Hào Anh - câu chuyện của nhân viên công tác xã hội

15:10, Thứ năm 23/07/2015

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hào Anh nếu nhận được sự bảo trợ xã hội đúng nghĩa thì chắc chắn em đã sống khác.

Sau khi được cứu khỏi trại tôm cách đây bốn năm, Hào Anh 14 tuổi được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội Cà Mau. Theo báo chí, ở đó "mỗi sáng em thức dậy cùng mọi người tập thể dục, ăn sáng, học bài, chơi thể thao" và vẽ tranh. Chắc không nhiều người biết khi học tiểu học ở trường tiểu học ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau), Hào Anh từng được giải "họa sĩ tí hon" vì tài vẽ. Chắc cũng không nhiều người biết Hào Anh chỉ ở trong trung tâm hai năm. Đến 16 tuổi, mẹ Hào Anh xin đưa con về sống chung tại nhà trọ. Em chấm dứt học hành, theo cha dượng làm thợ mộc và phụ bán cà phê, sau đó chuyển sang nghề bốc vác với lương công nhật 100.000 -130.000 đồng.

Một lần lãnh lương, em xin mẹ đi chơi game suốt đêm, vừa trở về thì bị công an phường mời làm việc vì có người tố em ăn trộm. Lúc đó Hào Anh 17 tuổi. Mãi nửa năm sau em mới được giải oan, còn viên đại úy công an làm oan thì bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển công tác khác.

Suốt trong nửa năm đó, Hào Anh bị hàng xóm hỏi "đi ăn trộm hả?" khi gặp em ngoài đường. Hào Anh tìm nơi học nghề hớt tóc nhưng không được nhận. Em chỉ biết về nhà khóc.

Một năm sau đó, em tròn 18 tuổi, vẫn đầy thương tích tinh thần, không được học hành và vẫn đang bị kỳ thị, nhưng đã trở thành chủ của số tiền gần một tỷ đồng, con số mà chưa chắc em đã có thể viết ra trôi chảy.

Cách đây vài năm, một bé gái bị xâm hại tình dục được đưa về một mái ấm tại quận 9, TP HCM. Bé nhỏ xíu, tai viêm lở đầy giòi và gần như không biết nói dù đã 6 tuổi.

Suốt một năm đầu các sơ khổ sở với bé gấp nhiều lần các bé khác. Khi mắc đi ị, bé  tìm những chỗ kín đáo trong nhà như hốc tủ, góc nhà, dù đã được hướng dẫn dùng nhà vệ sinh. Các sơ phải tự tìm dọn sạch vì bé không mở miệng.

Sau một năm được chăm sóc với lòng yêu thương kiên nhẫn vô bờ, bé lột xác: bụ bẫm, đôi mắt linh hoạt và láu lỉnh, cười giỡn cả ngày, thậm chí còn bị gọi là giỡn nhây nữa.

Đến Tết, các sơ đưa bé về với mẹ ở một tỉnh miền Tây một tháng, hết Tết đón về lại. Lúc đó, "bé y chang như hồi mới đón lên. Tụi em thất vọng hết mức" - cô gái trong mái ấm kể với tôi.

Ba mẹ ly dị, mẹ bé bán quán nước, kiếm được tiền, rất ăn diện nhưng không nuôi bé. Bà ngoại già không chăm nổi. Bé không được đi học mà tự do lang thang cho đến cái ngày đau lòng đó.

Mái ấm không muốn giao bé về gia đình vì rõ ràng họ không muốn và không đủ khả năng chăm sóc bé. Nhưng các sơ cũng không đủ tư cách pháp lý để nhận bảo trợ và chăm lo cho bé lâu dài.

Hai câu chuyện này không ít gặp ở cơ sở, nhóm hoặc cá nhân người làm từ thiện ở Việt Nam. Việc giúp đỡ tiền bạc cứu giúp được người yếu thế trong tình huống cấp bách nhưng chỉ có hiệu quả tức thời. Những người yếu thế và có nguy cơ mất an toàn trong xã hội như người nghèo đói, người cao tuổi, người khuyết tật, nghiện ma túy, mại dâm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người bị tổn thương tâm lý... cần được điều trị bằng giải pháp chuyên môn và lâu dài hơn, với sự hỗ trợ của các nhân viên công tác xã hội.

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề chuyên nghiệp đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngành CTXH đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường đại học từ đầu thế kỷ 19. Ở Việt Nam, theo các tài liệu, năm 1949 với sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ và Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn, trường Cán sự xã hội Caritas đã được các nữ tu dòng Vinh Sơn thành lập với thời gian học 3 năm.

Năm 1968, Trường CTXH Quốc gia, thuộc Bộ Xã hội (cũ) được thành lập với sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc (UNICEF và UNDP), chương trình học 2 năm. Năm 1975, cả hai trường đều giải thể. Song vẫn còn một nhóm các nhà khoa học tâm huyết cố gắng duy trì ngành học này tại vài cơ sở đào tạo ở TP.HCM. Đến năm 1992, bộ môn CTXH mới được thành lập trở lại tại trường Đại học Mở- Bán công TP.HCM. Đến nay, nó có mặt ở gần 40 trường ĐH, cao đẳng. Cơ sở pháp lý cho ngành cũng đã được chính thức phê duyệt cách đây năm năm bằng Đề án 32.

Khác với từ thiện là cho-nhận, phương pháp trong công tác xã hội là tự giúp. Nhân viên xã hội là một nghề chuyên nghiệp, có thể thuộc các cơ quan của ngành lao động-xã hội hay của các tổ chức tôn giáo chứ không hoạt động đơn lẻ và được Nhà nước hỗ trợ, vì vậy họ có thể giúp thân chủ lâu dài và toàn diện. Ví dụ trường hợp Hào Anh, họ phải giúp cả bốn đối tượng: bản thân Hào Anh, mẹ em, cha dượng em (để học cách chung sống với em) và hàng xóm của Hào Anh. Giúp những gì: dạy nghề, dạy cách làm kinh tế xoá đói giảm nghèo, tư vấn và xóa bỏ tâm lý kỳ thị, dạy cách quản lý tài chính cá nhân... Trong trường hợp của bé gái, mẹ và bà ngoại em cần được tập huấn kỹ năng làm cha mẹ. Quá trình giúp đỡ chỉ kết thúc khi đối tượng đã vững vàng, tự chủ được trong đời sống, biết cách ứng phó với biến cố. Nếu chỉ cho một chỗ ở và dạy chữ như Hào Anh từng được hưởng thì vẫn chưa phải là sự bảo trợ xã hội đúng nghĩa. Tiếc thay đây vẫn là cách làm phổ biến trong các tổ chức xã hội ở nước ta.

Theo đúng chức năng, nhân viên làm công tác xã hội còn hỗ trợ người khuyết tật phục hồi các chức năng (sinh hoạt, lao động, xã hội); giúp trẻ lang thang trở về gia đình; giúp người nghiện ngập, mại dâm tái hoà nhập cộng đồng, giáo dục hoà nhập trẻ em vi phạm pháp luật...

Những năm qua, hầu hết trường hợp nạn nhân tai nạn, sự cố hoặc bị bạo hành trong xã hội ta đều được giúp đỡ nhiệt tình bằng từ thiện. Trong nhiều trường hợp, người được thụ hưởng đã đổi đời nhờ tiền từ thiện, còn người cho tiền thỏa mãn được nhu cầu nhân ái. Nhưng nếu chỉ quăng cho cục tiền rồi bỏ đó, không ít khi lại khiến người được cho tiền trở thành nạn nhân của những cạm bẫy mới.

Đừng bắt Hào Anh làm thánh!
Hào Anh cần được đối xử sòng phẳng bằng luật pháp chứ lên mạng dạy dỗ, chê trách hay xót xa bây giờ thì có ích gì đâu.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: trang.nt