiêu dùng) - Chỉ với căn phòng rộng 20m2, nồi nước dùng để chan cho bún cá “thối”, bún riêu “râu tôm”, cô T đã có thể đút túi gần 60 triệu đồng/tháng.
[links()]
Bún cá “thối”, bún riêu “râu tôm”
Là bà chủ của một hàng ăn sáng chỉ rộng khoảng 20m2 trong một ngõ ở phố Minh Khai, cô T luôn tất bật với công việc tưởng chừng thu về rất ít lãi của mình. Mặt hàng cô bán chính là bún cá, bún riêu cua và bún ốc.
Quan sát bằng mắt thường, thành phẩm trong quán cô T khá bắt mắt. Bên cạnh cá rán, đậu rán, riêu cua để ăn với bún là nồi nước dùng ánh đỏ với những miếng cà chua chín mọng mang đến cảm giác ngon mắt. Tuy nhiên, nếu biết quá trình chế biến món ăn khoái khẩu này, nhiều thực khách tại khu vực Minh Khai sẽ giật mình.
Thực phẩm hầu hết đều được mua ở chợ Gốc Đề. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận, cô T không mua cá tươi ngon mà mua cá chết. Cá chết cũng có nhiều loại. Có loại mới chết, có loại cá chết lâu đã bốc mùi. Chợ Gốc Đề là chợ tạm khá nhỏ nên chất lượng cá mà cô T mua về phục vụ khách hàng hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ ế ẩm của lái buôn cá.
Cá được rán trong chảo cáu bẩn với mỡ nổi đầy váng vàng đậm |
Theo phản ánh một số tiểu thương ở chợ Gốc Đề, hầu hết số cá mà cô T mua đều là cá đã bốc mùi.
Không chỉ có vậy, trước khi đưa vào chế biến, cô T đã sử dụng một loại bột màu trắng để “giã mùi”. Chính vì vậy, khi lên thành phẩm, khách hàng hầu như không cảm nhận được vị tanh thối của cá. Điều duy nhất có thể giúp khách hàng nhận ra chính là khi bị “tào tháo đuổi”.
Theo dõi quá trình chế biến cá của cô T, PV còn phát hiện thêm loại dầu ăn mà cô T rán cá và đậu chính là loại dầu ăn bẩn đã được báo chí đề cập. Đậu và cá được rán trong một chảo dầu vàng đậm, nổi rất nhiều bọt. Nhiều khi, cá quá thối, cô T phải rán cá tới mức giòn tan để khách hàng khi ăn không cảm nhận được miếng cá nát bấy.
Tuy nhiên, khi quá trình chế biến kết thúc, khách hàng nhận được bát bún với những miếng cá săn chắc và nước dùng nhiều màu sắc bắt mắt.
Trong 3 món bún của cô T, chỉ có món bún ốc là “lành” nhất khi không bị pha chế thêm phụ gia nào. Còn bún riêu dù không dùng thực phẩm bẩn nhưng cô T chỉ mua khoảng 3 lạng cua để nấu hàng chục bát bún. Phần còn lại, cô T đi xin râu tôm, càng tôm mà các hàng thủy sản vứt đi rồi mang về giã, lọc và biến thành riêu cua.
Gạch cua cũng không được “nguyên chất”. Lượng gạch thì ít mà lượng đậu “chưng” thì nhiều. Chỉ cần mua vài miếng đậu, cô T dầm nát rồi trộn với nước màu và gạch cua thật. Thế là có bát gạch cua đầy hấp dẫn cho hàng chục thực khách chỉ với đúng 3 lạng cua.
Lãi gần 60 triệu đồng/tháng
Với giá chỉ từ 12.000 đồng tới 20.000 đồng một bát khá đầy đặn, quán bún của cô T thu hút được lượng khách khá lớn. Người cung cấp bún cho cô T tiết lộ mỗi ngày cô tiêu thụ được 40kg bún. Mỗi kg bún “bốc” được từ 5 tới 7 bát, tùy thuộc khách nam hay nữ.
Vị chi, một ngày cô bán được gần 300 bát bún. Theo tính toán, mỗi bát, cô T lãi khoảng 7.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày cô T lãi khoảng 2 triệu đồng và mỗi tháng lãi khoảng 60 triệu đồng.
Đó chỉ là khoãn lãi từ bún. Bên cạnh bún, cô T còn bán kèm trà đá, nhân trần. Cô T khoe chỉ riêng tiền bán trà đá, cô đã lãi khoảng 300.000 đồng một ngày trên số vốn chỉ khoảng 20.000 đồng.
Trong “làng” bún cá, cô T chỉ là “cò con”. Người cung cấp cá thối cho cô T tiết lộ khách hàng quen của chị còn có một chủ quán bún bán trên đường Tạ Quang Bửu có tên H. Chị H không chỉ phục vụ bún nước mà còn cả bún, miến trộn.
Vì nằm trên con đường “đắc địa”, nơi tập trung nhiều sinh viên và dân công sở, quán chị H khá đông khách mặc dù phải cạnh tranh với rất nhiều hàng ăn khác xung quanh. Giá cả ở đây dù bình dân nhưng cũng phải lên tới 20.000 đồng/bát.
Khó có thể tính toán được lợi nhuận của chị H nhưng người cung cấp cá cho cô T và chị H tiết lộ lượng tiêu thụ cá của chị H cao gấp 3 lần cô T. Như vậy, chỉ với đồng vốn khá khiêm tốn, chị H dễ dàng thu về được khoản lợi nhuận hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng một tháng.
Sức khỏe khách hàng bị bỏ quên
Dù được chế biến bằng râu tôm nhưng món bún riêu vẫn khá “lành”. Chỉ có món bún cá mới ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, hóa chất độc hại chỉ ngấm dần vào cơ thể chứ không phát tác ngay.
Thỉnh thoảng cá chết quá lâu, cô T phải dùng quá nhiều hóa chất nên không ít khách hàng đau bụng, đi ngoài. Chị Thủy, một khách hàng gần đó cho biết chị đã 2 lần phải uống thuốc tiêu chảy.
Tuy nhiên, khi lên thành phẩm, bát bún cá lại ngon mắt và hấp dẫn như thế này |
Vì quán ăn nằm gần trong ngõ nên khách hàng của cô T hầu hết là bà con lối xóm. Không ít người vô tình chứng kiến cảnh chế biến thức ăn “bẩn” và lên tiếng phản đối. Cô T phân trần với lý do thỉnh thoảng hết hàng nên mới phải mua cá kém chất lượng. Cô hứa sẽ lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, chị “lái cá” ở chợ Gốc Đề khẳng định cô T vẫn thường xuyên lấy hàng của mình.
Nhưng điều đáng nói ở đây, không chỉ người bán hàng mà cả thực khách cũng coi thường sức khỏe của mình. Dù đã 2 lần đi ngoài vì ăn bún cá "thối" nhưng chị Thủy vẫn tiếp tục ăn với lý do “ngon miệng và giá rẻ”. Chừng nào khách hàng còn lờ đi vệ sinh an toàn thực phẩm thì chừng đó thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục hoành hành.
- Theo VTC