Kỳ thú đám cưới người Chăm ở An Giang (Kỳ I)

( PHUNUTODAY ) - Trong việc cưới xin, mỗi dân tộc đều có phong tục, nghi lễ khác nhau. Ở làng Chăm Tân Châu, An Phú, Phú Tân, An Giang đám cưới là một nghi lễ trang trọng diễn ra nhiều chi tiết kỳ thú.

(Phunutoday) - Hôn nhân được xem là chuyện đại sự trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên trong việc cưới xin, mỗi dân tộc đều có phong tục, nghi lễ khác nhau. Ở làng Chăm Tân Châu, An Phú, Phú Tân, An Giang đám cưới là một nghi lễ trang trọng diễn ra nhiều chi tiết kỳ thú.
 
Đám cưới người Chăm
Cô dâu chú rể người Chăm
Cô dâu chú rể người Chăm
 
Từ thành phố Long Xuyên An Giang đi dọc theo Quốc lộ 91 lên hướng biên giới Việt Nam - Campuchia, đến thị xã Châu Đốc thì xuống phà Châu Phong băng ngang con sông Hậu mùa này ăm ắp nước đỏ ngầu phù sa. Bước chân lên khỏi con phà là tới thánh địa của làng Chăm Châu Phong, đông hơn 3.000 người, với những mái vòm tròn đặc trưng của Thánh đường Hồi giáo. Nhờ có hẹn trước mà anh bạn Jacki và thầy cả Issmail của thánh đường Nikmah của xã Châu Phong đã chờ đón để kể cho chúng tôi nghe về những nghi thức kỳ lạ của một đám cưới Chăm.
 
Cộng đồng người Chăm ở Châu Phong nói riêng và Tân Châu, An Phú nói chung đều theo đạo Hồi Isslam. Hiện nay cộng đồng này có gần 3.000 gia đình với gần 14.000 người. Họ dựng nhà ở dọc theo các triền sông, những ngôi nhà sàn gỗ, mái ngói rêu phong đứng trên những cây cọc gỗ, cọc xi măng, cọc bằng đá xanh vùng Thất Sơn cao lênh khênh để tránh mùa nước nổi ngập lụt mỗi năm kéo dài đến 6 tháng. Cộng đồng dân cư người Chăm ở Tân Châu, An Phú, Phú Tân rất hiếu khách, những ông bà chủ nhà người Chăm khi có khách đến thăm nhà đều vui mừng thết đãi tất cả những món ngon vật lạ có trong nhà..
 
Xóm Chăm, những buổi sáng, buổi chiều trên những nẻo đường quê thường có hàng đoàn phụ nữ vận xà rông màu sắc sặc sỡ, khăn choàng che kín mặt ngược xuôi hoặc ngồi hóng mát trước hiên nhà khiến nhiều khách qua đường ngẩn ngơ vì chỉ thấy được cặp mắt đen huyền sâu hút hút dưới hàng mi dài yêu kiều. Lâu nay, sắc đẹp và đức tính chịu thương, chịu khó chăm sóc chồng con của phụ nữ người Chăm đã nức tiếng đồn gần xa, khiến nhiều chàng trai người Việt, người Hoa tương tư, thầm thương trộm nhớ.
 
Nhưng thầy cả Issmail và anh bạn Jacki nói muốn cưới được một cô vợ người Chăm về làm nội tướng trong nhà là chuyện không đơn giản với các chàng trai khác dân tộc, bởi lẽ muốn cưới được vợ làng Chăm thì điều kiện trước tiên là chú rể phải theo đạo Hồi Isslam và phải thuộc kinh Koran, phải biết nghi thức cầu nguyện thánh Ala mỗi ngày và phải chấp nhận không uống rượu, điều cấm kỵ đối với cộng đồng người Chăm ở Tân Châu, An Phú. Nếu chấp nhận tất cả những điều luật, quy định khắt khe của cộng đồng Chăm và được phía nhà gái chấp nhận, các nghi lễ của đám cưới mới được bắt đầu.
 
Thật may mắn là hôm chúng tôi đến làng Chăm Châu Phong thì nơi đây đang diễn ra đám cưới giữa chú rể Mohamad và cô dâu KhotiNhững gì tôi không hiểu về nghi thức đám cưới của người Chăm đều được thầy cả Issmail và anh bạn Jacki tận tình giảng giải. Thầy cả Issmail nói, điểm đặc biệt của một đám cưới người Chăm là nhà cửa trang hoàng rất đẹp, đầy màu sắc sặc sỡ. Theo thầy cả Issmail, từ xưa đến nay, người Chăm luôn tuân theo chế độ mẫu hệ nên trong buổi sáng ngày diễn ra đám cưới, khoảng 8 - 9 giờ sáng thì chú rể đã được họ hàng nhà trai hộ tống tới nhà gái chứ không rước dâu như trong đám cưới người Việt, người Hoa.
 
Ngày cưới vợ, chú rể Mohamad ăn mặc rất sang trọng: trên người là chiếc áo dài truyền thống của người Hồi giáo màu trắng, đầu quấn khăn sà pạnh (một loại khăn đội đầu đặc trưng của người Chăm, chỉ sử dụng trong những dịp lễ hội trọng đại). Cũng có nhiều chú rể không đội khăn sà pạnh mà diện nón capé, một loại mũ có hình tròn, không vành, trang trí rất đẹp. Phía ngoài bộ trang phục truyền thống, chú rể diện một áo vest đen. Khi chú rể bước xuống cầu thang nhà mình, mọi người cùng hát: “Xin cha mẹ tha thứ, con từ giã cha mẹ”, sau đó mọi người cùng bước lên xe đi đến nhà gái.
 
Thầy cả Issmail nói, mấy năm nay, đời sống người Chăm Tân Châu, An Phú ngày càng sung túc nên mỗi khi có đám cưới thì chú rể được họ hàng nhà trai đưa đến nhà gái bằng… xe hơi đời mới bóng loáng, chứ thời điểm thầy cả Issmail cưới bà Chey Amina làm vợ hồi năm 1959 thì toàn bộ họ hàng của ông đưa rể bằng những chiếc xe trang hoàng thật đẹp do một cặp bò đực kéo đi là sang trọng nhất xóm.
 
Những năm 1980 - 1990, lúc thời điểm kinh tế còn eo hẹp khó khăn, trong các đám cưới của người Chăm, họ nhà trai vẫn còn đưa rể đến nhà gái bằng những chiếc xe bò thường ngày đi chở lúa trên đồng ruộng. Thông thường, đúng 6 giờ sáng, họ nhà trai quần áo chỉnh tề đưa chú rể trong bộ lễ phục truyền thống của người Chăm đến Thánh đường Hồi giáo làm lễ.
 
Trong đoàn có khoảng 30 nam giới (phụ nữ Chăm không được phép vào thánh đường) và ba bé trai tay bưng ba cái ô, mỗi ô bên trong đựng trầu, cau, vôi, gạo, muối, bánh và trái cây đi phía trước. Chú rể được che bởi một cái lọng màu sắc sặc sỡ. Bà Chey Amina nói, theo tục lệ, trước đây đám đưa rể không dùng xe máy hay ô tô, họ chỉ đi bộ! Trên đường đi, dàn kèn trống nổi lên những điệu nhạc thật vui tai, rồi mọi người cùng nhau ca hát rất vui vẻ, mọi người trong làng đổ xô ra xem đông nghịt. Khi đến thánh đường, chú rể ngồi đối diện với cha vợ, hai bên có hai người cao tuổi, đạo đức tốt làm chứng, đồng thời có vị thầy cả đọc kinh dạy bảo chú rể bổn phận làm chồng theo luật Hồi giáo.
 
Những căn nhà sàn của người Chăm Tân Châu, An Phú thường truyền qua nhiều đời, nên sàn gỗ quý lên nước bóng loáng, do đó hầu như trong nhà người Chăm không có bàn ghế nhiều, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sàn gỗ. Ngày cưới cũng vậy, khi họ nhà trai đưa chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, các bà, các cô trong họ nhà gái bưng nước rửa chân cho chú rể trong lúc mọi người hát vang bài hát có nội dung hân hoan rửa chân. Sau đó, họ trải khăn trắng mời chú rể và toàn bộ nhà trai vào nhà, hai họ an tọa trên sàn gỗ để tiến hành các nghi thức cưới xin, trong khi các khách mời tham dự đám cưới đều ngồi ngoài rạp cưới dựng trước nhà, chờ xong nghi thức cưới thì cùng nhập tiệc.
 
Sau khi thầy cả và họ nhà trai tuyên bố đưa chú rể Mohamad đến tiến hành hôn sự, một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Koran thì cha của cô dâu Khoti đứng dậy, tiến đến trước mặt chàng rể và hai người bắt tay nhau trước sự chứng kiến của hai người làm chứng theo đúng nghi lễ cưới xin của đạo Hồi. Trong lúc bắt tay con rể, cha của cô dâu nói lớn một câu bằng tiếng Chăm cho mọi người cùng nghe: “Hôm nay tôi giao con gái của tôi cho cậu Mohamad cưới làm vợ với giá tiền 10 triệu đồng”. Sau khi nghe câu này, anh chàng Mohamad lập tức đáp lời cha của cô dâu rằng: “Hôm nay tôi chấp nhận cưới con gái của ông với giá tiền mà ông đưa ra là 10 triệu đồng”.
 
Theo thầy cả Issmail, nghi thức đó gọi là lễ kà pụn, nghi lễ quan trọng nhất trong đám cưới của người Chăm mà những người Việt được mời tham dự đám cưới gọi là “lễ bắt tay giao con”. Giải thích về nghi lễ này, thầy cả Issmail nói, việc giao con với số tiền bao nhiêu thì tùy cha của cô dâu thỏa thuận với chú rể và họ nhà trai, nhưng từ xưa đến nay số tiền khi cha cô dâu tuyên bố lúc làm lễ “bắt tay giao con” chỉ là số tiền tượng trưng, trước giờ chưa có họ nhà gái nào trong lễ “bắt tay giao con” lại đòi một số tiền quá lớn vượt khỏi khả năng của chú rể và họ nhà trai.
 
Thông thường sau khi cha vợ và chàng rể thực hiện xong nghi lễ “bắt tay giao con” thì số tiền ‘giao con” sẽ được họ hàng nhà trai đưa đầy đủ cho cha của cô dâu trước sự chứng kiến của mọi người. Sau khi xong lễ kà pụn, chú rể Mohamad được mọi người hộ tống đưa vô trong buồng, nơi đó có cô dâu Khoti mặc bộ soirré trắng tinh, đầu đội khăn trắng và đeo trang sức đầy người đang ngồi trên chiếc giường trang trí nhiều màu sắc sặc sỡ, chờ sẵn.
 
Bà Chey Amina, vợ của thấy cả Issmail, giải thích rằng: Hồi xưa trong ngày cưới, chồng cô dâu người Chăm phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc là áo dài nhung đen phía trên, bên dưới mặc váy thổ cẩm và đầu phải cài 3 cây trâm trên tóc và ngồi chờ chú rể bước vào buồng. Sau khi được mọi người đưa vào buồng ngủ của cô dâu, theo đúng nghi thức, chú rể Mohamad phải tiến thẳng đến đứng trước mặt cô dâu Khoti và lấy tay phải xỉa nhẹ vào trán cô dâu một cái. Hành động này có ý nghĩa là: “Từ ngày hôm nay tôi đã là chồng của cô, cho nên cô phải biết nghe lời chồng”.
 
Sau khi thực hiện xong nghi thức đó, chú rể bắt buộc phải nhổ cây trâm ngay chính giữa đang cài trên mái tóc của cô dâu. “Bây giờ ít có cô dâu nào cài trâm và mặc trang phục truyền thống, đa số đều mặc soirré và đội khăn, bọn trẻ bây giờ cải tiến đám cưới rồi, nhưng hành động lấy tay xỉ nhẹ vào trán cô dâu vẫn được giữ nguyên”, bà Chey Amina nói. Sau đó,chú rể Mohamad bước lên giường cưới, ngồi cạnh cô dâu, cả hai phải kính cẩn chờ đợi và lắng nghe từng lời của ông thầy thuộc Thánh đường Hồi giáo (thường là thầy cả) thực hiện nghi lễ đọc kinh chúc phúc cho hai người. Thực hiện xong nghi lễ này, cô dâu Khoti và chú rể Mohamad mới được bước ra ngoài sảnh tiếp khách và đi đến chào hỏi họ hàng nhà trai, nhà gái, chào hỏi tất cả các quan khách rồi bước ra ngoài đãi tiệc những thực khách được mời dự đám cưới.
 
Thầy cả Issmail cho biết, các món ăn trong đám cưới của người Chăm là món truyền thống là cari thịt bò, cơm trắng và các loại dưa chua (củ hành, củ kiệu, gừng, củ cải đỏ, củ cải trắng) và muối tiêu chanh, mọi người được quyền ăn thoải mái. Bao giờ thực khách đến đông đủ, bà mẹ sẽ đi chào mời khách nữ, người cha sẽ đi tiếp khách nam. Để chia vui với gia đình, mỗi vị khách mời sẽ tặng lại một phong bì tiền. Khi tiệc mặn được dọn lên, mọi người cùng nhau cầu nguyện thánh Ala ban phước lành. Trước khi ăn tiệc sẽ có một người xách một ấm nước và một cái thau nhỏ đến trước mặt từng vị khách rót nước cho khách rửa tay. “Nhưng trong đám cưới của người Chăm tuyệt nhiên không có một giọt rượu nào được rót ra vì luật định của đạo Hồi cho rằng uống rượu là có tội với thánh Ala”, thầy cả Issmail giải thích.
 
Sau khi đi một vòng buổi tiệc cưới chào hỏi mọi người, họ hàng nhà trai đưa chú rể Mohamad ra xe để về nhà trong lúc khách mời và họ nhà gái vẫn còn đang ăn tiệc. Jacki giải thích: “Theo phong tục, nhà trai phải đưa chú rể Mohamad trở về nhà để bắt đầu đãi tiệc bên ấy. Đến lúc trời sụp tối mới đưa Mohamad trở qua nhà gái và từ đó nó sẽ chính thức ở lại luôn bên nhà gái để làm chồng. Sau tất cả các nghi thức đó, hai vợ chồng mới được ăn bữa cơm tân hôn gồm một đĩa cơm, một đĩa thức ăn, trong lúc bốn phụ nữ có gia đình hạnh phúc thay nhau nói lời chúc mừng, đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng bốc cơm, thức ăn ăn chung.
 
Sau bữa cơm là lễ động phòng hoa chúc (Sen Thoa), cũng bốn người phụ nữ chúc phúc trong bữa cơm tân hôn sẽ tự tay giăng mùng, trải chiếu cho cô dâu chú rể và tiến hành lễ “lượm bạc cắc” cho đôi trẻ: họ đặt một xô nước trong đó có 10 đồng bạc cắc. Cô dâu chú rể cùng thò tay vào xô để mò bạc cắc. Ai lượm số bạc cắc nhiều hơn thì người đó được có tiếng nói quyết định trong gia đình. Nhìn chú rể Mohamad xúng xính ra về nhưng vẫn còn cố ngoái lại nhìn mặt cô dâu Khoti, bà Chey Amina cười: “Nhưng hôm nay cũng chưa hết các nghi thức cưới xin đâu. Sau ba ngày tính từ ngày làm lễ cưới, họ nhà trai phải trở qua nhà gái thêm một lần nữa để thực hiện nghi thức làm lễ “mở mâm trầu” giống như trong đám cưới của người Việt.
 
Trong nghi thức này, nhà trai phải mang lễ vật đến nhà gái xin cho con trai họ ra riêng. Lễ vật của nghi thức này bao gồm tủ, giường, mùng, mền, chiếu, gối, nồi niêu, gạo, mắm, muối… Nếu nhà trai giàu có thì lễ vật mang đến nhà gái cho con trai ra riêng rất hậu hĩnh, nhà nào nghèo thì cho ít nhưng không cho là không được, dù nhà gái cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều ở phía nhà trai vì lúc này hai đứa nhỏ đã… động phòng thành vợ thành chồng rồi”. 
  • Thường Dân
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn