(Phunutoday) - Nghị lực phi thường- Trước khi sang Singapo, vợ chồng PGS.TS Phan Toàn Thắng- Nguyễn Ngọc Ánh (trước đây làm ở Viện bỏng Quốc gia) có giới thiệu cho chị bác sỹ IVol Lim (bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng nhất của Singapore và thế giới). Ngày 27/9/2005 chị sang Singapore và đến gặp bác sỹ Inol Lim, khi nhìn thấy chị, ông thốt lên rằng: “Bản thân đấy là một thách thức đối với nền y học thế giới”.
Chị Kim Loan lúc trẻ. |
Ở đây, các bác sỹ hướng dẫn chị tập các cơ mặt. Cho chị mặc quần áo cao su để ép chặt những vết sẹo trong người. Hai tháng sau, chị phải sang mổ mắt, lúc này, mắt của chị mới nhắm lại bình thường. Sau một thời gian nằm viện, cứ lột da chỗ nọ đắp vào chỗ kia, tóc tai lúc nào cũng bê bết máu, rồi các bác sỹ phải cạo trọc đầu cho chị.
Lúc này, chị đã nhìn được nên mọi người giấu hết gương trong phòng nhưng khi chị vào đến nhà vệ sinh, nhìn lên gương và cảm giác đấy không phải là gương mặt mình, chị khóc thét lên, một cảm giác không thể tả nổi, sợ hãi, lo lắng và hơn cả là không tin sự tàn phá của axít lại mạnh đến mức ấy.
Sau khi mổ xong mắt, các bác sỹ ở Singapore hẹn chị đầu năm sau sang mổ tạo hình cằm và cổ. Tháng 2/2006, cả gia đình cùng chị sang Singapore, các bác sỹ kiểm tra xong và bảo, chi phí cho ca mổ hết khoảng 70.000 USD. Choáng váng với một ca mổ hết quá nhiều tiền, bản thân cũng không biết mình sẽ còn phải tiến hành bao nhiêu ca mổ nữa nên chị đành ngậm ngùi quay về Việt Nam, để rồi cay đắng nghĩ có lẽ nào khuôn mặt mình suốt đời phải mang như thế này?
Những tưởng niềm hy vọng để có được một phần nào gương mặt ngày xưa thì bỗng dưng bị chắn ngay ở đó. Lo lắng, suy nghĩ, tiếc nuối và có cả thất vọng ê chề về một hình hài không trọn vẹn dù được sinh ra vẹn nguyên. Nhưng thật may mắn giữa tháng 4/2006, tiến sỹ Vũ Quang Vinh từ Nhật Bản về nước và chị đã tin tưởng giao toàn bộ khuôn mặt mình cho anh.
Tháng 7/2006, tại viện Bỏng Quốc gia, tiến sĩ Vinh đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ tiến hành mổ vi phẫu thay nửa mặt bằng da của chị. Hai ngày trước khi mổ, tiến sĩ Vinh mời chị đến phòng nói chuyện, anh bộc bạch rằng: “Quả thực em đã mổ vi phẫu nhiều rồi nhưng mổ vi phẫu mặt thì chưa làm, ngay cả thầy giáo của em ở bên Nhật cũng chưa mổ bao giờ”. Nghe tiến sĩ Vinh nói vậy, chị cũng hơi nghi ngại nhưng ở chị còn gì nữa đâu để tiếc nuối, còn gì nữa đâu để giữ gìn, cái chị cần bây giờ là một khuôn mặt bình thường trở lại. Chẳng lẽ cái ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng khó khăn đến thế sao?
Tiến sĩ Vinh im lặng và quan sát chị, chờ một phản ứng của người đối diện. Khoảng thời gian ấy như kéo dài mãi, cuối cùng chị quyết tâm: “Em cứ mổ cho chị, nếu thành công thì chị có nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng, còn thất bại thì đó là sự cống hiến cho y học nên em không phải băn khoăn gì cả”. Anh im lặng không nói gì, chị đoán có thể anh hy vọng chị không đồng ý để không phải bắt đầu bằng một ca mổ vi phẫu mặt nhưng có thể cũng đấu tranh để tự mình và là người đầu tiên mổ thử nghiệm ca này.
Và ca mổ đã được tiến hành, lấy toàn bộ tĩnh mạch cho lên mặt, với việc mổ vi phẫu thay nửa mặt ấy - đây là ca mổ đè nặng tâm lý của hầu hết các bác sỹ trong Viện bỏng Quốc gia ngày hôm đó. Ca mổ có thời gian kỷ lục nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ 7h 30 sáng và kết thúc lúc 21hkém 15 tối. Có thể nói, đây là ca mổ gây sự chú ý lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các nước trên thế giới về thời gian, mức độ thành công và hơn tất cả, đó là ca mổ vi phẫu mặt đầu tiên trên thế giới.
Sau ca mổ, các bác sỹ yêu cầu chị phải nằm bất động ở một tư thế trên giường bệnh suốt 72 giờ đồng hồ để theo dõi, suốt thời gian ấy, ăn uống, vệ sinh đều bằng ống xông.
Sau khi mổ vi phẫu mặt thành công, chị quyết định sang Thái Lan vì tin tưởng vào khả năng điều trị thẩm mỹ ở đất nước Chùa tháp này. Cuối năm 2006, chị sang Thái Lan nhưng các bác sỹ bảo rằng: “Khuôn mặt ấy giờ chưa làm được gì, chờ hai năm sau quay lại”. Sau đấy, các bác sỹ có hỏi chị thay nửa mặt ở đâu, chị bảo rằng ở Việt Nam, họ thốt lên rằng: “Chị đã gặp được bác sỹ siêu nhân” (super men Docter).
Cuối năm 2007, chị quay sang điều trị ở bệnh viện Xanh Pôn, lúc này, nếu so với cả nước thì khả năng phẫu thuật tạo hình môi và cánh mũi ở đây là tốt nhất với sự hiện diện của bác sỹ Trần Thiết Sơn (vừa tu nghiệp ở Pháp về năm 2006) - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Xanh Pôn (Phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội).
Bác sỹ Sơn đã tiến hành phẫu thuật tạo viền môi, cánh mũi để những bộ phận ấy được như bình thường. Bên cạnh đó, anh cũng áp dụng cách phẫu thuật mới với việc cắt toàn bộ sẹo trên ngực và đeo túi nước, sau đó, mặc quần áo cao su sẽ giúp chị giảm bớt các vết sẹo có trên toàn thân thể. Và cho đến nay, sau gần 40 ca phẫu thuật chị đã chữa được một phần của tai nạn khủng khiếp ấy.
Các bộ phận trên gương mặt chị đã cơ bản hoàn thiện và chị cũng đủ tự tin để bước chân ra ngoài mà không cần tấm mạng che mặt như mấy năm trước. Tất cả những điều ấy cho thấy sự cố gắng vượt qua bi kịch của chị cũng như lòng quyết tâm lớn đến nhường nào.
Chiến thắng số phận và niềm tin vào cuộc sống
Khi tôi đến thăm chị vừa mới trải qua lần phẫu thuật thứ 39. Gương mặt đã cơ bản hoàn thiện. Trên khắp thân thể, dù vẫn phải đeo cao su để ép sẹo nhưng những vết sẹo đã gần liền với da. Tất cả những thành quả ấy là nhờ được chữa trị tại Singapore với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Nếu như ở trong nước, mỗi lần mổ chỉ hết khoảng vài chục triệu thì ở nước bạn số tiền ấy lên đến vài chục nghìn đô. Chị nhớ mãi buổi nói chuyện với các bác sỹ ở Bệnh viện Thái Lan khi nhìn thấy chị, họ đã lắc đầu từ chối vì không thể làm gì được. Chị bảo, sang được Singapore, gặp được các bác sỹ ở đây cùng với cách điều trị đặc biệt đã cho chị một kết quả hơn cả mong muốn, dù rất tốn kém nhưng đó thực sự là một món quà tuyệt vời.
Thông thường, khi bị tạt axít, ngoài việc mất khả năng giao tiếp, các nạn nhân thường không dám đối diện sự thật. Ngay cả khi điều trị trong nước, chị vẫn luôn tự ti mỗi khi đi ra ngoài. Thế nhưng, khi sang nước bạn, trong quá trình điều trị, các bác sỹ luôn yêu cầu bệnh nhân ra ngoài giao tiếp. Chị nói: “Sau mỗi cuộc trò chuyện với các bác sỹ, tôi cảm thấy mình tự tin rất nhiều và cái cảm giác muốn được chạy ra đường gặp gỡ mọi người, nói chuyện và chia sẻ những khó khăn mà mình đang gặp”.
Có lẽ, nhờ những cuộc trò chuyện với các bác sỹ nước bạn, chị đã có thêm động lực để thi tiếp lên Cao học Học viện Hành chính Quốc gia. Tôi nhớ trong buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ, khi phát biểu về đề tài “nâng cao năng lực thẩm phán” của chị, có nhiều thầy cô giáo đã thực sự ngỡ ngàng và rơi nước mắt trước hoàn cảnh thương tâm và ý chí của chị.
Cũng trong buổi bảo vệ ấy, những người bạn của chị rơi nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc sẻ chia với người đồng nghiệp mà họ yêu mến. Và trong đó, có tôi. Khi nghe đọc kết quả với mức điểm tuyệt đối mà các thầy cô giáo dành cho chị, những tràng pháo tay không ngớt vang lên. Ngày hôm ấy, tôi đã tặng chị một bó salem tím. Nhiều người hỏi vì sao tôi lại tặng chị bó hoa ấy, tôi chỉ cười bảo rằng, với tôi, chị giống với loài hoa ấy, loài hoa không bao giờ rụng lá, không bao giờ phai màu, dù có nắng gió, dù có mưa vùi dập, nó vẫn luôn giữ đúng màu sắc mà tạo hóa đã tạo ra.
Tình thương yêu của chồng con là động lực chính
Chị Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ, những lúc cuộc sống gia đình ấm êm, không có biến cố thì thấy tình cảm mọi người dành cho nhau là bình thường. Thậm chí, có những khi công việc cuốn xoáy mỗi người một ngả, đôi khi, cứ ngỡ tình cảm đã chẳng còn được như thuở ban đầu nhưng thực sự không phải vậy. Khi chị gặp nạn, mọi người trong mái ấm đã trở thành động lực để chị cố gắng vượt qua nỗi đau số phận cuộc đời. Hai đứa con của chị, ngày chị gặp nạn, đứa lớn mới bước sang tuổi 11, còn con bé vừa mới chập chững làm quen với trường lớp.
Qua cơn bĩ cực, mạng sống được giữ lại, hai đứa con lần đầu tiên nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của mẹ đã khóc ré lên, bỏ chạy vì chúng chưa bao giờ nghĩ có ngày khuôn mặt xinh đẹp của mẹ mình lại thành ra nông nỗi như thế. Nhìn con khóc bỏ chạy mà lòng chị như thắt lại, nhưng cũng may đó chỉ là khoảnh khắc nhất thời. Hiểu ra, chúng lại luôn bên mẹ, động viên, an ủi và chăm sóc cho mẹ từng tí. Sáu năm qua, hai đứa cũng đã khôn lớn hơn, đỡ đần được nhiều việc hơn và biết yêu thương mẹ hơn ngay cả khi nỗi đau dấm dẳng.
Nói về chồng mình, anh Nguyễn Văn Điệp, bất chợt khóe mắt chị ngân ngấn nước. Bao nhiêu năm, anh chị sống với nhau không điều tiếng, trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười ở phố Đội Cấn. Đặc biệt là mấy năm nay, anh lặng lẽ chăm sóc chị, nhẫn nại bỏ hết mọi ước mơ, hoài bão để theo chân chị đi khắp nơi với hy vọng tìm lại gương mặt xưa cho chị.
Anh kiệm lời, không nói nhiều nhưng chị biết, tất cả tình thương lẫn tình yêu anh dành cả cho chị. Tài sản trong gia đình hơn chục năm trời hai vợ chồng nai lưng cóp nhặt, dành dụm những mong để sửa lại căn nhà mới và gửi tiết kiệm một chút để lo cho con cái, đùng một cái chị gặp họa, anh đã không ngại ngần dốc sạch vốn liếng để lo cho việc tái tạo lại gương mặt cho chị. Số tiền 350 triệu đồng mà kẻ thủ ác đã đền cho gia đình chị chỉ như muối bỏ biển so với tiền tỷ mà anh chị đã chi cho 39 ca phẫu thuật chỉnh hình.
Bây giờ, chị đã tự tin lên hơn rất nhiều so với trước là nhờ có anh và tình yêu anh dành cho chị. Thủy chung, son sắt, mẫu mực là những gì tốt đẹp nhất mà chị nghĩ về anh. Ngay cả khi chị quyết định đi học lên, chính anh là người động viên chị đầu tiên, anh đưa đón, chăm sóc chị không bỏ sót bất cứ buổi học nào. Đó là điều chị thấy hạnh phúc và may mắn hơn bất cứ người phụ nữ nào khác trên thế gian này.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ thêm, bây giờ chị đã dần lấy lại được niềm tin trong cuộc sống, chị không còn cảm thấy ngại ngùng mỗi lần ra đường hay tiếp xúc với bất kỳ ai. Chị cũng đã có ý định dừng lại các cuộc phẫu thuật để lo cho gia đình nhưng phần vì các bác sỹ khuyên nên tiếp tục, phần nữa là chồng chị, anh Nguyễn Văn Điệp không cho chị dừng lại. Hơn ai hết, anh hiểu nỗi đau của người phụ nữ khi bị đánh cắp đi nhan sắc, và anh đang cần mẫn giúp chị tìm lại dù là không được như thuở ban đầu.
Trong căn nhà nhỏ ở phố Đội Cấn, nỗi bất hạnh mang tên nhan sắc của người phụ nữ vì công lý ấy đang dần được xóa nhòa bởi tình yêu thương và hơn bao giờ hết là tiếng cười hạnh phúc luôn ngập tràn của hai đứa con hiếu thảo và người chồng thủy chung mẫu mực. Hạnh phúc ấy, giản dị nhưng tự nó có sức mạnh là kỳ, đã làm hồi sinh tâm hồn những tưởng đã có lúc héo khô của chị, nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan kiên cường.
)
- Thúy Nhi