Kể từ 7/2024: 5 trường hợp thẻ Căn cước sẽ bị thu hồi, tạm giữ, ai cũng nên biết sớm

15:17, Thứ năm 04/01/2024

( PHUNUTODAY ) - Theo quy định, những trường hợp sau đây sẽ bị thu hồi và tạm giữ thẻ Căn cước từ tháng 7/2024.

Theo điều 29 Luật Căn cước 2023 đã rõ quy định về việc thu hồi, giữ thẻ căn cước. Cụ thể có 5 trường hợp sẽ bị thu hồi, giữ thẻ căn cước, chi tiết như sau:

Thu hồi thẻ căn cước trong các trường hợp:

- Công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

- Thẻ căn cước cấp sai quy định;

- Sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

can-cuoc

Tạm giữ thẻ căn cước nếu thuộc trường hợp:

- Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Căn cước 2023 khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được trả lại thẻ căn cước.

Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với trường hợp bị thu giữ thẻ căn cước tại Luật Căn cước 2023 đã có sự thay đổi so với những trường hợp bị thu giữ thẻ căn cước của Luật Căn cước công dân 2014.

Cụ thể, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung thêm 2 trường hợp thẻ căn cước sẽ bị thu hồi mà Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014 không có đó là trường hợp cấp sai quy định và sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

Người có hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước.

Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

the-can-cuco2

Chính thức đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước

Song song với việc sửa tên dự án Luật từ Luật Căn cước công dân (CCCD) thành Luật Căn cước, Quốc hội cũng thống nhất đổi tên thẻ CCCD thành thẻ Căn cước. Tại khoản 1 và khoản 9 Điều 3 Luật Căn cước định nghĩa như sau:

“1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.

  • Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.”

Như vậy, đây là điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024 quan trọng nhất của Luật Căn cước so với quy định cũ. Theo đó, căn cước là giấy tờ tùy thân chứa các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người gồm:

Ảnh khuôn mặt;

Số định danh cá nhân;

Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

Ngày, tháng, năm sinh;

Giới tính;

Nơi đăng ký khai sinh/Nơi sinh;

Quốc tịch;

Nơi cư trú;

Ngày, tháng, năm cấp thẻ và ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng.

Người dân có phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không?

Khi đổi thẻ CCCD sang cách gọi mới là thẻ Căn cước thì câu hỏi đặt ra là liệu người dân có phải đi đổi từ thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ Căn cước công dân thường sang thẻ Căn cước không?

Để trả lời vấn đề này, Điều 46 Luật Căn cước nêu rõ: “Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ Căn cước khi công dân có yêu cầu”.

Theo đó, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân số 592014/QH13. Bởi vậy:

- Người dân đang có thẻ CCCD cấp trước ngày 01/7/2024 không phải đổi sang thẻ Căn cước mà được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ.

- Người dân đang có thẻ CCCD nếu muốn đổi sang thẻ Căn cước mới thì sẽ được thực hiện thay đổi.

Sẽ “khai tử” Chứng minh nhân dân từ 01/01/2025

Bên cạnh quy định về thời hạn sử dụng thẻ CCCD thì khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước cũng có thông tin về giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân. Cụ thể: “2. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.”

Như vậy, mọi Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng.

Có thể thấy, đây là một trong những thay đổi quan trọng, là điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024 so với khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân năm 2014. Khi đó, quy định cũ nêu rõ, Chứng minh nhân dân đã cấp vẫn được sử dụng cho đến hết thời hạn 15 năm hoặc khi công dân yêu cầu đổi sang thẻ Căn cước công dân. Tuy nhiên, theo quy định mới, mọi Chứng minh nhân dân đều phải thực hiện việc đổi sang thẻ Căn cước từ ngày 01/01/2025 tới đây.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo