"Hạnh phúc em chồng–chị dâu”: Kiêu hãnh và định kiến

09:53, Chủ nhật 30/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Con thuyền gia đình nhỏ bé ấy sau khi trải qua những giông bão đã cập bến bờ bình an trong sự bao dung của xóm giếng và họ mạc. Sự bao dung ấy khác hẳn với phản ứng dữ dội có phần ác ý lúc ban đầu của họ.

(Phunutoday)-Câu chuyện đã có một kết thúc đẹp như trong cổ tích. Con thuyền gia đình nhỏ bé ấy sau khi trải qua những giông bão đã cập bến bờ bình an trong sự bao dung của xóm giềng và họ mạc. Sự bao dung ấy khác hẳn với phản ứng dữ dội có phần ác ý lúc ban đầu của họ.
[links()]

Sự ra đời của thần Vệ nữ
Sự ra đời của thần Vệ nữ- Alberto Boticelli

Có lẽ, những người cay nghiệt nhất khi phản đối mối tình chị dâu – em chồng ở Thái Bình không bao giờ tự hỏi: “Tại sao họ lại phản đối mối tình này?” và nếu có đặt câu hỏi đi chăng nữa thì cũng khó tìm ra câu trả lời thoả đáng cho lương tâm của riêng mình. Trong khi ấy thì một câu chuyện ít nhiều tương tự ở vùng Trung Á lại được nhân loại coi là một thiên tình sử hay nhất thế gian.

Như thường lệ, mối tình chị dâu - em chồng ở Thái Bình bị phản ứng dữ dội từ phía những người xung quanh: bố mẹ đẻ ghẻ lạnh, bố mẹ chồng chửi mắng đánh đập; người dân trong làng, ngoài xóm dè bỉu, khinh miệt. Ngay cả hai đứa con nhỏ thơ ngây nghe những lời khích bác của mọi người cũng ngoảnh mặt với mẹ mình.

Tuy nhiên, câu chuyện đã có một kết thúc đẹp như trong cổ tích. Con thuyền gia đình nhỏ bé ấy sau khi trải qua những giông bão đã cập bến bờ bình an trong sự bao dung của xóm giềng và họ mạc. Sự bao dung ấy khác hẳn với phản ứng dữ dội có phần ác ý lúc ban đầu của họ.

Có phải thời gian và tình yêu của họ đã là phép màu kì diệu xóa tan những định kiến cố hữu của dư luận- thường kéo dài dai dẳng - cái mà chúng ta gọi là "ngàn năm bia miệng". Phải chăng, chính những “phán quan” thưở trước ấy cũng dần nhận ra mình đã phán xét vội vàng? Rằng, có điều gì đó không ổn, không lọt tai lắm khi vội phán xét đây là câu chuyện loạn luân, đi ngược luân thường đạo lý? Và chắc hẳn, sự việc không hẳn tồi tệ như họ nghĩ ban đầu...

Đến đây, có thể nhiều người vẫn sẽ không tán đồng và coi đây là một mối tình đẹp đẽ, chính đáng. Xin nhắc lại một câu chuyện tương tự được nhà văn Nga Chingiz Aitmatov trong tập "Giamilia, núi đồi và thảo nguyên" nổi tiếng. Một anh lính bị thương trở về nhà từ mặt trận trong khi anh trai đã hi sinh. Anh đem lòng yêu thương người chị dâu. Vượt qua bao khó khăn trắc trở, "mặc cho thiên hạ muốn nói gì thì nói" (lời nữ nhân vật chính), họ đến với nhau và sống rất hạnh phúc. Louis Aragon, nhà thơ, nhà tiểu thuyết Pháp nổi tiếng thế giới, một trong những cánh chim của văn học thế kỷ XX, đánh giá đây là "một bản tình ca hay nhất thế kỉ 20, một thiên tình sử hay nhất thế gian".

Một thiên tình sử diễm lệ như thế nhưng vẫn vấp phải sự nghi ngại của những người dân vùng Trung Á dù họ đã quen với cuộc sống khoáng đạt ở nơi núi đồi và thảo nguyên. Nên thật dễ hiểu là tại sao dư luận "sau luỹ tre làng", tại một làng quê Thái Bình của đất nước nông nghiệp Việt Nam, lại nặng nề và định kiến đến vậy với câu chuyện tình: em chồng - chị dâu.

Thiếu nữ và
Bên đầm sen- Nguyễn Gia Trí

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao tất cả những người xung quanh ta đều kịch liệt phản đối và có những phản ứng dữ dội trong bất kỳ tình huống nào, tương tự như những câu chuyện tình yêu trên? Phải chăng những người xung quanh đều có ác ý muốn phá hạnh phúc của hai nhân vật chính? Câu trả lời có lẽ là không, bởi ngay cả những người góa phụ khát khao hạnh phúc nhất cũng đã tự dựng lên trong mình một rào cản tâm lý rằng: cái hạnh phúc mà mình mong muốn nhất ấy, có lẽ sẽ trái tai gai mắt với thiên hạ. Có lẽ, có một cái gì đó không chính danh, không thuận lý.

Sức nặng của định kiến, thói quen, nếp nghĩ cũ kỹ ấy đã khiến người ta thấy “trái tai gai mắt” với những gì không giống như người ta nghĩ hoặc tưởng tượng ra theo cái cách "lẽ đời phải thế". Không quan tâm đến chuyện đúng hay sai, tốt hay xấu....cơn nổi giận ban đầu của các vị "phán quan" không chỉ sau lũy tre làng Thái Bình, với câu chuyện tình này chỉ đơn giản là vì nó "khác với lẽ thường" và có gì đó chướng tai, chướng mắt.

Đấy là chưa kể đến trong nhiều trường hợp, người ta có thể nhân danh những điều tốt đẹp vì cộng đồng để ngụy biện cho suy nghĩ ích kỷ của mình. Có thể, những vị "phán quan ở làng" cho rằng mối tình này ảnh hưởng đến “thuần phong mỹ tục” và nếu dạn dĩ đến thế thì lên phố hay sang Tây mà sống! 

Cũng cần phải nói thêm rằng thói quen, nếp nghĩ truyền thống có một lợi thế to lớn là nó thuộc về số đông. Dễ dàng nhất, được chấp thuận không cần bàn cãi là tự đánh mất mình trong số đông ấy. Nếu tự tách mình ra khỏi số đông ấy thì hậu quả khôn lường! Nhưng cũng chính cái mà chúng ta gọi là "hậu quả khôn lường" ấy lại tạo sinh niềm đam mê và hạnh phúc thực sự, một thứ hạnh phúc đòi phải trả giá và đòi thể hiện bản lĩnh đến cùng trước nó.

Có thể rụt rè đưa ra một nhận xét nhỏ rằng thói quen, định kiến có thể không độc ác nhưng nó thường khiến con người trở nên nhạt nhẽo và nhiều đau khổ hơn là cái mà nó muốn đạt được: sự thăng bằng dễ chịu trong cuộc sống. Cũng tương tự như vậy, niềm vui và hạnh phúc thực sự bao giờ cũng đòi hỏi bản lĩnh và phải bộc lộ trách nhiệm chính diện trước thói quen cũ mà ta gọi là định kiến.

  • Thể Lực
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc