4 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo nghị định mới
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 172/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể 4 hình thức xử lý kỷ luật với công chức, trong đó "buộc thôi việc" là mức cao nhất. Nhiều hành vi vi phạm sẽ không còn cơ hội kiểm điểm hay giáng chức mà bị xử lý dứt khoát.
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/6/2025 quy định rõ 4 hình thức xử lý kỷ luật công chức:
- Khiển trách
- Cảnh cáo
- Cách chức
- Buộc thôi việc

Trường hợp buộc thôi việc đối với công chức từ 01/7/2025
Điều 11 Nghị định 172/2025/NĐ-CP quy định, hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.
(2) Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức tại Điều 8 hoặc có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 9 sau đây:
- Cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
Nhưng người vi phạm không có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp quy định tại (4)
(3) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị.
(4) Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.