Vay thế chấp là một hình thức vay vốn phổ biến ở các ngân hàng. Một trong những tài sản được mang thế chấp để có thể vay vốn đó là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Tuy vậy, có 6 loại đất không được thế chấp ngân hàng. Đó là loại đất nào?
Hình thức vay thế chấp ngân hàng là gì?
Vay thế chấp ngân hàng là một hình thức trong đó người vay sẽ sử dụng các tài sản có giá trị như nhà cửa, đất đai, xe cộ,... thuộc quyền sở hữu của người vay làm tài sản thế chấp vay ngân hàng để đảm bảo cho khoản vay. Trong trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn hoặc người vay không tuân thủ các điều khoản của hợp đồng vay tiền thế chấp ngân hàng, khi đó ngân hàng sẽ tiến hành gia hạn kỳ hạn trả nợ để cho phù hợp với khả năng tài chính của người vay. Sau thời gian này, ngân hàng có quyền tịch thu và sau đó tiến hành thanh lý các tài sản đem đảm bảo để có thể bù đắp khoản nợ.
06 loại đất theo Luật Đất đai 2024 không được thế chấp ngân hàng
+ Loại 1: Đất của các tổ chức trong nước, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất
Theo khoản 2 thuộc Điều 32 Luật Đất đai 2024, các tổ chức ở trong nước, các tổ chức tôn giáo, hoặc các tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được Nhà nước giao đất mà không thu tiền sử dụng đất thì sẽ không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất.
+ Loại 2: Đất của các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê hàng năm
Theo điểm b khoản 1 thuộc Điều 34 Luật Đất đai 2024, các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho thuê đất hàng năm thì chỉ có thể thế chấp tài sản thuộc sở hữu của họ gắn liền với đất, nhưng lại không được thế chấp quyền sử dụng đất thuê.
+ Loại 3: Đất thuê trả tiền hàng năm
Các cá nhân hoặc các tổ chức được Nhà nước cho thuê đất và trả tiền thuê hàng năm chỉ có quyền thế chấp các tài sản gắn liền với đất, không được thế chấp quyền sử dụng đất thuê, theo quy định tại khoản 2 thuộc Điều 37 Luật Đất đai 2024.
+ Loại 4: Đất của cộng đồng dân cư
Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất và không thu tiền sử dụng đất sẽ không có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 thuộc Luật Đất đai 2024.
+ Loại 5: Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên
Theo khoản 3 thuộc Điều 184 Luật Đất đai 2024, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã được Nhà nước cho thuê sẽ không được phép thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê lại.
+ Loại 6: Đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động kinh tế
Theo khoản 3 thuộc Điều 201 Luật Đất đai 2024, đất quốc phòng, an ninh kết hợp với các hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế sẽ không được phép thế chấp quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, cũng như không được thế chấp các tài sản gắn liền với đất.
Các quy định trên nhằm đảm bảo việc sử dụng đất phù hợp với mục đích của từng loại đất và giúp bảo vệ lợi ích của quốc gia cũng như cộng đồng.