Hà Nội: Nữ thẩm phán bị tạt axít kiên cường đứng dậy(I)

( PHUNUTODAY ) - Tai nạn ấy đã cướp đi của chị tất cả, một khuôn mặt bình thường để chị tự tin bước ra ngoài xã hội, một sự giao tiếp thông thường và hơn tất thảy là chính nó đã cướp đi những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời chị...

(Phunutoday) - Tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ ở phố Đội Cấn (Hà Nội) của nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan trong một buổi chiều Hà Nội chớm thu se lạnh. Khác với suy nghĩ ban đầu, cuộc trò chuyện giữa tôi với chị cũng như các thành viên trong ngôi nhà hạnh phúc ấy diễn ra khá thân tình, ấm áp và thực sự gần gũi. Biến cố cuộc đời người phụ nữ xinh đẹp này xảy ra cách đây đã 6 năm từ thẩm phán tòa dân sự của TAND quận Đống Đa, oái ăm thay, có ngày chính chị lại phải bước ra tòa và trở thành người bị hại trong một vụ án hình sự.

 Từ bấy đến nay, chị đã ngót cả trăm lần ngồi trên các chuyến bay đi ra nước ngoài để chữa trị. Qua 39 lần phẫu thuật thẩm mỹ, gương mặt bị biến dạng của chị đã phần nào lấy lại được nét duyên xưa cũ. Cảm phục hơn cả, sau nghị lực ấy, tình yêu thương của người chồng thủy chung và hai đứa con hiếu thảo đã làm nên sức mạnh gia đình, giúp chị bước qua nỗi đau số phận để đứng dậy và tiếp tục cống hiến.

 
Chị xuất thân trong một gia đình khá đông anh chị em, các anh chị và em của chị bây giờ cũng đã yên bề gia thất. Mỗi người có một cuộc sống riêng và chị cũng vậy. Cuộc sống của chị cứ bình dị trôi đi theo nhịp thời gian cùng với chồng và hai đứa con trong căn nhà nhỏ ở phố Đội Cấn.
 
Sẽ không có những cuộc trò chuyện kéo dài đầy thương cảm của anh chị em từ gần đến xa, của bạn bè, đồng nghiệp và có lúc chỉ là lời an ủi động viên của những người xa lạ nếu như không có cái ngày định mệnh ấy, cái ngày oan nghiệt đã tạm đẩy chị vào sâu phía trong thế giới, tạm lánh xa cái không gian ồn ào của phố thị để bắt đầu tập dượt một cuộc sống tưởng có lúc chị không thể tiếp tục vì thương chồng, thương con vất vả vì mình.
 
 Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan sau khi đã trải qua 39 ca phẫu thuật
 Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan sau khi đã trải qua 39 ca phẫu thuật
Tai nạn ấy đã cướp đi của chị tất cả, một khuôn mặt bình thường để chị tự tin bước ra ngoài xã hội, một sự giao tiếp thông thường và hơn tất thảy là chính nó đã cướp đi những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời chị, đẩy những người thân yêu nhất của chị, chồng và các con chị trong cuộc vật lộn đầy gian nan để có chị như ngày hôm nay. Chính sự vươn lên của chị, chính ý chí quyết tâm của chị đã khiến tôi hơn một lần bật khóc.
Ngày định mệnh của nữ thẩm phán tài ba
 
Đó là ngày 25/7/2005, một ngày oan nghiệt đã cướp đi tất cả những gì đẹp đẽ nhất đang hiện hữu trên gương mặt và thân thể chị. Hôm ấy, như thường lệ chị đi làm, nhưng vừa ra đến cổng mới quay đầu xe đã bị hắt cả lọ axít vào mặt, đau đớn, chị cảm nhận được âm thanh da cháy xèo xèo và bỏng rát. Toàn bộ vùng mặt, tay và ngực đều bị axít chảy xuống, cháy mạnh, chị kêu cứu. Lúc ấy, mấy người hàng xóm gọi anh Nguyễn Văn Điệp chồng chị, bảo “Hình như vợ anh bị tạt axít”, anh chạy vội ra, tay cầm mấy xô nước đổ vào người vợ rồi đưa chị đi cấp cứu.
 
Lúc ấy, chị xác định mình bị trả thù về chuyện xử án bởi trong cuộc sống chị chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với ai để bị trả thù đến mức ấy. Chị là trường hợp đầu tiên của Việt Nam trong ngành tòa án bị trả thù nên một thời gian dài liên ngành có họp liên tục và mấy tuần sau đã bắt được hung thủ. Thì ra, chỉ vì chị bác đơn trong vụ tranh chấp đất đai (vì không đủ bằng chứng) mà hắn đã trả thù chị dã man như thế.
 
Do bức xúc với kết quả xét xử của TAND quận Đống Đa về vụ án dân sự tranh chấp đất đai do mình được uỷ quyền thay nguyên đơn, Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Thành An đã chủ mưu tạt axít thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan. Dũng đã thuê nhân viên cũ của mình là Phạm Ngọc Hải (tức Hải ’’đen’’), sinh năm 1972, trú tại xóm Ghềnh Gà, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tạt axít vào người chị Loan lúc 7h 45 sáng 25/7. Nguyễn Tiến Dũng bị bắt ngay sau đó tại Hà Nội, còn Phạm Ngọc Hải sau khi gây án đã được Nguyễn Tiến Dũng bố trí cho bỏ trốn lên các tỉnh vùng cao phía Bắc.
 
Sau nhiều ngày lẩn trốn, Phạm Ngọc Hải đã ra đầu thú. Được biết, trước thời điểm bị tạt axít một tháng, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan đã từng bị một đối tượng ném đá gây thương tích nhẹ.
 
Sau tai nạn, nhiều người nghi hoặc có vấn đề trong vụ án này, cũng có người nghĩ hung thủ bị xử oan nhưng theo kết luận từ cơ quan điều tra cũng như lời khai của hung thủ thì vụ kiện tranh chấp trên, chị không hề xử oan, đối tượng bị xử thua do không có đủ chứng cứ thuyết phục và hơn thế nữa, hắn chỉ là một người được ủy quyền cho hai gia đình khác tranh chấp, hắn ảo tưởng về cái sự dẻo miệng của mình và tự tin vào bản thân sẽ thắng nhưng bị xử thua nên cay cú và làm như vậy.
 
Hung thủ sau đó lĩnh án 14 năm tù giam và bồi thường 350 triệu đồng cho nạn nhân nhưng số tiền ấy thấm vào đâu so với khoản tiền gần hai tỷ đồng gia đình chị bỏ ra chạy chữa cho chị cũng như những tổn thất về tinh thần mà chị phải chịu đựng suốt mấy năm qua.
 
Sinh nghề tử nghiệp
 
Chị Kim Loan về công tác ở TAND quận Đống Đa từ năm 1991, nếu tính cho đến khi chị bị tai nạn là 14 năm (năm 2005), bằng số tuổi của con trai chị bây giờ. Theo lời các đồng nghiệp nhận xét thì trong ngần ấy năm công tác, chị làm việc công minh, đúng luật, không thiên vị ai, từ những vụ ly hôn cho đến tranh chấp đất đai, chị luôn lấy đạo đức làm trọng. Trong quá trình làm việc, chị không ngừng học tiếp để nâng cao kiến thức nghề nghiệp.
 
Trước đó, vào ngày 1/6/2005 chị và một số đồng nghiệp khác vẫn đang tham gia tập văn nghệ, bức ảnh chụp lúc đó chị mặc áo dài đỏ, khuôn mặt trắng mịn màng và một nụ cười tươi. Sau hội diễn, chị được cử đi học lớp tin học văn phòng dành cho các thẩm phán nhưng đã phải tạm ngưng vì chưa đầy tháng sau chị bị tai nạn. Theo lời một nhân viên từng tham gia điều trị cho chị ở Viện bỏng Quốc gia lúc bấy giờ thì: “Việc nói năng của chị Loan rất khó vì máu luôn tứa từ miệng ra, phần lớn gương mặt bị bỏng cháy đen, 2 mắt bỏng nhẹ nhưng không nhắm lại được, vùng da mặt bỏng sâu, cổ, ngực, bụng và tay bỏng độ 3”.
 
Sau khi được sơ cứu, điều trị ban đầu, chị Nguyễn Thị Kim Loan đã có thể đi lại được và sau đó được phẫu thuật bóc bỏ lớp da bị bỏng axít để vá một lớp da lành được lấy từ phần khác của cơ thể chị. Sau hơn một tháng nằm viện, những người thân cho các con chị vào thăm mẹ, cô con gái hơn hai tuổi của chị nhất định không chịu gọi mẹ, cháu luôn miệng bảo rằng: “Đấy không phải là mẹ” và cứ đòi ra ngoài, nghe thấy thế chị đau lòng lắm. Chị luôn miệng gọi con, chị gọi đến mấy tiếng, con bé mới nhận ra giọng nói của mẹ, cháu quay lại ôm mẹ và khóc.
 
Lúc ấy, tất cả mọi người có mặt trong phòng đều không cầm được nước mắt. Còn cậu con trai vừa tròn 11 tuổi, nhìn thấy khuôn mặt mẹ biến dạng như thế, cu cậu rất thương mẹ nhưng chỉ biết đứng bên cạnh giường nhìn mẹ và khóc.
 
Quá trình điều trị trong nước có vẻ chậm nên bạn bè, đồng nghiệp tìm hiểu kỹ và biết được ở Singapore có phương pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay dành cho nạn nhân bị tạt axít nên gia đình quyết định đưa chị đi chữa trị dù có tốn kém đến đâu.
 
Tuy nhiên, để làm hộ chiếu ra nước ngoài đối với chị không phải dễ vì xưa nay pháp luật không cho phép những người làm trong ngành tòa án và lực lượng vũ trang ra nước ngoài để đảm bảo bí mật. Chị hiểu điều đó, gia đình chị cũng hiểu điều đó nhưng tính mạng của chị quan trọng hơn tất cả. Phải sau hơn hai tháng chạy khắp nơi lo thủ tục, cuối cùng, chị cũng xin được visa để ra nước ngòai.
 
)
  • Thúy Nhi

 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn