Mức trợ cấp Nghĩa vụ quân sự năm 2024
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ như sau:
Trợ cấp xuất ngũ một lần
Mỗi năm phục vụ trong Quân đội (đủ 12 tháng) được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau:
- Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ.
- Từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng: Trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở.
- Từ trên 06 tháng trở lên đến 12 tháng: Trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
Lương cơ sở hiện nay: 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ 02 năm (24 tháng) thì sau khi xuất ngũ sẽ nhận được tiền trợ cấp xuất ngũ một lần như sau: 2 x 2 x 1.800.000 = 7.200.000 đồng.
Như vậy, quân nhân được nhận: 2 x 2 x 1.800.000 = 7.200.000 đồng.
Trợ cấp tạo việc làm
Theo Khoản 3 Điều 7 Nghị định 27/2016/NĐ-CP, hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự khi xuất ngũ được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.
*Lưu ý:
- Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ thời hạn đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Trường hợp nếu xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.
- Ngoài các khoản nêu trên, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được đơn vị trực tiếp quản lý tổ chức buổi gặp mặt chia tay trước khi xuất ngũ với mức chi 50.000 đồng/người, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú theo quy định hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông) và phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.
Như vậy, theo quy định trên, có những mức trợ cấp đối với công dân tham gia NVQS được xác định dựa vào mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, nội dung cải cách tiền lương như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Theo đó, việc thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Hiện nay, vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể giải pháp nào sẽ thay thế để dùng xác định những khoản trợ cấp, phụ cấp khi bỏ đi mức lương cơ sở. Tuy nhiên, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đã nhấn mạnh rằng, cải cách tiền lương (lương cơ bản theo bảng lương mới) thay thế cho tiền lương hiện nay (tính dựa trên hệ số lương và lương cơ sở) sẽ không làm giảm tiền lương của khu vực công.
Do đó, có thể, giải pháp thay thế cho lương cơ sở để xác định trợ cấp xuất ngũ khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ không giảm so với số tiền 1.800.000 đồng hiện nay.
Những quy định mới nhất về tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 105 chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/1), quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trong đó quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự: Tiêu chuẩn chung: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3. Không gọi công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy.
Tiêu chuẩn riêng: Một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Quốc phòng quy định.
Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1 (sức khỏe rất tốt).
Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2 (sức khỏe tốt).
Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3 (sức khỏe khá).
Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4 (sức khỏe trung bình).
Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5 (sức khỏe kém).
Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6 (sức khỏe rất kém).
Trước đây, Thông tư liên tịch số 16 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định: Người bị loạn thị (bao gồm tất cả các loại), mù màu (mù một màu hoặc toàn bộ màu) sẽ bị chấm điểm 6, tức được xếp vào nhóm sức khỏe loại 6 - không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên tới nay Thông tư này đã hết hiệu lực.
Tuy nhiên, trong Thông tư 105, người viễn thị do sinh lý hoặc dưới 1 đi ốp sẽ được chấm 2 điểm; lớn hơn hoặc bằng 1 đi ốp sẽ được chấm 3 điểm. Trường hợp loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thị sẽ được chấm 3 hoặc 4 điểm tùy trường hợp.
Như vậy, với người đang loạn thị bị chấm điểm 2 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không bị chấm điểm 3, 4, 5, 6, sẽ đạt sức khỏe loại 2, khi đó đủ điều kiện nhập ngũ.
Tương tự, với người loạn thị bị chấm điểm 3 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không bị chấm điểm 4, 5, 6, sẽ đạt sức khỏe loại 3, khi đó đủ điều kiện nhập ngũ.
Với người đang bị bệnh mù màu xanh lá - đỏ mức độ nhẹ mà các tiêu chuẩn sức khoẻ khác không bị chấm điểm 3, 4, 5, 6, sẽ đạt sức khỏe loại 3, khi đó đủ điều kiện nhập ngũ.
Thông tư 105 cũng quy định các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực như: Điếc, mù 1 mắt, động kinh, nhiễm HIV, các bệnh lý ác tính...
Để triển khai thực hiện công tác tuyển quân năm 2024 đảm bảo đủ số lượng, chất lượng tốt, Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương chú trọng tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có ngành nghề phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng của Quân đội, con em vùng đồng bào dân tộc ít người (dưới 10.000 người) để tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương; bảo đảm tất cả các xã, phường, thị trấn đều có công dân nhập ngũ.