Hé lộ chuyện “giáo dục giới tính” của các Hoàng đế Trung Hoa

07:10, Thứ ba 06/12/2011

( PHUNUTODAY ) - #160;(Phunutoday) - Kết hôn từ khi rất sớm, nên trước khi kết hôn các vị tiểu Hoàng đế hoặc thái tử trong hậu cung Trung Quốc đều phải trải qua những “khóa học” về chuyện phòng the để lấy… kinh nghiệm.

(Phunutoday) - Kết hôn từ khi rất sớm, nên trước khi kết hôn các vị tiểu Hoàng đế hoặc thái tử trong hậu cung Trung Quốc đều phải trải qua những “khóa học” về chuyện phòng the để lấy… kinh nghiệm. Những người được giao nhiệm vụ giúp cho các tiểu Hoàng đế và thái tử thường là những cung nữ có thân phận thấp hèn, ít có tiếng nói, để tránh chuyện điều tiếng về sau. Tuy nhiên, việc “giáo dục giới tính” cho các Hoàng đế trong hậu cung cũng để lại không ít những câu chuyện hài hước và tai tiếng…

1. Thông thường, độ tuổi kết hôn của những người đàn ông trong hoàng cung Trung Quốc thời xưa không bao giờ vượt quá con số 18. Đại đa số kết hôn từ khi bắt đầu tuổi 13 cho tới năm 17 tuổi. 18 tuổi mới kết hôn đã bị cho là muộn. Tuy nhiên, kết hôn ở độ tuổi rất trẻ như vậy sẽ khiến những chàng trai mới lớn này gần như không có chút kinh nghiệm nào cho chuyện phòng the.

Để giải quyết vấn đề này, tất cả các hoàng đế, tiểu hoàng đế, thái tử, hoàng tử, thân vương,… trước khi kết hôn đều phải “sủng hạnh” phụ nữ để lấy… kinh nghiệm cho chuyện gối chăn. Những người phụ nữ được sủng hạnh trong những trường hợp này hầu hết là những người phụ nữ ở độ tuổi đã trưởng thành. Vì vậy, ngoài chuyện đón nhận “ơn mưa móc” của những Hoàng đế, thân vương tương lai, họ còn là người dạy những bài học vỡ lòng về “giáo dục giới tính” cho các vị Hoàng đế thân vương này. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, những người phụ nữ này lại mang thai và sinh ra những đứa trẻ, những Hoàng đế và thân vương thế hệ tiếp theo.

Tư Mã Trung - vị Hoàng đế nổi tiếng ngốc nghếch thời Tây Tấn - kết hôn vào năm 13 tuổi khi còn là một thái tử. Để con mình có đầy đủ kinh nghiệm cho cuộc sống vợ chồng, cha của Tư Mã Trung là Tư Mã Viêm đã phái một tài nhân tên là Tạ Cửu trong hậu cung của mình tới Đông cung của thái tử để “kèm cặp”, giúp cậu bé 13 tuổi biết thế nào là chuyện phòng the. Kết quả, sau khi kết thúc “khóa học”, Tạ Cửu rời khỏi Đông cung của Tư Mã Trung thì đã mang thai.

 

Sau đó ít lâu thì Tạ Cửu sinh con trong hậu cung của Tư Mã Viêm. Vài năm sau, một hôm, Tư Mã Trung vào hậu cung của cha mẹ chơi thì vô tình nhìn thấy một đứa bé. Tư Mã Viêm thấy vậy, chỉ tay vào đứa bé nói rằng, đây là con của Tư Mã Trung.

 Thái tử nghe xong chỉ biết há miệng vô cùng kinh ngạc, không biết mình có con từ lúc nào và có con với ai. Đến thời Bắc Ngụy, Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn cũng tương tự như vậy. Thác Bạt Tuấn kết hôn vào năm 17 tuổi, tuy nhiên, thực tế thì từ năm 13 tuổi, Tuấn đã bắt đầu “sủng hạnh” các cung nữ. Tới năm 14 tuổi thì Tuấn đã làm cha của những đứa trẻ đầu tiên.

Đến khi nhà Thanh vào Trung Nguyên, đúc rút kinh nghiệm của các triều đại đi trước, triều đình nhà Thanh quy định việc “giáo dục giới tính” cho Hoàng đế tương lai rất rõ ràng và quy củ. Theo quy định này, trước khi Hoàng đế kết hôn thì trong cung sẽ phải chọn 8 người cung nữ đoan trang và có phẩm hạnh, đặc biệt là tuổi tác phải lớn hơn một chút, để Hoàng đế sủng hạnh.

Những cung nữ được chọn sẽ trở thành người có danh phận, từ đó về sau sẽ không phải làm những công việc nặng nhọc trong cung nữa, ngược lại mỗi tháng còn có bổng lộc riêng. Vì vậy, dưới chế độ của triều Thanh, trở thành người được lựa chọn để đưa đến cho Hoàng đế “tập” sủng hạnh cũng là món mồi béo bở để các cung nữ tranh giành nhau, những mong có thể thoát khỏi kiếp sống nô tì cực nhục trong hậu cung. Quy định này của nhà Thanh thực chất là giúp Hoàng đế hoặc thái tử có được kinh nghiệm trong chuyện phòng the để đến khi sống chung với hoàng hậu sẽ không quá bỡ ngỡ, ngược lại thể hiện được phong thái của một đấng quân vương.

2. Trước khi kết hôn, Hoàng đế “sủng hạnh” những người phụ nữ nào? Điều này không được quy định trong lịch sử cung đình Trung Quốc mà có lẽ cũng khó có thể đưa ra quy định được. Bởi lẽ, việc sủng hạnh ai còn tùy thuộc vào hứng thú của vị Hoàng đế đó nữa. Đối với những Hoàng đế tuổi còn nhỏ, việc chăn gối là chuyện khiến cậu ta rất hồi hộp và tò mò, lại thêm cậu ta luôn ở trong trạng thái được dẫn dắt và không có bất cứ sự cấm đoán nào. Do vậy, việc các tiểu Hoàng đế phát sinh chuyện chăn gối với những người phụ nữ ở xung quanh mình là chuyện rất dễ xảy ra.

Theo luật định, thái tử sống ở một cung điện riêng, gọi là Đông cung, khác hẳn với cung điện của Hoàng đế và hoàng hậu. Sau khi thực hiện nghi lễ đội mũ, thái tử được coi như một người đàn ông đã trưởng thành. Vì vậy, nếu như không có lệnh của Hoàng đế, thái tử tuyệt đối không được tùy ý ra vào hậu cung để tránh việc nhòm ngó đến các cung nữ lẫn phi tần của Hoàng đế trong hậu cung. Tuy nhiên, tại Đông cung của mình thì thái tử mới chính là ông hoàng, có thể tùy ý trêu ghẹo các cung nữ, thậm chí là “sủng hạnh” họ.

Như vậy, trong tình huống thông thường thì những người phụ nữ đầu tiên mang đến cho các tiểu Hoàng đế và thái tử trải nghiệm chuyện phòng the thường là những cung nữ xung quanh họ. Trong nhiều trường hợp, có khi đó là các bà vú nuôi của chính họ.

Trong hoàng cung thì các cung nữ và vú nuôi là thân phận nô bộc, không hề có danh phận gì, vì vậy, việc “sủng hạnh” những người này sẽ không khiến các tiểu hoàng đế hay thái tử phải lo lắng nhiều. Đây là lý do trong dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện về dòng dõi lưu lạc của các Hoàng đế trong dân gian. Thông thường, họ đều do những người phụ nữ không có danh phận, hoặc danh phận rất thấp trong hậu cung may mắn nhận được “sự sủng” hạnh của các Hoàng đế.
Minh Thần Tông
Minh Thần Tông

Về mặt tâm lý mà nói thì những người luôn coi mình là “duy ngã độc tôn” như Hoàng đế thường không có tình cảm sâu nặng gì với những người phụ nữ đầu tiên của họ. Vì vậy, mối quan hệ giữa họ kết thúc rất nhanh. Tuy nhiên, ngay cả khi kết thúc thì người phụ nữ đầu tiên này cũng sẽ khiến cho Hoàng đế cảm thấy khó xử bởi họ khiến Hoàng đế nhớ lại sự bỡ ngỡ, yếu đuối và trẻ con của mình trong lần đầu tiên làm chuyện phòng the. Vì vậy, mỗi khi đứng trước mặt những người phụ nữ này, Hoàng đế chắc chắn sẽ cảm thấy không hề thoải mái chút nào.

Trong tâm trạng đó, tất yếu là Hoàng đế sẽ tìm cách tránh mặt người phụ nữ đầu tiên của mình và chuyển hướng sang một mỹ nữ khác, hoàn toàn chưa biết gì về ông ta.

Minh Thần Tông Chu Dực Quân là con trai thứ ba của Minh Mục Tông. Quân được lập làm thái tử từ khi mới lên 3 tuổi. Đến năm 10 tuổi thì lên ngôi trở thành Hoàng đế. Đến năm 17 tuổi, một lần Quân đi qua cung Từ Ninh nhìn thấy một cô cung nữ họ Vương, bỗng dưng hứng xuân tình của chàng trai mới lớn trỗi dậy, Quân lập tức kéo cô cung nữ họ Vương ra “sủng hạnh”.

Sau khi nhận ơn mưa móc từ vị Hoàng đế trẻ tuổi, cô cung nữ họ Vương đã mang thai. Đây là sự việc cực kỳ quan trọng đối với triều đình và được các thái giám hầu cận của Hoàng đế ghi lại một cách tỉ mỉ để về sau có sổ sách đối chiếu. Tuy nhiên, sau giây phút bồng bột của mình, Chu Dực Quân lại thấy không thích cô cung nữ họ Vương, vì vậy từ đó về sau không bao giờ ngó ngàng gì tới cô ta nữa, sau đó một thời gian thì quên hẳn người phụ nữ này.

Chuyện này đến tai thái hậu Từ Thánh. Vốn đang mong có một đứa cháu trai để bế trong những ngày nhàn rỗi tuổi già, thái hậu Từ Thánh dành cho cung nữ họ Vương một sự quan tâm đặc biệt. Nhờ vậy, cô cung nữ họ Vương này có thể yên ổn sống trong hậu cung và sau đó sinh ra một đứa con trai. Sau này, có lần, thái hậu tìm tới nói với Quân về chuyện của cô cung nữ họ Vương, tuy nhiên, Quân tỏ ra rất lạnh nhạt, giả vờ như chưa bao giờ nghe thấy có người nào họ Vương. Hoàng đế lạnh nhạt, đương nhiên chuyện sắc phong phi tần của Vương thị trở thành vô vọng, đứa con trai mà Vương thị sinh ra cũng bị lạnh nhạt, bỏ rơi, chẳng ai đoái hoài.

Tuy nhiên, trong lịch sử, cũng không phải không có trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm và cung nữ họ Vạn. Vạn thị vào cung từ năm 4 tuổi là một cung nữ phục vụ trong hậu cung. Ban đầu, Vạn thị là người hầu của Tôn thái hậu - mẹ đẻ của Anh Tông, tức là bà nội của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm.

Bước vào tuổi trưởng thành, Vạn thị trở thành một cô gái hết sức xinh đẹp, lại thông minh và khéo léo lấy lòng người khác. Vì vậy, Vạn thị rất được Tôn thái hậu sủng ái, trở thành một người tâm phúc của thái hậu. Hiến Tông Chu Kiến Thâm là con trai trưởng của vua Minh Anh Tông, sinh vào năm Chính Thống thứ 12. Hai năm sau đó, vua Anh Tông bị bắt làm tù binh, thái hậu họ Tôn ra lệnh phong Chu Kiến Thâm làm thái tử. Tuy nhiên, tới năm Cảnh Thái thứ 3, sau khi Đại Tông Chu Kỳ Ngọc tức vị, đã phế Chu Kiến Thâm thành Nghi Vương. Anh Tông trở lại ngôi vua, lại lập Kiến Thâm làm thái tử. Trở lại ngôi thái tử lần thứ hai này, Chu Kiến Thâm mới chỉ vừa tròn 18 tuổi.

Tám năm sau đó, Anh Tông qua đời, Kiến Thâm tức vị, trở thành Hoàng đế, sử gọi là Minh Hiến Tông. Ủng hộ Kiến Thâm từ những ngày đầu tiên nên từ khi Chu Kiến Thâm còn là thái tử, Tôn thái hậu đã phái tâm phúc của mình là cung nữ họ Vạn tới hầu hạ Thâm. Vạn thị hơn thái tử triều Minh đúng 18 tuổi. Dưới sự chăm sóc của một cung nữ tương đương với tuổi mẹ mình, thái tử Chu Kiến Thâm dần dần trưởng thành, trở thành một thiếu niên tuấn tú, khôi ngô. Cũng chẳng biết từ lúc nào và làm cách nào, cô cung nữ họ Vạn đã quyến rũ được vị thái tử mới lớn, giữa hai người đã xảy ra chuyện chăn gối nam nữ. Nhưng cũng kể từ đó, ông vua tương lai của triều đại nhà Minh bị trói chặt vào người cung nữ hơn mình tới gần 20 tuổi.
Minh Hiến Tông
Minh Hiến Tông

Thái tử Chu Kiến Thâm vừa yêu, vừa dựa dẫm vào Vạn thị, giống như một vật ký sinh, không thể tách rời khỏi Vạn thị được. Người ta nói rằng, vị thái tử trẻ tuổi họ Chu, ngoài tình cảm và nhu cầu về tình dục, còn có sự tuân phục và nể sợ đối với Vạn thị. Bởi lẽ, Vạn thị là người chăm sóc và bảo vệ Chu Kiến Thâm từ nhỏ nên rất hiểu tính cách cũng như những nhược điểm của Chu Kiến Thâm. Và với trí thông minh sẵn có của mình, Vạn thị thừa sức để trói chặt chàng thái tử chỉ bằng tuổi con mình.

 Chu Kiến Thâm tức vị năm 18 tuổi, năm đó, tính ra Vạn thị đã 36 tuổi. Người phụ nữ vào độ tuổi này đương nhiên không thể so sánh với những mỹ nữ tuổi 16-18 mơn mởn trong hậu cung triều Minh. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, Chu Kiến Thâm vẫn hết sức sủng ái Vạn thị, thậm chí, càng ngày càng tỏ ra chiều chuộng, phong cho Vạn thị làm Quý phi, cùng với rất nhiều bổng lộc và quyền lợi.

Được Hiến Tông sủng ái, lâu ngày Vạn thị sinh ra kiêu ngạo, hống hách. Không muốn những người phụ nữ khác tranh giành sự sủng ái của Hoàng đế với mình, Vạn thị nghĩ ra đủ mọi biện pháp tàn độc làm những người phụ nữ mang thai với Hoàng đế đều phải sẩy thai, khiến không ai không căm giận. Khi Vạn thị đã về già, Hiến Tông vẫn rất mực yêu chiều.

 
Năm Vạn thị 58 tuổi, một lần tức giận đánh một cung nữ, nhưng do thân thể quá béo nên chưa đánh được mấy đòn thì đã lăn đùng ra đất, từ đó không tỉnh lại nữa. Đến vậy mà ông vua si tình Hiến Tông còn khóc lóc than rằng: “Vạn Quý phi đi rồi thì ta còn sống được bao lâu nữa đây”. Quả nhiên, vài tháng sau đó, vì quá sầu não và phiền muộn về cái chết của Vạn thị, vua Hiến Tông cũng qua đời. Năm đó, Hiến Tông mới 40 tuổi.

3. Cùng một thời đại, cùng những quy chế điển lễ, vì sao hai người phụ nữ họ Vương và họ Vạn lại có kết cục hoàn toàn khác nhau? Điều này liên quan tới tính cách và lối ứng xử của hai người. Cô cung nữ họ Vương trong mối tình chớp nhoáng với Thần Tông hoàn toàn bị động. Bản thân Vương thị cũng là một người còn rất trẻ, lại thêm sự sợ hãi và lo lắng, đương nhiên sẽ không thể khiến Thần Tông cảm thấy dễ chịu. Vạn thị thì ngược lại, cô ta là người chứng kiến sự trưởng thành từng ngày, từng tháng của Hiến Tông. Vì vậy, đối với cô ta, Hiến Tông hoàn toàn chỉ là một đứa trẻ mà cô ta có thể nắm trong lòng bàn tay.

Thêm nữa, Vạn thị hơn Hiến Tông tới 18 tuổi, tương đương với tuổi mẹ của Hiến Tông. Với sự chênh lệch tuổi tác này, Vạn thị là người trưởng thành trước và cô ta cũng rất khéo léo để xây dựng tình cảm phụ thuộc mà Hiến Tông dành cho mình. Điều này sẽ giúp ông vua trẻ Hiến Tông cảm thấy hoàn toàn dễ chịu, thoải mái hơn trong chuyện phòng the với Vạn thị mà không có cảm giác ngại ngùng như Thần Tông với Vương thị. Đây chính là lý do vì sao Vạn thị thì được phong làm quý phi, tới già vẫn được Hiến Tông sủng hạnh, trong khi đó, Vương thị dù sinh được một đứa con trai cũng vẫn bị Thần Tông lạnh nhạt, bỏ rơi, chẳng đoái hoài tới.
Chu do hieu Minh Hy Tong.jpg
 Minh Hy Tông

Vạn thị thực tế chỉ là cung nữ đáng tuổi vú nuôi của Hiến Tông chứ chưa bao giờ có danh phận là vú nuôi của Hiến Tông. Tuy nhiên, trong lịch sử hoàng cung Trung Quốc đã từng xảy ra mối quan hệ giữa Hoàng đế và người vú nuôi của mình. Đó cũng là một câu chuyện xảy ra dưới triều nhà Minh giữa ông vua Minh Hy Tông Chu Do Hiệu và bà vú nuôi họ Khách nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Những sử liệu chắc chắn nhất đều chứng minh rằng, giữa Khách thị và Hy Tông đã xảy ra chuyện chăn gối. Cũng vì mối quan hệ đặc biệt này, Hy Tông vô cùng sủng ái Khách thị. Cho tới mãi khi Hy Tông chết vào năm 23 tuổi, mối quan hệ giữa hai người vẫn nguyên vẹn như xưa.

Khách thị tên thật là Khách Ấn Nguyệt, vốn là vợ của Hầu Nhị, người vùng Bắc Trực Lệ, phủ Bảo Định, huyện Vĩnh Hưng, nay thuộc Hà Bắc của Trung Quốc. Trước khi được đưa vào cung làm vú nuôi cho hoàng tử Chu Do Hiệu - người sau này trở thành Minh Hy Tông vào năm 25 tuổi - Khách thị đã có một đứa con với Hầu Nhị tên là Hầu Hưng Quốc. Việc Khách Ấn Nguyệt trở thành vú nuôi của hoàng tử Chu Do Hiệu cũng là một câu chuyện đậm chất truyền kỳ.

Người ta kể rằng, ngay từ khi mới sinh ra, hoàng tử Chu Do Hiệu đã có tật “kén” vú nuôi. Hơn mấy chục vú nuôi đều không thể cho vị hoàng tử này bú sữa được. Vì vậy, các thái giám được lệnh đi tìm một vú nuôi có thể cho Chu Do Hiệu bú được để đưa về cung. Khách Ấn Nguyệt chưa bao giờ làm vú nuôi, tuy nhiên, cô ta lại là người duy nhất được vị hoàng tử kén chọn Chu Do Hiệu chấp nhận.

Theo sử sách ghi chép thì Khách Ấn Nguyệt là một người phụ nữ xinh đẹp nhưng lẳng lơ và dâm loạn. Hai năm sau khi Khách thị vào cung thì chồng là Hầu Nhị mất. Thế nhưng, thời gian sau đó, Khách Ấn Nguyệt vẫn thường xuyên lấy lý do chăm sóc gia đình để được ra khỏi cung, về nhà, nhưng thực ra là để quan hệ với người khác. Có lẽ chính sự lẳng lơ, dâm loạn này của Khách thị sau này đã khiến Hoàng đế Chu Do Hiệu chết mê, chết mệt và không thể rời Khách thị ra được.

Theo quy định trong hậu cung thì khi hoàng tử 6-7 tuổi, vú nuôi phải ra khỏi cung. Có điều, Chu Hiệu, dù tuổi đã lớn, nhưng vẫn nhất định không chịu rời bỏ Khách Ấn Nguyệt. Sau này, khi đã lên làm Hoàng đế vào năm 15 tuổi vẫn y như vậy, thậm chí, một ngày mà Chu Do Hiệu không gặp vú nuôi của mình được một lần là cảm thấy vô cùng khó chịu và bứt rứt. Ban đầu, có lẽ nguyên nhân là vì mẹ của Chu Do Hiệu mất từ sớm, thành ra, ông ta ngay từ nhỏ đã thiếu sự chăm sóc của một người mẹ.

Vì vậy, Khách Ấn Nguyệt thực tế trở thành người thay thế vị trí người mẹ đối với Chu Do Hiệu. Tuy nhiên, sau này, Chu Do Hiệu đã đến tuổi trưởng thành, nhưng Khách thị vẫn ở ngay bên cạnh Chu Do Hiệu chăm sóc cho ông vua trẻ như một bảo mẫu. Có lẽ, đây là thời điểm giữa hai người xảy ra chuyện quan hệ chăn gối.

Người ta nói rằng, Khách Thị năm hơn 40 tuổi mà nhan sắc thì chẳng thua kém là bao so với những phụ nữ mới ngoài 20. Sau khi trang điểm, ăn mặc đẹp, nhìn nhan sắc Khách thị còn có phần hơn so với những cung nữ, phi tần của Hoàng đế trong hậu cung.

Một người phụ nữ xinh đẹp, đã trưởng thành thuần thục lại là người thân cận với Chu Do Hiệu từ rất nhỏ, chắc chắn Chu Do Hiệu sẽ bớt được phần ngại ngùng so với những người phụ nữ xa lạ. Vì vậy, chuyện giữa hai người có xảy ra mối quan hệ đặc biệt cũng là chuyện hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, nếu như không có mối quan hệ nam nữ, tuyệt nhiên, sẽ không thể lý giải được những ưu ái đặc biệt mà Chu Do Hiệu dành cho Khách thị, đồng thời cũng không thể lý giải được lý do vì sao Khách thị lại có những cơn ghen vô cớ đối với các phi tần được Chu Do Hiệu sủng hạnh.

Năm 1620, vừa lên ngôi vừa được nửa tháng, Hy Tông phong cho Khách Ấn Nguyệt là Phụng thánh phu nhân, lại phong cho con trai của họ Khách là Hầu Hưng Quốc chức Cẩm Y Vệ chỉ huy sứ, sai Bộ Hộ chọn 20 mẫu đất tốt ban cho họ Khách làm ruộng hương hỏa. Việc gia phong quá hậu hĩnh cho một người vú nuôi như vậy đương nhiên gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các đại thần. Để dẹp yên dư luận, Hy Tông ra một chỉ dụ nói rất rõ công đức không ai có thể sánh bằng của Khách Ấn Nguyệt.

Với chỉ dụ này, Khách Ấn Nguyệt từ một người dân thường đã trở thành một phu nhân cao quý, có thể hưởng hết những vinh hoa phú quý của thế gian. Tuy nhiên, việc phong tước vị cho Khách Ẩn Nguyệt không phải là ân sủng cuối cùng của Hy Tông dành cho người vú nuôi của mình. Càng về sau, Hy Tông càng sủng ái Khách thị hơn, thậm chí tới mức nhiều sử gia hiện nay cũng cảm thấy không thể lý giải nổi.

Mùa đông năm 1620, Khách Ấn Nguyệt chuyển vào sống ở phía Tây của cung Càn Thanh, Hoàng đế Hy Tông tới nơi chúc mừng. Hoàng thượng thưởng yến, Tư Chung Cổ dẫn đầu các thái giám đứng ra diễn trò. Hoàng thượng rất lấy làm vui nên cho phép Khách thị từ nay có thể ra vào cung bằng kiệu nhỏ, tự mình lựa chọn thái giám trong cung làm người khiêng kiệu, mọi lễ nghi đều không khác gì phi tần. Năm Thiên Khải thứ 2, Khách thị phụng chỉ chuyển tới cung Hàm An, thế lực càng lớn hơn.

 Hy Tông ban cho Khách Ấn Nguyệt các thái giám Thôi Lộc, Hứa Quốc Ninh… hơn mười người, cộng thêm những kẻ khác tự nguyện tới phục vụ chăm sóc có tới cả trăm. Mỗi lần tới sinh nhật của Khách Ấn Nguyệt, Hoàng đế đều tự tới nơi để chúc mừng, ban thưởng rất nhiều. Tiền lương bổng dùng ở chỗ Khách Ẩn Nguyệt có khi còn được hối thúc gấp hơn cả ở chỗ của Hoàng đế.

Mặc dù đã là Phụng Thánh phu nhân, ăn bổng lộc của Hoàng đế, tuy nhiên, cơm nước của Hy Tông vẫn do Khách thị đứng ra lo liệu. Mỗi ngày ba bữa, Hoàng đế ăn không hết ngự yến đều ban xuống cho Khách Ấn Nguyệt. Một ngày ba bữa, nội thị mang đồ ăn trong cung phải đi lại không ngớt giữa hai nơi.

Mối quan hệ đặc biệt giữa hai người khiến Khách thị rất nhiều lần nổi cơn ghen với những phi tần được Hoàng đế trẻ họ Chu sủng hạnh. Người ta kể rằng, trong số những người bị Khách thị đánh ghen thì có lẽ thê thảm nhất chính là Trương Dục phi. Trương Dục phi được Chu Do Hiệu sủng hạnh rồi có thai. Tuy nhiên, khi Trương Dục phi đến kỳ sinh nở, Khách thị ra lệnh cấm không cấp lương thực cho Trương thị nữa, đồng thời cũng không cho phép bất cứ ai tới cung của Trương Dục phi giúp cô ta sinh con.

 Kết quả, vào một đêm mưa to gió lớn, Trương Dục phi đói quá đành phải bò ra ngoài hiên hứng nước mưa uống cho đỡ khát. Ít ngày sau đó thì chết. Mặc dù giành được rất nhiều sự sủng ái của Hoàng đế và dùng mọi thủ đoạn để hại những phi tần được Hoàng đế sủng hạnh, song rốt cuộc, Khách thị vẫn không được Chu Do Hiệu công nhận như một người vợ có danh, có phận. Họ Khách cho đến cuối đời vẫn là một bà vú nuôi của Chu Do Hiệu và mối quan hệ giữa hai người cho tới nay vẫn là một nghi án của lịch sử.

Cổ Tỉnh
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc