Hai mối tình quá đặc biệt trong cuộc đời luật sư Phan Anh

( PHUNUTODAY ) - Hai mối tình trong cuộc đời 80 năm của Phan Anh quả là đặc biệt, Hai mối tình trong một đời người mà vẫn trong sáng, thuỷ chung và thực sự nó đã tiếp sức cho ông cống hiến được toàn bộ tài sức của mình cho sự nghiệp chunghellip;

(Phunutoday) - Với luật sư Phan Anh, tôi là kẻ hậu sinh, lại chưa có dịp gặp ông, nhưng hai gia đình có thể gọi là chỗ quen biết. Các cụ ngày trước cùng theo Nho học, Phan Anh quê Đức Thọ, quê tôi Hương Sơn, hai huyện liền kề cùng được thưởng ngoạn cảnh đẹp ngã ba Tam Soa bên đồi Linh Cảm. Tình cờ, Phan Anh và anh ruột tôi (BS. Nguyễn Khắc Viện) lại du học Pháp cùng năm 1937 và năm 1954, khi Phan Anh là thành viên Đoàn đại biểu Chính phủ ta sang dự Hội nghị Genève thì Nguyễn Khắc Viện từ Paris vượt biên giới Pháp - Thuỵ Sĩ sang báo cáo với Đoàn đại biểu Chính phủ ta tình hình nội bộ nước Pháp, đôi bạn lại có dịp ở bên nhau cả tuần lễ…

[links()]

Những năm gần đây, cũng rất tình cờ, anh Phan Tân Hội - người con trai của Phan Anh ra đời tại chiến khu Việt Bắc - lại làm việc ở Huế và là đầu mối liên lạc với những cựu học viên “Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945” (TTNTTH), luôn tìm đến tôi mỗi khi có “sự kiện” liên quan đến ngôi trường đã thành một “hiện tượng lịch sử” mà Phan Anh là một người sáng lập (cùng với GS. Tạ Quang Bửu.)

 Luật sư Phan Anh và bà Đỗ Hồng Chỉnh lúc mới cưới
Luật sư Phan Anh và bà Đỗ Hồng Chỉnh lúc mới cưới

Luật sư Phan Anh là một nhân vật đặc biệt, đóng rất nhiều “vai” gắn với lịch sử dân tộc ta trong một thế kỷ qua. Chỉ riêng chức vụ Bộ trưởng mà nói cho đầy đủ đã thành “vấn đề” lý thú: Một người từng là Bộ trưởng Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến cử đảm trách Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời VNDCCH!

Tiếp đó, ông được cử làm Bộ trưởng Kinh tế, rồi Bộ Công  Thương, Bộ Ngoại thương… Rồi “vai” chủ nhóm “Thanh Nghị” cũng gợi rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ cho công cuộc “Đổi mới” đất nước hôm nay. Phan Anh còn là đảng viên Đảng Xã hội Pháp và là Chủ tịch Tổng Hội sinh viên Việt Nam. Lại còn “vai” ngoại giao nữa tại Hội nghị Fontainebleau (1946) và Hội nghị Genève (1954)…

Những “công chuyện” như thế sử sách đã ghi, nhưng chuyện tình khá là đặc biệt của một chính khách cỡ như Phan Anh thì nhiều người chưa biết.

Có lẽ cũng ít người có mối tình đầu đẹp đẽ như Phan Anh. Chàng và nàng tình cờ cùng du học Pháp vào năm 1937 và cũng tình cờ đi cùng chuyến tàu Pasquier chạy từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Chàng ở phòng cuối tàu, nàng ở phòng gần đầu tàu. Nàng là Đỗ Thị Thao, quê Bắc Giang, đã đỗ tú tài loại giỏi, nên được học bổng 60 đồng một tháng để du học. Gặp nhau lần đầu, chàng đã bị “sét đánh”, nên viết bài thơ Đường gửi cho nàng:

“Quân tại Pasquier đầu/ Thiếp tại Pasquier vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đều bị “tanga” thuỷ” (Nghĩa là: Chàng ở đầu tàu, thiếp cuối tàu, nghĩ đến nhau nhưng chưa gặp nhau, vì cùng bị say sóng!)

Như là duyên tiền định, vào đến Sài Gòn, anh chị Nguyễn Xiển mời cả hai người đến nhà ăn cơm, rồi cả hai lên tàu đi sang bến cảng Marseille. Gần một tháng ròng lênh đênh giữa biển trời mênh mông suốt từ Á sang Âu, mối tình “sét đánh” trên tàu Pasquier đã trở nên gắn bó khi chàng và nàng rời tàu Armis cùng lên Paris học. Nàng vào trường Dược, chàng trường Luật, nhưng chàng từng là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam, sang Pháp vẫn ham hoạt động nên hai người luôn có dịp gặp gỡ.

Tuy vậy, họ chưa làm lễ thành hôn, vì ngại ảnh hưởng đến việc học hành. Hơn nữa, là con nhà Nho và truyền thống văn hoá Việt Nam coi lễ thành hôn là một trong những việc thiêng liêng của đời người, cần phải có sự chứng kiến của gia đình. Biết chuyện, cụ Phan Điện cũng có thơ sang dặn con:

“Người Nam, người Bắc học bên Tây/ Viết giấy tàu bay hỏi ý Thầy/ Chỉ biển thề non cầm những thuở/ Ngang giời dọc đất, mắc ra tay/ Cùng nhau xây dựng cơ đồ mới/ Hết sức lo toan mỗi nước này/ Gánh nặng, đường xa nhờ nghị lực/ Càng lâu ngày, việc mới càng hay.”

Giữa lúc đó, thế chiến 2 nổ ra, phát xít Đức tiến đánh Pháp, tháng 9/1939, hai người cùng tản cư sang vùng Bretagne và một tháng sau thì quyết định về nước. Lần này, hành trình phải kéo dài hơn một tháng. Tàu nhỏ, lại sợ bị tàu ngầm Đức theo dõi, chạy ban đêm không bật đèn. Trong bầu không khí căng thẳng đó, ai cũng hồi hộp, lo âu, chỉ khi nhìn thấy bến cảng Sài Gòn phía xa, hai người mới hồ hởi nắm chặt tay nhau, vững tin là mình đã về đến quê hương.

Đám cưới được tổ chức rất giản dị, mặc dù chú rể, cô dâu đều học Tây về. Sau đó, Phan Anh cùng vợ theo chân cụ Phan Điện trở về Đức Thọ (Hà Tĩnh) chào bà con, làng xóm. Thấy bà con hâm mộ cô dâu học giỏi, tài cao mà vẫn giản dị, cụ Phan Điện hào hứng làm bài thơ : “Đưa dâu về Nghệ lễ gia tiên/ Thấy nết, mừng con gặp bạn hiền/… Phan-Đỗ tơ duyên ngày đằm thắm/ Giang sơn Âu - Lạc sẽ xây nền”.

Bài thơ nào của cụ Phan Điện - dù nói chuyện riêng tư - cũng có câu nhắc nhở dâu, con luôn nghĩ tới trách nhiệm với tổ quốc.

Chính là với truyền thống đó, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, Phan Anh đang làm ở Tòa Thượng thẩm Hà Nội và dược sĩ Đỗ Thị Thao dạy trường Đại học Y - Dược và mở hiệu thuốc Tây ở phố Huế, nhưng cả hai đã nhẹ nhàng rời bỏ cuộc sống phong lưu ở Hà Nội, lên Việt Bắc theo Chính phủ Cụ Hồ.

Đã đành, việc chọn đường đi trong cuộc đời tuỳ thuộc chủ yếu vào nhân cách, quan niệm sống của mỗi người, nhưng với Phan Anh và Đỗ Thị Thao, mối tình sắt son giữa hai người là tác nhân quan trọng đưa họ đi chung một con đường, tình yêu đôi lứa không tách rời với vận mệnh đất nước, dù trước mặt là những thử thách khôn lường. Chính vì thế, trong lúc nhiều sinh viên du học cùng lứa đã ở lại Pháp, họ vượt trùng dương ẩn chứa biết bao mối đe doạ, trở về với tổ quốc và chung thuỷ với cuộc kháng chiến trong thời kỳ đầy gian khó…

Cuối năm 1949, khi Phan Anh đương giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, trên đường từ ATK (An toàn khu) về nhà, ông được tin vợ sinh đứa con thứ ba đặt tên là Phan Tân Hội. Ở chiến khu, Phan Anh là người rất gần gũi với Bác Hồ, hễ có dịp là hai người cùng lẩy Kiều với nhau. Biết Phan Anh vừa có thêm con trai, Bác Hồ đã gửi bài thơ mừng như sau:

“Chú thím thêm một con/ Các cháu thêm một em/ Bác Hồ thêm một cháu/ Nước nhà thêm một công dân / Tương lai thêm một chiến sĩ.”

Nhưng thật không may, đó cũng là lúc bác sĩ phát hiện bà Đỗ Thị Thao bị bệnh hiểm nghèo! Tuy vậy, do công việc, Phan Anh không được ở cạnh để săn sóc bà, chỉ có thể bày tỏ tình thương yêu với những vần thơ làm xót lòng mọi người: “Mình có bệnh, nhưng quên có bệnh/ Lúc sớm khuya thức tỉnh bên con/ Miệng khô, lưỡi đắng, ruột cồn/ Thương con thiếu sữa, ngọt ngon quản gì/ Chén cháo nhạt, lưỡi tê cố nuốt/ Hạt cơm nương, răng buốt khó nhai/ Ngóng trông giọt sữa hôm mai/ Đắng cay miệng mẹ, ngọt bùi lòng con…”

Mặc dù được Bác Hồ và Nhà nước đặc biệt quan tâm - bà được đưa sang nước ngoài chữa bệnh, khi trở về nước thì các bác sĩ hàng đầu Việt Nam như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… hết lòng cứu chữa, nhưng y học đã bất lực trước số phận. Bà đã mất năm 1952 tại Chiêm Hoá (Việt Bắc) khi Phan Anh đang họp hội nghị đấu tranh kinh tế với địch tại Sơn Dương, cách Chiêm Hoá hơn trăm cây số!...

Cuộc đời đúng là có luật “bù-trừ” và không hẳn câu “phúc bất trùng lai” bao giờ cũng đúng. Ngày trước, không hiếm chuyện khi người chị mất thì người em đã thay chị chăm sóc đàn trẻ thơ mồ côi mẹ rồi trở thành vợ kế. Trường hợp Phan Anh có lẽ là hiếm vì cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh là cháu ruột của “cô Thao”. Hồng Chỉnh vốn quý trọng “chú” Phan Anh và đã săn sóc người con nhỏ của “cô Thao” từ lúc cô bị bệnh, nhưng khi Phan Anh ngỏ lời thì cô đã từ chối. Trong cuốn sách vừa xuất bản, bà Hồng Chỉnh đã ghi lại tình cảm của mình lúc đó:

“Cách đặt vấn đề của Anh, đối với tôi là đột ngột. Do đó, đã làm tôi sợ. Nhưng vì kính trọng Anh, nên tôi phải tự trấn tĩnh: Không được xúc phạm đến Anh. Hơn nữa, phải làm sao để Anh được khuyây khoả, không những không cảm thấy một phiền phức nào, mà còn hăng hái tiến lên, vui với cuộc đời”.

Nhưng Phan Anh thì không thể quên Hồng Chỉnh. Tháng 9/1953, khi nhận thư của Hồng Chỉnh chia buồn việc “cô Thao” đã mất, Phan Anh viết: “Một bức thư trao, một tấm lòng/ Tấm lòng thống thiết mối thương chung/ Thương tình cốt nhục, người côi cút/ Thương cảnh phân ly, kẻ não nùng/ Thương yến bơ vơ, cành lẻ bóng/ Thương tằm dang dở, kén chưa xong/ Thương nhau nghĩa cả chuyền vai gánh/ Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng”.

Cả lúc dự Hội nghị Genève, Phan Anh “chiêm bao thấy HC (Hồng Chỉnh) vui tươi. Thấy  hình ảnh HC... mà nhớ Thao quá. Nhớ Thao mà thành ra nhớ HC quá… HC có biết không?...” (Nhật ký Phan Anh 25/4/1954) Một trang nhật ký trong tháng 5/1954, Phan Anh lại viết: “Đêm nay, mơ một cảnh như ý nguyện: mơ thấy HC. Mình và thầy Tùng Ảnh (tức cụ Phan Điện) đương ngồi ở một nơi như Nghệ Tĩnh, thấy HC tới. HC thấy mình thì tay bắt mặt mừng. Và HC “trả lời” bằng cử chỉ trước mặt thầy là HC “đồng ý”…

Tỉnh dậy, tiếc quá! Sao giấc mơ không dài thêm. Ngủ lại, một giấc mơ êm đềm nữa. Mình làm một bài thơ: “Cưới”. Bác xem, Bác “khuyên son”. Tỉnh dậy, vui quá, lại ngâm nga mấy câu dựa theo “Chinh phụ ngâm”: “Khi mơ những tiếc khi tàn/ Tỉnh trong giấc mộng muôn vàn ước mong/ Chẳng hay muôn dặm trời Đông/ Lòng em có cũng như lòng anh chăng?...”

Mãi về sau (năm 1954), khi Hồng Chỉnh hiểu rằng tình yêu của mình là điều không thể thiếu trong cuộc đời Phan Anh và sẽ tiếp sức cho Phan Anh hoàn thành sự nghiệp, thì cô mới nhận lời…

Hai mối tình trong cuộc đời 80 năm của Phan Anh quả là đặc biệt, Hai mối tình trong một đời người mà vẫn trong sáng, thuỷ chung và thực sự nó đã tiếp sức cho ông cống hiến được toàn bộ tài sức của mình cho sự nghiệp chung…

(Theo lời kể của Phan Tân Hội và sách “Những chặng đường anh đi” của Đỗ Hồng Chỉnh, NXB Công an nhân dân, 2011)

  • Nguyễn Khắc Phê


 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn