Từ một siêu trộm lừng danh có khả năng trời phú…
Hiện tại, với cương vị là cố vấn an ninh hàng đầu ở Canada, Gerald Blanchard thường xuyên nhận được các hợp đồng từ phía các ngân hàng với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, trước đó, ít ai biết rằng, Blanchard từng là một siêu trộm, là nhân vật chủ chốt của một tổ chức tội phạm lừa đảo và trộm cắp xuyên quốc gia, từng lấy cắp hàng triệu USD từ các ngân hàng và tập đoàn tài chính.
Gerald Blanchard sinh năm 1975 ở Winnipeg, Canada. Qua lời kể của mẹ Blanchard, thì con trai bà đã tiến hành vụ cướp đầu tiên khi mới lên 6 tuổi. Khi đó, Blanchrd sống cùng với người mẹ độc thân của mình. Nhà Blanchard rất nghèo và dường như không bao giờ có tiền mua sữa cho cậu uống. Thế rồi một ngày, sau khi đã ăn hết chỗ lương khô trong bữa sáng mà mẹ đưa, cảm giác tắc nghẹn khó nuốt ở cổ khiến Blanchard thấy khó chịu, khi đó, tiếng xe chở sữa leng keng bên tai cậu và người mang sữa nhẹ nhàng đặt những chai sữa trắng thơm trên hiên nhà người hàng xóm.
“Tôi đã lẻn qua những chiếc xe để trước cửa nhà hàng xóm và không ai nhìn thấy tôi đã lấy những chai sữa đó. Lúc đó, tim tôi đập thình thịch và không biết vì sao mà những chai sữa đó đối với tôi - nó lại ngọt ngào hơn bình thường. Và tôi đã ‘nghiện’ chúng từ đó.”, Blanchard đã tâm sự khi được hỏi về một kỷ niệm khó quên trong thời thơ ấu của mình.
Đến năm 7 tuổi, Blanchard cùng mẹ chuyển đến Nebraska. Tại đây, cậu cũng được đi học như bao đứa trẻ khác nhưng có một điều lạ là Blanchard mắc chứng khó đọc. Tuy nhiên, bù lại, khi đến trường, Blanchard được các thầy cô giáo trong trường coi như “một thiên tài với đôi bàn tay khéo léo”. Đó cũng là khi Blanchard tỏ ra thành thạo và hiểu biết hơn người về các thiết bị cơ khí và điện tử. Blanchard luôn bị ám ảnh và cuốn hút với các loại máy ảnh, máy giám sát, thiết bị định vị mục tiêu… Và không lâu sau, Blanchard vượt qua chứng khó đọc để trở thành một chuyên gia về máy tính và hệ thống an ninh.
Với trình độ đó, cộng với khả năng quan sát và tính nhẫn nại, không chỉ giúp Blanchard trở thành một tên trộm giỏi, mà còn là một tên trộm kiệt xuất.
Vụ trộm đình đám nhất gắn với tên tuổi Gerald Blanchard có lẽ là vụ “Ngôi sao hoàng hậu Sissi”. Năm 1998, mặt dây chuyền vàng nổi tiếng “Ngôi sao hoàng hậu Sissi” (hay Viên kim cương Koechert) vốn thuộc sở hữu của Hoàng hậu Áo Elizabeth (thế kỷ 19), khi đó đang được trưng bày tại lâu đài Schonbrunn, Vienna bất ngờ biến mất. Sau này Blanchard kể lại, anh ta với sự giúp đỡ của đồng bọn đã vô hiệu hóa hệ thống báo động của tủ trưng bày, sau đó tráo kiệt tác này bằng một mặt dây giả mua ngoài phố.
Mấy tháng sau vụ trộm động trời mới được phát hiện, nhưng cảnh sát không thể lần ra manh mối. Đến tháng 6/2007, trong quá trình điều tra một vụ khác, cảnh sát mới tìm thấy mặt dây chuyền trong nhà một người thân của Blanchard ở Winnipeg. “Tôi cũng cảm thấy tội lỗi ở một mức độ nào đó, nhưng khi ấy quan niệm của tôi là: mình chỉ gây hại cho công ty chứ không gây hại cho cá nhân”, Blanchard cho biết.
Để có được khái niệm sơ bộ về Blanchard, cảnh sát Canada thậm chí đã phải chặn nghe gần 1.000 cuộc điện thoại cũng như tư liệu hình ảnh ghi lại những chuyến ngao du khắp thế giới của anh ta. Ngoài khả năng hóa trang siêu việt, Blanchard còn có khả năng làm giấy tờ giả thành thục, và với 8 cái tên giả, Blanchard chui vào tất cả các cuộc họp báo hay sự kiện thể thao lớn trên thế giới.
Ngoài việc trộm cắp ở các cơ quan tài chính ở Alberta, Manitoba và British Columbia, băng nhóm của Blanchard còn thực thi các vụ trộm cắp ở nước ngoài theo mệnh lệnh của một người đàn ông ở London. “Một lần Blanchard nhận điện thoại từ London”, điều tra viên Larry Levasseur thuộc Sở cảnh sát Winnipeg cho biết, “người này hỏi anh ta cần bao lâu để tập hợp đủ người và tiến hành phi vụ ở Cairo”.
Không lâu sau đó, Blanchard cùng đồng bọn đến Cairo, lấy trộm thẻ ngân hàng và rút được hơn 1 triệu USD. Trên tòa, Blanchard cũng thừa nhận, có nhiều vụ anh ta làm theo chỉ đạo của một “ông trùm” bí ẩn. “Ông trùm” này thường di chuyển bằng trực thăng, sử dụng rất nhiều tên giả và chính là kẻ đứng sau vô số các vụ trộm lớn trên toàn thế giới để dùng tiền tài trợ cho các nhóm vũ trang ở Trung Đông.
… Đến việc “rửa tay gác kiếm” làm cố vấn an ninh hàng đầu Canada
Một ngày trước khi bị bắt, Blanchard lấy cắp 500.000 CAD tại chi nhánh ngân hàng CIBC ở Winnipeg bằng cách cài đặt thiết bị giám sát điện tử của mình khiến hệ thống an ninh của máy ATM vô hiệu. Tuy vậy, có người nhìn thấy chiếc xe thùng nhỏ do Blanchard đứng tên thuê đỗ trong bãi xe bên cạnh ngân hàng. Cảnh sát kết thúc 3 năm theo đuổi “siêu trộm” này.
Tháng 6/2007, Blanchard bị bắt và đưa ra xét xử tại tòa án thành phố Winnipeg với hơn 40 cáo buộc, sau cùng bị buộc 16 tội và nhận mức án 8 năm tù. Theo thám tử Mitch McMormack thuộc Sở cảnh sát Winnipeg, sau khi bắt được Blanchard, ông rất đỗi ngạc nhiên, thậm chí hơi… nể vì siêu trộm này có thể mở được tất cả các loại khóa của ngân hàng.
Vì vậy, có lẽ nhà chức trách đã nhận thấy sử dụng bộ óc siêu việt của Blanchard sẽ tốt hơn để lãng phí trong tù, và đầu năm 2010, anh ta được phóng thích trước thời hạn. Và ngay sau khi ra tù, Blanchard đã quyết định bán một số căn hộ trị giá hàng triệu đô của mình đi để trả tiền bồi thường cho các ngân hàng cũng như chính phủ Canada.
Và không hiểu vì “cảm kích” hay vì nguyên nhân nào khác, Gerald Blanchard tuyên bố “rửa tay gác kiếm” để làm một cố vấn an ninh. Blanchard đã từng nói rằng: “Bước vào ngân hàng, chỉ cần nhìn một lượt tôi có thể biết ngay nơi nào có lỗ hổng an ninh và lợi dụng lỗ hổng đó như thế nào”. Và chính nhờ “tài năng” này, đã có rất nhiều ngân hàng đồng ý trả cho Blanchard một mức lương cao nếu đồng ý ký hợp đồng với họ. Các thẩm phán trong phiên điều trần của Blanchard cũng đã nói rằng: “Các ngân hàng nên thuê và trả tiền cho anh ta 1 triệu đô 1 năm”.
g |
Khi Blanchard bị bắt tại nhà mình vào năm 2007, cũng là lúc anh ta giao nộp cho cảnh sát viên kim cương Koechert đã bị đánh cắp tại lâu đài Schonbrunn, Vienna, Áo vào năm 1998. Sở dĩ viên kim cương này được cất giữ cẩn thận đến lúc đó là nhờ bà ngoại của Blanchard.
Blanchard nói rằng ngay sau khi đánh cắp được viên kim cương này, vì thấy nó quá đẹp nên đã mang tặng bà ngoại mình, và không ngờ là bà vẫn giữ nó cẩn thận, coi nó là một món quà vô giá của đứa cháu ngoại dành tặng, và bà đã cất nó trong một cái hộp xốp ở ngăn tủ cho đến lúc Blanchard bị bắt. Hôm Blanchard bị bắt, khi bị cảnh sát dẫn ra đến cửa, Blanchard đã ôm chầm lấy bà ngoại và nói rằng hãy đợi cháu, cháu sẽ mua cho bà một món quà bằng tiền chân chính.
Và với việc biết sử dụng bộ óc siêu việt của mình vào việc làm chân chính, Blanchard đã trở thành một chuyên gia không thể thiếu về an ninh của một số ngân hàng nổi tiếng ở Canada cũng như trên thế giới. Với mức lương thu nhập cao hiện nay, Blanchard không những có thể mua tặng bà ngoại của mình một món quà ý nghĩa như đã hứa, mà anh còn làm được nhiều việc hữu ích khác, và một trong những công việc ý nghĩa mà Blanchard đang theo đuổi đó là làm từ thiện.
Blanchard tâm sự: “Hiện giờ tôi không còn phải rong ruổi bên ngoài các ngân hàng để quan sát, hay đóng giả nhân viên vệ sinh, nhân viên an ninh để đột nhập các ngân hàng… Tôi cảm thấy rất thoải mái khi có một vị trí làm việc theo đúng chuyên môn và đó là công việc mà tôi yêu thích.”
Blanchard cho biết, cho đến bây giờ, anh mới hiểu hết ý nghĩa trong câu nói cuối cùng của vị thẩm phán trước khi tuyên bố anh được tại ngoại, đó là: “Tôi tin rằng anh sẽ có một tương lai tuyệt vời phía trước nếu như anh biết dùng thế mạnh của mình vào đúng mục đích, sống trung thực là điều cần thiết.” Hiện tại, Blanchard và gia đình mình đang sống tại một ngôi nhà ở Vancouver, anh đang cố gắng hết sức để bù đắp lại những tổn hại mà anh đã gây ra cho các tập đoàn trước đó.
Hiền Nhung