Kẻ phản bội nước Mỹ được đề cử giải Nobel hòa bình

( PHUNUTODAY ) - Một viện sĩ Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đã đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden.

(Đời sống) - Kẻ phản bội nước Mỹ” hay “người hùng của truyền thông tự do” vừa được một nhà khoa học Thụy Điển đề cử giải Nobel Hòa bình vì hành động dũng cảm dám vạch trần các sai phạm của chính phủ Mỹ.
 
 
Tin từ Dân Trí, Giáo sư xã hội học Stephen Svallfors tại Đại học Umea, một viện sĩ Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đã đề nghị Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Edward Snowden, người tiết lộ thông tin tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
 
Tuy nhiên, do quy trình đề cử và xét duyệt giải Nobel của Ủy ban Nobel Na Uy rất phức tạp và thường kéo dài hàng năm nên chắc chắn Edward Snowden sẽ chưa thể có tên ngay trong danh sách xét giải Nobel Hòa bình năm nay.
 
Tờ Daily Mail cho rằng “rất có thể tên Snowden sẽ có trong danh sách đề cử Nobel Hòa bình vào năm sau” và “nếu được nhận giải, Snowden sẽ là người trẻ tuổi nhất được trao giải thưởng uy tín này.
 
Từ một cái tên chẳng được nhiều người biết đến, Edward Snowden vụt sáng thành một ngôi sao của giới truyền thông kiêm "kẻ phản bội" mà chính phủ Mỹ đang làm mọi cách để tóm gọn.
 
Theo những tài liệu mật mới nhất vừa được tiết lộ bởi Edward Snowden, các cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén những bí mật của Liên minh châu Âu tại New York và Đại sứ quán tại Washington. Tài liệu bị rò rỉ cho thấy có 38 mục tiêu nghe lén bao gồm EU, Pháp và Ý.
 
Trước đó, tại Hồng Kông, Snowden đã tiết lộ rằng, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã tấn công mạng của khoảng 61.000 mục tiêu trên thế giới, trong đó có hàng nghìn máy tính tại Trung Quốc và Hồng Kông từ năm 2009. 
 
Snowden đã trở thành cái tên nổi tiếng khắp thế giới hiện nay
Snowden đã trở thành cái tên nổi tiếng khắp thế giới hiện nay
 
Ngay sau những thông tin đó, châu Âu đã có những phản ứng giận dữ về việc Hoa Kỳ dò la, theo dõi các đối tác của mình. Nhiều quốc gia đã chỉ trích hành động ‘chơi xấu’ của Mỹ và yêu cầu phía Nhà Trắng một lời giải thích.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 1/7 vừa qua cho rằng hoạt động này là "không thể chấp nhận được" trong quan hệ giữa các đối tác và các đồng minh. Pháp khẳng định có đầy đủ bằng chứng để yêu cầu Mỹ chấm dứt ngay hoạt động theo dõi EU. Ông Hollande nói sẽ không có cuộc đàm phán nào hết nếu như không có đảm bảo rằng tình trạng do thám sẽ chấm dứt "ngay lập tức.
 
Chính phủ nước Đức cũng khẳng định, hành động của Mỹ với các bạn hữu là điều không thể chấp nhận được. "Việc này ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, rằng những người bạn Mỹ coi châu Âu là kẻ thù", Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger nói. "Nếu báo cáo trên là chính xác thì hành động này giống như giữa các kẻ thù thời Chiến tranh Lạnh".
 
Đáp lại phản ứng của các nước châu Âu, hãng thông tấn AFP dẫn lời một số cựu quan chức tình báo Mỹ khẳng định trong cuộc chiến phản gián, tất cả các nước đều do thám nước khác, kể cả các quốc gia đồng minh của nhau. 
 
Cựu giám đốc NSA Michael Hayden khẳng định không chỉ có người Mỹ nghe lén. “Bất kỳ người châu Âu nào lên tiếng đòi Mỹ chấm dứt hoạt động phản gián quốc tế thì nên tìm hiểu xem chính phủ của họ đang làm gì” - ông Hayden tuyên bố. 
 
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên nhấn mạnh: “Người Pháp do thám chúng tôi và Anh. Israel, Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc… Tất cả những nước lớn có hoạt động tình báo đều do thám chính phủ các nước khác”.
 
Cựu quan chức an ninh Mỹ James Lewis chỉ trích các nước châu Âu “đạo đức giả” khi cũng thực hiện các hoạt động phản gián chẳng khác gì Mỹ. “Sự đạo đức giả luôn là một phần của cuộc chơi phản gián” - cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Scheuer khẳng định.
 
“Chúng tôi luôn biết rõ nước nào đang do thám chúng tôi. Nếu châu Âu làm quá, tổng thống Barack Obama hoàn toàn có thể nói rằng đây này, đây là bằng chứng cho thấy nước X ở châu Âu do thám Mỹ” - ông Scheuer tiết lộ. Ông này cũng cho biết, Mỹ hoàn toàn có thể “phản công” các nước châu Âu.
 
Trong một nỗ lực nhằm  bào chữa cho các hoạt động gián điệp nhằm vào chính các đồng minh thân cận ở châu Âu, hôm  1/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU), thường tìm kiếm thêm thông tin chi tiết ngoài những gì vẫn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
  • Nam Phong (Tổng hợp theo Dân Trí, TTXVN , Phunutoday)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn