Tần Thủy Hoàng (tiếng Hán: 秦始皇)(tháng 1 hoặc tháng 12, 259 TCN – 10 tháng 9, 210 TCN), tên thật là Doanh Chính (嬴政), còn có tên khác là Triệu Chính (趙政), là vị vua thứ 36 của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 TCN đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc và trở thành vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất vào năm 221 TCN[3] sau khi tiêu diệt các nước chư hầu khác. Ông cai trị cho đến khi qua đời vào năm 210 TCN ở tuổi 49.
Tự gọi mình là Thủy Hoàng Đế (始皇帝) sau khi Trung nguyên (Trung Quốc ngày nay) được thống nhất, Tần Thủy Hoàng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, mở ra gần hai thiên niên kỷ của hoàng gia cai trị Trung Quốc. Sau khi thống nhất, ông và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt các cải cách lớn về kinh tế và chính trị. Ông đã tiến hành nhiều dự án khổng lồ, bao gồm việc xây dựng và hợp nhất các bộ phận của Vạn Lý Trường Thành, lăng mộ kích thước thành phố nổi tiếng được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước thật, và một hệ thống đường quốc gia lớn, với cái giá của rất nhiều mạng người. Để đảm bảo sự ổn định, ông đặt ra ngoài vòng pháp luật và đốt cháy nhiều cuốn sách và chôn sống một số học giả.
Là Hoàng đế nức tiếng trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng lâu nay vẫn được mệnh danh là “thiên cổ nhất đế”.
Nhân vật lịch sử này không chỉ được người đời chú ý, từ yếu tố con người, đời tư, công, tội mà ngay cả cái chết của ông với nhiều bí ẩn chưa được giải đáp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ.
Cuốn “Sử ký” của Trung Quốc ghi chép rằng, Tần Thủy Hoàng chết trên đường đi du tuần, thị sát về phía Đông.
Tuy nhiên cho đến nay, giới sử gia của nước này vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái chiều xung quanh cái chết này. Theo đó, một luồng ý kiến cho rằng, Tần vương chết vì bệnh và luồng ý kiến còn lại nhận định, ông đã bị hại mà chết.
Tần Thủy Hoàng chết vì bệnh
Những người ủng hộ quan điểm thứ nhất cho rằng, về cái chết của Tần Thủy Hoàng, “Sử ký” đã ghi chép rất nhiều. Những thông tin này thậm chí có thể tìm kiếm tại các tài liệu lịch sử khác như “Tần Thủy Hoàng bản ký”, “Lý Tư liệt truyện” và “Mông Điềm liệt truyện”...
Theo đó, nguyên nhân cái chết của Tần vương rất rõ ràng, không có gì đáng nghi ngờ.
Năm 218 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đi tuần du phía đông bị hành thích, một chiếc xe đi sau bị thích khách dùng búa đật nát.
Sau đó lại phát hiện trên một tảng đá có khắc chữ là “Thủy Hoàng chết, đất phân chia”, lại thêm lời nói “Năm nay Tổ Long chết” từ một “tiên nhân”.
Tần Thủy Hoàng vốn là người mê tín, nên cảm thấy rất bất an trước những sự việc này.
Để phòng trừ vận nạn, tìm kiếm huốc trường sinh bất tử, Tần Thủy Hoàng nghe theo lời của một thầy bói có tiếng, chuẩn bị tuần du lần thứ năm.
Tuy nhiên do trên đường đi lao lực, Tần Thủy Hoàng tới bến Bình Nguyên (nay ở gần Bình Nguyên, Sơn Đông) thì ngã bệnh.
Triệu Cao phụng mệnh viết di chiếu, truyền mệnh cho Giám quân Hà Thao là Phù Tô (con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng) rằng: "Giao binh cho Mông Điềm, mau đến đưa ta về Hàm Dương chôn cất."
Tuy nhiên thư chưa kịp truyền đi, Tần Thủy Hoàng đã chết tại Hành cung Sa Khâu (Nay nằm ở gần Quảng Tông, Hà Bắc).
Theo ghi chép của Sử ký, Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã mắc bệnh, thể chất yếu đuối, lớn lên lại ương ngạnh bảo thủ, việc lớn hay nhỏ đều tự mình quyết định, mỗi ngày phê duyệt văn thư lên tới 60 cân, làm việc cực kỳ mệt nhọc.
Thêm nữa việc tuần du lại vào những ngày hè nóng nực. Tất cả các nhân tố bất lợi trên khiến cho Tần Thủy Hoàng mắc bệnh mà chết.
Về thắc mắc Tần vương mắc bệnh gì mà chết, có ý kiến cho rằng Tần Thủy Hoàng mắc bệnh động kinh.
Thông thường, chứng bệnh này thường phát tác vào tháng 4 với các dấu hiệu như chóng mặt, dạ dày khó chịu sau đó sẽ bị mất đi ý thức, cơ bắp bị co giật... sau đó cơ bắp toàn thân co rút, sùi bọt mép, ít nhất phải mười phút sau mới có thể tỉnh táo trở lại.
Cuốn “Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” ghi chép rằng: “Tần vương mũi gẫy, mắt dài, lưng chim ó, tiếng như sói, ít tạo ân đức, tâm địa thâm độc”.
Phỏng đoán Tần Thủy Hoàng từ nhỏ mắc chứng xương mềm, thường phải chống chọi với việc khó thở, nên khi lớn lên ngực giống với chim ó, tiếng giống như sói.
Càng về sau do công việc triều chính nặng nề, nên đã xuất hiện thêm một số chứng bệnh như viêm màng não và động kinh.
Khi Tần Thủy Hoàng đi xuôi xuống Hoàng Hà, bệnh động kinh lại phát tác. Sọ não sau lại va vào đồ đựng đá, khiến cho căn bệnh viêm màng não càng thêm nghiêm trọng, người rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.
Ngày thứ hai, khi xe đi tới Sa Khâu thì Triệu Cao và Lý Tư mới phát hiện ra được Tần Thủy Hoàng đã chết cách đó khá lâu.
Tần Thủy Hoàng bị hại mà chết
Tuy nhiên những người duy trì luồng quan điểm thứ 2 đã dựa trên một số tài liệu sử sách có liên quan tới cái chết của Tần Thủy Hoàng mà phát hiện ra một số điểm khả nghi.
Triệu Cao là một hoạn quan, bố mẹ đều là tội nhân của nước Tần. Phụ thân của người này phải chịu hình phạt của nước Tần trong khi mẹ ông ta là một nô tì làm trong phủ của một viên quan lại.
Anh em Triệu Cao được sinh ra ở trong Tần cung, sinh ra đã làm nô tì. Về sau Tần Thủy Hoàng nghe nói Triệu Cao thân thể cường tráng, lại am hiểu các điều luật về hình phạt trong ngục liền đề bạt làm Trung xa phủ lệnh.
Những biểu hiện của Triệu Cao khi Tần vương bị bệnh nặng và sau khi chết không thể không khiến người ta hoài nghi rằng cái chết của Tần vương có liên quan tới ông ta.
Trong lần du tuần thứ 5 của Tần Thủy Hoàng, Triệu Cao, Lý Tư, Hồ Hợi... là những người đi theo hộ giá. Thượng khanh Mông Nghị cũng đi theo đoàn tùy tùng này.
Mông Nghị là em trai của Mông Điềm, là thân tín của Phù Tô, nhưng khi Tần Thủy Hoàng bị bệnh nặng trên đường thì Mông Nghị lại bị sai quay trở về cửa ải nơi biên giới.
Từ việc điều phối nhân sự đột ngột trên có thể thấy, đây dường như chính là một âm mưu do nhóm người của Triệu Cao sắp đặt.
Vào thời điểm Tần vương đi tuần du, Mông Điềm đang dẫn hơn ba mươi vạn binh theo trưởng tử Phù Tô đóng ở Thượng Quận. Trong khi đó, Mông Nghị cũng bị đẩy đi. Đây chính là cách để Triệu Cao trừ khử tai mắt của trưởng tử họ Tần.
Thêm vào đó, Triệu Cao từng bị Mông Nghị trị tội tử hình nhưng sau đó được Tần Thủy Hoàng miễn tội, Triệu Cao mới được phục hồi quan tước.
Ôm mối hận đến tận xương tủy, viên thái giám từng thề sẽ tiêu diệt sạch họ Mông. Đẩy Mông Nghị đi chính là bước đầu trong kế hoạch “nhổ cái gai trong mắt” này.
Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Cao vừa dùng thủ đoạn dụ dỗ, thuyết phục Hồ Hợi, vừa uy hiếp Lý Tư. Ba người này sau khi bàn tính đã quyết định giả tạo di chiếu của Tần Thủy Hoàng để ban bố chiếu thư, giao ngôi vua lại cho Hồ Hợi.
Đồng thời, nhóm này còn mượn danh nghĩa của Tần Thủy Hoàng chỉ trích Phù Tô làm con mà bất hiếu, Mông Điềm làm thần tử mà bất trung, bắt hai người phải tự sát mà không được kháng lệnh.
Khi nắm được tin tức chính xác là Phù Tô đã tự sát, Hồ Hợi, Triệu Cao, Lý Tư mới lệnh cho đội xe ngày đêm trở về thành Hàm Dương.
Để tiếp tục qua mắt thần dân, đội xe không dám đi đường thẳng mà tiếp tục tuần du, đi đường vòng trở về thành.
Do thời tiết nóng nực, thi thể của Tần Thủy Hoàng đã bị phân hủy, bốc mùi. Để tránh tai mắt, Hồ Hợi sai người mua thật nhiều cá để chất lên xe.
Về tới Hàm Dương, Hồ Hợi kế vị, xưng là Tần Nhị Thế, Triệu Cao giữ chức Lang trung lệnh, Lý Tư vẫn giữ chức Thừa tướng như cũ, nhưng thực tế quyền hành cai tri đều nằm trong tay Triệu Cao.
Sau khi thực hiện thành công âm mưu của mình, viên thái giám này bắt đầu hạ độc thủ những người xung quanh mình. Trước tiên là Lý Tư. Sau khi phát giác âm mưu tàn độc của Triệu Cao, họ Lý đã dâng sớ lên vua.
Tuy nhiên, ông vua thứ hai của nhà Tần khi đó là Hồ Hợi đã không giáng tội họ Triệu mà đem Lý Tư đi xử tội chết. Một năm sau, vị Thừa tướng này bị xử tử hình ở Hàm Dương.
Triệu Cao sau đó lên giữ chức Tể tướng, đặc xưng “Trung Tể tướng”. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của viên hoạn quan này là làm Hoàng đế, trong khi bản thân ông ta không thể chi phối sự sống của Tần Thủy Hoàng.
Và lần tuần du thứ 5 là một cơ hội trời cho của họ Triệu. Chỉ khi Tần vương chết, ông ta mới có thể làm giả di chiếu, từng bước hiện thực hóa mưu thâm kế hiểm của mình.
Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng chết vì bệnh hay vì bị hãm hại, cho đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính xác cuối cùng. Tuy nhiên, hậu thế vẫn có niềm tin chắc chắn vào khả năng giải mã bí ẩn này.
Theo các kết quả khảo sát, lăng mộ Tần Thuy Hoàng chưa bị phá huy và di thể của ông vua đầu tiên thống nhất Trung Quốc có thể vẫn còn. Ngoài ra, một lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ sẽ có tác dụng giúp cho thi thể Tần vương không bị thối rữa.
Hy vọng rằng, đến khi con người khai quật được phần mộ này, bí mật về cái chết của ông sẽ được giải mã một cách chuẩn xác nhất.