Mặc dù tên gọi mang hàm nghĩa bình yên, tuy nhiên, cung Khôn Ninh (Khôn mang ý nghĩa chỉ nữ giới, còn Ninh là bình yên) song dường như nơi ở của các vị hoàng hậu trong cả hai triều đại Minh và Thanh lại không hề bình yên chút nào.
Giới sử học đã thống kê và thấy rằng, gần như tất cả các bà Hoàng hậu vào ở trong cung Khôn Ninh đều có kết cục không mấy tốt đẹp. Vì thế, từ lâu, nơi đây vẫn được gọi là “tử địa” của các bà Hoàng hậu trong Tử Cấm Thành…
Được xây dựng từ năm 1420, tức năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh, tới nay, cung Khôn Ninh đã trải qua 2 triều đại với lịch sử tồn tại hơn 500 năm. Đây là một trong ba cung trong Tử Cấm Thành.
Cùng với cung Càn Thanh, Khôn Ninh là một trong số những cung điện chủ yếu của hoàng cung. Tuy nhiên, nếu như cung Càn Thanh là là biểu trưng cho dương tính, nơi ở dành cho hoàng đế thì cung Khôn Ninh đại diện cho âm tính, nơi ở dành riêng cho các hoàng hậu.
Sau khi được xây dựng vào năm thứ 18 Vĩnh Lạc triều Minh (tức năm 1420) hai lần bị hỏa hoạn vào năm thứ 9 Chính Đức (tức năm 1514) và năm thứ 24 Vạn Lịch (tức năm 1596). Đến năm thứ 2 Thuận Trị ( tức năm 1645) tiến hành trùng tân. Đến năm thứ 12 Thuận Trị (tức năm 1655) mô phỏng theo cung Thanh Ninh ở Thịnh Kinh (nay là Thẩm Dương) trùng tân lại lần nữa. Đến đời Gia Khánh khi cung Càn Thanh bị cháy, cung Khôn Ninh cũng bị cháy rụi và sau này được trùng tu lại.
Điện Giao Thái nằm giữa cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh. Nếu cung Càn Thanh thuộc dương thì cung Khôn Ninh đại diện cho âm.
Lần giở chính sử, các nhà nghiên cứu thấy rằng, trong 277 năm thống trị của nhà Minh, những hoàng hậu đầu tiên sống trong cung Khôn Ninh đều có số phận vô cùng bi thảm, chẳng được hưởng phú quý như thầy tướng số đã dự đoán, cũng chẳng hạnh phúc viên mãn như những gì người dân vẫn hằng tưởng tượng.
Bi kịch tương tự cũng diễn ra với các hoàng hậu đầu của vua triều Thanh - triều đại kéo dài 296 năm trong lịch sử phong kiến. Bất luận là sống trong cung Hách Đồ A Lạp Hãn tại Hưng Kinh (nay thuộc tỉnh Liêu Ninh), cung Thanh Ninh tại hoàng cung Thịnh Kinh, hay cung Khôn Ninh tại hoàng cung Bắc Kinh, cuộc đời họ cũng chẳng sáng sủa gì.
Người đứng đầu trong danh sách chính là Mã Hoàng hậu, người vợ cả của Hoàng đế Chu Nguyên Chương. Mã thị là người Túc Châu, tức thành phố Túc Châu, tỉnh An Huy ngày nay. Do mẹ mất sớm, cha của Mã thị đã gửi con gái mình cho một người bạn là Quách Tử Hưng nhờ nuôi dưỡng. Khi Chu Nguyên Chương còn là thuộc hạ dưới quyền của Quách, thấy Chu Nguyên Chương có tương lai, Quách đã gả Mã thị cho họ Chu.
Sau khi, khi cuộc khởi nghĩa thành công, Chu Nguyên Chương xưng đế đã lập Mã thị lên làm Hoàng hậu, gọi là Mã Hoàng hậu. Mã thị vốn là một phụ nữ lớn lên ở nông thôn, không được học hành, tuy nhiên, kinh qua khổ nạn và những năm tháng chiến tranh, Mã thị nổi tiếng là người nhân từ, có trí tuệ và thích đọc sách.
Do vậy, Mã Hoàng hậu đã giúp Chu Nguyên Chương quản lý hậu cung rất chỉn chu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Chu Nguyên Chương sống tới 71 tuổi còn Mã thị chỉ thọ được 51 tuổi đã qua đời. Điều đó có nghĩa là bà sống ít hơn chồng tới 20 năm.
Tới thời các hoàng hậu đầu tiên của 12 vị hoàng đế thời nhà Thanh, số phận của họ cũng bi thảm chẳng kém. Hoàng hậu Hách Xá Lý thị thời đại đế Khang Hy Huyền Diệp đã đột ngột qua đời sau khi sinh hạ một quý tử cho vua. Khi ấy, bà mới 22 tuổi. Dẫu rằng, hai người kết hôn khi Khang Hy mới 12 tuổi và mối lương duyên giữa họ bị đánh giá là vì mục đích chính trị, nhưng tình cảm mà Khang Hy dành cho người vợ đầu tiên của mình quả rất sâu đậm. Đau khổ vì sự ra đi đột ngột của bà, hoàng đế đã nghỉ lâm triều đến tận 5 ngày để lo chuyện hậu sự cho Hách Xá Lý thị. Ông rầu rĩ, khóc thương người vợ bất hạnh ròng rã suốt 20 ngày.
Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị thời vua Ung Chính Dận Chân được phong làm hoàng hậu năm Ung Chính thứ nhất, tức năm 1723, nhưng tới năm Ung Chính thứ 9 (năm 1731) thì qua đời, kết thúc một kiếp người khi chưa tận hưởng phú quý, quyền uy dài lâu như mong đợi.
Chịu chung số phận với những bà hoàng bất hạnh kể trên là Hỷ Tháp Tịch thị thời vua Gia Khánh Ngung Diễm. Năm thứ hai sau khi được sắc phong ngôi hậu, bà ta đột ngột qua đời, quả là không có phúc phận. Trong khi ấy, sau khi Hỷ Tháp Tịch xuống cõi tuyền đài, Gia Khánh đế Ngung Diễm vẫn sống tiếp 24 năm nữa.