Hé lộ về kho báu của Hitler và kế hoạch phục hưng Đức Quốc xã

07:00, Thứ năm 11/08/2011

( PHUNUTODAY ) - Khi Đế chế thứ 3 đứng trước nguy cơ sụp đổ, tầng lớp lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc xã đã chuẩn bị một kế hoạch chu đáo cho ngày trở lại của đế chế. Theo kế hoạch này, Hitler đã ra lệnh chuyển toàn bộ số vàng bạc và những tài sản giá trị mà chúng cướp được trong chiến tranh sang cất giữ ở nhiều nơi khác nhau nhằm phục vụ cho kế hoạch sau này.

 (Phunutoday) - Khi Đế chế thứ 3 đứng trước nguy cơ sụp đổ, tầng lớp lãnh đạo cao cấp của Đức Quốc xã đã chuẩn bị một kế hoạch chu đáo cho ngày trở lại của đế chế. Theo kế hoạch này, Hitler đã ra lệnh chuyển toàn bộ số vàng bạc và những tài sản giá trị mà chúng cướp được trong chiến tranh sang cất giữ ở nhiều nơi khác nhau nhằm phục vụ cho kế hoạch sau này. Cùng thời điểm đó, phe Đồng minh cũng nỗ lực nhằm lấy lại những tài sản này. Tuy nhiên, không ai có thể tưởng tượng được sự phức tạp cũng như quy mô khổng lồ của nhiệm vụ này cho tới tháng 4 năm 1945…

1. Vào đầu năm 1945, khi quân đội Mỹ tràn qua Tây Âu và áp sát Berlin, Hitler quyết không để những vàng bạc và tài sản giá trị mà y đã “lao tâm khổ tứ” để có được rơi vào tay phe Đồng minh.

Ngày 19/3/1945, Hitler ra lệnh phá hủy tất cả các cơ sở quân sự, công nghiệp, giao thông và viễn thông cùng toàn bộ các cửa hàng trên đất Đức để tránh rơi vào tay Đồng minh. Kế hoạch “tử hủy hoại” của Hitler đã thất bại do sự phản đối của chính những binh lính dưới quyền.

 Tuy nhiên, ít người biết rằng, cùng với mệnh lệnh “tự hủy”, Hitler cũng đã ra một “mật lệnh” cất giấu toàn bộ số vàng bạc, tiền giấy, tiền xu và ngoại tệ trong Ngân hàng Quốc gia Đức vào một mỏ muối xa xôi ở bang Thuringia có tên là Merkers. Những tác phẩm nghệ thuật và những khó báu văn hóa khác mà Đức Quốc xã cướp được từ các nước bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ 2 cũng được bí mật cất giữ tại đây.

Hai đoàn tàu được sử dụng để vận chuyển vàng bạc và các tài sản giá trị từ Berlin tới Thuringia. Hitler đã dự định sẽ cho nổ tung các lối vào mỏ Merkers ngay sau khi việc cất giấu hoàn tất do lo sợ kho báu kếch xù này có thể lọt vào tay quân Đồng minh. Theo kế hoạch này, sau khi tình hình ổn thỏa hơn, vàng bạc và các tài sản giá trị sẽ được các quan chức của Đức Quốc xã lấy lại một cách an toàn. Tuy nhiên, trước khi kế hoạch của Hitler hoàn tất, quân đội Mỹ đã tiến quân tới mỏ Merkers.

Tối ngày 22/3/1945, tập đoàn quân số 3 của Tướng George Patton đã vượt sông Rhine. Cho tới trưa ngày 4/4, đoàn quân này đã chiếm được làng Merkers. Ngay trong buổi chiều hôm đó, một đội đặc phái thuộc lực lượng phản gián của Đồng minh đã thẩm vấn một số người dân ở khu vực lân cận. Theo lời khai của người dân thì họ thấy những “hoạt động” bất thường quanh mỏ muối của Công ty khoáng sản Wintershal AG’s Kaiseroda. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh của quân Đồng minh ra lệnh giới nghiêm đối với khu vực này.

Chiều tối ngày 4/4, lính tuần tra của quân đội Mỹ phát hiện hai người phụ nữ đi lại trên phố vi phạm lệnh giới nghiêm. Ngay lập tức họ bị bắt và thẩm vấn. Hai người phụ nữ khai rằng, họ là những người dân Pháp tị nạn, một trong hai người phụ nữ đang mang thai và sắp đẻ vì vậy họ buộc phải đi sang làng bên cạnh để tìm bà đỡ. Lính Mỹ đã đưa hai người phụ nữ này lên xe và đưa sang thôn bên cạnh để tìm bà đỡ cho họ. Sáng sớm ngày hôm sau, khi đang trên đường đưa hai người phụ nữ trở về, chiếc xe đi qua cửa vào của giếng mỏ Kaiseroda, một binh sỹ đã hỏi giếng mỏ này khai thác khoáng sản gì. Không ngờ, một người phụ nữ nói: “Đó là giếng mỏ cất giấu vàng”.

Ngay khi nhận được những thông tin này, Trung tá Russell, một sỹ quan chỉ huy của quân đội Mỹ đã ngay lập tức đến Merkers. Sau khi thẩm vấn những người dân, Russell khẳng định rằng, những thông tin nhận được không phải chỉ là những lời đồn đại. Ngoài ra, Russell cũng biết thêm rằng, Giám đốc Viện Bảo tàng Quốc gia Đức Paul Ortwin Rave hiện đang có mặt tại đó để giám sát việc cất giữ các bức tranh nổi tiếng vào trong mỏ.

1
 

Tiếp đó, Russell thẩm vấn những người quản lý mỏ cũng như Werner Veick, Giám đốc Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Đức hiện đang có mặt tại mỏ. Veick khai rằng, từ 26/8/1942, Ngân hàng Quốc gia Đức đã đem toàn bộ số vàng dự trữ cũng như những tài sản quý giá cướp được (bao gồm vàng, ngoại tệ và các tác phẩm nghệ thuật) đứng tên đảng SS tại ngân hàng này chuyển tới mỏ Merkers. Hoạt động cất giấu này kéo dài cho tới 27/1/1945, tổng cộng vận chuyển 76 chuyến. Ngoài ra các ngày 16, 20, 21 tháng 3 năm 1945, 14 viện bảo tàng và phòng tranh ở miền đông nước Đức cũng vận chuyển những tài sản quý mà họ đang cất giữ tới mỏ Merkers.

Để tăng cường việc bảo vệ mỏ vàng của Đức Quốc xã vừa bị phát hiện, Russell đã hạ lệnh lập một hàng rào lưới điện bao xung quanh khu mỏ. Ban đầu, Russell hạ lệnh cho Tiểu đoàn tăng 712 tới Merkers để bảo vệ lối vào mỏ. Tuy nhiên, đến buổi tối hôm đó, lính Mỹ lại phát hiện thêm 5 lối vào mỏ khác vì vậy, một tiểu đoàn tăng không đủ để làm nhiệm vụ bảo vệ. Vì vậy, Thiếu tướng Herbert L. Earnest sau đó đã phải lệnh cho Tiểu đoàn chống tăng 773 và Trung đoàn bộ binh 357 tiến tới Merkers để tăng viện cho Tiểu đoàn 712.

Đến sáng ngày 7/4 toàn bộ số lối vào mỏ đều được tìm thấy và được binh lính Mỹ bảo vệ. 10 giờ sáng, Russell và hai sĩ quan khác, cùng với Rave và các quan chức quản lý mỏ, tiến vào lối cửa chính. Ở độ sâu 670m dưới mặt đất, họ phát hiện hơn 550 bao tải đặt dọc hai bên tường, bên trong toàn bộ là các đồng mác Đức. Tiếp tục tiến sâu hơn nữa, họ bắt gặp một bức tường gạch dày hơn 1 mét, ở giữa bức tường là một cửa hầm bằng sắt đồ sộ và chắc chắn.

 Vào thời điểm lúc bấy giờ, quân của tướng Patton đang gấp rút tiến quân vào nước Đức, vì vậy, khi nghe báo cáo bên trong mỏ Merkers chỉ phát hiện một số lượng lớn tiền mác Đức vị tướng quân này đã ra lệnh cho Trung đoàn bộ binh 357 rời khỏi khu mỏ ngoại trừ tiểu đoàn số 1. Patton cũng ra lệnh phá mở cửa hầm.

2. Sáng sớm ngày 8/4, Russell cùng một sỹ quan, nhân viên chụp ảnh, phóng viên và một số lính của Tiểu đoàn công binh số 282 trở lại mỏ. Cửa hầm bằng sắt được làm rất kiên cố, tuy nhiên, bức tường gạch xung quanh lại rất dễ dàng bị phá tung.

 Và những người Mỹ tiến vào kho báu mà có lẽ người ta chỉ có thể thấy trong câu chuyện nghìn lẻ một đêm. Trước mặt họ là một căn phòng rộng 23 mét dài tới 45 mét. Bên trong phòng là trên 7.000 chiếc bao tải được đánh số và xếp thành 20 hàng trải từ đầu phòng tới cuối phòng. Khoảng cách giữa mỗi hàng khoảng 1 mét. 

Ở cuối căn hầm, người ta phát hiện một nhiều hòm, và vali xếp thành đống, được niêm phong bằng chữ “Melmer”. Dấu niêm phong cho thấy, những chiếc hòm này thuộc về  tài khoản của đảng SS đăng ký tại Ngân hàng Quốc gia Đức. Đó là vàng bạc và những tài sản giá trị mà SS đã cướp được khi đánh chiếm châu Âu. Đây cũng là manh mối đầu tiên về sự phức tạp cũng như quy mô của hành động cướp bóc của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.

Russell và những người vào bên trong hầm vàng đã mở những chiếc bao tải và kiểm kê chi tiết số tài sản chứa trong hầm. Theo danh sách kiểm kê này thì trong hầm chứa tới 8198 miếng vàng, 55 va li chứa các thỏi vàng nén (mỗi va li chứa 2 thỏi, mỗi thỏi nặng 10 kg), hàng trăm bao tải chứa các đồ vật làm bằng vàng, hơn 1300 bao tải chứa tiền vàng của Đức, Pháp và Anh, 711 bao tải chứa các đồng vàng Mỹ loại 20 đô la và hàng trăm bao tải khác chứa các loại tiền vàng của hơn 15 quốc gia khác.

Ngoài ra, còn hàng trăm bao tải chứa các loại ngoại tệ, 9 bao tải chứa các loại tiền vàng cổ đại, 2380 bao tải và 1300 va li chứa các đồng mác Đức, tổng số lên tới 2,7 tỷ mác, 20 thỏi bạc mỗi thỏi nặng 200 kilogam, 40 bao chứa bạc miếng, 63 dương và 55 bao tải đựng các mâm bạc, một bao đựng 6 thỏi bạch kim, cuối cùng là 110 bao đựng các đồ châu báu, kim cương mà Đức Quốc xã cướp được từ các nước chúng đã từng xâm chiếm.

 Tại các nhánh đường hầm khác, người ta còn phát hiện một lượng lớn những tác phẩm nghệ thuật giá trị mà Đức Quốc xã cướp từ các bảo tàng châu Âu, từ các bức tranh cho tới tượng điêu khắc, đồng hồ cổ... Kho báu khổng lồ này đã chứng minh cho sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít Đức. Trong số những bảo tải chứa vàng, người ta phát hiện rất nhiều vàng được lấy từ răng của các nạn nhân trong các trại tập trung.

Tướng Patton chú ý tới những tác phẩm nghệ thuật cũng các loại ngoại tệ được cất giữ bên trong căn hầm và nhanh chóng ý thức được âm mưu chính trị ẩn đằng sau số tài sản khổng lồ này. Patton ngay lập yêu cầu giao toàn bộ kho báu của Đức Quốc xã cho quân viễn chinh Đồng minh tiếp quản.

Ngay sau đó, Tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ khi đó, Tướng Dwight D. Eisenhower đã phong cho Thượng tá Bernstein trở thành Giám đốc chủ quản tài chính khu vực G5/SHAEF (khu vực quản lý số 5 trực thuộc Bộ Tư lệnh tối cao của quân Đồng minh, tức miền Trung và Nam nước Đức hiện nay) chịu trách nhiệm quản lý số tài sản được tìm thấy ở mỏ Merkers.

Theo thỏa thuận của phe Đồng minh, khi chiến tranh kết thúc, Thuringia sẽ trở thành một vùng nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Liên Xô. Ý thức về điều này, quân đội Mỹ quyết định di chuyển hết kho báu này khỏi mỏ muối. Một đoàn xe tải quân sự được sử dụng để đưa toàn bộ kho báu tới cất giữ ở Frankfurt, nơi thuộc sự quản lý của Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc.
 

Ngày 15/4, dưới sự bảo vệ của máy bay chiến đấu, những tài sản mà Đức Quốc xã cất giấu trong mỏ Merkers được chất lên hàng trăm chiếc xe tải và vận chuyển đến Ngân hàng Quốc gia Đức đặt tại Frankfurt. Trung tuần tháng 8, quân Đồng minh mới bắt đầu tiến hành cân và định giá số tài sản thu được. Theo đó, số vàng trong kho báu của Đức Quốc xã có giá trị lên tới 262.213.000 đô la Mỹ, bạc được định giá là 270.469 đô la Mỹ. Ngoài ra, một bao bạch kim và 8 bao chứa các đồng tiền vàng hiếm chưa thể định giá được.

Đến đầu năm 1946, toàn bộ số vàng và tiền vàng thu được từ mỏ Merkers được giao cho Ủy ban bồi thường chiến tranh của quân Đồng minh, rồi cuối cùng được giao lại cho Ủy ban ba bên về hoàn trả tiền vàng bao gồm Anh, Pháp và Mỹ. Ủy ban này có nhiệm vụ mang số vàng được giao trả về cho các Ngân hàng Trung ương của các nước. Tuy nhiên, do Chiến tranh lạnh, một số vàng mãi cho tới năm 1996 mới được trả hết.

Người ta gần như không nghi ngờ gì về giá trị kho báu Đức Quốc xã cất giấu tại mỏ muối Merkers. Tuy vậy, nguồn gốc của số tài sản khổng lồ này cũng như việc xử lý số châu báu thu được ở Merkers đã gây ra không ít tranh cãi. Không có tài liệu nào về lượng vàng thu được từ việc nấu chảy những chiếc răng vàng. Theo Norbert Moczarksi, một chuyên viên lưu trữ văn thư bang Thuringia, sau khi được chuyển tới Frankfurt, người ta mất dấu kho báu này trong những năm hậu chiến. Số phận của một phần số vàng và các đồ vật quý giá tại Merkers vẫn còn là điều gì đó bí ẩn cho tới ngày nay.

Ngoài ra, một câu hỏi mà cho tới nay người ta vẫn chưa thể trả lời được một cách chắn chắn rằng kho báu ở mỏ muối Merkers có phải là toàn bộ kho báu mà Đức Quốc xã cất giấu nhằm chuẩn bị cho kế hoạch trở lại của Đế chế thứ 3 hay không? Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, tất cả những kho báu của Đức Quốc xã được tìm thấy tại nhiều nơi ở châu Âu đều không thể so sánh với kho báu tại Merkers.

Một trong những kho báu được cho là có quy mô tương đương với kho báu Merkers là kho báu do chính quyền phong trào cách mạng của người Croatia – The Utasa cướp được. Song, cho đến nay số vàng trong kho báu này vẫn chưa được tìm thấy. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chúng đã được Vatican và Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA bí mật vận chuyển ra khỏi châu Âu. Tuy nhiên, bao nhiêu vàng đã được lưu lại Vatican thì cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Tại khu vực núi Alps thuộc lãnh thổ nước Áo, người ta cũng phát hiện nhiều kho tàng cất giữ vàng bạc của Đức Quốc xã với quy mô nhỏ hơn. Tại đây, Đức Quốc xã từng xây dựng một “lô cốt nhân dân” cực kỳ kiên cố hòng biến nơi đây trở thành điểm cố thủ cuối cùng.

3. Đức Quốc xã đã tính toán các kế hoạch trở lại khi Đế chế thứ 3 đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tất cả các kho báu được cất giấu ở khắp nơi trên thế giới của Đức Quốc xã đều nhằm phục vụ cho kế hoạch phục hưng Đế chế thứ 3. Vấn đề then chốt của những kế hoạch này là khả năng che giấu những kho báu trước tai mắt của quân Đồng minh. Vì vậy, ngoài những kho báu nằm trên lãnh thổ nước Đức và các lãnh thổ quân Đức chiếm đóng, một phần của kho báu được cất giữ an toàn trong các tài khoản bí mật tại ngân hàng Thuỵ Sĩ. Những phần khác được chuyển tới Nam Mỹ, chủ yếu là tới Argentina.

Theo báo cáo của các ngân hàng Thụy Sĩ gửi lên Bộ Tài chính của nước này thì tổng số vốn lưu trữ trong ngân hàng đã tăng từ 332 triệu đô la Mỹ vào năm 1941 lên 846 triệu vào năm 1945. Trong đó có ít nhất 500 triệu đô la Mỹ có nguồn gốc từ Đức Quốc xã. Những con số này hoàn toàn khớp với bản báo cáo của Quốc hội Mỹ trong thời gian Bill Clinton còn đương nhiệm.

Theo báo cáo này, Thụy Sĩ đã nhận 440 triệu đô la Mỹ dưới dạng vàng của Đức Quốc xã. Trong đó 316 triệu đô la là do Đức Quốc xã cướp được từ các nước bị chiếm đóng. Ngoài ra, còn có một số vàng trị giá khoảng 1 triệu đô la Mỹ được chuyển vào hai ngân hàng thương mại của Đức là Dresdner và Deutsch. Số vàng này sau đó dã được bán tới Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy ngoại tệ.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ cũng cho hay, một số vàng trị giá 300 triệu đô la Mỹ đã được đưa vào các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các ngân hàng của Thụy Sĩ. Các số liệu thống kê cho thấy, trữ lượng vàng của các quốc gia này đều có sự đột biến trong khoảng thời gian từ 1939 tới 1943. Chẳng hạn trữ lượng vàng của Tây Ban Nha tăng từ 42 tấn lên 104 tấn, Thụy Điển tăng từ 160 tấn lên 456 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ tăng từ 88 tấn lên 221 tấn, Thụy Sĩ tăng từ 503 tấn lên 1040 tấn…

Đương nhiên, việc tăng trưởng trữ lượng vàng ở các quốc gia trung lập này không chỉ liên quan tới một mình Đức Quốc xã. Bởi lẽ rất nhiều nước Đồng minh cũng tiến hành buôn bán với các nước này. Tuy nhiên, các quốc gia trên đóng một vai trò quan trọng đối với Đức Quốc xã trong việc tiến hành chiến tranh.

 Thuỵ Điển cung cấp quặng sắt chất lượng cao. Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp crom. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cung cấp vonfram. Tất cả những kim loại này cần để sản xuất đạn dược và xe bọc thép hạng nặng. Nói cách khác, để có thể tiến hành chiến tranh, Đức Quốc xã phải dựa gần như hoàn toàn vào các nước trên.

Ngoài ra, nếu như Argentina là nơi ẩn náu chính của tàn dư Đức Quốc xã sau Chiến tranh thế giới thứ 2 thì sự gia tăng trữ lượng vàng của quốc gia Nam Mỹ này chính là một minh chứng rất rõ. Dự trữ vàng của Argentina tăng từ 314 tấn năm 1940 lên 1.064 tấn năm 1945, tăng 635 triệu đô la Mỹ. Ngoài Argetina, dự trữ vàng của Brazil cũng tăng từ 45 tấn năm 1940 lên 314 tấn năm 1945, hay tăng 288 triệu đô la Mỹ.

Người ta không bao giờ biết bao nhiêu phần trăm trong sự gia tăng dự trữ vàng của các quốc gia Nam Mỹ tới từ Đức Quốc xã vào giai đoạn cuối cuộc chiến để chuẩn bị cho các kế hoạch trở lại. Thông tin duy nhất mà người ta biết được có lẽ là chiến dịch chuyển vàng tới Argentina mang tên Feuerland mà người cầm đầu chính là Martin Borman, tên thư ký thân cận của trùm Hitler trong thời gian gần đây.

Có lẽ không một tên đảng viên quốc xã nào được nói tới nhiều như Martin Bormann. Tuy nhiên, mãi tới gần đây, người ta mới biết về số phận của hắn. Song những vật giá trị mà hắn chuyển tới Argentina trong chiến dịch hành động Feuerland cũng như việc hắn phân tán các tài sản của Đức Quốc xã vẫn còn là một bí ẩn chưa thể giải đáp.

Tuy nhiên, vàng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch trở lại của Đức Quốc xã. Những thứ giá trị hơn đối với kế hoạch đó là lượng cổ phiếu, trái phiếu và chừng 750 công ty được Bornmann thành lập trên toàn thế giới. Những công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hoá chất, điện, sắt thép, nắm giữ các bằng sáng chế giá trị và sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định để tài trợ cho hoạt động ngầm của Đức Quốc xã, phục vụ cho kế hoạch phục hưng của Đế chế thứ 3.

Cho tới nay, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, song người ta vẫn chưa thể có câu trả lời thực sự rõ ràng về kho báu của Hitler và kế hoạch phục hưng Đế chế thứ 3 của Đức Quốc xã. Kế hoạch đó cụ thể ra sao và sẽ được tiến hành vào thời điểm nào? Và liệu rằng kho báu gây nhiều tranh cãi mà người ta tìm thấy ở Merkers có phải là kho báu lớn nhất mà Đức Quốc xã chuẩn bị cho kế hoạch này hay không, hay vẫn còn những kho báu khác vẫn đang nằm im trong lòng đất? Tất cả vẫn còn là một bí ẩn.

Hà Phương

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc