Hoàng đế Trung Hoa chung tình nhất lịch sử: Có một vị vua cả đời chỉ yêu và lấy duy nhất một người

( PHUNUTODAY ) - Vị vua đó chính là ai?

Dù nắm trong tay cả giang sơn cùng hàng ngàn cung tần, mỹ nữ nhưng họ vẫn cả đời chỉ yêu thương và kính trọng một người phụ nữ duy nhất. Ba vị vua đó chính là ai?

Minh Hiếu Tông

Chế độ một phu đa thê là chuyện thường thấy trong xã hội phong kiến cổ đại. Nam nhân tam thê tứ thiếp được coi là bình thường. Là người đứng trên vạn người, hoàng đế có nhiệm vụ khai chi tán diệp, lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con.

Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, một vị hoàng đế cả đời chỉ lấy một vợ, đó là Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường (1470-1505). Nguyên nhân do hoàn cảnh ông ra đời và trưởng thành.

Chu Hựu Đường là con trai của Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm, người si mê phụ nữ lớn tuổi. Minh Hiến Tông sủng ái Vạn Quý Phi lớn hơn ông mười mấy tuổi. Vạn Quý Phi không sinh được con, cũng không cho phép phi tần khác mang thai. Nếu phát hiện có người mang thai, bà ta lập tức khiến đứa trẻ biến mất.

Mẹ của Chu Hựu Đường là cung nữ thân phận thấp hèn trong cung, mang thai sau một lần Minh Hiến Tông bất chợt nổi hứng. Vạn Quý Phi sau khi biết chuyện, bèn sai một cung nữ đi đầu độc mẹ của Chu Hựu Đường. Tuy nhiên, cung nữ này không đành lòng ra tay vì có quan hệ tốt với mẹ của Chu Hựu Đường.

Sau khi đứa trẻ sinh ra, Vạn Quý Phi sai thái giám bên người là Trương Mẫn đi làm hại đứa trẻ. Trương Mẫn sớm bất mãn với Vạn Quý Phi, bèn lén lút nuôi dưỡng hoàng tử nhỏ trong lãnh cung. Đứa trẻ lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh, thậm chí không có tên tới tận năm 6 tuổi.

Một lần, Minh Hiến Tông cảm thán vì bản thân nhiều vợ nhưng không có lấy một đứa con. Trương Mẫn lúc này mới bẩm báo sự thật cho vua. Minh Hiến Tông lần đầu gặp con trai duy nhất khi đứa trẻ được 6 tuổi, đặt tên con là Chu Hựu Đường, phong mẹ của con trai là Kỷ phi.

Vạn Quý Phi biết chuyện, bèn sai người hại chết Kỷ Phi và thái giám Trương Mẫn. Chu Hựu Đường lớn lên trong hoàn cảnh bi thảm, chứng kiến nhiều bi kịch hậu cung, nên luôn thiếu cảm giác an toàn.

Minh Hiến Tông chỉ có một con trai, bèn phong Chu Hựu Đường là thái tử. Vạn Quý Phi nhiều lần đầu độc thái tử bất thành, vì Chu Hựu Đường rất cảnh giác, không ăn uống thứ lạ.

Vạn Quý Phi biết rõ nếu Chu Hựu Đường lên ngôi, người đầu tiên bị giết sẽ là bà ta, bèn van xin Minh Hiến Tông phế thái tử. Lúc này, núi Thái Sơn bất ngờ đổ sập vì động đất. Quần thần can gián, ngăn vua phế thái tử với lý do động đất là ông trời cảnh báo. Chu Hựu Đường thoát hiểm.

Chư Hựu Đường lấy vợ là Trương thị, xuất thân trong gia đình gia giáo quyền quý, tinh thông cầm kỳ thi họa. Năm 17 tuổi, Chu Hựu Đường lên ngôi, lấy hiệu là Minh Hiếu Tông, phong Trương thị làm Hiếu Kính hoàng hậu. Vua cha qua đời, để lại cục diện triều chính hỗn loạn.

Minh Hiếu Tông cải cách chính trị toàn diện, trọng dụng nhân tài, chăm lo việc nước. Do bóng ma tâm lý thuở nhỏ, ông nhiều lần bác bỏ lời thỉnh cầu lập phi của thần tử, quyết tâm sống một vợ một chồng cả đời với Hiếu Kính hoàng hậu, người tâm đầu ý hợp.

Thời kỳ Minh Hiếu Tông trị vì, nhà Minh được chấn hưng, kinh tế phát triển, được người đời ca tụng là "hoằng trị trung hưng" (đất nước tiến bộ to lớn).

hoang-de

Minh Thái Tổ

Minh Thái Tổ có tên thật là Chu Nguyên Chương. Ông nổi tiếng là vị vua có tính tình quyết đoán và tàn độc. Tuy nhiên, nhờ những công lao để lại cho hậu thế, Chu Nguyên Chương được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Chu Nguyên Chương không chỉ tàn bạo với quân thần mà còn với cả các phi tần cung nữ. Chỉ cần để ông cho rằng những người này không chung thủy, ông sẽ có cả hàng ngàn cách để trừng trị tội ngoại tình. Thế nhưng, cả đời này, vị vua khét tiếng tàn bạo ấy lại chỉ chung thủy với một người phụ nữ là Mã hoàng hậu.

Mã hoàng hậu không rõ tên thật, dã sử địa phương gọi bà là Mã Tú Anh. Bà được gả cho Minh Thái Tổ khi ông mới chỉ là một thanh niên hàn vi. Từ một kẻ ăn mày vô danh được lên chức Phó nguyên soái nên sau khi kết hôn, Chu Nguyên Chương bị nhiều người ghen ghét nên đã dựng chuyện hãm hại. Trong thời gian khó khăn bị nhốt trong biệt lao, Mã Tú Anh đã là người luôn bên chồng, hàng ngày giả bệnh để lén đem phần thức ăn qua mật đạo thông đến cửa sổ phòng giam nhốt Chu Nguyên Chương. Sự chung thủy sắt son và lòng chân thành của bà đã khiến Chu Nguyên Chương khắc ghi trong lòng cho đến cả khi có trong tay cả giang sơn.

Chuyện tình giữa Chu Nguyên Chương và Mã Anh Tú được nhắc đến trong bộ phim "Hoàng đế ăn mày và hoàng hậu chân to". Câu chuyện xoay quanh vị hoàng đế khai quốc nhà Minh – Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Trần Hạo Dân) và vợ ông Mã Tú Anh (Ninh Tịnh) – vị hoàng hậu nổi tiếng “chân to” vì không bó chân làm đẹp như phụ nữ đương thời. Dù là vua của một nước nhưng Chu Nguyên Chương vẫn một lòng một dạ yêu Mã Tú Anh. Chuyện tình của hai người được lưu truyền trong nhân gian và trở thành một thiên tình sử sáng chói.

Ngoài ra, bộ phim "Chu Nguyên Chương bí sử" năm 2004 do nam diễn viên Hồ Quân đóng vai chính đã khắc hoạ rõ nét về cuộc đời của vị vua vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc. Hồ Quân đã làm nên một Chu Nguyên Chương sinh động, vừa đa mưu, quyết đoán, vừa linh hoạt và khôn khéo đúng như tính cách mà đạo diễn mong muốn.

Minh Anh Tông

Minh Anh Tông (Chu Kỳ Trấn) là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc khi lên ngôi vua hai lần. Lần đầu tiên là khi còn nhỏ và ở ngôi vị cho đến năm 22 tuổi. Lần thứ hai là khi ông đã 30 tuổi và làm hoàng đế cho đến khi ngã bệnh, qua đời năm 38 tuổi.

Minh Anh Tông được hậu thế đánh giá là một vị vua chung thủy, có tình nghĩa, nhất là đối với người vợ đầu tiên của mình. Mặc dù sau này bà có trở nên bệnh tật, tàn phế nhưng ông vẫn giữ ngôi hoàng hậu cho bà và đối xử với bà càng thâm tình. Thậm chí, trước khi ra đi ông còn hạ lệnh hợp táng cùng hoàng hậu trong cùng một lăng mộ.

Người phụ nữ đó chính là Hiếu Trang Duệ hoàng hậu hay Tiền hoàng hậu. Bà là hoàng hậu duy nhất của hoàng đế Minh Anh Tông. Ông luôn hết mực yêu thương dù Tiền hoàng hậu có trở nên tàn phế, thậm chí trước khi ra đi ông còn hạ lệnh sau này hợp táng bà cùng một lăng mộ. Thế nhưng, sau này Chu thái hậu đã ngang nhiên bất tuân di mệnh của tiên đế, không cho Tiền hoàng hậu hợp táng với Minh Anh Tông. Các đại thần trong triều thấy vậy liền khóc lóc ngoài cửa thành Văn Hoa để gây sức ép. Cuối cùng lăng tẩm được phân thành ba điện để Chu thái hậu và Tiền hoàng hậu cùng được an táng chung với tiên đế.

Tuy nhiên, Chu Thái hậu vẫn bí mật sai người bịt kín đường thông giữa điện của Minh Anh Tông và Tiền hoàng hậu. Đến khi sự thật được tiết lộ, thời vua Minh Hiếu Tông đã có ý sửa lại nhưng không được nên phần mộ của bà mãi mãi không được thông suốt với phần mộ của chồng.

Bộ phim "Nữ y Minh phi truyện" có đề cập đến chuyện tình cảm của hoàng đế si tình Minh Anh Tông. Tác phẩm lấy chủ đề về vị y nữ đầu tiên triều đại nhà Minh có tên Đàm Doãn Hiền do Lưu Thi Thi thủ vai. Đồng hành với cô luôn là vị hoàng đế "độc mồm độc miệng" Chu Kỳ Trấn (Hoắc Kiến Hoa), ngang ngược là vậy nhưng mỗi lần Doãn Hiền gặp khó khăn, Kỳ Trấn luôn là người đầu tiên ra tay cứu giúp. Bộ phim xây dựng hình tượng hoàng đế Minh Anh tông có phần hư cấu, không giống với ghi chép về nhân vật này trong lịch sử.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link