Sổ đỏ, sổ hồng là gì?
Sổ đỏ, sổ hồng là cách người dân dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất dựa theo màu sắc bìa của giấy chứng nhận.
Theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".
Thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu năm 2023
Căn cứ điều 100 và điều 101 Luật Đất đai 2013, điều kiện làm sổ đỏ lần đầu được chia thành hai nhóm:
Cấp Giấy chứng khi người đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Cấp Giấy chứng nhận khi người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
1 bộ hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ lần đầu gồm các loại giấy tờ sau:
Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK.
CMND, sổ hộ khẩu của người sử dụng đất;
Giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất trong trường hợp có giấy tờ;
Giấy xác nhận về việc đất sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp đất đai và không vi phạm pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
Bản vẽ, sơ đồ thửa đất;
Trong một số trường hợp nhất định để chứng minh về quyền sử dụng đất của mình, trong hồ sơ bạn phải viết một đơn trình bày hoặc đơn đề nghị và có xác nhận của các hộ gia đình liền kề, xác nhận của những người biết rõ về nguồn gốc đất cũng như xác nhận của Tổ trưởng tổ dân phố hoặc Trưởng thôn về việc sử dụng đất.
Bộ tờ khai hành chính bao gồm:
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Tờ khai lệ phí trước bạ,
Tờ khai thuế sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục thực hiện để cấp sổ đỏ lần đầu năm 2023
Thứ nhất, nộp hồ sơ:
Khoản 2 và khoản 3 điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định nơi nộp hồ sơ như sau hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.
Nếu không nộp tại UBND cấp xã hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.
Thứ 2, tiếp nhận hồ sơ:
Trường hợp nếu hồ sơ thiếu, chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 3 ngày làm việc).
Nếu hồ sơ đủ thì người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận.
Viết và đưa phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).
Thứ ba giải quyết yêu cầu:
Trong bước này người dân chỉ cần lưu ý vấn đề sau, khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
Người dân cần lưu ý, chỉ được nhận Giấy chứng nhận khi đã nộp xong các khoản tiền; trừ trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất.
Thứ 4 trả kết quả:
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.