(Đời sống) – Hai mẹ con người phụ nữ gặp nạn bất tỉnh nhân sự tại hiện trường, hơn 20 phút vẫn không thấy lực lượng Y tế, Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông tới cấp cứu người bị nạn và giải quyết vụ việc, vì lúc đó là… ngoài giờ hành chính.
Mấy ngày qua dư luận bàn tán xôn xao về việc hàng chục taxi và tài xế từ chối chở hai mẹ con bị thương do tai nạn giao thông đi viện cấp cứu, trong vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17h15 ngày 22/6, trước cửa nhà số 68 Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội).
Tai nạn xảy ra do một xe tải đi cùng chiều lấn sang phần đường và va quệt với xe máy của hai mẹ con người phụ nữ chở nhau đi cùng chiều khiến hai mẹ con ngã văng ra đường bất tỉnh. Khi tai nạn xảy ra, tài xế xe tải không chịu xuống xe, mà cố quay đầu chiếc xe để bỏ chạy. Nhưng người dân kịp thời ra ngăn cản, chiếc xe tải gây tai nạn mới chịu dừng lại.
Hai mẹ con bị nạn nằm bất tỉnh nhưng 115 Hà Nội, CSGT, Thanh tra giao thông từ chối hoặc không tới cấp cứu vì ở ngoại thành và ngoài giờ hành chính. Ảnh: Infonet. |
Điều đáng nói, theo các nhân chứng kể lại, khi tai nạn xảy ra, nhiều người dân đã gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội để cho xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng chỉ nhận được câu trả lời của Trung tâm: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ cho khu vực nội thành...”.
Không gọi được xe cấp cứu, người dân ra đường gọi những chiếc xe taxi đi qua tuyến đường này nhờ chở người bị thương đi viện, nhưng tất cả đều từ chối, vì “chở người tai nạn sẽ gặp đen đủi”. Trong vòng 20 phút, người dân vẫy gọi hơn chục chiếc taxi, nhưng tất cả đều lắc đầu, còn người bị thương thì vẫn bất tỉnh nằm đó.
Cuối cùng, một một người đàn ông lái ô tô đi qua thấy vậy đã dừng lại chở hai mẹ con bị thương tới bệnh viện huyện Đan Phượng (Hà Nội) để cấp cứu.
Vụ tai nạn trên xảy ra chỉ ít ngày sau lễ ký kết hợp tác chương trình phối hợp công tác y tế nhằm giảm thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ giữa Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều 3/6.
Chương trình này sẽ nâng cao năng lực cấp cứu tai nạn giao thông cho các cơ sở y tế dọc các tuyến giao thông; phổ biến kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho CSGT, thanh tra giao thông, đội ngũ lái xe và tình nguyện viên.
Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ Y tế cũng thống nhất quy hoạch phát triển mạng lưới cấp cứu 115, lập kế hoạch trang bị vali cấp cứu cho tất cả các xe tuần tra của CSGT, Thanh tra giao thông...
Chương trình vừa được ký kết, người ta chưa kịp triển khai bất kể hoạt động nào thì vụ tai nạn trên xảy ra, và có vẻ như Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thực hiện chương trình vừa ký kết hơi sớm, khi các trung tâm y tế dọc các tuyến quốc lộ chưa được hình thành, còn đội ngũ CSGT, Thanh tra giao thông, lái xe… chưa được trang bị vali cứu thương, chưa được tập huấn sơ cứu khi gặp nạn để tự giúp mình thì 115 Hà Nội đã bỏ mặc họ.
Thêm nữa, qua vụ tai nạn trên chúng ta thấy rằng chương trình phối hợp Giao thông - Y tế thật là cần thiết biết bao, vì người tham gia giao thông cần tự học sơ cứu khi gặp nạn để tự cứu mình và cứu người trước khi nhờ người khác cứu, chứ không thể cứ trông chờ cấp cứu 115 được. Hoặc nếu không, thì hãy lựa chọn nơi mình bị tai nạn, khi nào vào nội thành hãy gặp nạn để được 115 tới hỗ trợ.
Còn tài xế xe tải gây tai nạn kia định bỏ trốn không phải do ý trốn tránh trách nhiệm, mà vì anh ta chưa được học sơ cứu cho người bị nạn thế nào, có xuống cũng không giúp gì được nạn nhân, có khi người thân của nạn nhân còn xông tới hành hung thì nguy cho tính mạng quá, nên cứ cho xe bỏ đi rồi tới trình diện cơ quan công an sau.
Hơn chục tài xế taxi từ chối đưa người bị nạn đi cấp cứu cũng vậy, họ cũng đâu biết phải cứu người thế nào, vì cái chương trình tập huấn liên kết giữa Giao thông - Y tế vẫn chưa được triển khai mà. Nếu đã không biết, thôi thì cứ tránh là hơn.
Mà cứ cho là chương trình trên đã được triển khai đi, đã có các lớp tập huấn được mở ra, các dụng cụ cứu thương đã được trang bị rồi. Nhưng những người tại hiện trường vụ tai nạn hôm đó đều chưa tới lượt được đi học. Còn lực lượng được trang bị dụng cụ sơ cứu là CSGT và Thanh tra giao thông thì đâu có mặt tại hiện trường vụ tai nạn lúc đó. Lúc xảy ra tai nạn cũng không phải là giờ hành chính, CSGT, Thanh tra giao thông, cán bộ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội… đều là công chức cả, họ cũng xứng đáng được nghỉ ngơi như hàng triệu công chức khác chứ. Và khi đã ngoài giờ làm, thì tất nhiên công chức cũng chỉ là dân thường mà thôi đâu cần phải thực hiện cam kết gì với ai.
- Phạm Thanh