Chiều ngày 15/2, Bác sỹ Trần Hữu Ngọc – Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, sáng ngày 14/2, bệnh viện tiếp nhận cháu Lê Minh S. (17 tháng tuổi, trú xã Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng bỏng mức độ 2, ở vùng đầu, mặt và 2 bàn chân, diện tích gần 5%.
Chị Trần Thị Hải – mẹ cháu S. cho biết, vào khoảng 8h ngày 14/2, chị chở đứa con trai đầu đi học, để lại cháu S. ở nhà với ông nội. Trong khi cháu đang chơi ở trong nhà, ông đã xuống bếp nấu nước sôi pha trà. Nhưng do bất cẩn, nên nồi nước sôi mới nấu xong đã đổ trúng người bé S.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, người nhà đã nhanh chóng sơ cứu cháu bằng cách cho nước lạnh vào vùng bỏng đồng thời đưa tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà cấp cứu.
“Rất may trường hợp cháu S. khi bị bỏng được người nhà sơ cứu đúng cách, đưa tới bệnh viện kịp thời. Các y, bác sỹ đã chữa trị tích cực cho cháu nên sức khỏe của cháu đã dần ổn định và có thể xuất viện sau 1 tuần điều trị” – bác sỹ Ngọc nói.
Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng
- Cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng.
- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.
- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.
- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch
- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.
- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời