Hai thân phận bất hạnh và những câu chuyện rớt nước mắt

05:57, Thứ năm 22/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Khi hai mảnh đời bất hạnh ấy gặp nhau, họ đã dựa vào nhau để sống, bươn trải, nuôi gia đình bằng nghề “hai ngón”, cho tới ngày họ nhận ra cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn nếu họ là người lương thiện.

Đều là những người phụ nữ không còn nước mắt để khóc, đôi lúc họ tìm cách “trả thù đời” bằng việc đi bẻ khóa, ăn trộm tiền của những kẻ giàu có, mắc bệnh “rửng mỡ”. Hai “siêu trộm” có thâm niên ấy chỉ quyết định “rửa tay gác kiếm” khi nhận ra hai đứa con của mình đã lớn, đã hiểu chuyện và rất có thể cuộc đời chúng sẽ rẽ theo ngả khác nếu họ vẫn tiếp tục theo nghề…

[links()]

Hai mảnh đời bất hạnh

Ngoài đôi mắt ướt rượt, lúc nào cũng như muốn khóc thì chẳng còn điểm nào chê được trên khuôn mặt trái xoan, làn da trắng hồng của H (22 tuổi, người Tây Bắc), học viên lớp tập huấn phòng chống HIV/AID của chuyên gia tư vấn Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Gia Lâm – Hà Nội, trong một chuyến công tác tại các tỉnh phía Tây Bắc.

Sau giờ học, chúng tôi đã có buổi nói chuyện với H và hiểu được vì sao mà đôi mắt H lúc nào cũng sâu thẳm, thẫm nước. Có lẽ vì cuộc đời cô đã trải qua quá nhiều cay đắng. Và người bạn thân nhất vẫn luôn ở bên H còn có số phận thảm khốc hơn cô nhiều lần.

Khi hai mảnh đời bất hạnh ấy gặp nhau, họ đã dựa vào nhau để sống, bươn trải, nuôi gia đình bằng nghề “hai ngón”, cho tới ngày họ nhận ra cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn nếu họ là người lương thiện.

Nếu không vì nghiện ngập, có lẽ ngày ngày chị vẫn chăm chỉ đi đổ rau buôn từ sáng sớm, ban ngày chăn nuôi gia súc kiếm tiền nuôi hai con nhỏ và người chồng nghiện rượu. H cũng không biết chồng mình nghiện ma túy từ lúc nào, cho tới khi gã rủ cả đám bạn nghiện về chích thuốc tại nhà, H mới hoảng hốt.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết kể lại câu chuyện về T và H mà ông đã được H tâm sự.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết kể lại câu chuyện về T và H mà ông đã được H tâm sự.

Sợ các con bị ảnh hưởng xấu, H đã yêu cầu chồng giải tán đám bạn nghiện và cai ma túy, nhưng chồng H nhất định không nghe. Và ma túy đã biến anh ta thành người đàn ông đê hèn, sẵn sàng quỳ xuống chân vợ chỉ để xin vài chục ngàn đi mua ma túy.

Năm 2010, H và chồng đã có tên trong danh sách những người phải đi cai nghiện bắt buộc. Không còn lựa chọn nào khác, H đành đem một số tiền lớn gửi em trai chồng nhờ chăm sóc con cái, nhà cửa ruộng vườn trong thời gian vợ chồng cô đi vắng.

H đã từng rất tin tưởng cậu em chồng khi nghe anh ta khẳng định: “Anh chị cứ yên tâm đi chữa trị, các cháu em sẽ chăm lo chu đáo…”. Nhưng 5 tháng sau, nghe tin hai đứa con ở nhà bị gia đình chú ngược đãi, không cho ăn no lại bắt nghỉ học, phụ giúp việc nhà cho chú thím, lòng H cồn cào như lửa đốt.

Thương con tới quặn lòng, chưa nghĩ ra cách giải quyết thì T, người phụ nữ chung phòng với H đã bức xúc thay bạn. T bảo H chuẩn bị tinh thần cùng trốn trại, trở về giải quyết việc gia đình. Sau khi lên kế hoạch kỹ càng, T đã cùng H trốn ra khỏi trung tâm vào một đêm mưa gió, trở về nhà trong sự ngạc nhiên của gia đình cậu em chồng.

H không thể ngờ một phụ nữ có vẻ ngoài yếu đuối, mảnh mai như T lại mạnh mẽ thế. Vừa đặt chân về tới nhà, mặc cho M, cậu em chồng chào hỏi, săn đón hai chị em từ cửa, T lẳng lặng không nói gì, đi thẳng vào sân nhà.

Bất ngờ, T rút từ trong ba lô của mình ra một đoạn xích xe đạp dài, nhằm thẳng mặt M quật. Bị trúng đòn bất ngờ, M ngã xuống nền nhà như cây chuối đổ, máu chảy lênh láng, mẹ con H sợ tới không đứng vững. Chưa ai kịp phản ứng, T đã hét: “Tất cả ngồi yên”.

Thế rồi T túm tóc M ra sức mắng chửi thậm tệ. Mắng chửi chán, T bắt gã viết bản cam đoan phải chăm sóc tốt các cháu, nghiêm cấm bạc đãi. M tức tối và đau đớn lắm, nhưng không dám ho he vì sợ. Sáng hôm sau H và T trở lại trung tâm.

Cố nén tiếng thở dài, H tâm sự, sau này khi hiểu hết về T, cô mới thấy mình vẫn còn là người phụ nữ hạnh phúc. Cô hạnh phúc bởi có gia đình, được làm mẹ, còn T đã từng được làm mẹ, nhưng đó cũng chính là nỗi ân hận, đau đớn, nhục nhã mà cô đã phải trải qua.

Từ nhỏ T đã phải sống cuộc đời buồn tẻ trong một gia đình ẩn chứa nhiều mâu thuẫn. Năm T 13 tuổi, bố mẹ cô chia tay, mẹ T đi bước nữa. Một mình mẹ T phải lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình năm người nhà chồng.

Hằng ngày mẹ T phải dậy sớm gánh hàng đi chợ tới tối mịt mới về. Bố dượng T chỉ việc ngồi nhà uống rượu, chờ vợ phục vụ tận nơi. Cho tới năm T vừa tròn 16, nhìn con gái vợ mây mẩy, bố dượng T sinh lòng tà dâm. Không “chế ngự” được bản tính xấu xa, người cha dượng đã cưỡng bức và dọa nạt không cho cô mách mẹ.

Vừa sợ mẹ mắng lại xấu hổ, T đã không dám thổ lộ cùng ai cho tới ngày cô hoảng sợ phát hiện mình đã có thai với bố dượng. Biết tin, bố dượng T tiếp tục dọa nạt và không cho cô nói với mẹ. Để che mắt mọi người, gã cha dượng đê hèn đã lấy vải làm dây đai, cuốn chặt bụng, che giấu việc T đang có thai.

Khi cái thai được bốn tháng, gã cha dượng đem cô đi gửi ở nhà người quen và nói dối mẹ T là cho cô đi học nghề. T buộc phải sống chui lủi ở nhà người quen của cha dượng và không được phép ra ngoài cho tới khi sinh nở.

Cứ ngỡ được giữ con, nào ngờ, ngay khi T vừa sinh nở, gã cha dượng đã bán con của T cho một người lạ lấy hai chỉ vàng.

Buồn tủi, uất hận gã cha dượng bạc ác, T đã trốn khỏi nhà. Để quên mặc cảm tội lỗi, T đã tìm tới ma túy. Trong thời gian “bán thân” kiếm sống, chưa một lúc nào cô được bình yên. Cảm giác mặc cảm, nhớp nhơ cứ bám lấy cô.

Nhưng với một thiếu nữ tay trắng không nghề nghiệp, T chẳng còn cách kiếm tiền nào khác ngoài công việc “bán vốn tự có”. Và bản năng tồn tại đã “kết nối” cho T học hỏi những “ngón nghề” kiếm sống của những gã đàn ông lưu manh, trộm cắp.

Tới tháng 6/2009, quá nhớ mẹ, T thu xếp quần áo trở về thăm mẹ. Nhưng về tới đầu làng, cô nghe người dân mách, bố dượng T suốt ngày say xỉn, không làm ăn gì chỉ biết ở nhà đánh mắng vợ như cơm bữa. Ngọn lửa uất hận ngày nào tưởng đã tắt lại được bùng cháy dữ dội.

Quá uất hận, T quyết định không về nhà thăm mẹ nữa. Hai tuần sau, T khoác một chiếc ba lô, đằng sau là chiếc kiếm Trung Quốc T mua ở chợ. Cô quyết định trả thù gã bố dượng xấu xa, tham lam, ích kỷ đã ăn bám lại còn hành hạ mẹ cô.

T đã kể lại cho H nghe rằng, T mò về nhà lúc nửa đêm định lẩn vào nhà trả thù bố dượng thì bị chó cắn inh ỏi. Sợ động, T quay ra nấp trong vườn nhà và trở lại lúc 2h sáng. Khi cô gõ cửa, bố dượng T ra mở.

Cửa vừa được hé mở, T đã cầm kiếm chọc thẳng vào bụng cha dượng. Nhưng lưỡi kiếm vướng vào thành cửa, bố dượng T chỉ bị thương nhẹ. Gã đã hô hoán người bắt T. Vì chuyện này T bị bắt giam. Ra tù, T vẫn “theo nghề cũ”, vẫn nghiện và bị nhiễm HIV, vào trung tâm với H cùng một thời gian.

“Truyền nghề” cho bạn

Sau khi trở thành bạn thân thiết, hiểu được hoàn cảnh của H, để “giúp” bạn có “nghề kiếm sống”, T đã dạy cho H ngón nghề “hai ngón”. Kể tới đây, H chỉ cho bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết xem một “bộ đồ nghề” vẫn mang theo làm kỷ niệm. Đó là những chiếc cặp tóc rất đỗi bình thường, đủ loại từ to tới nhỏ.

Nhìn một lúc lâu bác sỹ Quyết vẫn không hiểu bằng cách nào những món đồ làm đẹp hằng ngày của chị em phụ nữ lại có thể “biến” thành “đồ nghề” nuôi sống H và gia đình trong một thời gian dài. H giải thích:

“Thầy ạ, chỉ có mấy cái cặp ba lá này mà T nó dạy em hàng tháng. Tối nào nó cũng thao tác hướng dẫn cho em, để em có thể mở tất cả các loại két sắt…”

Chẳng ai có thể ngờ, những chiếc cặp tóc tưởng chừng vô cùng đơn giản ấy tới lúc cần có thể biến thành chiếc “chìa khóa vạn năng”. Không dừng lại ở đó, H tiếp tục giảng giải:

“Để mở được các loại ổ khóa phải biết cấu tạo của từng loại khóa, cấu tạo của từng rãnh bi. Tiếp theo phải có cảm giác của tay và tai để biết vặn tới đâu thì mở được ổ khóa…”.

Và thật bất ngờ, bài học này được T cho H “thực hành” mở ra, đóng vào ngay tại phòng nghỉ của mình. Và H được T đưa đi “hoạt động thực tế” tại một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên trung tâm thị xã.

Cửa hàng tuy ở vị trí trung tâm nhưng lại bị cây xà cừ trước mặt che khuất ánh sáng đèn đường. H được giao nhiệm vụ cảnh giới. T đã dặn cô nếu có người, chỉ cần ho nhẹ, nếu gặp tình huống xấu, không được chạy cũng không được đi nhanh mà phải đi bình thường để khỏi bị phát hiện. Sau 15 phút, T đã “khoắng” được của cửa hàng này 10 triệu đồng.

Với T và H đây là một công việc thật dễ dàng. Tuy nhiên, H biết không thể duy trì nghề này vì không muốn làm gương xấu cho các con. Chính vì vậy, cô đã khuyên T bỏ nghề, cùng mình kiếm một nghề lương thiện sống nốt quãng đời còn lại.

Chẳng còn biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết thầm chúc đôi bạn một thời lầm lỡ này đừng bao giờ quay lại đường cũ. Bởi giờ đây cả hai đã kết lại thành một gia đình, có chị có em và có những đứa con ngoan.

Họ cần phải trở thành những người mẹ tốt để những đứa con không đi vào bùn lầy, ngõ cụt như một thời lầm lỗi của mẹ chúng.

  • Kim Hoa
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc