Dự thảo này lại một lần nữa khiến dư luận nóng lên. Trước đó khi mới "chào hàng", dự thảo này đã vấp phải nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định thiếu thực tế và khách quan nhất. Khi người dân đang muốn đặt câu hỏi tiêu chuẩn để lái xe là bao nhiêu thì Bộ Y tế lại cho rằng đây là quy định cũ và không ai soạn thảo văn bản này.
Trả lời trên báo Dân trí, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm hiện tại chưa có dự thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe được đưa ra. Hiện nay, các quy định về điều kiện sức khỏe lái xe đã được quy định từ nhiều năm qua, trước khi có Luật An toàn giao thông.
Hiện tại, các cơ quan liên quan mới đang đang thành lập Ban soạn thảo thông tư liên bộ quy định về điều kiện sức khỏe lái xe. Các thành viên ban soạn thảo là đại diện của các Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Công an. Ban soạn thảo cũng chưa được thành lập xong, vì thế, chưa hề có nội dung chi tiết dự thảo đưa ra. Thông tin báo chí đăng thời gian gần đây đều dựa trên dự thảo được đưa ra lấy ý kiến từ năm 2008.
Cả hai Bộ đều đùn đẩy cấm ngực lép lái xe máy |
Còn trên báo Thanh niên, ông Tường cho rằng dự thảo thông tư này do Bộ Y tế ký ban hành sau khi xin ý kiến Bộ GTVT, nhưng tại phiên họp liên bộ gần nhất, phía Bộ Y tế đã thông báo đây là thông tư liên tịch nên cần phải thành lập Ban soạn thảo trước khi xây dựng. “Lý do của nhầm lẫn về việc dự thảo văn bản tiếp tục đưa ra các chỉ số về “ngực lép” này có lẽ do gần đây phía Cục Y tế GTVT có đưa dự thảo cũ và nói xây dựng trên nền văn bản này, nhưng chúng tôi đã có kết luận là phải sau khi có Ban soạn thảo rồi mới tiến hành xây dựng thông tư”.
Trước câu trả lời của ông Tường là do nhầm lẫn của Cục Y tế GTVT, ông Nguyễn Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT, cho biết đã 2 lần ngồi họp với Bộ Y tế, Bộ Công an về nội dung dự thảo thông tư và dự thảo gây tranh cãi này ra đời sau lần họp thứ 2, các đơn vị đã “cơ bản thống nhất” nội dung dự thảo.
Theo ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT, trước khi thông tư ban hành thì có phải sự đóng góp của người dân. Để xây dựng dự thảo thông tư trên, Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm 30 người. Hiện Ban soạn thảo cũng đã thống nhất nhiều nội dung.
Ông Vũ Văn Triển cũng khẳng định, Bộ Y tế có chức năng chủ trì xây dựng dự thảo thông tư trên và Bộ GTVT có trách nhiệm tham gia.
“Cục Y tế GTVT đã xin ý kiến các đơn vị của Bộ Y tế và các cục, vụ chức năng trong Bộ GTVT về nội dung dự thảo thông tư. Căn cứ vào các ý kiến đóng góp, Cục Y tế GTVT đã xây dựng nội dung nền của thông tư mang tính sơ khảo. Văn bản đó chúng tôi gửi cho Bộ Y tế từ cách đây mấy tháng rồi. Bộ Y tế quyết định thành lập một đơn vị soạn thảo và họ cũng họp rất nhiều lần, trong đó các thành viên chủ yếu là của Bộ Y tế, còn Bộ GTVT chỉ có 2 người thôi”, ông Triển nói.
Như vậy đến thời điểm này sự hồi sinh của quy định ngực lép không được lái xe vẫn chưa có chủ. Trong khi dư luận đang nóng lòng phản pháo chủ nhân thực sự của quy định này thì cả hai bộ đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.