Đời sống) - Mới đây ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa quyết định hủy bài thi và không công nhận kết quả thi của 58 em học sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm học 2012-2013 do có dấu hiệu “Gian lận thi cử”.
[links()]
Trong quá chấm thi hội đồng thi chọn học sinh giỏi Thanh Hóa đã phát hiện có tới 58 bài thi ở các môn toán, văn, vật lý, giáo dục công dân (bậc THPT) và 2 môn văn, lịch sử (bậc THCS) có dấu hiệu đánh dấu bài và đánh dấu bài tập thể.
Trường THPT Thạch Thành I, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa là một trong những trường có học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi có dấu hiệu đánh dấu bài. |
Sự việc trên đây khiến nhiều người thở dài chua xót, hóa ra không chỉ có học sinh yếu kém mới gian lận thi cử, mà học sinh giỏi cũng cạnh tranh bằng gian lận. Ai cũng có cái đích đến của riêng mình, nhưng lại cùng chung hành động là cố gian lận để đạt mục đích. Dường như bệnh thành tích đã ăn sâu đến mức bản thân các em học sinh cũng đua nhau gian lận, đi thi học sinh giỏi thì đánh dấu bài, thi tốt nghiệp thì quay cóp…
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở trường dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) thí sinh quay phim ghi lại cảnh giám thị vi phạm quy chế thi đã từng làm chấn động dư luận. Trước đó, năm 2006 trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cũng mở màn cho những tiêu cực trong giáo dục bị phanh phui khi cả hội đồng thi của trường vi phạm quy chế thi. Rồi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 ở trường Nam Đàn 2 (Nghệ An) trong phòng thi học sinh đi lại lộn xộn, trao đổi bài, một vài giám thị bỏ ra ngoài, một số thì tuồn tài liệu vào cho học sinh chép... Trường vi phạm, thầy vi phạm, trò vi phạm như một hệ thống tiêu cực có sự sắp xếp liền mạch từ trên xuống.
Lại còn chuyện hạ từ 15 điểm xuống còn 12 điểm của một học sinh, và nâng từ 12 lên 15,5 điểm của học sinh khác để học sinh này được vào danh sách tham gia thi HSG quốc gia năm 2012 diễn ra ở Ninh Thuận. Cho dù kết quả đúng sai thế nào nhưng làm thế này cũng đủ khiến dư luận ngán ngẩm, mất niềm tin.
Học sinh gian lận mọi kỳ thi. Trách nhiệm thuộc về ai? |
Thi học sinh giỏi gian lận để cố đạt giải có thành tích, thi tốt nghiệp gian lận coi cóp để đủ điểm qua, thi đại học quay cóp mong có hy vọng đỗ…. Chắc chắn trong số đó có những học sinh không đủ năng lực ngang nhiêm đạt được nhờ bằng thủ đoạn gian lận, nhưng thật đau lòng khi chính vì thế mà người tài giỏi, có năng lực thực sự ở nước ta đang hiếm dần.
Bộ GD&ĐT từng đau đầu vì những ý kiến tranh luận trong việc đề ra quy chế mới trong thi tốt nghiệp THPT, thi đại học. Học sinh vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy chế, còn học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi gian lận có bị xử phạt không hay chỉ hủy bài thi là thôi?
Sau vụ việc 58 em học sinh có dấu hiệu gian lận trong kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa nói trên và bao trường hợp khác, có lẽ nên đổi tên kỳ thi chọn học sinh giỏi thành chọn học sinh “giỏi gian lận”.
Phải chăng lỗ hổng kiến thức của các em học sinh quá lớn đến mức không đủ tự tin với kiến thức của mình để xứng đáng được là học sinh giỏi. Nên thôi đành làm dấu hiệu trong bài thi để giáo viên chấm thi vô tình biết được đó là bài học sinh trường mình thì “châm trước” để các em có giải mang thành tích về cho nhà trường.
Bà Bùi Thị Báu, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết các nhóm học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh đều có kiểu đánh dấu bài trùng khớp nhau. 5 thí sinh của Trường THPT Thạch Thành 1 đều có chung một ký hiệu là "Câu một", "Câu hai", chứ không ghi là "Câu 1", "Câu 2" như thông thường. Hay trường THPT Hàm Rồng, cả 11 thi sinh đều có chung cách viết tắt là môn "N.Văn" thay vì "Ngữ Văn", làm được 1 tờ thì ghi "một lần", 3 tờ thì ghi "2 lần".
“Đây không thể gọi là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà chắc chắn là dấu hiệu đánh dấu bài thi. Việc đánh dấu bài này là do các em làm thì các em phải chịu” – bà Báu cho biết.
Trước đó vào tháng 12/212 Sở Giáo dục Thanh Hóa cũng đã phải hủy bài thi của một số trường hợp có dấu hiệu đánh dấu bài thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi vào đội tuyển Quốc gia
Không biết ai dạy các học sinh này ra ám hiệu riêng trong bài thi, hay tự các em ám hiệu với nhau? Cứ đà này chả mấy chốc bề dày thành tích của nhà trường và học sinh được tăng lên rất nhiều, nhưng bề dày kiến thức của trò thì hổng.
Thế này có lẽ Bộ GD&ĐT nên xem xét bỏ các kỳ thi để thử thách học sinh vì đằng nào các kỳ thi cũng có gian lận.
- NQ