Ngày 11/2, một câu chuyện thương tâm đã xảy ra ở Trung Quốc khi em bé 4 tháng tuổi bị chó cắn rách tai và hai ngón tay khi ở nhà cùng cậu anh trai 4 tuổi.
Theo The Paper, em bé là Lôi Hữu Bảo, đang sinh sống trong một gia đình nghèo khó ở ngôi làng thuộc Hành Dương, tỉnh Hồ Nam.
Theo những người hàng xóm, vụ việc xảy ra khi cậu bé 4 tuổi ở nhà một mình trông em trai Hữu Bảo 4 tháng tuổi. Hữu Bảo và cậu anh trai thường ngủ dưới đất cùng với chó và mèo. Quần áo họ mặc cũng là nhặt từ bãi rác hoặc người khác cho. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, tối 11/2, Hữu Bảo đã được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu gấp trong chiếc chăn rách rưới, em bé khóc không ngớt. Khắp người bé đều là vết chó cắn, trong đó ngón út trái bị cắn mất hoàn toàn, ngón áp út bị cắt mất 2 đốt; tai phải bị mất một góc.
Sau vài ngày điều trị, hiện tại, sức khỏe Hữu Bảo đã ổn định.
Cán bộ địa phương cho biết, hoàn cảnh gia đình của Hữu Bảo rất khó khăn và đáng thương: bố mẹ của em đều là người thiểu năng trí tuệ, bà nội là bệnh nhân tâm thần. Vì vậy, cả gia đình chỉ biết trông cậy vào người ông 63 tuổi cũng bị khuyết tật ở chân phải.
Sau khi tin tức này lan rộng, các nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ gia đình em bé 140.000 nhân dân tệ (hơn 460 triệu đồng).
Trước đó, bé Lexi Hudson sống tại Mountsorrel, Leicestershire, Anh bị chính con chó của gia đình tấn công cũng chết ngay tại chỗ.
Bé nhanh chóng được đưa tới trung tâm y tế ở Nottingham nhưng không qua khỏi vì những vết thương quá nặng.
Những vụ việc trên khiến nhiều phụ huynh lo lắng về việc nuôi các vật nuôi trong nhà.
Sơ cứu khi bị vật nuôi cắn
Theo bác sĩ Như Huỳnh – bệnh viên nhi đồng I cho biết, nếu trẻ bị vật nuôi cắn, đặc biệt là chó, cha mẹ cần binh tĩnh tránh cho bé bị hoảng sợ, lo lắng. Người lớn nhanh chóng kiểm tra vết thương để kết luận sơ qua bé bị nặng hay nhẹ, trầy xước hay rất sâu. Nhanh chóng rửa vết thương cho bé bằng nước sạch và xà phòng, xả nước mạnh vào vết thương trong 3-5 phút. Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn, băng vết thương bằng vải sạch, đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh.
Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám chữa và kết luận bé có cần tiêm uốn ván và huyết thanh kháng bệnh hay không. Một việc không được quên đó là cần phải theo dõi vật nuôi xem trong vòng 10 ngày chúng có biểu hiện bệnh dại hay không. Trẻ lớn hơn, cha mẹ cần nói chuyện, phân tích cho bé hiểu nguy cơ từ việc tiếp xúc với vật nuôi. Cha mẹ không được để bé một mình với vật nuôi, không cho bé tiếp xúc với vật nuôi lạ, chạy rông ngoài đường.