Hà Nội: Dậy từ nửa đêm đi chữa hiếm muộn

11:48, Thứ sáu 28/09/2012

( PHUNUTODAY ) - 4h sáng, bất kể thời tiết nắng mưa, nóng lạnh, trước cửa một căn nhà ở làng Phú Mỹ (Hà Nội) luôn có những người đứng, ngồi vạ vật bên đường chờ trời sáng chờ đến giờ khám chữa vô sinh.

Đời sống) - Cứ vào khoảng 3-4h sáng, bất kể thời tiết nắng mưa, nóng lạnh, trước cửa một căn nhà ở làng Phú Mỹ, Mỹ Đình (Hà Nội) luôn có những người đứng, ngồi vạ vật bên đường chờ trời sáng. Đằng sau cánh cửa này là hy vọng của họ - phòng khám của một bác sĩ chữa vô sinh.

Nửa đêm xếp hàng chữa vô sinh
 
Chuyện 3 - 4 giờ sáng tới xếp hàng bên ngoài cổng nhà một bà lang ở Mỹ Đình (Hà Nội) để chữa hiếm muộn có lẽ nghe lạ tai với nhiều người. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh những cặp vợ chồng bao năm qua đã phải kiên trì gồng mình “đi tìm con” thì việc nửa đêm gà gáy tới đây khám sẽ chẳng có gì quản ngại. Bởi dường như nó đang đem tới cho họ rất nhiều hy vọng!
 
Theo lời chị em truyền tai nhau, bà lang nổi tiếng “cao tay” chữa chứng tắc vòi trứng và sinh lý yếu ở phụ nữ. Đa phần các chị em đến chữa trị đều được bà dựa theo kết quả khám Tây y của họ trước đó để bắt mạch rồi bốc thuốc.
 
Chị Hoàng Thị Thanh (sinh năm 85, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Nhiều người trong Nam, ngoài Bắc, ở tận nước ngoài cũng tới nhà bà chữa hiếm muộn đấy.May mà biết tới xếp hàng sớm chứ có người ở xa, tới muộn không còn số là phải quay về chờ tới hôm sau”.
 
Sự mệt mỏi bởi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, tới đây ngồi vật vạ trên xe máy, bên vỉa hè hiện rõ trên khuôn mặt chị, nhưng niềm hi vọng vẫn toát ra trong ánh mắt, trong từng lời chị nói.
 
Trong hành trình "kiếm" con, nhiều người phải đi từ đêm, vượt hàng trăm cây số để có số khám bệnh.
 
Gồng mình kiên trì theo những hi vọng nhỏ nhoi
 
Một người đàn ông tham gia xếp hàng chia sẻ câu chuyện của mình. Vợ chồng anh cưới nhau từ đầu năm 2007, tới nay vẫn mỏi mòn chờ tin vui. Hai vợ chồng anh đôn đáo “vái tứ phương” chữa trị hiếm muộn. Anh chị tới chữa tại nhà bà lang này từ tháng 7/2011, khoảng 3 tuần lại tới khám một lần.
 
“Vợ dao động nhiều. Cô ấy nản chí. Đặc biệt tôi lại là con cả. Tôi biết áp lực đặt lên vợ rất khủng khiếp. Vì vậy, tôi cố gắng tránh những dịp cỗ bàn, tết nhất để vợ không phải tiếp xúc với họ hàng bên nhà tôi”.
 
Ba tháng trở lại đây, vợ có vẻ mệt mỏi. Vợ muốn xin con nuôi nhưng tôi không muốn. Tôi không để cho cô ấy đi xếp hàng đêm nữa. Cứ tới lịch khám, tôi tới đây xếp hàng lấy số trước. Bao giờ sắp tới lượt khám, sẽ gọi vợ tới sau. Tôi chỉ muốn cô ấy vững tin, đừng bao giờ bỏ cuộc”.
 
Có lẽ không khó bắt gặp những câu chuyện như trên trong xã hội ngày nay. Bởi có không ít cặp vợ chồng son vẫn đang gồng mình bước từng bước trên hành trình sinh được một mụn con.
 
Những người đến khám ở đây không chỉ là người dân ở khu vực xung quanh, mà rất nhiều người từ các tỉnh khác. Có những người ở xa đến muộn không lấy được số phải thuê trọ ở nhà nghỉ gần đó để sáng mai dậy từ nửa đêm canh ba tranh số.
 
Vợ chồng chị Hoa, 39 tuổi, ở Thạch Kha, Hà Tĩnh. Cứ vài tháng một lần trong 8 năm qua, anh chị lại ra địa chỉ này bốc thuốc.
 
"Khoảng 8, 9h tối, vợ chồng tôi bắt xe từ Hà Tĩnh, ra bến xe Mỹ Đình khoảng hơn 5h sáng. Nếu đi bộ từ đó vào đây cũng chưa đầy 10 phút nhưng sợ không còn số khám nên chúng tôi thuê một anh xe ôm chạy ù vào. Vội vàng thế mà có lần còn không được khám", chị Hoa kể.
 
Mỗi lần đi họ ở cả tuần, vừa uống thuốc, vừa đến viện siêu âm. Sau đó lại trở về nhà và chờ đợi. "Nhiều người khuyên nhận con nuôi nhưng tôi không muốn. Vợ chồng tôi vẫn quyết chữa đến khi nào không thể đi chữa nữa mới dừng lại. Lần này, tôi hy vọng lắm", chị cười mà như tự an ủi mình.
 
Gần 5h30, tờ giấy ghi số khám bệnh đã sang đến mặt thứ 4, lên hơn 70 người nhưng vẫn còn người kéo đến. Đúng 6h sáng cánh cửa căn nhà mở ra, đám đông nháo nhác ùa lại, đưa tờ giấy, hồi hộp nghe điểm danh. 40 người đầu được đăng ký vào khám, số còn lại chán nản ra về. Những người đăng ký được tản mác đi ăn sáng, thể dục, lại chờ thêm hơn một tiếng nữa mới được gặp bác sĩ.
 
Trời sáng rõ, những người đi kiếm con đổ đến cổng nhà bác sĩ để được ghi số chính thức.
 
Sự chờ đợi không chỉ ở một nơi
 
Cùng thời điểm này, vài người cũng đã đến hàng ghế chờ ở khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đa phần họ là người ngoại tỉnh. Chị Hòa (Hà Nam) cho biết: "Vợ chồng tôi phải xin phép cơ quan nghỉ một ngày, đi từ 2h sáng ra đây. Chứ nhiều lần đi muộn cứ kéo dài ngày nọ sang ngày kia vất vả lắm".
 
Tương tự, tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chưa đến 6h sáng mà người khám đã nghẹt hành lang phòng ghi số khám bệnh. Tại phòng khám dịch vụ 56 Hai Bà Trưng, đồng hồ mới điểm 6h20 đã có gần 100 người, phải xếp thành hàng dài. Trong số họ, không ít người lặn lội từ nửa đêm tới đây để kiếm con.
 
Thật xót xa cho những cặp vợ chồng hiếm muộn đang sống với nhũng hi vọng lụi đi từng ngày. "Ông trời quả thực chẳng chiều lòng người, ai “khó” thì nhọc công đi tìm, người “dễ” thì lại đang tâm vứt bỏ".
  • Lê Nguyễn (Tổng hợp từ VNE, TTN)

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc