Hành trình của người cha già tìm kiếm con gái bị bán sang Trung Quốc

08:33, Chủ nhật 11/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Chỉ vì số tiền 3000 nhân dân tệ (tương đương với 9 triệu đồng tiền Việt Nam), Trần Thị Hường (31 tuổi) đã nhẫn tâm lừa bán cô em họ đang bụng mang dạ chửa sang Trung Quốc làm vợ một người đàn ông bản xứ.


Chị lừa bán em

Có nhiều lý do khiến tôi nhớ đến vụ án “bố tìm con” này như một kỷ niệm sẽ chẳng thể quên. Làm thế nào để một ông già đã hơn 60 tuổi dám một thân một mình xuất ngoại sang Trung Quốc để tìm cô con với chỉ vẻn vẹn một ít tiền đi vay mà lại không biết đường, biết tiếng? Làm thế nào một ông già gầy guộc, nhỏ thó lại có thể đấu tranh được với người đàn ông lực điền bản xứ để đưa được con gái trở về? Những câu hỏi ấy cứ ở trong tôi mãi, và cuối cùng, nó chỉ có thể được giải thích được bằng chính tình phụ tử vô bờ bến mà người đàn ông này dành cho cô con gái của mình.

Kể ra cũng đã nửa năm sau lần đầu tiên tôi gặp người đàn ông ấy, ông già quê mùa xúc động chẳng nói nên lời. Tay rót chén nước mà người cứ run lên, mừng mừng tủi tủi. Ông không mừng sao được khi cô con gái ông đã trở về và đang ngồi sát bên cạnh ông, khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Mãi một lúc sau ông mới bình tĩnh mà tự giới thiệu, ông tên là Hồ Xuân Nhâm (61 tuổi, trú tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Còn con gái ông, chị Hồ Thị Hằng cũng đã 36 tuổi. Rồi trong chính căn nhà ngói nhỏ đơn sơ với vài bộ bàn ghế và chiếc ti vi cũ kỹ của ông, ông bắt đầu trầm ngâm kể chúng tôi nghe về quãng đời buồn bã của cô con gái mình. Rằng kẻ ác đã đang tâm bán con gái ông sang Trung Quốc. Đau đớn thay, chẳng phải người lạ mà lại chính là đứa cháu gọi vợ ông là dì ruột, tên là Trần Thị Hường.

Ông Nhâm kể, Hường vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông ở xã Kim Hoa (Mê Linh, Hà Nội). Học hết cấp 3, do muốn thoát khỏi cảnh quê mùa lam lũ nên Hường phiêu bạt lên tận Lào Cai kiếm cửa buôn bán, ôm mộng đổi đời. Nhưng do dày ăn mỏng làm, sau một thời gian lưng vốn cạn kiệt, năm 2005 Hường vượt biên sang Trung Quốc và xin "đầu quân" cho một nhà chứa.

Với bản tính ranh ma, chỉ sau hơn một năm phiêu bạt xứ người, Hường đã nhanh chóng nhận ra một "mánh" khác có thể kiếm được bộn tiền là "nghề" buôn người, mang phụ nữ từ Việt Nam qua bán cho đàn ông Trung Quốc.

Tháng 8/2006 mẹ Hường nhớ con đã gọi điện và nói cô em họ Hồ Thị Hằng (lúc đó đã 32 tuổi và chưa có chồng) đang không có việc, rất muốn "người chị tháo vát" xin cho việc gì đó để làm. Thấy thế, Hường lập tức trở về nhà và rủ rê đưa chị Hằng sang Trung Quốc với lời hứa sang làm ở vườn chuối, lương cao, việc nhàn hạ”.

Vốn tin tưởng tuyệt đối vào người chị họ, cô gái mới chỉ học hết lớp 2 dễ dàng bị Hường đưa sang bên kia biên giới bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Trước đó, chị Hằng đã có thai 2 tháng với một người đàn ông khác nên khi bị chồng phát hiện cô đã có những chuỗi ngày hết sức khổ sở với người đàn ông Trung Quốc nọ. Do không biết tiếng cộng với việc nhà chồng ở biệt lập trong rừng sâu nên Hằng đã mất hoàn toàn phương hướng, đành chấp nhận sống trong cảnh tủi nhục, khốn khó.

Chị Hằng xót xa nhớ lại: “Sau khi đưa tôi đến một gia đình người Trung Quốc thì chị Hường nói là ở tạm đây vài hôm rồi chị sẽ tìm việc cho. Sau đó chị nói với tôi là cứ ở lại đây chờ chị rồi chị sẽ quay về. Tuy nhiên sau khi chị đi, có một người phụ nữ Việt Nam cũng lấy chồng bên đó nói cho tôi biết là chị Hường đã bán tôi cho một người đàn ông bên này lấy 3000 nhân dân tệ rồi và bảo tôi chịu khó ở lại làm vợ người đàn ông kia. Lúc này tôi vẫn không tin là chị Hường lại nhẫn tâm bán tôi và tôi vẫn nói là chị em ai lại nỡ làm như thế.
Hường tại tòa
Hường tại tòa
Tuy nhiên cuối cùng tôi cũng đã nhận ra một sự thật rằng chị Hường đã bán tôi. Lúc đầu tôi có ý định sẽ bỏ đi, nhưng giữa núi rừng hoang vu không người thân thích, không tiền bạc thì tôi biết đi đâu nên đành cắn răng ở lại chịu làm vợ người ta.

Cuộc sống làm vợ người lạ ở nơi đất khách quê người đối với chị Hằng  vô cùng khó khăn khi mà hai vợ chồng họ không hiểu tiếng của nhau, thời gian đầu chỉ giao tiếp bằng kí hiệu. Hàng ngày, chị Hằng cùng chồng vào rừng trồng chuối thuê cho người ta. Vừa làm chị Hằng vừa tìm cách gặp gỡ liên lạc với một số chị em Việt Nam lấy chồng bên đó để tìm cơ hội liên lạc về nhà. Tuy nhiên phải đến mãi năm 2009, chị Hằng mới mượn được điện thoại của một người Việt Nam để liên lạc với gia đình.

Cuộc kiếm tìm ngoạn mục

Tiếp lời kể của con gái, ông Nhâm với đôi mắt đẫm lệ cho biết: Ngay cái hôm con Hằng bị chị nó đưa đi mất tôi đã linh tính có chuyện chẳng lành nên hỏi mấy đứa con của tôi thì nó cho biết con Hường đã xuống đây chở Hằng đi đâu không rõ. Không thấy con gái về, tôi đã đến nhà hỏi mẹ con Hường đồng thời cũng là em gái của vợ tôi nhưng bà ấy vẫn không cho tôi biết là con Hằng đang ở đâu. Sau đó tôi phải nhờ gia đình bên ngoại can thiệp thì bà ấy mới cho biết là Hường đã dẫn Hằng sang bên kia Trung Quốc để làm ăn. Tuy nhiên tôi không tin vì nếu đi làm ăn thì Hằng phải nói với gia đình tôi”.

Những ngày tháng sau đó ông liên tục tới nhà mẹ của Hường để thuyết phục bà đưa ông qua bên kia biên giới gặp lại con. Cuối cùng những nỗ lực của ông cũng được đền đáp khi một lần mẹ của Hường đồng ý dẫn vợ ông sang bên kia biên giới. Sau quãng đường dài từ Lào Cai vượt qua nhiều núi rừng hiểm trở vợ ông cũng đã có mặt bên kia biên giới.

Tuy nhiên sau khi sang tới nơi, mẹ của Hường đã nói vợ của ông chui vào một bụi rậm để chờ bà đi tìm lại con gái cho. Rồi bà ta quay trở lại với một câu nói khiến vợ ông Nhâm đứt từng khúc ruột: “Con Hằng nó chuyển đi chỗ khác rồi không tìm thấy nữa”.

Đau đớn, ê chề người mẹ tội nghiệp đi tìm con lại quay về với những đêm nằm khóc thương đứa con gái tội nghiệp: “Khi vợ tôi trở về bao nhiêu tiền bạc đã vay mượn để tìm con cũng đã tiêu hết. Đêm đêm nghe bà ấy khóc mà tôi không sao cầm lòng được. Tôi tự nhủ với lòng mình là bằng mọi giá phải tìm lại được con”, ông Nhâm xót xa cho biết. Kể từ đó ông Nhâm bắt đầu những cuộc tìm kiếm trong vô vọng.

Vào lúc mà ông tưởng chừng đã hết hi vọng tìm được con thì một cuộc điện thoại bên kia biên giới đã làm thay đổi tất cả. Một ngày cuối năm 2009, chuông điện thoại nhà ông Nhâm reo vang và khi nhấc ống nghe, ông rụng rời chân tay nhận ra đó là giọng nói của cô con gái mà ông đã mong đợi suốt 4 năm qua.

Trong cuộc điện thoại ngắn ngủi đó, chị Hằng chỉ kịp thông báo với bố mình là đang bị bắt làm vợ ở Trung Quốc và không cung cấp thêm được bất cứ thông tin gì về địa điểm hay tình hình sức khỏe. Sau đó ông Nhâm hỏi bưu điện được biết đó là số điện thoại xuất phát từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Ông quyết định lên đường tìm con: "Lúc đó cả nhà tôi chỉ còn chưa đến một triệu đồng, tôi chạy đôn chạy đáo vay nóng được 3 triệu đồng nữa và ngay trong đêm đó bắt tàu đi luôn Lào Cai. Sang đến nơi tôi gọi điện cho số điện thoại thì được biết số điện thoại đó cũng là của một người phụ nữ Việt Nam. Tôi hỏi địa chỉ rồi cứ thế tự mình tìm địa chỉ mặc dù không biết nói một câu tiếng Trung Quốc nào", ông nhớ lại.

Sau nhiều ngày lần mò, ông cũng tìm được nơi con gái sinh sống. Ông thấy gia cảnh của cô con gái mình quá khốn khổ: Vợ chồng không hôn thú ngày ngày làm thuê làm mướn và đã có 2 đứa con trai (cũng không có giấy khai sinh, trong đó đứa con đầu là con riêng của Hằng), đứa sau thường xuyên đau ốm vì miếng ăn cũng không đủ. Đau lòng trước tình cảnh đó nhưng hiểu không thể đưa con gái về ngay, ông chỉ ở lại 4 ngày rồi quyết định về Việt Nam chuẩn bị kế hoạch cứu con.

Kế hoạch hoàn hảo

Về đến Việt Nam, ông Nhâm ngay lập tức gọi người bán rẻ mấy mảnh đất lấy 100 triệu đồng rồi đưa vợ cầm tiền sang chu cấp cho vợ chồng con gái. Sang đến nơi, mẹ Hằng cho người đàn ông Trung Quốc kia tiền mua xe máy và tình nguyện ở lại đó một tháng trông cháu và cơm nước cho hai vợ chồng: "Tôi làm thế cốt lấy lòng thằng con rể, khi nào nó phải tin thì tôi mới tính tiếp được", ông Nhâm "bật mí’.

Sau khi đã chiếm được lòng tin của người con rể, ông Nhâm tiếp tục đi bước tiếp theo- đề nghị cả nhà Hằng về Việt Nam chơi sẽ cho tiền mua ti vi. Cứ như thế mỗi khi gom góp được chút tiền ông lại sang bên kia biên giới thăm con gái và cho tiền “chàng rể” đồng thời dần dần đón mẹ con Hằng về Việt Nam. Ngày 21/7/2009, khi nhà Hằng vừa về đến Việt Nam, ông Nhâm ngay lập tức dẫn Hằng đi xuống công an trình báo vụ việc. Ngày 22/9/2010, biết không thể lẩn trốn được mãi, Trần Thị Hường đã ra đầu thú.

Ngày 2/3/2011, TAND TP Hà Nội tuyên án Trần Thị Hường 6 năm tù giam vì hành vi mua bán người trái phép và buộc phải bồi thường cho chị Hằng 10 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần. Thế nhưng hành trình của người cha nghèo này vẫn chưa chấm dứt: "Tôi bây giờ vẫn đang phải lo cách đưa nốt 2 đứa cháu với thằng rể Trung Quốc về Việt Nam, chúng nó bên đấy gạo không đủ ăn".
 
Dã Liên - Kiều Nga
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc