Hỏi chuyện nguyên mẫu trong phim “Biệt động Sài Gòn”

07:35, Thứ hai 06/06/2011

( PHUNUTODAY ) - Ông là đội trưởng Đội 5, F.100 biệt động Sài Gòn, còn vợ cũng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, một lực lượng “xuất quỷ nhập thần” giữa đường phố Sài Gòn, gây cho sĩ quan quân sự cao cấp và lính Mỹ, quân đội các nước đồng minh Mỹ tham chiến cùng chính quyền, quân đội Ngụy quyền Sài Gòn những phen kinh hồn bạt vía.


Hầu hết các vụ tấn công của biệt động Sài Gòn đối phương đều trở tay không kịp trước những cách đánh mìn, ném lựu đạn, xả súng tấn công vào những mục tiêu cứ điểm sào huyệt đầu não của địch – là những nơi tưởng chừng như “bất khả xâm phạm” như Tòa đại sứ Mỹ, nhà hàng Mỹ Cảnh, Dinh Độc Lập, cư xá Brink, khách sạn Carvelle.

Vợ chồng ông cùng đồng đội biệt động Sài Gòn đã lập nên những chiến công vang dội, hiển hách, làm chấn động cả Sài Gòn và miền Nam, góp phần đánh tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhưng mãi sau này bất ngờ tôi mới được biết: ông và vợ chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mặc dù thành tích của ông bà quá xứng đáng. Thấy ông và bà không bao giờ buồn phiền vì chuyện không được phong danh hiệu Anh hùng, tôi đã lấy làm lạ. Hiểu được thắc mắc của tôi, ông cười khà giải thích: Vợ chồng ông chấp nhận mất danh hiệu Anh hùng là vì ông có…hai bà vợ.

Tôi hỏi ông, nếu cho thời gian quay lại, nếu phải chọn giữa danh hiệu Anh hùng với việc giữ vẹn tình nghĩa thủy chung, để được sống cuộc sống tình cảm gia đình, hòa thuận vui vẻ hạnh phúc với hai người vợ, ông chọn cái nào? Chẳng cần suy nghĩ, ông trả lời ngay: chọn hai bà vợ! Người đàn ông quả cảm, kiên trung và thủy chung ấy, trong tích tắc đã quyết định nhanh lẹ vấn đề hóc búa tôi đặt ra, như ngày còn làm biệt động Sài Gòn đã xử lý nhanh tình huống tưởng chừng như rất khó khăn, cần phải có thời gian suy nghĩ.

Ông là Thiếu tá biệt động Nguyễn Thanh Xuân  (biệt danh là Bảy Bê), một chỉ huy biệt động Sài Gòn gan dạ, mưu trí, quả cảm và sống trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội, với cách mạng và với hai người vợ, cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

Vào đầu thập niên 1980, trên màn ảnh rộng Sài Gòn và cả nước xuất hiện bộ phim nhựa dài nhiều tập có tên “Biệt động Sài Gòn”. Bộ phim đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả bởi tính ly kỳ, hấp dẫn của nó, nhất là khi bộ phim phản ảnh chuyện đánh giặc độc đáo của quân dân miền Nam ngay trong sào huyệt Sài Gòn trong một giai đoạn bi tráng của đất nước. Cũng giống như nhiều người xem phim, tôi đã thầm khen các tác giả đã khéo hư cấu nên những tình huống, sự kiện hấp dẫn, lôi cuốn người xem từ đầu tới cuối.

Lúc đó tôi đâu biết rằng, chuyện phim không hề hư cấu, mà hoàn toàn có thật, những chiến công của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn được nói tới trong phim đã từng là những sự kiện “kinh hoàng” diễn ra giữa Sài Gòn, gây chấn động dư luận, làm đau đầu nhà cầm quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc ấy.

Nhân vật chính trong bộ phim cũng là người thật việc thật, chỉ có điều các nhà làm phim đã thay tên đổi họ, chứ không giữ tên đúng của người trong cuộc là ông Bảy Bê! Người viết đã từng nhiều lần ngồi trò chuyện với “nguyên mẫu” của nhân vật chính trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn” và nhận ra rằng nhân vật chính ngoài đời còn dữ dội hơn nhân vật chính trong phim!

Ra đi từ vùng gió cát

Ông sinh năm 1930 tại xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, với tên khai sinh là Nguyễn Thanh Xuân, nhưng lịch sử biệt động Sài Gòn lại nhắc nhiều về ông với cái tên Bảy Bê. Thời chiến tranh, vùng đất quê ông thuộc khu 6, cực Nam Trung bộ, quanh năm đầy gió biển và cát.

Thuở nhỏ, như bao đứa trẻ cùng quê, con cái những người nông dân nghèo khổ suốt ngày trên lưng trâu bò, ông quần quật với mưa nắng ruộng đồng. Xã Hàm Đức nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 18 cây số, nơi đây có hai địa danh được nhiều người biết đến là Sa Ra và Tỳ Hòa, cùng  nằm sát chân núi Tà Zôn, ngọn núi lõm có hình chiếc phễu của miệng núi lửa, hàng triệu năm trước từng phun nham thạch giờ đã ngủ quên. Mùa mưa, quanh năm ngọn Tà Zôn luôn bao phủ mây mù. Người dân xứ này có câu ca dao nghe buồn buồn rằng :

Ai đưa em đến nơi này
Bên kia Tà Cú, bên này Tà Zôn…

Một bên phía đông của xã Hàm Đức là động cát, như dãy núi cát liên hoàn, nối dài ra tận biển Mũi Né ngày nay, mùa nắng gió thổi cát bay mù mịt. Nắng và gió chở theo hương vị mằn mặn của biển khơi làm cho da ai cũng sạm nắng, tóc xoăn tít, giọng nói dân xứ biển ầm ầm như sóng.

Giặc Pháp thường xuyên mở những cuộc càn quét lên vùng Hồng Sơn, Hồng Liêm, thị trấn Ma Lâm, Chiến khu Lê Hồng Phong…Hầu như nơi đây ngày nào cũng có tiếng súng bắn, pháo nỗ, cảnh bắt bớ, giết người.

Bảy Bê căm thù giặc và nuôi chí nguyện một ngày nào đó lớn lên sẽ đánh đuổi giặc. Năm 1947 ông thoát ly gia đình, tham gia chiến đấu trong đơn vị Trung đòan 62 tỉnh Bình Thuận. Trải qua nhiều trận đánh giặc Pháp, ông luôn thể hiện là một chiến sĩ mưu trí, dũng cảm,  rất thông minh sáng tạo. Chiến công tiếp nối chiến công, năm 1949 ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhờ những chiến công rất ấn tượng tại quê nhà Bình Thuận, sang năm 1956 ông được cấp trên chọn lựa đưa vào Sài Gòn họat động mật với vỏ bọc là một người lao động nghèo mưu sinh trên đường phố. Ông phải đi làm rất nhiều nghề khác nhau như thợ hồ, thợ mộc, đánh giày, đạp xích lô, ba gác, thợ may, bán nước dừa, bán sâm lạnh, cà rem… hòng che mắt đối phương để dễ dàng họat động tại nội thành.

Đánh trận giống như…phim

Thực ra, những cảnh quay trong bộ phim “biệt động Sài Gòn”, vì những thiếu thốn của ngành điện ảnh nước nhà những năm sau ngày miền Nam giải phóng, đã không thể hiện được hết sự hoành tráng, dữ dội của những trận đánh mà Bảy Bê và biệt động Sài Gòn đã dày công thực hiện.

 Chẳng hạn  trận đánh khách sạn Brink - tòa nhà cao 6 tầng, có 168 phòng, là nơi cư trú của sĩ quan cao cấp thuộc bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Đây là nơi được lính Mỹ và chính quyền sài Gòn tập trung bảo vệ rất khắc khe, nghiêm ngặt hơn hẳn những khách sạn khác ở Sài Gòn.

Sau hàng tháng trời nghiên cứu thực địa và nắm các quy luật họat động ra vào của lính Mỹ nơi đây, Bảy Bê đã nghĩ ra một phương án đánh địch rất táo bạo, đó là giả dạng sĩ quan cấp tá của chính quyền Sài Gòn với xe ôtô sang trọng để được ra vào cửa gác của khách sạn Brink.

d
Brink lúc nổ tung

Ngày Giáng sinh 24/12/1964 đã sắp đến. Trời Sài Gòn đã bắt đầu se se lạnh. Phố xá nhộn nhịp với những sắc màu, trang hoàng lộng lẫy, những cây thông và ông già Noel râu trắng màu tuyết, áo mũ đỏ trông đến vui mắt. Sài Gòn bao giờ cũng vậy, bao nhiêu nhọc nhằn, bát nháo của đời thường dường như được tém vén gọn gàng để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch hàng năm. Ngay cả quân đội ở hai phía của cuộc chiến cũng qui ước ngầm với nhau đó là giờ “hưu chiến” tạm ngừng bắn để cho người dân vui đón lễ.

Không khí chuẩn bị Giáng sinh rộn ràng bao nhiêu thì đội trưởng biệt động Bảy Bê và chiến sĩ biệt động Tư Mập (tên thật Nguyễn Quang Hóa) càng lo lắng bấy nhiêu về một trận đánh lớn đã lên kế hoạch.

Một kịch bản rất chi tiết, cẩn thận cho trận đánh vào cư xá Brink đã được các anh tập dượt gần một tháng qua, chỉ đợi dịp lễ Giáng sinh hai anh phải sắm vai để vào cuộc. Yêu cầu của Ban Quân báo và Chỉ huy F100 là các anh thực hiện vụ đánh cư xá Brink trước 12 giờ đêm Noel 24/12/1964.
Cột khói bốc cao tại
Cột khói bốc cao tại Brink.

Lúc 17 giờ 20 phút, Bảy Bê ăn diện bộ sơ vin trắng cổ cao, nổ máy xe hơi chạy  đến điểm hẹn tại ngã tư Hàng Xanh để đón “thiếu tá giả” Tư Mập. Bảy Bê trong vai tài xế chăm chỉ ngồi sau vô lăng, còn Tư Mập chỉnh tề trong bộ quân phục sĩ quan Ngụy ngồi phía sau xe.

Bảy Bê cho xe chạy theo lộ trình đã định, đi qua các điểm bố trí trinh sát bảo vệ, các ông nhận đầy đủ ám hiệu “tịnh" từ chiến sĩ số 1 đến số 3 tại điểm cuối trước cư xá Brink. Chiếc NAHS do Bảy Bê cầm lái từ từ chạy qua cổng gác rồi dừng lại trong sân cư xá Brink. Tên lính gác rập chân, đưa tay chào “Thiếu tá" Tư Mập. Tư Mập tỉnh bơ bước xuống xe hỏi viên cảnh sát:

- Đại tá William Johson hẹn gặp tôi chiều nay tại đây. Chẳng hay đại tá đã tới chưa?
Viên cảnh sát lễ phép trả lời:
- Dạ chưa.
 “Thiếu tá" Tư Mập ra vẻ bực đọc, suy nghĩ một hồi, rồi vẫy tay gọi "tài xế” Bảy Bê:
  - Ê! mày để xe lại đây chờ đại tá, rồi đưa về nhà nghe. Tao về nhà trước có chút việc.

Bảy Bê "dạ" một tiếng ngọt sớt. Thiếu tá Tư Mập quay lưng rời khỏi cư xá với vẻ bình thản. Tên lính gác lại đưa tay lên chào mợt cách kính cẩn, anh ta đâu biết rằng vừa tiễn đưa một “sát thủ biệt động” ra khỏi hang ổ sĩ quan Mỹ an toàn.

Trước đó quân báo của ta đã cho đơn vị biệt động biết là không có Đại tá William Johnon ở trong cư xá chiều 24 tháng 12. Lúc này còn lại một mình Bảy Bê giữa bầy sói dữ, nhưng anh vẫn bình tĩnh không hề sợ hãi.

Anh vừa quan sát vừa nghĩ cách để đưa khối thuốc nổ vào vị trí thuận lợi nhất, rồi quyết định lái xe vào tầng trệt hướng về phía nhà ăn. Nhưng một viên cảnh sát đã đến ngăn lại, yêu cầu phải đậu xe ngoài sân. Bảy Bê cảm thấy rất khó xử, nếu làm theo cảnh sát đậu xe ngoài sân thì mìn sẽ nổ ngoài sân trống, chẳng ăn thua gì.

Đã đưa chất nổ được vào đây mà không diệt được bọn xâm lược Mỹ thỉ kể như toi công! Bảy Bê liếc nhìn ra ngoài đường thì thấy Tư Mập đang giả vờ sửa xe ở cổng cư xá, ra hiệu sẵn sàng hỗ trợ cho Bảy Bê đánh trận, trước hết là diệt tên cảnh sát gác cổng và đồng bọn gần đó cho Bảy Bê thoát ra.

 Chợt Bảy Bê nhìn thấy một khoảng trống dưới gầm tòa nhà vừa đủ cho chiếc xe, anh liền de xe vào. Tên lính vừa mới hạch sách anh cũng vừa bỏ đi chỗ khác. Khi xe vừa tắt máy, Bảy Bê liếc quanh, rồi giả vờ cầm chổi lông quét xe vừa kiểm tra thiết bị nổ lần cuối xong, rồi khóa chặt cửa xe. Anh bước nhanh ra khỏi tầng trệt tòa nhà và cảm thấy yên tâm vì khối thuốc nổ khổng lồ đã nằm gọn dưới tòa nhà.

Bác tài "Bảy Bê" tỏ vẻ bực bội vừa đi về phía cổng, miệng vừa lầu bầu văng ra những lời lẽ trách móc:

- Đi đâu mà lâu dữ vậy, từ sáng đến giờ hết đưa đón quan này đến tướng nọ, đói rã ruột, khát khô cổ mà chưa có miếng gì vô bụng.

Viên cảnh sát đứng gần đó có vẻ "đồng cảm" nên phụ họa theo:
 
- Mấy cha này giống nhau cả, bỏ đói tài xế là chuyện thường. 
Bảy Bê chớp thời cơ gạ gẫm viên cảnh sát trực:

- Anh cảm phiền cho tôi ra ngoài kiếm chút gì ăn đỡ đói.

Nói xong Bảy Bê bước qua cổng gác, thoát ra khỏi Brink, anh nghe người nhẹ hẫng như vừa siêu thoát, trút đi hết bao nhiệu nặng nề, căng thẳng, âu lo. Bảy Bê đi nhanh về phía quán cà phê cách cư xá Brink khoảng 100 mét. Tại đây, chiến sĩ biệt động Trần Minh Nguyệt đã được phân công ngồi chờ anh trong quán như một đôi tình nhân hẹn hò. Hai người im lặng nhìn ly cà phê nhỏ từng giọt mà đầu óc, thính giác như dồn cả về phía Brink chờ đợi. Sự hồi hộp lên đến cực độ khi kim đồng hồ trên tay Bảy Bê nhích sang con số 17 giờ 53 phút, rồi 54... mà mìn vẫn chưa nỗ.

Bảy Bê nhấp nhổm chuẩn bị trở lại thực hiện phương án 2: Anh sẽ lao vào xe, giật nụ xòe điểm hỏa trực tiếp rồi đánh từ trong ra phối hợp với Tư Mập từ ngoài đánh vào... và cả hai cùng thoát.

Bảy Bê còn đang toan tính thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên từ phía cư xá Brink, làm rung chuyển cả thành phố Sài Gòn. Khói lửa  tức thì bốc cao cuồn cuộn, trùm phủ cả tòa nhà và khu vực lân cận, gây nên một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Tiếng la khóc, thét thét gào lẫn trong tiếng còi báo động tạo nên cảnh hỗn loạn chưa từng có. Bảy Bê liếc nhìn đồng hồ, lúc đó là 17 giờ 55 phút, cách giờ “hưu chiến" đúng 5 phút. 

Địch báo động khẩn cấp và cho xe ngăn chặn các ngả đường xung quanh cư xá Brink, huy động xe cứu hỏa đến. Tòa nhà đã bị thổi rỗng 3 tầng, làm sụp đổ các tầng trên. Một màn lửa bốc cao gần 500 mét do các bồn xăng 2.500 lít bị lửa từ tòa nhà bén sang bốc cháy.

Xe cộ, máy móc, gạch đá như vùi lên thây sĩ quan Mỹ, theo nguồn tin quân báo của ta, có tới 175 sĩ quan Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chết và bị thương trong tổng số 270 người sống trong cư xá. Lợi dụng sự náo loạn, các chiến sĩ biệt động rút về cơ sở an toàn.

 “Thiếu tá” Tư Mập, đã biến vào nhà một cơ sở và trút bỏ bộ quân phục sĩ quan, xong nhanh chóng di chuyển về một cơ sở khác ở nội thành. Sáng hôm sau, trên trang đầu các báo xuất bản ở Sài Gòn rộ lên những cái “tít" giật gân: "Việt cộng chơi Mỹ”, "cư xá Brink tan hoang”... Báo chí Mỹ và đài phương Tây cũng đưa tin và bình luận về sự kiện nổi cộm này.

Tại căn cứ Trung ương Cục - Tây Ninh, Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt gặp Tư lệnh Trần Hải Phụng cười nói vui vẻ:

- Tụi mình đánh Mỹ kỳ này bằng búa tầy sồi! (từ ngữ dân gian chỉ loại búa  dùng để đập các vật rắn và to)

Trong hồi ký "Người lính tường trình", Tướng Westmoreland cho rằng “Đây là một vụ nổ kinh khủng”. Đại tá Mỹ Kunzt, người phụ trách bảo vệ an ninh cho các cơ quan quân sự Mỹ ở Sài Gòn mà báo chí thường gọi “Đô trưởng Mỹ” cùng đi với đại sứ Mỹ Taylor đến xem xét hiện trường, đã chua chát nói: "Tôi cho rằng chỗ này là an toàn nhất rồi, vậy mà vẫn bị đánh”. Taylor rất thiểu não trước cảnh đổ nát tan hoang, tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng, y không nói được lời nào.

Sau đó trong một bản báo cáo gửi Tổng thống Mỹ Johnson, Taylor nói rằng: "Để đảm bảo an ninh cho chính mình, người Mỹ cần phải tăng thêm 75.000 quân nữa, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để đảm bảo không có những trận như Brink”. Trong lúc tâm lý hốt hoảng, Westmoreland đã ra lệnh đưa hết vợ con quân nhân Mỹ về nước, còn vợ con của ông ta sang Honolulu.
Tan hoang Brink,
Tan hoang Brink.

Tâm lý hoang mang ấy lan truyền sang hấu khắp binh lính và sĩ quan Mỹ, đến nỗi quân cảnh Mỹ đã hốt hoảng nổ súng vào xe hơi của viên tướng Đặng Văn Quang đang chở vợ con, khi chiếc xe này chạy vào ngõ hẹp trước một khách sạn dành cho người Mỹ, do ám ảnh "Việt Cộng” chở xe hơi chứa chất ổ vào công sở.

Sau vụ nổ, Tướng Westmoreland thừa nhận với báo giới: đã có 2 cố vấn Mỹ chết, 159 sĩ quan chết và bị thương trong đó có 66 sĩ quan cao cấp của Mỹ. Tất nhiên ai cũng biết có rất nhiều sĩ quan cao cấp quân sự Mỹ đã chết, không như con số mà Tư lệnh Mỹ tại Việt Nam thông báo nhằm trấn an dư luận.

Tòa Đại sứ Mỹ không “bất khả xâm phạm”

Tiếp đến, vào một buổi sáng rất đẹp trời, tuy nắng oi bức nhưng không khí vẫn dễ thở, mát mẽ bởi sự bình yên của thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông và những hàng cây xanh thướt tha áo dài nữ sinh trên phố tan trường.

 Vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/3/1965, Tòa Đại sứ Mỹ tổ chức họp đại sứ các nước có quân đội tham chiến tại chiến trường Việt Nam, nhằm rút kết kinh nghiệm và triển khai những âm mưu quân sự mới hòng chủ động khống chế tình hình trên các chiến trường Miền Nam. Bảy Bê nhận lệnh cấp trên, anh cùng đồng đội phác thảo sơ đồ tấn công chia thành 3 mũi tập kích bất ngờ. Nơi nguy hiểm nhất, chính là nơi an toàn nhất.

Hơn nữa, quyết tâm của chỉ huy đánh địch vào đúng dịp này sẽ gây tiếng vang lớn và cũng là đòn dằn mặt các quốc gia tham chiến cùng Mỹ tại Việt Nam như  Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân…Hành động cảm tử của các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn tuy được bố trí, phối hợp rất chu đáo, nhịp nhàng, thông minh và sáng tạo, nhưng đây cũng là lần đầu tiên tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ không thể chủ quan. Cả khu vực tòa đại sứ Mỹ được canh gác, bảo vệ rất nghiêm ngặt do lính Mỹ đích thân bảo vệ vòng trong lẫn vòng ngoài.

Chưa kể đến hệ thống báo động, điện tử chằng chịt xung quanh. Thế nhưng với biệt động Sài Gòn thì không nơi nào là nơi không thể tấn công.

Lần này cũng đích thân Bảy Bê lái xe ô tô chở 200 kg thuốc nỗ lao thẳng vào cổng chính Tòa Đại sứ Mỹ, sau khi thò tay ra ngoài bắn hạ hai tên gác cửa và một tên quân cảnh Mỹ.

Chỉ trong tích tắc, nhanh như chớp, hai đồng đội của ông là Tư Mập và Thế kích họat kíp mìn cài trong khối thuốc nỗ, đồng thời các chiến sĩ biệt động nổ súng tiêu diệt các mục tiêu và tìm cách thoát qua đường. Sau lưng Bảy Bê là tiếng nỗ kinh hòang, cột khói bao trùm cả tòa nhà Đại sứ Mỹ cao 5 tầng và quang cảnh hỗn lọan chưa từng có. Nhiều người hoảng loạn chạy ùa ra cổng với vết thương trên người mà chưa thể hiểu ra điều gì. Số lính Mỹ và các nhân viên, đại sứ dự họp bị chết và thương vong đáng kể. Trong đó có viên Phó Đại sứ Mỹ A-lếch-đít-Giôn-Xơn bị thương khá nặng ở đầu.

Chiến sĩ biệt động Lê Văn Việt (Tư Việt ) trụ lại sau cùng, bắn yểm trợ cho Bảy Bê và Tư Mập, Thế thoát ra ngoài. Tư Việt bị bọn địch truy đuổi bắn bị thương lòi ruột nhưng đã dũng cảm bắn trả đến lúc bị bắt trên đường Công Lý (Nam Kỳ khởi nghĩa) cách nơi đánh mìn hơn một cây số. Đối phương đã dùng mọi cực hình man rợ nhất tra tấn Tư Việt hòng tìm ra tổ chức biệt động Sài Gòn. Cả CIA Mỹ và đặc ủy trung ương tình báo Mỹ đều hằn hộc vì nước Mỹ bị đánh một vố quá đau giữa đô thành Sài Gòn, tất cả sự hằn học, cay cú đó đều dồn xuống chiến sĩ biệt đợng Tư Việt.

 Tra tấn đánh đập cỡ nào, Tư Việt vẫn cương quyết không khai nửa lời, anh còn hiên ngang chỉ thẳng vào mặt bọn giặc mắng: “Bọn bay đã bắn tao bể ruột, nhưng tao còn tim gan. Máu máu tao còn đỏ thì bay đừng hòng khai thác ở tao lấy một lời”. Sau 4 tháng giam cầm, tra tấn rất dã man tại khám Chí Hòa, vẫn không thể moi móc được thông tin gì, những phương tiện tra tấn hiện đại của Mỹ không làm người chiến sĩ biệt động quả cảm đầu hàng, khuất phục, cuối cùng bọn địch đày anh ra Côn Đảo.

Ngày 31/12/1966 chiến sĩ biệt động Sài Gòn Lê Văn Việt đã bị chúng xử tử. Trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ tại trung tâm thành phố Sài Gòn gây thêm một tiếng vang lớn, làm chấn động dư luận và hoang mang trong giới quân sự Mỹ tại Sài Gòn về hành động tấn công táo bạo, mưu trí, dũng cảm của biệt động Sài Gòn. CIA Mỹ mô tả: biệt động Sài Gòn từ dưới đất chui lên, từ trên trời rơi xuống…

Năm 1966, Bảy Bê bị một tên phản bội chỉ điểm và bị địch bắt đày ra Côn Đảo đến năm 1974 mới được trao trả tù binh. Mặc dù đội trưởng Bảy Bê bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo, nhưng lực lượng Đội 5, biệt động thành Sài Gòn vẫn tiếp tục đánh nhiều trận, lập nhiều chiến công vang dội, đặc biệt trong trận tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, viết tiếp trang sử hào hùng trong lịch sử đánh Mỹ giữa nội thành Sài Gòn.

Trong những trận đánh đó, có câu chuyện Mai Hồng Quế - một cán bộ biệt động trong vai “ông chủ thầu khoán” Dinh Độc Lập - và nữ chiến sĩ biệt động duy nhất trong đội tên Vũ Minh Chính (Chín Nghĩa), người vợ chưa cưới của Bảy Bê. Chín Nghĩa chiến đấu đến viên đạn cuối cùng bị địch bắt đày ra Côn Đảo, còn chiến sĩ biệt động Mai Hồng Quế trốn thoát, giả làm ăn mày vất vưởng ở các bãi rác, bồn rác Sài Gòn, sau đó giả bịnh tâm thần ra tận Đà Nẳng ẩn thân, tránh sự truy lùng của địch cho đến ngày miền Nam giải phóng.
 
Nam Yên (còn tiếp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc