Theo báo Vnexpress, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vừa công bố báo cáo mới nhất về giá cả của các mặt hàng phi hàng không tại khu vực mình quản lý. Đây là kết quả hiệp thương giữa cơ quan quản lý khai thác Cảng và các đơn vị kinh doanh, được thực hiện trong tuần trước theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Giá cả và chất lượng hàng hóa dịch vụ tại sân bay Nội Bài bắt đầu có chuyển biến tích cực sau khi cơ quan quản lý và khai thác Cảng làm việc, hiệp thương với các đơn vị kinh doanh tại đây. Ảnh: VNE |
Với kết quả này, lần đầu tiên Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài áp giá trần dành cho một số mặt hàng hóa dịch vụ thông dụng tại 3 khu vực: công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế. Giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu công cộng không được quá 15.000 đồng. Trước đây, tại khu vực này, có những đơn vị niêm yết giá 18.000 đồng một chai. Cùng sản phẩm tương tự, giá tại khu cách ly nội địa không được quá 20.000 đồng. Ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá cả chưa bao gồm phí phục vụ).
Mỳ, phở, miến, bánh mỳ kẹp cũng vào diện áp dụng mức giá trần. Nếu các món ăn trên không bổ sung thêm thực phẩm, giá không được quá 20.000 đồng mỗi bát hoặc mỗi cái. Còn nếu bổ sung thêm thịt gà, xúc xích... giá không quá 50.000 đồng, trừ trường hợp bổ sung thêm thực phẩm cao cấp hoặc hàng nhập khẩu theo yêu cầu. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở... ăn liền không bổ sung thêm thực phẩm là 3 USD.
Sau yêu cầu của Cảng Nội Bài về việc rà soát lại giá ngày 28/6, một số doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu. Ví dụ, Công ty Trang Hiền giảm giá bia Hà Nội và vài loại bánh kẹo thông dụng; Công ty Phương Thảo hạ giá với một số mặt hàng lưu niệm; Công ty CP Đầu tư TM Nội Bài điều chỉnh giá trái cây sấy khô, bánh kẹo; Công ty CP Dịch vụ Hàng không Thăng Long giảm giá nhiều mặt hàng từ nước ngọt đến mỳ phở...
Đa số cửa hàng hiện nay có mức niêm yết khá tương đồng nhau, ngoại trừ một số nhà hàng thuộc diện cao cấp như nhà hàng Sky Cafe, nhà hàng Lucky, nhà hàng Quốc tế, nhà hàng Á Âu. Những đơn vị có giá cao hơn mặt bằng chung đều phải giải thích rõ nguyên nhân.
Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết các quy định về giá trần trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8. Theo một đại diện của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, bên cạnh việc giảm giá, chất lượng dịch vụ sản phẩm tại sân bay bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Tại một số cửa hàng, cùng một bát mỳ tôm giữ nguyên giá như trước, nhưng nhà bán lẻ đã cho thêm nhiều thịt.
Bên cạnh niêm yết giá trần, một điểm mới khác từ đợt rà soát lần này là khi bán hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp đều phải xuất hóa đơn hoặc biên lai khi khách yêu cầu. Biện pháp này nhằm ngăn chặn những trường hợp giá không rõ ràng dẫn đến kiện cáo, khiếu nại. Trên các địa điểm dễ thấy ở sân bay, các nhà quản lý trưng biển ghi rõ 3 số điện thoại đường dây nóng để khách có thể phản ánh ngay khi có sự vụ xảy ra.
Ngay khi có thông tin Ban quản lý cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sẽ công khai niêm yết giá nhiều người đã đánh giá rất cao hành động này và cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, giúp hành khách không bị chặt chém. Tuy nhiên, với con số niêm yết mà Ban quản lý đưa ra, không ít người đã phải giật mình thất vọng vì mức giá quá cao được đưa ra.
Hơn nữa, trong quy định giá sàn, các sản phẩm niêm yết là mỳ, phở, miến, bánh mỳ kẹp lại áp dụng phương pháp càng cao càng tốt, với những sản phẩm có thịt 'đặc biệt', thì giá cứ việc cao thoải mái. Đấy là còn chưa kể đến việc trong mức giá đưa ra của các mặt hàng niêm yết chưa tính phí dịch vụ, áp dụng mức giá trần nhưng phí dịch vụ cao chót vót thì nhà hàng vẫn có lãi lớn mà hành khách thì vẫn bị chặt chém như thường.
Mặc dù còn nhiều ý kiến cho rằng mức giá trần được đưa ra tại Nội Bài khá cao, tuy nhiên, trên thực tế rõ ràng áp dụng giá trần là hình thức hiệu quả để bình ổn thị trường. Đặc biệt là trong trường hợp mỗi lần giá xăng 'hắt hơi', điện 'sổ mũi' là giá cả sẽ theo đà leo cao chóng mặt khiến các bà nội trợ gặp phải rất nhiều khó khăn, muốn mua gì cũng phải nâng lên hạ xuống, tính toán đến đau cả đầu mới dám mua.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ sân bay Nội Bài, khi giá cả leo thang quá cao, các bà nội trợ chỉ cần đồng loạt lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, rất có thể các vị lãnh đạo sẽ đi vi hành chợ để bình ổn giá, đưa ra mức trần cao chót vót cho các mặt hàng, để các bà nội trợ khỏi kêu ca, khó chịu, cố gắng thắt dạ dày vào mà sống.
Biện pháp này không những có tác dụng trong việc bình ổn thị trường mà còn rất hiệu quả trong việc giảm đi những lời than thở hay kêu ca về việc giá cả leo thang, và điều này chắc chắn sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc đảm bảo chỉ số hạnh phúc luôn ở mức cao nhất nhì thế giới của Việt Nam.