Hạnh phúc giản dị của gia đình Trung tướng Lê Khoa

07:16, Chủ nhật 01/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Nguyên tắc sống của ông: nghiêm khắc với bản thân, vô cảm với danh lợi tầm thường, biết làm chủ đồng tiền, quý trọng đồng tiền được tạo ra bằng chính công sức của mình được ông truyền dạy cho những người con của mình.

Tôi đến thăm nhà Trung tướng Lê Khoa vào một buổi sớm muộn giữa tháng 6. Ngôi nhà khang trang nằm trong ngõ nhỏ phố Liễu Giai yên bình dường như tách biệt hẳn với thế giới xô bồ, ồn ào phố thị chỉ bằng một chiếc cổng sắt. Trung tướng Lê Khoa ở tuổi ngoài 80 tráng kiện, giọng nói sang sảng, minh mẫn và có cách nói chuyện vô cùng cuốn hút, ngay lập tức cuốn tôi trở về những năm tháng đất nước nô lệ cho tới nhịp sống hiện đại.
[links()]
Hành trình gõ cửa kí ức của vị Tướng già khiến một người trẻ như tôi vừa ngạc nhiên, vừa ngưỡng mộ và thực sự xúc động.

Trong vô vàn kí ức thiêng liêng của mình, Trung tướng Lê Khoa dành một ngăn nhỏ, ấm áp, và tuyệt đối không thể thiếu sót lưu giữ kỉ niệm về tổ ấm – nơi có một người vợ hiền lành, tần tảo, tháo vát và 4 cô con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, giỏi giang – nơi bình yên, xanh tươi xoa dịu những gió bụi, căng thẳng của cuộc đời chiến đấu của ông.

Trong cuốn album gia đình Trung tướng Lê Khoa, có một tấm ảnh tôi nhìn mà ám ảnh mãi. Tấm ảnh một người phụ nữ tóc bạc trắng, mắt mắt nghiền thanh thản, gương mặt hiền từ như bà tiên trong các câu chuyện cổ tích, kế sát là hình ảnh một người đàn ông tóc bạc, cúi sát gần gương mặt tĩnh lặng, bình yên kia, nhè nhẹ đặt một nụ hôn chào tạm biệt.

Vợ chồng Trung tướng Lê Khoa khi còn trẻ
Vợ chồng Trung tướng Lê Khoa khi còn trẻ

Tấm ảnh đó được con cháu của Trung tướng Lê Khoa ghi lại trong khoảnh khắc sinh ly, tử biệt khi bà  trở về thế giới vĩnh hằng bên kia. Ở bức ảnh đó, tôi không cảm thấy nét đau khổ, luyến tiếc ở vị Tướng già, trái lại, có gì đó bình thản, và rất đỗi nhẹ nhàng.

Trong cuộc trò chuyện với ông, tôi mới hiểu được trạng thái cảm xúc kì lạ đó: “Chúng tôi đã gắn bó với nhau 56 năm, 8 tháng, 6 ngày. Tình yêu, nghĩa vợ chồng sau trước trọn vẹn, viên mãn. Ngần ấy thời gian ở bên nhau là ngần ấy quãng đời hạnh phúc.

Chưa bao giờ vợ chồng chúng tôi cãi vã hay to tiếng, nặng lời. Có được cô ấy trong đời, cùng chia sớt những năm tháng khốn khó nhất của cuộc đời, cho tới sau này, đất nước hoà bình, vợ chồng cùng cần mẫn phấn đấu trong sự nghiệp và thu hái được những thành quả ý nghĩa.

Những năm tháng đó, chúng tôi đã sống hết mình, rất mực yêu thương nhau, luôn nghĩ cho nhau. Vậy còn điều gì để luyến tiếc? Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật bất biến của đời người, vĩnh viễn không thể thay đổi, xoay chuyển được.

Sống hết mình, vẹn tròn trong cuộc sống gia đình và công tác xã hội; ra đi thanh thản về chốn bồng lai, còn điều gì để tiếc nuối, đau lòng nữa! Một nụ cười chúc phúc trong giờ khắc chia tay, có thể là một món quà, một lời cảm tạ tới người bạn đời đã chung vai sát cánh cùng tôi cả cuộc đời”.

Không giấu giếm niềm tự hào, ông kể cho tôi nghe về gia đình ấm áp mà như ông bảo, nếu như tôi hẹn trước, có lẽ tôi sẽ được gặp những người con gái yêu quý – những báu vật vô giá của ông, có thể giúp tôi hiểu thêm phần nào nếp nhà, nếp cửa vị Tướng tài chính.

Ông đã dành những chữ đẹp nhất, trân trọng nhất khi nói về người vợ đảm đang, tháo vát của mình trong cuốn hồi kí dày 500 trang sẽ phát hành trong thời gian tới.

Tôi may mắn được ông cho xem tập bản thảo dày, ghi dấu chặng đường công tác 66 năm liên tục, trong đó có 53 năm tại chức và 13 năm nghỉ hưu làm công tác từ thiện khuyến học, đã có những trang viết giàu xúc động, yêu thương về người bạn đời của ông.

Người phụ nữ ấy có cái tên kiêu sa Cát Kim Liên, nhưng cuộc đời bà bình dị, giản đơn, chỉ biết chăm chút cho chồng, cho con.

Thời gia đình còn khó khăn, bà luôn mặc tấm áo nâu giản dị, bạc màu, cho tới khi sau này, gia đình đã khá giả hơn, bà vẫn giữ tấm áo cũ của ngày son trẻ, như một kỉ niệm thiêng liêng lưu giữ một thời khốn khó.

Chân dung Trung tướng Lê Khoa
Chân dung Trung tướng Lê Khoa

Từ thời trẻ, bà đã tham gia công tác phụ nữ tỉnh Sơn Tây (cũ) nhiệt tình, chưa một lần xao nhãng công việc của tập thể. Cho tới khi mái tóc đã bạc phơ, bà ngã gục xuống cũng tại hội trường hội phụ nữ phường ngay tại bàn làm việc trong một cuộc họp giao ban.

Bà rơi vào hôn mê sâu và ra đi không lâu sau đó. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, một nách 4 con chăm lo để chồng yên tâm công tác, chưa bao giờ, người ta thấy dấu hiệu của sự mệt mỏi, chán nản trên gương mặt đó.

Trong miền kí ức mênh mông của ông, hình ảnh của những ngày son trẻ, khi mới là chàng trai ngoài 20 trẻ trung, giàu nhiệt huyết, có ý thức cầu tiến sột soạt trở về. 23 tuổi đã là Bí thư huyện uỷ huyện Phúc Thọ, năng nổ tham gia công tác đấu tranh tại địa phương.

Cũng trong thời gian này, ông có quen với Chủ tịch hội Liên Việt huyện Phúc Thọ. Giữa những người đồng chí, cộng sự có chung lý tưởng, họ nhanh chóng trở thành bằng hữu. Vì mến tài cao, chí lớn của chàng trai Bí thư huyện ủy, Chủ tịch hội Liên Việt huyện thường xuyên mời anh tới nhà chơi.

Ông Chủ tịch có cô con gái xinh đẹp, nết na, tuổi vừa chớm 20 căng tràn nhựa sống. Khi bố và vị khách trò chuyện, bàn công việc chung ở phòng khách, cô gái nhẹ nhàng, duyên dáng pha trà rồi ý tứ lui vào nhà trong.

Trong những lần lui tới nhà vị Chủ tịch đó, tình cảm giữa hai người nảy sinh lúc nào chẳng hay. Biết đôi trẻ có tình ý, bố mẹ của Kim Liên tỏ ra rất hài lòng, thường vun vén thêm cho đôi trẻ.

Trong trí nhớ của ông, những trái mận căng tròn, đỏ ối, ngọt ngào từ chính tay người thương hái tặng trong những lần tới nhà thăm vẫn còn váng vất mùi hương cho tới tận hôm nay.

Cho tới tận sau này, được nếm thêm nhiều trái mận ngọt ngon, nhưng với riêng ông, xúc cảm về trái quả đầu mùa do chính tay người yêu hái và dành tặng vẫn có hương vị đặc biệt mà chưa thứ trái cây nào có thể sánh bằng.

Trong những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vợ chồng khó khăn hoà cùng nỗi thiếu thốn chung của toàn dân tộc, sinh được cậu con trai đầu lòng, hai ông bà quyết định gửi con ở cơ sở Ba Vì, mỗi người mỗi ngả tham gia cuộc đấu tranh vệ quốc, nhủ lòng đợi tình hình ổn định sẽ đón con. 

Kể tới đây, vị Tướng già giở một bức thư cũ mèm, ố vàng loang lổ nét mực đưa tôi xem. Bức thư báo tin con trai của ông bà đã qua đời do bệnh dịch chỉ trước khi ông bà có ý định quay trở lại đón con 2 ngày.

Nỗi đau mất con khiến vợ chồng ông già đi trông thấy và kí ức buồn đó mãi theo vợ chồng ông cho tới tận bây giờ.

Mãi sau này, hai ông bà mới tiếp tục sinh con. Bốn cô con gái lần lượt chào đời. Là người có tư tưởng tiến bộ, tôn trọng quyền bình đẳng, chưa bao giờ, ông nặng nề chuyện hai vợ chồng “sinh con một bề”. Với ông, 4 cô con gái là báu vật và ông vẫn thường cảm tạ bà đã dành tặng cho ông.

Quan điểm nuôi dạy con cái của ông rất rõ ràng và phóng khoáng: Vừa sát sao, âm thầm theo từng bước đi của con, cha mẹ giúp con định hướng mục tiêu phấn đấu nhưng tuyệt đối tôn trọng sự lựa chọn của con;

Không bao giờ ông bà lấy vị thế của người làm cha, làm mẹ để áp đặt suy nghĩ và sự lựa chọn của mình vào con cái. Bên cạnh đó, cha mẹ phải là tấm gương sáng để con cái noi theo và nhìn vào. Những cử chỉ ân cần, chăm chút tự nhiên của ông bà ăn sâu vào trong suy nghĩ, ý thức của 4 cô con gái.

Từng giữ cương vị Cục trưởng Cục tài chính thuộc Bộ quốc phòng, niềm tự hào của vị Tướng tài chính này là cả đời sống trong sạch, thanh liêm, chưa bao giờ tơ hào một đồng, một cắc của chung.

Nguyên tắc sống nghiêm khắc với bản thân, vô cảm với danh lợi tầm thường, biết làm chủ đồng tiền, quý trọng đồng tiền được tạo ra bằng chính công sức của mình được ông truyền dạy cẩn thận, chu đáo tới những người con gái của mình.

4 cô con gái thành đạt, là những người có địa vị xã hội đều tự đi lên bằng chính năng lực của bản thân, không bao giờ dựa vào “cái bóng” quá lớn của bố để thăng tiến, điều ấy khiến ông luôn tự hào và yêu mến những “đứa trẻ” của ông.

Vẫn biết, trong nhịp sống hiện đại, náo nhiệt của hôm nay, dường như con cái không mấy hào hứng với việc sống chung dưới một mái nhà với bố mẹ có lẽ do xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm sống của những thế hệ không sống trong cùng một thời kỳ lịch sử, gắn bó dưới cùng một mái không được con cái ủng hộ và tỏ ra hào hứng.

Thế nhưng, việc “quy tụ” 4 người con gái dưới một mái nhà, chung sống quây quần, hoà thuận, chia ngọt sẻ bùi với nhau từng ly từng tí trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của bậc làm cha, làm mẹ như ông bà.

Ông coi đó là một thành công nhỏ, bình dị nhưng ý nghĩa mà vợ chồng ông cùng tạo dựng được cho tổ ấm của mình.

  • Trang Khôi
     
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc