Hồ sơ chưa từng công bố về vụ ám sát lãnh tụ Xô Viết Sergey Kirov

14:03, Thứ năm 27/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Ngày 1/12//1934, tại thành phố Lenigrad, Sergey Kirov, nhà hoạt động tên tuổi của đảng Bolsevic, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Lenigrad, bạn chiến đấu và là người được Stalin “sủng ái” nhất đã bị bắn chết bằng một phát súng lục ngay trong cung Smol


Vụ ám sát chấn động nước Nga

Trong suốt nhiều chục năm qua, vụ ám sát lãnh tụ đảng Cộng sản Xô Viết Sergey Kirov vẫn được nhìn nhận như biến cố lớn trong lịch sử nước Nga hiện đại. Bởi lẽ, hành động ám sát Sergey Kirov của Leonid Nikolaev không những gây ra tấn bi kịch đối với cả người vợ, hai đứa con nhỏ mà còn liên lụy tới tất cả những người thân, họ hàng của Leonid Nikolaev mà nó còn mở đầu cho một biến động lịch sử vô cùng lớn, đó là cuộc “đại thanh trừng”, tiêu diệt những lực lượng chống đối chính quyền Xô Viết do Stalin khởi xướng.

Tuy nhiên, có lẽ chính những mối liên hệ với cuộc đấu tranh chính trị này đã khiến cho vụ ám sát Sergey Kirov cho tới tận những năm gần đây vẫn còn là một bí ẩn dù trong suốt gần 80 năm qua, vụ án đã được lật đi lật lại nhiều lần và rất nhiều những giả thiết được đưa ra.
1
Sergey Kirov

Vào lúc 4h30 chiều ngày 1/12/1934, Sergey Kirov bước vào tòa nhà của đảng ủy Leningrad rồi theo cầu thang chính lên tầng 3, nơi đặt văn phòng làm việc của mình. Khi quay người rẽ sang hành lang tầng ba và bước về phía căn phòng làm việc của mình thì Sergey bị bắn vào đầu từ phía sau. Khi tiếng súng khiến các nhân viên cũng như bảo vệ làm việc tại đây chạy được tới hiện trường thì vị bí thư đảng ủy đã nằm sõng soài trên nền đất, bên cạnh là một kẻ đang lăm lăm khẩu súng, khuôn mặt gần như một kẻ mắc bệnh thần kinh. Kẻ đó không phải ai khác chính là Leonid Nikolaev.

15 phút sau đó, các bác sĩ đã được gọi tới để cứu chữa cho Sergey nhưng hoàn toàn vô hiệu. Trong khi đó, vợ của hung thủ Leonid Nikolaev cũng nhanh chóng bị bắt. Ngay sau khi bị bắt, Leonid Nikolaev lập tức bị thẩm vấn. Tuy nhiên, lúc bấy giờ y như một kẻ mất hồn, chẳng hiểu mình đang nói gì. Cho tới lần thẩm vấn thứ 2 diễn ra vào lúc 9 giờ tối hôm đó, lời khai của Leonid Nikolaev mới bắt đầu rành mạch hơn.

Sau khi thông tin Sergey Kirov bị sát hại được truyền tới Matxcova, Stalin đùng đùng nổi giận, ngay lập tức ông chỉ thị chuẩn bị xe đến Leningrad. Stalin muốn tự mình thẩm tra vụ án này. 10 giờ 30 ngày 2/12, Stalin cùng các quan chức lãnh đạo cao cấp của Liên Xô lúc bấy giờ đã đến Leningrad trên chiếc tàu chuyên dụng.

Ngay trong ngày hôm đó, Stalin đã tự mình thẩm vấn Leonid Nikolaev, tiếp đó, các lãnh đạo của Cơ quan An ninh quốc gia cũng lần lượt hỏi cung Leonid Nikolaev. Tuy nhiên, trong tất cả các cuộc thẩm vấn, lời khai của Leonid Nikolaev chỉ có một, đó là một mình y dùng vũ khí cá nhân của mình để tiến hành cuộc mưu sát. Và điều này Leonid Nikolaev nói thực, bởi lẽ khẩu súng mà Leonid Nikolaev dùng để bắn vào đầu Sergey Kirov đã thuộc về sở hữu của y từ năm 1918. Tới năm 1924, Leonid Nikolaev nhận được giấy phép sở hữu súng số 4936.

Tới tháng 4/1930, Leonid Nikolaev lại đăng ký lại một lần nữa với số hiệu giấy phép là 12296.

Ngoại trừ việc hỏi cung Leonid Nikolaev, ngày 2/12, Stalin còn quyết định thẩm tra một nhân vật quan trọng trong vụ án: Borisov - đội trưởng đội bảo vệ Kirov. Chính Borisov là người đã đưa Sergey Kirov lên tâng ba, hiện trường nơi xảy ra vụ án. Tuy nhiên, khi đang trên đường tới gặp Stalin thì Borisov gặp tai nạn giao thông và chết. Điều kỳ lạ là chỉ có một mình Borisov tử vong trong tai nạn đó còn những người còn lại thì không hề hấn gì.

Có lẽ cái chết quá ngẫu nhiên của Borisov ngoài việc khiến Stalin nổi giận còn khiến vị lãnh tụ nước Nga cảm thấy khoảng cách giữa sự sống và cái chết quá gần. Vì vậy, chính vào thời điểm này, Stalin bộc lộ phần quả quyết có phần tàn nhẫn của mình. Một mệnh lệnh do chính tay Stalin soạn thảo được các sử gia Nga sau này gọi là “hiến chương đáng sợ” được đưa ra: Từ nay trở về sau, những vụ án tương tự phải được hoàn tất điều tra trong vòng 10 ngày và sau khi phán quyết thì ngay lập tức bản án phải được thực hiện.
1
Sergey Kirov và Stalin năm 1934

Di thể của Sergey Kirov nhanh chóng được đưa về Matxcova. Và đến ngày 12/6, Stalin tự mình chủ trì và đậy nắp quan tài trong tang lễ cho Kirov tại Matxcova. Trong hồi ký của Mikoyan, Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô có đoạn viết: “Cái chết của Sergey Kirov là sự mất mát khiến đảng và nhà nước Xô Viết đau xót nhất sau cái chết của Lenin, thậm chí còn vượt qua cả cái chết của Felix Dzerzhinsky (vị cha đẻ của Cơ quan An ninh Quốc gia Xô Viết)…”.
 
Những giả thuyết

Vào thời điểm năm 1934, câu hỏi lớn nhất được đặt ra chính là động cơ gây án thực sự của hung thủ Leonid Nikolaev là gì?

Một giả thuyết được nhiều người đặt ra gắn vụ ám sát với những động cơ chính trị nói rằng, chính Stalin đã “hy sinh” người đồng chí thân thiết của mình để “răn đe” những người Bolsevic vốn đang có ý định thay Kiro vào vị trí Tổng bí thư đảng của Stalin mà vào thời điể lúc bấy giờ vẫn còn tồn tại khá vững chắc.

Sergey Kirov sinh ra trong một gia đình nghèo ở Uzhum, Nga. Ông trở thành một người Mac-xít và tham gia đảng Dân chủ Xã hội Nga vào năm 1904. Sergey Kirov tham gia cuộc cách mạng 1905, Sergey Kirov bị bắt và được thả nhiều lần trong thời gian hoạt động cách mạng sau đó. Ông tham gia lực lượng của những người Bolshevik ngay sau cuộc cách mạng 1905 và ít lâu sau đó trở thành chỉ huy của chính quyền quân sự Bolshevik ở Astrakhan. Năm 1917, sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, Sergey Kirov tham gia cuộc nội chiến chống lại lực lượng nổi dậy của những người ủng hộ Nga hoàng. Trong suốt thời gian này, Sergey Kirov là một người cực kỳ kiên định trong việc ủng hộ Stalin.

Trong cuộc thảo luận trước toàn Đảng Cộng sản Liên Xô được tổ chức vào đầu thập niên 20, chính Sergey Kirov là người đã lên tiếng ủng hộ Stalin và kiên quyết phản đối Trotsky và Grigory Zinoviev. Nhiều sử gia cho rằng, việc Sergey Kirov được điều đến Leningrad để thay Zinoviev làm Bí thư đảng tại đây vào năm 1926 là một cách “tưởng thưởng” của Stalin dành cho Sergey Kirov.

Ngoài ra, mối quan hệ cá nhân giữa Sergey Kirov và Stalin cũng rất thân thiết. Một người làm công tác bảo vệ của Stalin từng kể lại rằng, có những lúc, sau khi hai người (Sergey Kirov và Stalin) nói chuyện với nhau rất lâu, Stalin đã sẵn sàng nhường lại chiếc giường của mình để Sergey Kirov ngủ còn ông thì ra ngủ ở ghế sô pha.

Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu thay đổi khi Sergey Kirov nổi lên như một ngôi sao mới trên chính đàn của Liên Xô. Sau khi trở thành Bí thư đảng tại Leningrad, Sergey Kirov đã tích cực lãnh đạo công cuộc công nghiệp hóa, tập thể hóa nông thôn và tiêu diệt các lực lượng chống đối sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại đây. Với khả năng diễn thuyết đặc biệt thuyết phục, Sergey Kirov cũng là người duy nhất tới các nhà máy, công xưởng và trực tiếp nói chuyện với công nhân. Thành tích tại Leningrad đã khiến Sergey Kirov trở thành nhân vật được ngưỡng mộ rộng rãi trong đảng lúc bấy giờ.

Và chính Sergey Kirov cũng là người duy nhất sẵn sàng “chống lại” những quyết định “độc đoán” của Stalin. Vào năm 1930, Sergey Kirov thành công trong việc phản đối Stalin xử tử hình một lãnh đạo đảng là Martemyan Ryutin, một người từng ủng hộ Stalin khi Ryutin lưu hành hơn 200 trang tài liệu tuyên truyền chống lại Stalin. Trong đại hội Đảng năm 1934, Sergey Kirov trúng cử vào bộ chính trị chỉ với 3 phiếu chống, trong khi đó, Stalin nhận được tới 292 phiếu chống.

 Kết quả bỏ phiếu này sau đó bị hủy và kết quả được công bố là cả Stalin và Sergey Kirov đều chỉ nhận được 3 phiếu chống. Nhờ đó, Stalin tiếp tục trở thành Tổng bí thư Trung ương đảng, còn Sergey Kirov thì đảm nhận Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, thành viên của Ban tổ chức Trung ương. Stalin đã mời Sergey Kirov về Matxcova làm việc, tuy nhiên, Sergey Kirov đã từ chối. Giả thuyết này cho rằng, chính sự gia tăng uy tín của Sergey Kirov trong đảng, sự đe dọa vị trí của Stalin đã khiến vị lãnh tụ này quyết định “hy sinh” người đồng chí thân thiết một thời của mình.

Theo giả thuyết này thì chính Stalin đã ra lệnh cho Genrikh Yagoda, người đứng đầu lực lượng NKVD, lực lượng an ninh mật của Liên Xô lúc bấy giờ thay Feodor Medved, một người bạn của Kirov, thuộc lực lượng cảnh sát mật của Nga đang đảm nhiệm vai trò bảo vệ cho Sergey Kirov tại Leningrad bằng Grigory Yeremeyevich Yevdokimov, một người có mối liên hệ mật thiết với Stlin.

s
 

Tuy nhiên, yêu cầu của Yagoda đã bị Sergey Kirov từ chối. Sau đó, Stalin đã trực tiếp yêu cầu Yagoda sắp xếp vụ ám sát. Yagoda đã ra lệnh cho Vania Zaporozhets, người đứng sau Medved trong lực lượng bảo vệ Sergey Kirov ở Leningrad thực hiện nhiệm vụ này. Vania đã trở lại Leningrad để tìm kiếm một “sát thủ” và sau khi xem rất nhiều hồ sơ, Vania đã tìm thấy cái tên Leonid Nikolaev.

Một giả thuyết khác được đưa ra sau khi Stalin qua đời và khi bản “báo cáo bí mật” của Khrushchev được công bố. Theo bản báo cáo của Khrushchev thì Stalin đã sử dụng vụ án của Sergey Kirov “cái cớ” để mở rộng phạm vi của những cuộc thanh trừng do chính ông khởi xướng sau đó. Quan điểm này lúc bấy giờ đã trở thành quan điểm được phần đông dân chúng Liên Xô chấp nhận. Từ đó, việc điều tra triệt để vụ án Sergey Kirov trở thành một nhu cầu chính trị của Khrushchev.

Vì vậy, trong vòng 2 thập niên 50-60 của thế kỷ trước, đã có bốn ủy ban được thành lập để điều tra về vụ án của Sergey Kirov. Kết luận của các ủy ban này có viết: “Leonid Nikolaev là một phần tử khủng bố hành động đơn độc. Stalin đã lợi dụng vụ ám sát Sergey Kirov để loại bỏ Zinoviev và những người ủng hộ”. Có thể thấy rằng, Leonid Nikolaev và vụ ám sát Sergey Kirov đã trở thành một “lợi khí” của Khrushchev trong việc tấn công vào sự sùng bái cá nhân đối với Stalin.

Sang tới những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, vụ án của Leonid Nikolaev một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý của dân chúng. Khi đó, trong xã hội Liên Xô phổ biến một câu chuyện tình lãng mạn giữa Milida, vợ của Leonid Nikolaev và người bị ám sát Sergey Kirov. Người ta nói rằng, sau khi Sergey Kirov bị ám sát, người ta đã điều tra những mối quan hệ của ông với phụ nữ.

Trong đó, một trong số những người “bạn gái” của Sergey Kirov chính là Milida, vợ của Leonid Nikolaev. Do tính tình nóng nảy, thô bạo, Leonid Nikolaev đã cãi nhau với lãnh đạo nên bị đuổi việc và khai trừ đảng. Sau khi trở thành kẻ thất nghiệp, Leonid Nikolaev đã tìm sự giúp đỡ của Sergey Kirov thông qua mối quan hệ với vợ mình là Milida. Sergey Kirov đã giúp Leonid Nikolaev khôi phục lại tư cách đảng viên và sắp xếp một công việc ủy ban. Tuy nhiên, cùng lúc đó, vợ của Leonid Nikolaev cũng chuẩn bị đòi ly hôn với y.Trong cơn tức giận, Leonid Nikolaev đã tìm đến và ám sát “tình địch” của mình.

Để bảo vệ sự tôn nghiêm và tính chính nghĩa của Đảng, người đứng đầu chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ là Gorbachyov đã chỉ thị thành lập một ủy ban một lần nữa điều tra về vụ ám sát Sergey Kirov trong khoảng thời gian 1988 – 1989. Người đứng đầu ủy ban này là một thành viên của Bộ Chính trị Yakovlev. Viện kiểm sát Liên Xô cho tới Sở điều tra thuộc KGB cũng tham gia vào nhiệm vụ này. Thông qua quá trình điều tra tỉ mỉ, họ đưa ra kết luận rằng: Không có bất cứ văn kiện và bằng chứng nào có thể chứng minh Stalin tham gia vào vụ mưu sát Sergey Kirov.

Mặc dù kết luận của Ủy ban do Yakovlev đứng đầu đã được công bố một cách không chính thức, tuy nhiên, công chúng vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Bởi lẽ lúc bấy giờ người ta không tin tưởng Viện kiểm sát và KGB. Ngoài ra, sau khi công việc của ủy ban chuyên trách này kết thúc vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Chẳng hạn những thân nhân bị liên đới trong vụ án của Leonid Nikolaev, các bản án của họ vẫn chưa được thẩm tra một cách triệt để.

Mặc dù vụ ám sát Sergey Kirov đã từ một vụ mưu sát chính trị trở về với bản chất thực của một vụ án hình sự phổ thông thì nó vẫn tồn tại 2 nghi vấn lớn: Thứ nhất, vào 15/10/1934, Leonid Nikolaev từng bị bắt khi quanh quẩn gần nhà Sergey Kirov. Các nhân viên an ninh đã phát hiện ra Leonid Nikolaev mang theo súng, tuy nhiên, sau khi hỏi cung, Leonid Nikolaev đã được trả tự do. Thứ hai, những tư liệu của Tatyana, giám đốc bảo tàng Sergey Kirov cho thấy, Leonid Nikolaev từng có ý định tử sát ngay tại hiện trường xảy ra án mạng, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì y lại không thành công.

Rất nhiều kết luận đã được rút ra tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Và vì vậy trong suốt 80 năm qua, vụ ám sát Sergey Kirov của Leonid Nikolaev vẫn còn là một bí ẩn với nhiều người. Cho mãi tới năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày mất của Sergey Kirov, Cục An toàn Liên bang Nga đã quyết định giải mật một loạt những hồ sơ liên quan tới vụ ám sát vị lãnh tụ này, bao gồm cả những hồ sơ liên quan tới hung thủ Leonid Nikolaev. Và những gì mà số tài liệu mật này cung cấp thì mặc dù vì nhiều lý do khác nhau, vụ án của Leonid đã có những kết luận hoàn toàn khác, song trên thực tế thì có lẽ Leonid Nikolaev chỉ là một kẻ ám sát cuồng loạn và đơn độc…

Chân tướng sự thật

Leonid Nikolaev sinh năm 1904 trong một gia đình công nhân ở St Petersburg. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Leonid Nikolaev đã mất cha, lại thêm cơ thể Leonid Nikolaev luôn trong trạng thái ốm yếu vì vậy, sau khi trưởng thành, Leonid Nikolaev thường xuyên nổi nóng và cáu gắt một cách bất thường. Năm 18 tuổi, Leonid Nikolaev trở thành đảng viên đảng Cộng sản Liên Xô.

Năm 21 tuổi, Leonid Nikolaev kết hôn với một cô gái Latvia hơn mình tới 3 tuổi rồi rất nhanh sau đó, hai người có với nhau hai đứa con kháu khỉnh. Mặc dù đã được đào tạo tại trường Đại học Cộng sản Chủ nghĩa nhưng trước sau Leonid Nikolaev không thể làm được tại nơi nào quá lâu nên liên tục phải đổi công việc. Tới tháng 10/1933, Leonid Nikolaev chuyển tới đơn vị cuối cùng trong cuộc đời mình: Sở nghiên cứu lịch sử đảng của Leningrad, trở thành một tuyên truyền viên lưu động.

Một thời gian ngắn sau đó, nội bộ sở nghiên cứu lịch sử đảng kêu gọi các nhân viên tham gia lao động trong sở vận tải, tuy nhiên, Leonid Nikolaev từ chối công việc “khổ sai” tại các nhà ga ấy với lý do cơ thể ốm yếu cần phải điều trị, hơn nữa, anh ta vẫn còn 2 đứa con nhỏ phải chăm sóc. Kết quả, Leonid Nikolaev vừa bị khai trừ khỏi Đảng vừa bị khai trừ khỏi ngạch công chức của sở nghiên cứu lịch sử.

Mặc dù một thời gian sau đó, Leonid Nikolaev được khôi phục Đảng viên đồng thời được kiến nghị chuyển tới làm việc tại một nhà máy song một người công chức quen nhàn rỗi như Leonid Nikolaev không thể nào chịu đựng được cuộc sống lao động của một anh công nhân. Vì vậy, Leonid Nikolaev đã liên tục gửi thư về các cơ quan của Đảng các cấp, cũng như các vị lãnh đạo của đảng Cộng sản Liên Xô, thậm chí bao gồm cả Stalin, nói rằng mình bị đối xử một cách “vô nhân đạo”.

Trong bức thư gửi Ủy ban Y tế nhân dân (Bộ Y tế), Leonid Nikolaev đã nói rõ yêu cầu của bản thân mình: “Xin trả lời cho tôi trước ngày 1/7 về việc tôi có được đi chữa trị hay không? Đã đến lúc tôi nhận được giấy phép đi chữa bệnh rồi”. Ngoài ra, Leonid Nikolaev còn yêu cầu, nơi anh ta tới chữa bệnh phải là nơi có điều kiện tốt nhất ở Leningrad.

Đương nhiên, tất cả những bức thư tố cáo của Leonid Nikolaev không nhận được bất cứ sự hồi âm nào. Ngược lại, giờ đã là một người thất nghiệp, Leonid Nikolaev không còn được cung cấp những phiếu cung cấp thực phẩm hàng ngày nữa. Cuộc sống của cả gia đình Leonid Nikolaev chỉ còn trông chờ vào vợ y.

Vào thời điểm đó, với 15 năm tuổi Đảng, Milida, vợ của Leonid Nikolaev đang làm Trợ lý tổ thư ký tỉnh ủy Leningrad, thuộc quyền quản lý của Kirov. Ngoại trừ các bức thư tố cáo gửi các cơ quan cũng như lãnh đạo Đảng, Leonid Nikolaev cũng bắt đầu viết nhật ký theo lối tự truyện. Trong nhật ký của mình, Leonid Nikolaev viết rằng, anh ta nay đã 30 nên phải chuẩn bị cái gì đó để lưu lại cho hai đứa con trai của mình. Do không có công ăn việc làm nên Leonid Nikolaev có rất nhiều thời gian chăm chút cho công việc này.

Từ cuốn nhật ký này có thể nhìn thấy một cách rất rõ vì sao Leonid Nikolaev lại nảy ra ý định trả thù vị bí thư Leningrad và chuẩn bị vụ ám sát này ra sao. Tháng 8/1934, tình cảnh bất đắc chí trong suốt một thời gian dài đã khiến Leonid Nikolaev gần như trở nên điên loạn. Leonid Nikolaev không chỉ quyết định sẽ báo thù mà còn chuẩn bị cho mình một cái chết thật ầm ĩ. Đương nhiên, đối tượng báo thù của Leonid Nikolaev không ai khác chính là người lãnh đạo cao nhất tại nơi y sinh sống, bí thư Đảng ủy Leningrad - Sergey Kirov.

Ngay sau tang lễ của Sergey Kirov được tổ chức, ngày 29/12, Leonid Nikolaev và 13 đồng bọn được gọi là “trung tâm Leningrad” đã bị xử tử hình. Hai tháng sau đó, Milida, vợ của Leonid Nikolaev cũng bị xử bắn. Ngoài trừ vợ chồng Nikolaev và Milida, những người anh em, họ hàng của hai người cũng bị xử bắn, bị bắt hoặc đưa tới các trại cải tạo. Mẹ của Leonid Nikolaev bị đưa tới định cư tại một vùng nông thôn xa xôi. Hai đứa con trai của Leonid Nikolaev, Marquez, sáu tuổi và Leonid 3 tuổi được đưa tới trại trẻ mồ côi.

Cho mãi tới năm 80 tuổi, Marquez mới lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của mẹ mình trong đống tài liệu của Tatyana, giám đốc bảo tàng Sergey Kirov. Ngày 17/8/2005, sau khi xem xét những tài liệu liên quan tới lá đơn của Marquez Nikolaev, Viện kiểm sát Liên bang Nga chính thức tuyến bố con trai của Leonid Nikolaev, Marquez Nikolaev là “người bị hại”.

Kỳ thực, lớn lên trong trại trẻ mồ côi, đến tận khi trưởng thành, Marquez vẫn không hề biết rằng, bản thân mình và vụ án nổi tiếng ám sát Sergey Kirov có liên quan gì với nhau. Cho mãi tới tháng 1/2005, khi xem một bộ phim liên quan tới vụ án này trên đài truyền hình, Marquez mới lần đầu tiên đặt ra những câu hỏi về nguồn gốc thực sự của mình. Kể từ sau khi bị đưa vào trại trẻ mồ côi, Marquez luôn mang họ mẹ.

Tuy nhiên, họ của Milida, mẹ Marquez thì lại là một họ khá hiếm ở Nga. Do vậy, khi xem bộ phim về vụ ám sát nổi tiếng trong lịch sử nước Nga, Marquez bắt đầu tìm đọc tư liệu về con cái của hung thủ đã ám sát Sergey Kirov. Và Marquez bắt đầu ý nghĩ rằng, ông rất có thể là một trong số hai đứa con của hung thủ.

 “Tôi không nhớ cha mẹ tôi là ai”, Marquez viết trong cuốn tự truyện của mình, “Tôi chỉ nhớ trước năm 6 tuổi, tôi sống ở Leningrad trong một tòa nhà hình chữ C. Trong nhà tôi có bố, mẹ, bà và một em trai tên là Leonid. Tháng 1/1935, tôi được đưa vào trại mồ côi số 44 ở khu Vyborg”. Cho tới hiện tại, Marquez vẫn chưa tìm được bất cứ thông tin nào liên quan tới người em trai Leonid kém ông 3 tuổi.

Từ những tài liệu chính thức về vụ án được công bố có thể thấy rằng, việc Leonid Nikolaev ám sát lãnh tụ đảng Sergey Kirov là hành động hoàn toàn tự phát. Nguyên nhân của nó chính là những dồn ép về mặt tâm lý của một kẻ thất nghiệp và tâm lý không ổn định. Còn việc vì sao vụ ám sát này lại trở thành một bí ẩn trong suốt 80 năm qua thì lại có nguyên nhân từ những giai đoạn cụ thể trong lịch sử.

Giống như sử gia Yuri Zhukov của Nga đã nói: Việc vụ ám sát lãnh tụ Sergey Kirov của Leonid Nikolaev trở thành một bí ẩn trong nhiều năm không có gì là lạ. Bởi lẽ như rất nhiều các vụ ám sát đã diễn ra trong thế kỷ 20 từ vụ quốc vương Nam Tư Alexandra, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho tới Tổng thống Kennedy của Mỹ đều trở thành những bí ẩn lịch sử.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này chính là ảnh hưởng của cuộc đấu tranh giữa các lợi ích chính trị tới kết quả điều tra, thậm chí khiến việc điều tra hoàn toàn đi chệch hướng so với thực tế. Sau đó, khi những ảnh hưởng này mất đi thì cũng là lúc các vụ án lại cách quá xa về mặt thời gian để có thể tìm được những bằng cứ xác thực.

Hà Phương
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc