Làm bảo mẫu không công cho cả xóm để… học làm bố

( PHUNUTODAY ) - Anh ngượng ngùng trần tình với vợ rằng đã hơn một tháng trời nay, anh tình nguyện làm bảo mẫu không công cho cả xóm để được bế ẵm trẻ con cho đỡ nhớ, và luyện tập để trở thành ông bố khéo léo.

(Phunutoday) - Những tưởng về nhà mẹ đẻ là được yên tâm nghỉ ngơi, thư giãn sau kỳ sinh nở, nào ngờ thảnh thơi chẳng được bao lâu, chị Ngân đã “nhảy dựng” lên, ruột gan như lửa đốt khi nghe được cái tin chồng mình đang âu yếm bế con… cô hàng xóm.
[links()]
Nỗi khổ của ông chồng “sướng nhất quả đất”

Anh Lâm (Từ Liêm, Hà Nội) vốn vẫn được bạn bè, đồng nghiệp thán phục khi cưới được chị Ngân, người nổi tiếng cẩn thận, chu đáo và kỹ tính.

Ngày anh chị mới yêu nhau, không ai nghĩ rằng họ lại có thể chung sống vì tính cách hai người trái ngược nhau như nước với lửa.

Trong khi chị Ngân cầu toàn, khó tính và cẩn thận bao nhiêu thì anh Lâm lại xuề xòa, cẩu thả và hậu đậu bấy nhiêu. Anh được mọi người đặt cho cái biệt hiệu là “người đàn ông tai họa” vì bất cứ nơi nào anh đi, bất kì việc gì anh làm đều không thể tránh khỏi đổ vỡ, sai sót.

Vậy mà chẳng hiểu trời đất run rủi thế nào, hai con người trái tính ấy lại đến với nhau và cùng nhau chung sống hòa thuận dưới một mái nhà. Từ ngày lấy vợ, được sự “huấn luyện” gắt gao đầy tâm huyết của vợ, tính tình anh Lâm đã được cải thiện ít nhiều.

Từ hôm ấy, chị đổi ý, không còn thử thách, hạnh họe chồng mà đưa con về nhà sống và để bố con anh được gần gũi với nhau hơn. (Ảnh minh họa)
Từ hôm ấy, chị đổi ý, không còn thử thách, hạnh họe chồng mà đưa con về nhà sống và để bố con anh được gần gũi với nhau hơn. (Ảnh minh họa)

Anh không còn cẩu thả, xuề xòa như xưa, nhưng cái nết hậu đậu, vụng về thì vẫn khó lòng thay đổi được. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng hễ cứ đụng vào việc gì là anh Lâm lại lóng ngóng, hết làm đổ cái này, lại đến vỡ cái khác.

Bởi vậy mà chị Ngân chẳng nhờ vả được chồng việc gì, mọi việc từ lớn đến nhỏ trong gia đình đều do một tay chị lo liệu, chăm nom. Từ những việc nhỏ nhặt như rửa chén bát, lau dọn bàn ghế hay đến cả những việc vốn dĩ dành cho cánh mày râu như sửa điện, sửa nước, chị Ngân cũng đều không yên tâm giao cho chồng mà phải tự tay làm lấy.

Anh Lâm ngoài công việc cơ quan ra chẳng hề phải đụng tay đụng chân vào việc nhà, vậy nên anh đã nhanh chóng trở thành “thần tượng” của đám đàn ông trong công ty. Họ thường hay kháo nhau rằng anh là người “sướng nhất quả đất” vì chẳng bao giờ bị vợ sai phái điều gì.

Nhưng người trong cuộc lại chẳng thấy vui vẻ gì với cái “danh hão” ấy, anh Lâm vô cùng buồn bực vì cảm thấy mình thật vô dụng, thất bại, kém cỏi trong mắt vợ, đã chẳng giúp gì được vợ, lại còn trở thành gánh nặng khiến chị mệt mỏi, bận bịu.

Anh Lâm thương vợ lắm nhưng chẳng biết làm thế nào để bớt đi sự vụng về, lóng ngóng vốn đã là bản tính trời sinh của mình.

Ngày vợ mang bầu, gia đình anh Lâm thật sự rơi vào khủng hoảng. Chị Ngân bụng ngày càng to, lại bị ốm nghén, không thể quán xuyến đủ mọi việc như trước, đành trông cậy cả vào chồng. Nhưng ngặt một nỗi, anh Lâm quá vụng về để có thể vừa chăm nom nhà cửa, vừa chăm sóc vợ mang thai.

Phụ nữ thai nghén thường khó tính, vậy nên cứ nhìn thấy chồng loay hoay trước mặt là chị Ngân lại “ngứa mắt” vì chẳng việc gì anh làm đúng ý chị. Trung bình cứ ba ngày anh lại làm vỡ dăm cái bát, chục cái đĩa, dần dần, bát đĩa trong nhà phải thay thế toàn đồ inox, vậy mà vẫn chẳng tránh khỏi bị móp méo.

Chị Ngân thấy tình cảnh ấy thì vừa ngán ngẩm, vừa lo lắng. Chị quyết định rời về nhà ngoại để được chăm sóc chu đáo hơn. Ngày đưa chị về nhà mẹ đẻ, anh Lâm lòng dạ rối bời. Anh khổ tâm lắm, tự trách mình không chăm nổi vợ, để vợ phải khổ sở.

Nhưng vừa bước lên cơ quan, anh lại được đồng nghiệp tán dương nhiệt liệt, ai cũng chăm chăm dò hỏi bí quyết để “tiễn được vợ về nhà mẹ đẻ” như anh. Trong mắt mọi người, anh là người đàn ông may mắn vô cùng khi không phải chăm sóc vợ trong những ngày trái tính trái nết nhất.

Trong thời gian chị Ngân về nhà ngoại, anh Lâm rất buồn phiền. Anh đã bỏ rất nhiều công sức để đọc sách, học những kỹ năng làm bố, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc vợ sau khi sinh con… Anh thậm chí còn mua hẳn búp bê về để thực hành những bài học của mình. Anh nóng lòng được đón vợ con về và chuộc lỗi.

Song sự cố gắng của anh đã chẳng hề được chị Ngân ghi nhận khi chị vẫn một mực cho rằng anh chưa đủ khéo léo để có thể chăm sóc trẻ nhỏ. Vốn là người kỹ tính, sau khi sinh, chị Ngân vẫn không chịu đưa con về nhà mà có ý ở lại nhà ngoại lâu dài.

Chị không muốn anh gần con vì sợ cái tính hậu đậu, vụng về của anh sẽ làm tổn thương đến đứa trẻ còn non yếu. Thỉnh thoảng chị mới cho chồng đến thăm con vào những lúc con đã ngủ và tuyệt nhiên không cho phép anh được bế bồng con.

Mỗi lần đến chơi với con, anh Lâm chỉ ngậm ngùi đứng ngắm nghía đứa trẻ, vuốt ve đôi má phúng phính của con mà không thể bế con lên cưng nựng. Anh buồn và giận vợ lắm. Dù vẫn biết chị cẩn thận là tốt, song sự cẩn thận thái quá của chị lại là rào cản ngăn cách tình cảm bố con anh.

Bởi vậy mà không ít lần hai vợ chồng sinh ra cự nự, to tiếng với nhau. Những lần như thế, chị Ngân lại làm mình làm mẩy, vùng vằng dằn dỗi khiến cho anh Lâm phải nhiều phen khốn đốn, khổ sở làm lành.

Bảo mẫu không công cho… cả xóm

Từ ngày sinh con xong, chị Ngân đâm ra đổi tính. Chị bỗng trở nên ngúng nguẩy, hay dỗi vặt như con gái mới lớn làm anh Lâm phải chiều vợ đến “toát mồ hôi hột”. Dường như chị muốn “thử thách” anh trước khi đưa con về nhà. Có điều những phép thử của chị đôi khi quá khắc nghiệt và vô lí.

Chị hạnh họe chồng đủ thứ, việc gì anh làm dù tốt đến mấy cũng bị chị bới móc ra để chê bai, dè bỉu. Nhiều hôm anh phải trực thâu đêm ở cơ quan, chị biết vậy nhưng vẫn điện thoại liên tục, bắt anh phải bỏ trực giữa đêm, phóng hơn chục cây số về chỉ vì… chị bị sổ mũi vặt.

Chị Ngân bắt chồng phải chứng minh đã “đủ tiêu chuẩn” để làm một ông bố tốt, song những cố gắng của anh lại chẳng hề được chị ghi nhận, chị vẫn không yên tâm chút nào khi giao con cho anh chăm sóc, bế bồng.

Thử thách và đặt ra “yêu cầu cao” như vậy đối với chồng, chị Ngân luôn tự hào rằng mình là người mẹ mẫu mực, biết chuẩn bị kỹ lưỡng cho đứa trẻ mà không hề nghĩ rằng những hành động của mình đã vô tình làm tổn thương chồng.

Chẳng bao lâu sau, chị nghe người ta đồn ầm lên rằng anh Lâm có con riêng ở ngoài và đang rất vui vẻ, hạnh phúc với gia đình bí mật ấy. Ban đầu chị không tin, nhưng càng về sau, sự kiên định của chị càng bị lung lạc.

Chị bắt đầu thấy chồng mình có những biểu hiện lạ. Anh không còn thời gian rảnh rỗi nhiều như trước mà lúc nào cũng tỏ ra bận rộn, vội vàng. Chị hỏi lý do thì anh thường quanh co, ấp úng, rồi khi nói về tin đồn thì anh lại đỏ mặt tía tai chối đây đẩy. Thái độ của anh khiến chị nghi ngờ nhưng lại chẳng hề có bằng chứng.

Một ngày, cô em gái hùng hổ về nhà báo với chị cái tin sét đánh rằng vừa tận mắt trông thấy chồng chị đang bế ẵm, âu yếm đứa bé… con cô hàng xóm góa chồng đã được nửa năm nay. Chị “nhảy dựng” lên như phải bỏng, đùng đùng về nhà và quả nhiên đã “bắt quả tang” anh Lâm đang bón bột cho một đứa bé con.

Chị ngùn ngụt cơn ghen, định bụng làm toáng lên cho hả giận thì anh Lâm vội vàng mếu máo, nhăn nhó đến thảm thương. Anh ngượng ngùng trần tình với vợ rằng đã hơn một tháng trời nay, anh tình nguyện làm bảo mẫu không công cho cả xóm để được bế ẵm trẻ con cho đỡ nhớ, và luyện tập để trở thành ông bố khéo léo.

Để củng cố thêm cho những lời giải thích của mình, anh còn kéo thêm cả một lực lượng đông đảo các bà các cô trong xóm ra để làm chứng cho mình. Các bà, các cô ra sức bảo vệ anh, có người còn rơm rớm nước mắt khi kể lại chuyện anh đã cố gắng như thế nào để học cách chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh.

Tấm lòng của anh đã khiến họ rất cảm động, bởi vậy mà họ hết sức ủng hộ, giúp đỡ anh. Trước cái lí lẽ và tình cảnh trớ trêu vừa đáng giận, vừa đáng thương ấy, chị Ngân không nỡ truy cứu tội lỗi của anh chồng mà ngược lại, chị chợt nhận ra sự khắt khe của mình.

Từ hôm ấy, chị đổi ý, không còn thử thách, hạnh họe chồng mà đưa con về nhà sống và để bố con anh được gần gũi với nhau hơn.
 

  • Đào Thị
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT