Hết câm, hết mù sau lần bật nắp quan tài sống lại

06:45, Chủ nhật 27/01/2013

( PHUNUTODAY ) - Bệnh viện trả về, gia đình chuẩn bị làm lễ nhập quan, bất thình lình ông ngồi dậy giữa đám đông khiến bà con một phen khiếp vía. Sau lần "cải tử hoàn sinh" ấy, như có phép màu, ông bỗng nhiên trở thành người bình thường.

Người Nổi Tiếng) Bệnh viện trả về, gia đình chuẩn bị làm lễ nhập quan, bỗng đâu ông bất thình lình ngồi dậy giữa đám đông khiến bà con một phen khiếp vía. Sau lần "cải tử hoàn sinh" ấy, như có phép màu, ông bỗng hết câm, hết mù, trở thành người bình thường.

[links()]

Chuyện xảy ra cách đây gần 20 năm tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Đang yên đang lành, bỗng đâu tai họa ập xuống, căn bệnh không rõ nguồn gốc đã khiến "Bé câm" "ngừng thở”. Bệnh viện trả về, gia đình chuẩn bị làm lễ nhập quan, bỗng đâu ông bất thình lình ngồi dậy giữa đám đông khiến bà con một phen khiếp vía. Sau lần "cải tử hoàn sinh" ấy, như có phép màu, ông bỗng hết câm, hết mù, trở thành người bình thường. Hơn chục năm trôi qua, sau cái ngày chết đi sống lại ấy "Bé câm" mặc cho sự nổi tiếng và trí tò mò của khách thập phương vẫn đều đều đi hái thuốc Nam để trả nghĩa cho đời.

Ông Nguyễn Văn Bé trò chuyện cùng phóng viên
Ông Nguyễn Văn Bé trò chuyện cùng phóng viê


20 năm sống kiếp vừa câm vừa mù

Câu chuyện hy hữu và kỳ lạ như huyền thoại trên, xảy ra đối với ông Nguyễn Văn Bé cư ngụ tại xóm Rạch Ruộng, tổ 19, ấp Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Theo thông tin từ nhiều nguồn, chúng tôi được biết, ông Bé bị câm và mù mà không rõ nguyên nhân. Chuyện càng ly kỳ hơn khi chính quyền địa phương xác nhận việc "Bé câm" (tên thường ngày do bà con nơi đây đặt cho ông) tự dưng sáng mắt và nói chuyện bình thường một cách lạ kỳ sau khi được cho là đã ngừng thở.

Ông Bé cho biết, ông sinh năm 1949 và lớn lên trong gia đình có 6 anh em. Thuở thanh niên, Bé cũng khỏe mạnh như bao trai làng khác. Dù không có thân hình cao to, vạm vỡ của một anh lực điền, Bé vẫn đủ sức làm những công việc nặng nhọc của một anh nông dân nghèo. "Tôi cứ nghĩ ông trời đã sắp đặt rồi. Tôi vẫn bình thường, cho đến năm 27 tuổi thì tự nhiên bị câm. Sau hai mươi năm sống như người không lưỡi, tôi lại bị mù", ông Bé kể.

Ông kế tiếp: "Năm 1977, tôi cùng ông Lê Văn Dẻ và Trần Văn Bơ đi cuốc cỏ mía thuê cho ông Hồ Văn Vốn. Suốt buổi sáng, tôi làm việc bình thường và hoàn toàn không có dấu hiệu bị ốm hay đau gì. Thế nhưng, một tiếng sau thời gian nghỉ trưa, tôi cảm thấy trời đất chao đảo, đầu óc quay cuồng. Chưa kịp định thần, tôi ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi mở mắt ra, đã thấy mình nằm trên giường có phủ vải trắng, xung quanh rất đông người. Lúc ấy, tôi gắng hỏi xem mình đang ở đâu và có bệnh tật gì không, nhưng không thể thốt ra thành lời".

Lúc đó, gia đình đã đưa ông vào điều trị tại bệnh viện Thốt Nốt. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần theo dõi, các bác sĩ không thể chẩn đoán được bệnh của ông. Theo yêu cầu của bệnh viện, gia đình đưa ông lên điều trị tại Bệnh viện Cần Thơ. Tại đây, ông được các bác sĩ giỏi chuyên khoa thần kinh trực tiếp điều trị. "Nằm mãi cũng chán chú ơi. Tôi nằm đó hai năm liền, nhưng các bác sĩ cũng không chữa khỏi. Họ nói tôi bị mù do bệnh đông máu thần kinh trung ương gì đó và dặn tôi tái khám mỗi tháng 1 lần. Thế nhưng, tôi chẳng bao giờ tái khám nữa", ông Bé cho biết.

Trò chuyện với chúng tôi, bà mẹ già nay vẫn còn khỏe mạnh của ông cho biết: "Không phải chúng tôi không tin các bác sĩ đâu mà vì nhà chẳng còn tiền để đi khám nữa". Thực tế, sau nhiều lần đi thầy, đi thuốc mà vẫn không kết quả, ông đành chấp nhận kiếp sống của một người câm, muốn nói, muốn bày tỏ gì phải dùng bút viết ra. "Thời gian đầu chỉ bị câm, 20 năm sau tôi mù luôn, muốn viết cũng chả thấy đường", ông Bé tiếp lời.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông tâm sự, cũng như lần bị câm, ông bị mù mà không hề biết nguyên do. Năm 1997, sau khi uống cà phê tại quán của ông Tư Lễnh đầu xóm, về đến nhà bỗng cảm thấy trong người khó ở. Ông nhờ vợ xoa đầu, cạo gió, xức thuốc mà không mảy may tác dụng. Đã thế, ông lại lăn ra bất tỉnh. "Lúc tỉnh dậy, như mọi khi tôi cố xác định xem mình đang ở đâu, nhưng chỉ thấy tối thui. Tôi cứ ngỡ mình bị bịt mắt, nhưng các bác sĩ nói tôi bị mù. Họ cũng không xác định được nguyên nhân". Biết không còn hi vọng, ông xin xuất viện về nhà sống kiếp vừa câm vừa mù.

Sáng mắt, hết câm sau cái chết bất ngờ

Theo thông tin của bà con nơi đây, mặc dù ông Bé bị câm và mù nhưng vẫn rất ham làm. Ông xin học nghề đan thúng để phụ giúp vợ con. Tuy nhiên, sau 4 năm bị mù, ông lại làm gia đình và xóm giềng khiếp hãi khi lại lăn đùng ra chết lịm. Kể lại việc này, ông cho biết: "Đấy là hôm rằm tháng 7/2001. Gia đình tôi có đặt mâm cúng ngoài sân. Tôi cảm thấy chóng mặt nên vào nhà tìm dầu xức. Đang ngồi trên giường, tự dưng tôi té sấp xuống đất, bất tỉnh nhân sự". Vợ ông Bé cũng cho biết, khi thấy ông té lăn xuống đất, bà vội vàng chạy lại đỡ dậy và kêu la gọi tên ông nhưng người ông cứng đờ, mắt nhắm nghiền. Bà run rẩy đưa tay lên mũi ông thì thấy không còn thở nữa. Bà hốt hoảng tri hô cầu cứu.

Căn nhà nơi “Bé câm” cải tử hoàn sinh
Căn nhà nơi “Bé câm” cải tử hoàn sinh


Ông Lê Văn Tằng, hàng xóm sát vách nhà ông Bé kể lại: "Nghe tiếng kêu cứu, tôi qua đến nơi đã thấy ông Bé nằm quay đơ dưới đất, phổi ngưng thở, tim ngưng đập, mạch không còn. Tưởng ông Bé đã chết, tôi bảo vợ con ông ấy thắp nhang và chuẩn bị lo hậu sự. Sau đó, ông Tằng và vài người hàng xóm khiêng ông Bé đặt lên giường để làm thủ tục cho người chết".

Trong lúc khói nhang giữ vong đang cháy nghi ngút, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị lễ tang thì đột ngột ông Bé mở mắt, ngồi bật dậy. Chưa kịp định thần, ông nhìn khắp lượt rồi cất tiếng hỏi: "Sao mọi người đông quá vậy?". Gia đình đang khóc thương bỗng nhiên hốt hoảng như gặp ma. Một số người còn cho rằng ông bị quỷ nhập? Họ hò nhau ghì chặt tay chân ông xuống thành giường vị sợ ông ám hại người khác.

Trong lúc hỗn loạn, ông Bé chỉ biết xung quanh mình rất đông người và đang bị họ khống chế. Ông cố sức thanh minh. Cuối cùng người ta mới tin khi ông trả lời đúng hoàn toàn những câu hỏi: "Mày tên gì?. Vợ mày đâu? Con mày đâu?"... Điều kỳ lạ, sau khi trở về từ cõi chết ông bỗng hết câm, hết mù. Cũng sau ngày đó, ông gặp không ít phiền toái. Người tin thì mừng cho ông, người mê tín thì cho là ông bị ma ám, rồi xa lánh, kỳ thị ông. Tâm sự với chúng tôi, ông nói: "Kể cũng vui chú à. Hôm hết bệnh tôi thấy nhỏ cháu nội hằng ngày vẫn dắt tôi đi đây đi đó, hôm nay tôi muốn dắt nó đi chơi thì nó lại khóc thét lên bảo: "Ông nội gì mà ghê quá, trước giờ ông nội đâu có biết nói, đâu có thấy đường!...".

Trao đổi với chúng tôi, ông Bảy, nguyên là tổ trưởng tổ dân phố 19 xác nhận: "Chúng tôi sống ở đây từ nhỏ, chứng kiến ông Bé bị khuyết tật suốt mấy chục năm nay. Chúng tôi đã đưa ông vào diện tật nguyền, nghèo khó để chính quyền hỗ trợ nhưng sau khi ông ấy hết câm, hết mù đột ngột, chúng tôi phải đưa ông ấy ra khỏi danh sách tật nguyền của địa phương. Trong mục lý do đưa ra khỏi danh sách, chúng tôi không biết phải ghi làm sao, đành ghi chung chung là: “Tự dưng hết tật nguyền”. Chúng tôi khẳng định chẳng có chuyện ma quỷ gì ở đây cả. Ông Bé cũng chỉ là người trần mắt thịt như chúng tôi thôi".

Có lẽ hơn ai hết, ông Bé thấu hiểu tình cảnh khổ sở khi phải mang bệnh tật mà không có tiền thang thuốc nên sau khi được ông Trời cứu giúp, ông Bé xin đi học lớp Trung cấp Y học cổ truyền tại TP Cần Thơ mong trả nghĩa cho đời. Ông cũng chuyên đi tầm thuốc quý về phục vụ cho tủ thuốc từ thiện của địa phương. Ông nói: "Tôi đi làm thuốc vì muốn trả cái nghĩa, cái ơn không bao giờ trả hết của bà con đã dành cho tôi khi tôi bệnh tật. Trời không bắt tôi chết và đã giúp cho tôi lành lặn, hẳn ông ấy cũng muốn mình góp chút sức mọn vào việc nghĩa".

  • Minh Hương (Theo Người đưa tin)
     

                                                                                              

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc