Học người xưa dạy con 4 điều để thấy được cốt lõi của đạo học

20:34, Thứ ba 30/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Trước hết cần khẳng định rằng câu tục ngữ “học ăn, học nói, học gói, học mở” có xuất xứ thuần Việt, chỉ người Việt Nam mới có. Được đúc kết từ kinh nghiệm của biết bao đời cha ông, câu tục ngữ hàm chứa trong đó cốt lõi đạo học của người Việt.

Không chỉ thế, tất cả nhân sinh quan, nghệ thuật sống, đạo lý làm người đều được thể hiện sâu sắc trong 8 con chữ trong sáng, dễ hiểu và vô cùng giản dị sau:

1. “Học ăn” là nền tảng để làm người

Việc “ăn” là việc bắt buộc của mỗi con người, bởi có ăn thì có lớn, mới có sức khỏe để làm những việc lớn lao sau này. Tuy nhiên, ăn để sống và sống để ăn là hai việc hoàn toàn khác nhau, sẽ đem lại những giá trị trong cuộc sống hoàn toàn khác nhau và con người ta phải học “ăn” chính là bởi lý do đó. Việc ăn là nhu cầu căn bản nhất và không thể thiếu đối với bất kì sinh vật nào có sự sống.

Ngay từ lúc nhỏ, đứa trẻ đã được dạy dỗ để ăn uống sao cho gọn gàng, không để rơi vãi ra xung quanh. Đặc biệt, bởi cơm là “hạt ngọc của trời” nên tuyệt đối không để thừa lại trong bát, bắt buộc phải vét cho sạch. Không hẳn vì cái đói hay việc tiếc của, không để thừa cơm trong bát chính là hình thức tiết kiệm ngay từ những việc đơn giản nhất trong đời sống.

day con

Ảnh minh họa

Người xưa còn dạy rằng, ăn nhiều không bằng ăn đủ, bởi “nhai kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa”. Việc ăn nếu tập trung, kỹ lưỡng thì thực phẩm chuyển hóa thành năng lượng tốt hơn là ăn nhiều mà quấy quá, thậm chí có thể có hại cho bản thân, tạo thành bệnh đau dạ dày.

Lớn thêm chút nữa, việc ăn được nâng lên thành ăn uống sao cho đẹp, sao cho ý tứ, để chứng tỏ là con người có giáo dục. Khi nhai mà tạo thành âm thanh “tọp tẹp”, lúc và cơm mà ngấu nghiến, lỗ mãng thì sẽ tạo ra ấn tượng rất xấu cho người đối diện.

Không chỉ thể, cổ nhân còn dạy rằng cần phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn có chỗ, đỗ có nơi”. Việc ăn uống cần phải ý tứ, mực thước, dù là khách hay chủ cũng phải giữ phép lịch sự thì mới có được sự tôn trọng của những người cùng mâm, cùng bàn. Học ăn, con người vừa tìm hiểu giá trị của người khác vừa tự tôn trọng giá trị của của bản thân mình.

2. “Học nói” là tự nhận thức chính mình

So với “học ăn”, “học nói” có cấp độ tinh tế và phức tạp hơn. Nói không chỉ là hoạt động phát ra âm thanh từ cuống họng, mà còn phản ánh cách thức vận hành của tư duy. Cổ nhân không quan niệm đơn giản “học nói” như việc tập nói của “con lên ba cả nhà học nói”, mà cao hơn là học cách tư duy, cách suy nghĩ. Câu nói càng sáng sủa, ý tứ sâu sắc càng chứng tỏ sự thông tuệ và bề dày của tư tưởng. 

Phía sau các chức năng của hội thoại như thông tin, thuyết phục, biểu cảm… học nói xét cho đến cùng là việc tự diễn tả bản thân như một cá thể độc nhất. Thực tế, con người vừa giao tiếp với người khác nhưng cũng là giao tiếp với chính mình. “Học nói” vì vậy khoan sâu cho đến tận cốt lõi là học tự ý thức về chính mình, qua đó hiểu chân giá trị của bản thân.

3. “Học gói” không phải là “xấu che tốt khoe”

“Học gói” chính là để học cách làm toát lên giá trị tinh thần, diễn tả cái tôi tình cảm, chân thành, có giáo dục của người làm cái việc “gói”.

Ở một khái niệm khác, người xưa còn cho rằng “gói” ở một mức độ cao hơn là việc tự biết chính mình. Gói mình trong khuôn khổ, kiềm chế những ham muốn trong cuộc sống, tự biết đủ, biết dừng. Quan điểm “tự biết đủ là sẽ đủ” của cổ nhân có thể coi như minh triết của sự “gói”.

Một con người sống trong xã hội, tự biết hài lòng với bản thân, hài lòng với những gì mình đang có, con người ấy sẽ luôn cân bằng và nhận được sự tôn trọng của người xung quanh. Nếu không biết đủ, biết “gói” những ham muốn của mình trong vòng kiểm soát, con người sẽ dễ gây nên những sai lầm, bởi dục vọng rất dễ lấn át lý trí, khiến người ta rơi vào hỗn loạn.

4. "Học mở" là học cách đối nhân xử thế

Ngược nghĩa với “gói”, cho nên “mở” động tháo cởi khỏi cấu trúc đã được việc gói định hình. Cổ nhân cho rằng khi đức Phật dạy con người phải biết “từ, bi, hỉ, xả” cũng chính là dạy con người cảnh giới của việc “học mở”. Bốn chữ đó chính là minh triết của khái niệm “mở”.

Ánh mặt trời lấp lánh, khí trời trong lành, người biết cách “mở” sẽ thấy mình luôn được yêu thương và vỗ về trong trời đất, biết mình vẫn còn diễm phúc hơn nhiều người khác là được ở phía của tự do. Cũng như thế, bắt gặp một ánh mắt đau khổ hay một nụ cười hạnh phúc, nếu biết cách “mở”, con người sẽ sâu lắng hơn và bao dung hơn.

Không biết “mở”, những điều kỳ diệu sẽ bị giấu đi dù là ở ngay trước mắt và cuộc sống sẽ trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Học “mở” đúng cách thì sẽ không bao giờ đánh mất chính mình, ngược lại là để tạo cơ hội được trở thành chính mình, nhận ra giá trị của bản thân trong đời sống và tạo hóa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dương Ngọc