Trong giới thiện nguyện từ Nam ra Bắc, có lẽ không ai còn xa lạ gì với đôi vợ chồng khuyết tật Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh. Rủi may phận người đã khiến cả hai phải mang thân tật nguyền từ thuở nhỏ. Nhưng chưa bao giờ Phục Mậu và Huỳnh Anh chịu đầu hàng số phận, mà trái lại, họ còn cùng nhau vượt qua nghịch cảnh, viết nên câu chuyện cổ tích về tình yêu, trở thành tấm gương sáng của nghị lực sống phi thường.
Tình yêu đầy sóng gió
Nơi gia đình Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh sống là căn phòng thuê chỉ vỏn vẹn mười mấy mét vuông, đơn sơ và cũ kĩ nhưng chứa đựng thứ hạnh phúc rực rỡ hiếm hoi giữa dòng đời bề bộn. Tôi biết Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh qua những lần tham gia các dự án thiện nguyện.
Tuy hoàn cảnh khó khăn, lại là người khuyết tật nhưng ở Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh luôn có thứ nhiệt huyết cống hiến dễ khiến người ta cảm phục ngay lần tiếp xúc đầu tiên.
Huỳnh Anh sinh năm 1978, tại TP.HCM trong một gia đình rất nghèo. Chỉ mới hơn 1 tuổi, cô bé Huỳnh Anh đã phải đối đầu với nghịch cảnh khi mắc phải căn bệnh sốt bại liệt. Nghị lực sống mạnh mẽ đã giúp Huỳnh Anh thoát khỏi tay tử thần nhưng từ đó, đôi chân cô bé không còn cử động được nữa.
Thử thách đầu đời của Huỳnh Anh không phải là bài toán khó, nét chữ tròn vo, trang vẽ đẹp,... mà là những bước đi. Ký ức ấu thơ của chị gắn liền với những trưa hè, chiều mưa bám lưng mẹ lắc lư đến trường, những cú ngã chí mạng, những vết bầm trầy vì nỗ lực tập đi trên đôi nạng gỗ.
Tình yêu của Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. |
Gánh ve chai của mẹ không đủ sức nuôi Huỳnh Anh ăn học, nên mới mười mấy tuổi đầu, cô bé đã xin đi bán vé số kiếm tiền phụ mẹ trang trải. Biết mình sinh ra đã thua kém bạn bè, Huỳnh Anh luôn ý thức phải nỗ lực học tập và phấn đấu hết mình.
"Gieo nhân lành ra quả ngọt", kỳ thi tuyển sinh đại học năm ấy, cả thành phố phải trầm trồ thán phục khi cô bé nghèo khó, tật nguyền cùng lúc thi đỗ cả 3 trường Đại học danh tiếng: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Ngoại ngữ Tin học.
Đậu cả 3 trường đại học mà Huỳnh Anh đôi mắt buồn hiu, mẹ Huỳnh Anh ôm chầm lấy cô mà đôi vai chùng xuống bởi hai mẹ con quá nghèo, miếng cơm manh áo còn dừng lại ở mức đắp đổi thì lấy đâu ra tiền để đi học cao hơn.
Nhưng rồi, may mắn đã đến với cô bé đầy nghị lực, Huỳnh Anh chính thức nhận được học bổng toàn phần của trường Đại học Ngoại ngữ tin học TP.HCM.
Tuổi thơ của Lưu Phục Mậu cũng dữ dội không kém Huỳnh Anh khi anh cũng mắc phải cơn sốt bại liệt quái ác, để rồi mất đi sự hoàn thiện của khuôn mặt, giọng nói bước đi.
Nhưng đôi mắt của Lưu Phục Mậu rất dễ thu hút người đối diện bởi nội lực chất chứa trong từng ánh nhìn. Chính đôi mắt ấy đã khiến Huỳnh Anh không thôi nghĩ về Mậu ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Cách đây hơn 8 năm, Huỳnh Anh tình cờ biết đến Lưu Phục Mậu trong một buổi sinh hoạt CLB Người khuyết tật TP.HCM. Lúc ấy, Mậu vừa là vận động viên Paragames của thành phố, vừa là thầy giáo dạy tin học cho người khuyết tật.
Huy chương vàng môn chạy 100m, Huy chương bạc môn ném tạ trong đại hội thể thao Người khuyết tật, huy chương đồng môn chạy 100m trong Paragames 2003 là bằng chứng cho những cố gắng không mệt mỏi của anh.
Huỳnh Anh để dạ cảm phục, còn Lưu Phục Mậu cũng chú ý đến cô gái có khuôn mặt tươi sáng như trăng rằm. Ngày tháng trôi qua, lời yêu vẫn chưa ngỏ nhưng với Huỳnh Anh và Phục Mậu, tâm hồn của họ đã thuộc về nhau ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Để rồi, tuy phát âm chưa rõ, nhưng Lưu Phục Mậu vẫn tròn vành 3 tiếng: "Anh yêu em" xuất phát tự trái tim.
Lưu Phục Mậu trao học bổng “Ngọn nến niềm tin” cho các em học sinh nghèo, khuyết tật. |
Vượt qua mọi rào cản, qua những nghi ngại về cuộc sống tương lai đầy bất trắc, Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh đã làm động lòng các đấng cha mẹ.
Thế rồi đám cưới giản đơn nhưng thấm đượm nghĩa tình của Mậu và Huỳnh Anh như một điều minh chứng rằng dù ở bất kì hoàn cảnh nào, tình yêu chân thật luôn tạo nên sức mạnh để vượt qua tất cả.
Như một điều diệu kì, sau mấy năm chung sống, Huỳnh Anh phát hiện mình đã mang thai dù trước đó bác sĩ đã chẩn đoán khả năng mang thai của Huỳnh Anh gần như không có. Ngày bé Lưu Thanh Hương ra đời, Mậu ôm con mà nước mắt rưng rưng.
Gần 6 năm trôi qua, nhưng giờ nhớ lại, Huỳnh Anh cũng không sao ngăn nổi sự xúc động: "Biết mình mang thai, anh Mậu lo lắm, ảnh sợ nguy hiểm đến mình. Nhưng mà mình khát khao làm mẹ quá nên vợ chồng bảo nhau cùng cố gắng.
Đợt đó gia đình còn khó khăn hơn bây giờ mà Mậu lại không cho mình làm gì hết, một mình anh bươn chải làm đủ thứ việc nặng nhẹ. Rồi chiều về còn phải tất bật lo cơm nước, vì mình... không tự lo được. Vậy mà năm sau, bé Thanh Mai lại tiếp tục ra đời, nhìn hai đứa con khỏe khoắn, xinh đẹp hai vợ chồng chỉ biết tạ ơn trời đất".
Tâm hồn thiện nguyện
Trong một lần trên đường về nhà, Huỳnh Anh tình cờ gặp một người phụ nữ cũng khuyết tật như chị đang bày bán những sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo. Tiếp xúc mới biết, đây là sản phẩm do chính tay những người khuyết tật làm nhưng do không có đầu ra nên phải dạt đến lề đường.
Đã từng tiếp xúc với nhiều người đồng cảnh ngộ, Huỳnh Anh biết những sản phẩm thủ công của người khuyết tật làm ra mẫu mã và chất lượng không thua kém gì các nơi khác. Nhưng do khâu quảng bá cũng như bán hàng với người khuyết tật còn nhiều hạn chế nên cuộc sống của họ gặp khá nhiều khó khăn.
Đồng cảm sâu sắc với những người chung cảnh tật nguyền, Huỳnh Anh về bàn với chồng phải làm gì đó để giúp đỡ họ. Thế rồi cả hai nảy ra ý định thành lập một trang web để quảng bá sản phẩm của người khuyết tật.
Với khả năng tin học của mình, Huỳnh Anh đảm nhiệm phần thiết kế web. Lưu Phục Mậu di chuyển dễ dàng hơn vợ nên anh phải tất bật đi lấy thông tin, hình ảnh sản phẩm, liên hệ với các cơ sở sản xuất...
Cuộc mưu sinh đã chiếm hết thời gian ban ngày của họ nên ban đêm, nhiều khi hai vợ chồng phải thức đến rất khuya để cùng làm trang web.
Đến tháng 2/2008, website www.sanphamcuanguoikhuyettat.com chính thức đưa vào hoạt động. Với đồng lương ít ỏi của Huỳnh Anh và quầy tạp hóa đơn sơ đã khó vun vén cho một gia đình tới 4 thành viên, vậy mà anh chị còn phải chi tiền tên miền cho trang web, chưa kể biết bao chi phí phát sinh khác...
Chúng tôi đến thăm Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh vừa lúc anh chị mới tất tả đón con về. Hai cháu gái xinh đẹp vừa thấy người quen đã cúi đầu chào rồi nhào đến ôm chầm lấy tôi kể chuyện trường, chuyện lớp hết sức lanh lợi.
Phục Mậu vừa về đã xắn tay áo vào bếp, chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình. Ngần ấy năm tình nguyện... nấu cơm cho vợ nên tay nghề của Mậu rất thuần thục và khéo léo. Nhìn chồng vừa quệt mồ hôi trán vừa tránh dầu văng trên bếp, Huỳnh Anh mỉm cười hạnh phúc nói với vào:
"Chồng ơi, khuya qua đói quá em lần mò vào bếp mà không tài nào lấy đồ ăn được, lại trở vào, bụng kêu ngủ không được, em mở máy tính làm thơ tặng chồng đó. Em đọc chồng nghe nha".
Huỳnh Anh đọc: "Thương chồng xé nhỏ con tôm – Bởi chồng hiểu vợ cái mồm lười nhai – Chồng tôi có một không hai – Vợ con yêu nhất, chẳng ai sánh bằng". Mậu nghe xong cười nắc nẻ, hai đứa bé con không biết gì, thấy ba cười cũng ôm mẹ cười theo, căn phòng nhỏ rộn rã thứ thanh âm đầm ấm.
Hôm nay Mậu và Huỳnh Anh phải chạy đi chạy về hơn 72 cây số mới giao được chiếc máy đánh giày cho một khách hàng, biết vợ mệt mỏi nên Mậu chuẩn bị bữa cơm có phần thịnh soạn hơn thường ngày.
Chợt sực nhớ Lưu Phục Mậu đang tổ chức quỹ học bổng mang tên "Ngọn nến niềm tin" nên tôi dợm ý hỏi thăm. Mậu liền cười phấn khởi: "Mình trao được cho mấy trăm đứa rồi mà giờ này mới hỏi".
Tôi ngạc nhiên thì Mậu liền tiếp lời: "Thời gian đầu cũng hơi khó khăn, vì các nhà hảo tâm quen mặt mình nên tin tưởng, cũng vì vậy mà việc gì cũng phải một mình mình lo hết. Mọi việc cũng dần dần ổn, tới nay đã trao được mấy đợt rồi.
Học bổng tuy vật chất không nhiều, nhưng ít ra cũng động viên các em học sinh khó khăn, khuyết tật cố gắng phấn đấu vượt qua nghịch cảnh để vươn lên". Thấy tôi trầm trồ thán phục thì Huỳnh Anh cười: "Tinh thần tình nguyện ăn sâu vào máu ảnh lắm rồi.
Như ngày đầu gặp gỡ, chưa biết vợ tệ thế nào là ảnh đã đòi "tình nguyện" nấu cơm, giặt giũ, chăm lo cho mình suốt đời vậy đó. Quen rồi, giờ mà bắt không tình nguyện nữa thì hai vợ chồng chắc là buồn hiu".
Nhìn gia đình nhỏ đang say sưa bàn tính kế hoạch làm từ thiện cho dịp trung thu sắp tới, tôi thật sự cảm phục tinh thần và ý chí của những người bình thường nhưng lại có nghị lực sống phi thường.
Cuộc sống của gia đình Lưu Phục Mậu và Huỳnh Anh còn đó những lo toan về cơm áo gạo tiền vậy mà tiếng cười và niềm hạnh phúc luôn luôn thường trực. Như Huỳnh Anh và Lưu Phục Mậu thường giải thích: "Tình yêu chân thật luôn làm nên những điều kì diệu".
Người khuyết tật có thể tham gia giới thiệu sản phẩm của mình trên website bằng cách: truy cập vào http://www.sanphamcuanguoikhuyettat.com để tham khảo hoặc gửi hình ảnh sản phẩm, mô tả, giới thiệu về sản phẩm ấy theo địa chỉ: Huỳnh Anh, 61/13/4 đường Đất Thánh, Quận Tân Bình, TP.HCM. Việc tham gia trang web của người khuyết tật hoàn toàn miễn phí. Các cá nhân, tập thể quan tâm đến học bổng “Ngọn nến niềm tin” cũng có thể truy cập vào Website và liên hệ địa chỉ nêu trên. |
- Hồ Kinh Ngọc
[links()]