Đời sống) – Dù để 9 trẻ tử vong và hàng chục trường hợp bị tai biến, Bộ Y tế mới đủ “dũng khí” tạm ngừng sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, có lẽ đã đến lúc Bộ Giao thông nên dùng quỹ bảo trì đền tai nạn đường xấu, dù người chết cũng đã nhiều.
[links()]
Theo thông tin từ Công an quận 8 (TP.HCM) chiều tối 9/5, anh Hoàng Trọng Khương (45 tuổi, ngụ phường 7, quận 8) chở con anh và bé Vũ Thị Kim Ngân (gần nhà) đi chơi. Khi đến đường Phạm Thế Hiển (phường 7) do đang thi công, đá dăm lởm chởm, làm chiếc xe trượt ngã, cả 3 người trên xe văng ra đường. Vừa lúc đó, xe bồn chở nước rửa đường lao tới cán ngang đầu khiến cháu Ngân chết tại chỗ.
Theo người dân sống bên đường này, từ lúc công trình này thi công đến nay, nhiều người đi đường đã bị ngã gây thương tích.
Thời gian gần đây, các vụ tai nạn gây chết người do đường xấu diễn ra thường xuyên, dù quỹ bảo trì đã thu được gần nửa năm.
Dù trước đó khẳng định không đền, nhưng tai nạn do đường xấu ngày càng nhiều, có lẽ Bộ Giao thông nên suy nghĩ lại, trích quỹ bảo trì đền cho nạn nhân tai nạn vì đường xấu. Ảnh vụ tai nạn tối 27/4 tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai). |
Tối 27/4 trên quốc lộ 1A - đoạn qua TP. Biên Hòa (Đồng Nai), anh Lê Quốc Triệu điều khiển xe gắn máy chở chị Kiều Thị Ngọc Ánh lưu thông hướng TPHCM - Bình Thuận đến đoạn ngã tư Amata thuộc thành phố Biên Hòa thì đụng phải vũng nước lớn trên đường nên bị ngã ra đường, đúng lúc đó xe tải lao tới cán qua người khiến chị Ánh tử vong và anh Triệu bị thương nhẹ. Theo nhiều người dân, cứ trời mưa là vũng nước này lại hình thành và gây ra nhiều vụ tai nạn.
Trước đó, tối 25/4, trên đường Trường Chinh - trước số nhà 149 (Hà Nội), anh Hiếu điều khiển xe máy chở ông Thụy đi tới đoạn đường trên bất ngờ bị ngã vì đường gồ ghề, khấp khểnh lại gặp mưa nên bánh xe bị trượt khiến anh Hiếu không làm chủ tay lái và ngã ra đường đúng lúc xe ben chở đất lao tới cán qua đầu làm anh Hiếu tử vong tại chỗ.
Hôm 8/4, hai chị em họ Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Phương (học lớp 4, Tiểu học Thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng bị xe tải cán chết khi đang trên đường đi học về, tới đoạn đường đang thi công thì bị ngã đúng lúc xe tải lao tới.
Và còn nhiều nữa những cái chết tương tự vì đường xấu. Trong khi, tính trong quý I/2013, Quỹ bảo trì đường bộ đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng.
Xét về bản chất, phí là số tiền bỏ ra để trả cho dịch vụ được hưởng, và nếu dịch vụ không tương xứng người trả phí có quyền được yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, với phí đường bộ nguyên tắc này đã không được áp dụng. Lãnh đạo ngành giao thông một mực từ chối chi quỹ bảo trì để đền bù tai nạn do đường xấu.
Trong nhiều lần khẳng định với báo chí, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Quỹ bảo trì đường bộ không có điều khoản chi cho đền bù tai nạn do đường xấu vì đã có bảo hiểm chi trả khi xảy ra tai nạn giao thông. cho nên, khi tai nạn xảy ra các cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù cho các phương tiện cũng như đối tượng bị tai nạn, chứ không phải chi Quỹ bảo trì đường bộ.
Nói về các vụ tai nạn liên quan tới đường xấu, vị này cho biết, không dùng quỹ để đền bù, còn tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân, việc dùng quỹ bảo trì để sửa chữa đường đẹp hơn cũng là mục đích giảm tai nạn.
Còn theo đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ bảo trì chỉ chi liên quan tới hạ tầng, bảo trì đường để phương tiện đi lại được êm thuận, xóa điểm đen tai nạn, lắp biển báo… Không phải chi để đền bù tai nạn.
Không biết lãnh đạo ngành giao thông có nhìn sang Bộ Y tế để học hỏi không, khi Bộ Y tế cũng từng chậm trễ trong việc đưa ra quyết định ngừng tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, để khi có hơn 9 trẻ tử vong và hàng chục trẻ gặp tai biến sau tiêm vắc xin này Bộ Y tế mới quyết định ngừng tiêm. Dù rằng lãnh đạo Bộ Y tế vẫn một mực khẳng định vắc xin này đảm bảo chất lượng, nhưng việc cứ tiêm trẻ lại chết thì cần xem lại, dù là nguyên nhân gì đi nữa. Quy định này được đưa ra tuy hơi chậm, nhưng có vẫn hơn không.
Có lẽ Bộ GTVT và Hội đồng Quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cũng nên học hỏi Bộ Y tế, tuy biết rằng lời nói của lãnh đạo đâu phải nói đùa, phải cố để bảo vệ lời nói đó. Nhưng với việc đền bù tai nạn do đường xấu, giờ có làm khác tuyên bố trước đó người dân cũng sẽ không trách lãnh đạo. Nói lời giữ lời đã quý, nhưng biết sai để sửa còn quý hơn. Ngành giao thông nên có quyết định chi quỹ bảo trì để đền bù tai nạn vì đường xấu, vừa đảm bảo sự công bằng, lòng thương dân, vừa thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý với tính mạng người dân và với những đồng tiền người dân đã đóng góp. Dù sao, ít hay nhiều, có vẫn hơn không.
- Phạm Thanh