Không cứu bất động sản - là một trong những nội dung đáng chú ý ở Bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện (dựa trên cơ sở ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia kinh tế).
[links()]
Theo đó, dù thị trường bất động sản đã bị đóng băng suốt một thời gian khá dài, song không ít doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS vẫn cho rằng khó khăn của thị trường bất động sản - kể cả ở phân khúc nhà ở trung lẫn cao cấp, chỉ là tạm thời và giá cả đã chạm đáy nên sẽ chóng hồi phục - tờ Thanh niên trích dẫn từ Bản tin trên cho hay.
Theo Bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện, không cứu bất động sản, muốn cứu cũng không được. Ảnh Vneconomy. |
Về việc quá trình điều chỉnh trên thị trường bất động sản có khả năng còn kéo dài do không ít DN trong ngành vẫn găm giá chờ nhà nước “giải cứu”, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh “đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn.
Hơn nữa, nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các DN tiếp tục kinh doanh liều mạng vì “lãi bỏ túi, lỗ sẽ có nhà nước lo”, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai”.
Để giải quyết nợ xấu trong năm 2013, trong đó có nợ xấu bất động sản, cơ quan trên cho rằng, Chính phủ cần đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với DN kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải.
Điều này sẽ buộc các DN có liên quan phải tính toán sớm hạ giá, giúp phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường, qua đó đẩy nhanh quá trình điều chỉnh về điểm cân bằng dài hạn. Ngoài ra, Chính phủ cần sử dụng nguồn lực hạn hẹp cũng như những ưu đãi chính sách để ưu tiên hỗ trợ các DN xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp để phục vụ cho số đông người thu nhập thấp.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đưa ra nhiều khuyến nghị như xem xét khả năng tiếp tục giảm thuế và phí đối với người dân và DN, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có khả năng tiết kiệm...
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có đề cập tới nhiều giải pháp giải cứu thị trường bất động sản, như ưu tiên về chính sách, tạo điều kiện về thủ tục, giảm và giãn thuế, ưu tiên chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cho thuê mua cho các đối tượng chính sách…
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên dành từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước để phục vụ cho vay đối với các đối tượng thuê, mua nhà…
- P.V (tổng hợp)