Hễ cứ thấy sốt, mệt mỏi là đi truyền nước: Cẩn thận tai biến khó lường

19:29, Thứ ba 11/08/2020

( PHUNUTODAY ) - Có rất nhiều người hiện nay đang có một thói quen rất nguy hiểm là lạm dụng việc truyền nước (truyền dịch).

Quan niệm "Ốm gì cũng truyền là khỏi"

Thực tế hiện nay không ít người cho rằng cứ ốm là đi truyền nước, truyền dịch là sẽ nhanh khỏi. Có bệnh nhân đến cơ sở y tế là yêu cầu bác sĩ truyền dịch dù chỉ bị đau đầu. Nếu như bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khuyên rằng không nên truyền thì sẽ thấy không bằng lòng và tìm đến nơi khám chữa bệnh khác để được truyền dịch.

tiem-truyen-2

Họ không hiểu rằng truyền dịch là việc làm không cần thiết mất thời gian, tốn kém tiền bạc thậm chí là gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình. Họ cho rằng những thứ dịch truyền được gọi là “nước biển, nước hoa quả, đạm” đều là những thứ lành, thậm chí bổ với cơ thể, chứ đơn thuần không gây hại.

Rất nhiều người đã gặp phải tai biến, tử vong khi truyền dịch lúc mệt mỏi

Năm 2014, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận ca bệnh của một trẻ sốt xuất huyết bị phù phổi do truyền dịch quá nhiều, vì người nhà thấy bé sốt kéo dài nên tới cơ sở y tế gần nhà để truyền nước muối ba ngày liền. Khi truyền đến chai nước thứ 9 thì bệnh trở nặng và đưa đến bệnh viện Nhi đồng cấp cứu.

Tại Gia Lai, tháng 5/2016, em Cù Thị Ngọc Bích (sinh năm 1998) sau khi đi chơi với bạn về cảm thấy mệt mỏi, được người nhà đưa đi cạo gió, giác hơi, sau đó đến phòng khám tư truyền dịch, chỉ sau 30 phút truyền dịch và tiêm thuốc thì đã lên cơn co giật và tử vong.

Tháng 06/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Tố Uyên (sinh năm 1996) bị sốc nặng gây tử vong khi đang truyền nước muối. Dù đã chuyển đến bệnh viện nhưng do sốc nặng nên khi đến bệnh viện thì đã ngừng tim, ngừng thở.

tiem-truyen-3

Tự ý truyền dịch khi mệt mỏi là phản khoa học

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức – Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, tự ý truyền dịch khi người đang mệt mỏi là phản khoa học. Mọi người đừng nghĩ rằng truyền dịch là giải pháp tối ưu cho sức khỏe vì chúng chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Dịch truyền loại nào, bao nhiêu, dành cho ai thì phải tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể thì thầy thuốc mới đưa ra được chính xác.

Việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho biết: “Kỹ thuật truyền dịch tuy đơn giản nhưng rất dễ gặp tai biến. Nhẹ thì gây gây sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền. Nặng thì gây sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Hơn nữa, truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải và dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận, phổi…”

Những nguy hiểm có thể gặp trong khi truyền nước biển

- Tại nơi truyền như: phù chỗ tiêm, bị đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch đặc biệt là khi truyền các loại nước biển ưu trương.

- Phản ứng toàn thân như: cảm giác lạnh, sắc mặt tái nhợt, rét run, vã mồ hôi, khó thở,đau ngực các trường hợp này thì cần phải báo ngay nhân viên y tế, để có thể kịp thời xử trí để tránh được những diễn tiến nguy hiểm hơn.

Tóm lại, thì chúng ta đừng nghĩ là việc truyền dịch luôn luôn tốt cho sức khỏe, dịch truyền chỉ thực sự có lợi khi cơ thể chúng ta cần thiết. Còn trong những trường hợp bình thường thì dịch truyền không những không có lợi mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe do bị một số tai biến nguy hiểm. Vì thế có thể hạn chế việc truyền dịch càng tốt, bổ sung dưỡng chất qua đường ăn uống sẽ tốt hơn truyền dịch rất nhiều.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc