Lại hàng TQ độc, vắc xin an toàn nhưng trẻ vẫn chết

( PHUNUTODAY ) -

(Bảo vệ người tiêu dùng) – Sau một thời gian tạm lắng thôn tin hàng nông sản Trung Quốc bẩn độc, tuần qua người tiêu dùng lại phải rùng mình vì khoai tây Trung Quốc chứa chất gây ung thư phổi, rồi vắc xin 5 trong 1 trẻ tai biến nhiều nhưng kiểm tra vẫn an toàn và tới sẽ dùng lại...


Khoai tây Trung Quốc nhiễm độc vẫn tràn lan

Nông sản Trung Quốc nhiễm độc được nhập về đầu độc người dân đã được nói quá nhiều, có lẽ tới quý vị đây nghe cũng nhàm tai, cũng chỉ là những thứ “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.

Nhưng vẫn phải nói, vì nó vẫn tràn lan trên thị trường, thậm chí lần sau phát hiện độc nhiều hơn lần trước. Đặc biệt, nhiều tiểu thương người Việt vì lợi nhuận đã mua những sản phẩm độc hại của Trung Quốc về và “mặc áo” hàng Việt để bán cho người tiêu dùng.

khoai-tay-trung-quoc-nhiem-doc-phunutoday.vn.jpg
Phân loại khoai tây Trung Quốc tại Đà Lạt. Ảnh: TNO.

Như với khoai tây Đà Lạt (Lâm Đồng), khi lực lượng chức năng kiểm tra các kho hàng khoai tây của một số tiểu thương ở chợ đã phát hiện nhiều khoai tây Trung Quốc đang được trộn với đất đỏ Đà Lạt, rồi đem bán với mác khoai tây Đà Lạt nổi tiếng đã lâu.

Những mẫu khoai tây này được lấy và xét nghiệm, kết quả công bố hôm 15/6 cho thấy, những mẫu khoai tây Trung Quốc này đều nhiễm chất độc hại Chlorpyrifos (có thể gây ung thư phổi) vượt ngưỡng cho phép tới 16 lần.

Nhưng chỉ một tuần sau, lực lượng chức năng TP. Đà Lạt kiểm tra tiếp, và lại phát hiện hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc đang được tiểu thương trộn đất đỏ Đà Lạt để biến thành mác khoai tây Đà Lạt.

Khi có mác khoai tây Đà Lạt, giá bán mỗi khoảng 11.000 đồng/kg, trong khi giá nhập khoai từ Trung Quốc chỉ 3.345 đồng/kg.

Và như thường thấy, phải ứng lại kết quả trên, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) lại tiếp tục chỉ đạo “kiểm tra, giám sát chặt”, đồng thời truy nguồn gốc số khoai tây nhiễm độc... chứ không thể vội vàng được.

Còn trên thị trường, đâu chỉ có mỗi khoai tây Trung Quốc, các loại của Việt Nam tự trồng cũng thiếu gì, vì thế người tiêu dùng phải biết lựa chọn cho đúng, hãy là người tiêu dùng thông thái, chứ có ai bắt mua đồ Trung Quốc về ăn đâu.

Chè khúc bạch, phô mai que siêu bẩn

Mùa hè, xem ra chè là món lựa chọn số một của giới trẻ, nhưng theo điều tra mới đây của tờ Lao Động, món chè khúc bạch được bán nhiều trên địa bàn TP. HCM đa phần được chế biến bằng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là chất gelatine, đây là một loại chất keo chiết xuất từ da động vật sau khi ngâm thối rữa rồi nấu nhừ, đa số là hàng Trung Quốc.

Chất gelatine giúp sữa tươi và kem sữa kết dính với nhau, đồng thời tạo cho cốc chè có màu trắng sáng trong bắt mắt hơn.

Tại chợ An Đông (quận 5, TP. HCM), giá bán lẻ gelatine là 200 ngàn đồng/kg, mua sỉ thì giá chỉ 100.000 đồng/kg.

Không chỉ có chất gelatine trôi nổi, người bán chè khúc bạch để thu lời nhiều đều dùng sữa tươi, kem sữa tươi và hạnh nhân trôi nổi trên thị trường.

pho-mai-que-hang-troi-noi-Phunutoday.vn.jpg
Phô mai que được chế biến sẵn bán trôi nổi trên thị trường, người bán chỉ cần mua về sau đó dán lại và bán giá gấp đôi. Ảnh: LĐ.


Còn nhớ, năm ngoái, lực lượng chức năng Trung Quốc đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất gelatine công nghiệp từ da phế thải, và được dùng nhiều cho sản xuất kem, sữa chua và nhiều loại đồ uống khác. Khi đưa vào người qua được ăn uống, gelatine sẽ trở thành hóa chất độc hại có khả năng gây suy thận, suy gan và ung thư...

Theo kinh nghiệm của người viết trong nhiều năm theo dõi về an toàn thực phẩm, có thể tạm đưa ra một kinh nghiệm thế này, đó là những sản phẩm chế biến sẵn muốn được bắt mắt, ngon miệng, lời cao thì kiểu gì cũng phải sử dụng các loại hóa chất khác nhau. Các loại hóa chất này đều là hàng không rõ nguồn gốc, giá rẻ, và ai thích dùng sao thì dùng.

Mà đâu chỉ có chè khúc bạch, ngay cả phô mai que bán tràn lan hiện nay cũng rất mập mờ về nguồn gốc, người bán thường mua phô mai que làm sẵn tại các chợ hàng khô với giá chỉ 3.500 đồng/que (có các loại thùng 200 và 500 que), sau đấy chỉ cần tẩm bột chiên giòn và chiên nóng sẽ bán giá 7.000 đồng/que. Trong khi, để làm món này theo phương pháp thông thường gồm trứng, sữa tươi, bột mì, bột chiên giòn, phô mai và lá oregano giá bán lên tới 20.000 đồng/que vẫn không ngon bằng hàng làm sẵn.

Kể ra thì thấy cũng ghê đấy, bẩn, độc đấy, nhưng xét cho cùng, giờ ăn gì chả thế. Thôi thì, cứ ăn ngon để rồi chết vẫn hơn là chết đói.

Sắp dùng lại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

Ăn bẩn cũng chết, không ăn cũng chết, mà có ăn sạch thì chưa chắc gì đã được sống khỏe, vì rằng những đứa trẻ vài tháng tuổi, đâu đã ăn được gì để mà bẩn hay sạch, mỗi uống sữa mẹ và tiêm vắc xin vẫn chết mà không rõ vì sao chết cơ mà.

Sau một thời gian phải tạm dừng trên toàn quốc để đợi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm tra lại chất lượng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, giờ kết quả đã có, và Bộ Y tế đang lên phương án từ tháng sau sẽ tiếp tục sử dụng loại vắc xin này cho tiêm chủng mở rộng.

Theo kết quả kiểm tra của WHO và của Bộ Y tế, chất lượng vắc xin Quinvaxem an toàn, các công đoạn bảo quản thuốc, tiêm thuốc tốt, có thể nói là tất cả đều tốt, nhưng không hiểu sao, từ cuối tháng 12/2012 tới nay vẫn có 9 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin này, chưa kể hàng chục ca tai biến đủ mức nặng – nhẹ khác. Và cơ bản, tỷ lệ tai biến đó theo Bộ Y tế là “trong mức cho phép”.

Lại lặp lại mấy câu nói đã đề cập ở trên, không tiêm phòng mà dính bệnh thì cũng chết, thôi thì hên xui, cứ tiêm vậy, con người sống chết có số rồi.
 

vac-xin-an-toan-tre-van-chet-Phunutoday.vn.jpg
Trẻ tai biến nhiều, tử vong sau tiêm vắc xin, nhưng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem vẫn an toàn và tới sẽ cho sử dụng lại.


Virus cúm gia cầm mới lại lây sang người

Trong khi cả thế giới đang loay hoay tìm cách chữa trị cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc, còn Việt Nam thì căng mình chống cúm H5N1, thì tuần vừa rồi, cơ quan Y tế Đài Loan (DOH) đã xác nhận một phụ nữ 20 tuổi vừa nhiễm virus cúm H6N1, loại virus được phát hiện chủ yếu trên giả cầm. Đây là lần đầu tiên virus này được báo cáo xuất hiện ở người trên thế giới.

Ấy thế mà, tình trạng gia cầm thải loại, không được kiểm dịch vẫn hằng ngày ùn ùn nhập lậu vào Việt Nam qua đường biên phía Bắc, với 4, 5 lực lượng, ban chỉ đạo nọ kia được thành lập để kiểm soát, nhưng xem ra vẫn không mấy hiệu quả. Người dân vẫn hằng ngày vui vẻ chấp nhận ăn gà thải.

Thôi thì, cuộc sống là vậy, luôn đầy rẫy khó khăn để tôi rèn sức chịu đựng của con người.
 

  • Phạm Thanh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn