Để hiểu rõ hơn những việc bạn cần làm, hãy tham khảo quy trình 4 bước khiến nhà tuyển dụng ở Cần Thơ, TPHCM, hay Long An… “đổ gục” trước bạn ngay sau đây nhé.
Trang bị hành trang kỹ càng trước khi ứng tuyển
- Tìm hiểu kỹ mô tả công việc và nhanh chóng bổ túc những kiến thức bản thân khiếm khuyết: Bao giờ cũng vậy, hiểu rõ những việc mình làm là bước khởi đầu để bạn làm tốt những công việc đó. Dành thời gian đọc kỹ mô tả công việc, tìm hiểu kỹ về những việc cần làm ở từng hạng mục công việc và cấp tốc bổ sung những kiến thức cần thiết từ sách báo, các khóa học uy tín, từ kinh nghiệm thực chiến của những người đi trước và đúc kết lại thành hệ thống kiến thức của riêng bạn. Ở giai đoạn này, bạn cần hiểu đúng, hiểu đủ về công việc và thu hẹp đến mức tối đa những lỗ hổng trong kiến thức chuyên môn liên quan đến vị trí ứng tuyển.
- Tìm hiểu kỹ về tình hình công ty: Nếu đủ nhạy bén và tự tin, bạn thậm chí có thể vạch sẵn kế hoạch 1 năm, 2 năm… cho công ty và trình bày phương án của mình trong buổi phỏng vấn. 100% nhà tuyển dụng sẽ phải nhìn bạn với ánh mắt kinh ngạc. Nếu bạn chưa đủ kinh nghiệm để đưa ra những đề xuất lớn lao, việc nghiên cứu về lĩnh vực hoạt động, thị trường, đối thủ cạnh tranh của công ty… là điều tối thiểu bạn cần làm.
- Tìm hiểu kỹ văn hóa công ty: Rất nhiều bạn trẻ bỏ qua bước này mà không hay biết rằng, am hiều về văn hóa công ty không chỉ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn xác định bản thân có phù hợp với môi trường làm việc đó hay không, từ đó rút lui trước khi quá muộn hoặc kịp thời điều chỉnh thái độ và cách hành xử để hòa nhập tốt hơn trong môi trường mới.
- Tìm hiểu mentor/leader tương lai: Hãy tận dụng kỹ năng "stalking" của bạn để tìm hiểu về người thầy/người quản lý tương lai: gu tuyển dụng của họ là gì, phong cách quản lý của họ ra sao và tự đánh giá liệu bạn có “match” với họ hay không.
- Chuẩn bị 1 bản CV thật “sạch sẽ”: Có thể bạn không có quá nhiều kinh nghiệm nhưng hãy chứng minh bạn là một ứng viên năng nổ, luôn tích cực tham gia các hoạt động phù hợp để tích lũy những kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho công việc sau này. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo CV của mình “sạch sẽ” tuyệt đối về mặt hình thức: trình bày khoa học, màu sắc nhã nhặn, diễn đạt logic, đúng trọng tâm và không sai lỗi chính tả.
Soạn một email xin việc thật thú vị
Nếu kinh nghiệm làm việc không phải thế mạnh của bạn, bạn có thể dốc lòng chuẩn bị một lời chào hỏi thật thú vị và mang màu sắc riêng để email xin việc của mình trở nên nổi bật trước N+1 email trong hòm thư của nhà tuyển dụng. Thế nhưng, chào hỏi như thế nào để tạo được ấn tượng ban đầu tốt đẹp với người đối diện là cả một nghệ thuật. Đôi khi, sự nghiêm túc không phải công thức cố định mà chính sự hài hước, dí dỏm đan xen trong sự quyết tâm và chân thành chính là chìa khóa giúp bạn thành công.
Mình từng nhận được thư mời phỏng vấn 3 công ty cùng một lúc khi bản thân hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của công ty với mẫu email như sau:
“Chào quý anh, chị!
Em tên Trang, năm nay 22 tuổi. Cuộc đời rẽ ngang rẽ dọc, dẫn em đến với thông tin tuyển dụng Nhân viên Marketing của A. Nhận thấy bản thân có thể đáp ứng yêu cầu công việc nên em mạnh dạn ứng tuyển, mong tuổi đời lẫn tuổi nghề của mình đều phù hợp với tiêu chí mà A đặt ra.
Tuy chưa từng làm việc trong mảng giáo dục nhưng với kinh nghiệm 1 năm trong lĩnh vực marketing, am hiểu các công cụ marketing online và offline, cộng thêm sức trẻ, sự nhiệt huyết, sự thấu hiểu tâm lý của phụ huynh và học sinh, em tin rằng mình có thể cùng A sáng tạo nên những kỳ tích mới.
Có câu: "Nhàn cư vi bất thiện", em cũng thèm lương thiện như Chí Phèo thèm lương thiện. Em mong mỏi một công việc thật sự phù hợp và một công ty đáng tin cậy để có thể sát cánh dài lâu. Rất mong A giúp em sớm thoát cảnh "nhàn cư", tránh để cơm áo gạo tiền cuốn em rẽ sang lối khác.
Em xin chân thành cám ơn và rất mong nhận được phản hồi từ quý anh, chị!”
Ngoài CV, bạn có thể đính kèm các chứng chỉ/giấy chứng nhận/bằng khen phù hợp với yêu cầu công việc và đừng quên đặt tiêu đề email thật chỉn chu. Bạn có thể tham khảo cú pháp: [Vị trí ứng tuyển - Họ tên - Số điện thoại].
Tạo ấn tượng trong buổi phỏng vấn
Để làm được điều đó, ngay từ trước buổi phỏng vấn, bạn cần:
- Chuẩn bị bài giới thiệu bản thân súc tích, đủ ý và thật ấn tượng: bạn là ai, công việc bạn đã làm, lý do bạn ứng tuyển vào công ty, điều gì khiến bạn trở nên khác biệt, những giá trị bạn có thể mang lại…
- Dự đoán những câu hỏi nhà tuyển dụng có thể đưa ra và chuẩn bị sẵn đáp án.
- Luyện tập trả lời phỏng vấn ở nhà, đảm bảo diễn đạt trôi chảy, tự tin, tác phong đĩnh đạc và tuyệt đối không để nhà tuyển dụng nhận ra bạn đang học thuộc lòng.
- Chuẩn bị câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng - là những điều bạn thực sự quan tâm ở môi trường mới. Hãy nhớ rằng, phỏng vấn là cơ hội để 2 bên tìm hiểu lẫn nhau, hoàn toàn không phải tương tác một chiều.
Trong buổi phỏng vấn:
- Thả lỏng cơ thể và khuôn mặt, giữ nụ cười thân thiện, phong thái tự tin, tinh thần cầu thị, sử dụng ngôn ngữ hình thể phù hợp. Với mỗi câu hỏi, hãy luôn suy nghĩ xem nhà tuyển dụng muốn khai thác điều gì để đưa ra đáp án gãy gọn, đúng trọng tâm. Với những câu hỏi bản thân không lường trước, không thể hiện sự lúng túng, cũng không lảng tránh, không trả lời một cách vội vàng nhưng cũng không nên suy nghĩ quá lâu.
- Không bỏ qua cơ hội được đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng để khai thác những vấn đề bản thân thực sự quan tâm và cũng để đánh giá mức độ phù hợp giữa đôi bên.
Sau buổi phỏng vấn: Việc gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng không quyết định bạn có trúng tuyển hay không nhưng đó chắc chắn là một điểm cộng to đùng. Vậy nên, hãy cố gắng nhớ tên của những người đã tham gia phỏng vấn để viết một email cảm ơn thật chân thành nhé!
Dốc hết sức để làm bài kiểm tra (nếu có)
Bài kiểm tra năng lực có thể là một bước bắt buộc trong quy trình tuyển dụng nhưng cũng có thể là yêu cầu phát sinh khi nhà tuyển dụng có một chút phân vân. Vì lẽ đó, hãy dốc hết sức để hoàn thành bài test tốt nhất trong khả năng của bạn và sẵn sàng thức trắng đêm để đảm bảo deadline mà nhà tuyển dụng đưa ra. Đừng quên, tuân thủ deadline cũng là một trong những tố chất bắt buộc đối với một nhân sự.
Một số lưu ý khi làm bài kiểm tra năng lực:
- Bạn chỉ có một cơ hội duy nhất nên nhất định phải làm hết sức mình.
- Không hấp tấp. Thay vào đó, dành thời gian để suy nghĩ xem nhà tuyển dụng muốn đánh giá điều gì thông qua bài test. Bạn có thể tra cứu thêm tài liệu hoặc tham khảo ý kiến của người khác nhưng tuyệt đối đừng nhờ ai đó làm hộ.
- Kiểm tra kỹ cách trình bày, chính tả… trước khi gửi đi để đảm bảo sản phẩm chỉn chu nhất khi đến tay nhà tuyển dụng.
- Làm nhiều hơn yêu cầu của nhà tuyển dụng nếu năng lực của bạn cho phép. Ví dụ: giải thích suy nghĩ, định hướng của bạn trong bài kiểm tra, đính kèm 1 bản nghiên cứu hành vi người dùng, 1 bản phân tích sản phẩm của doanh nghiệp hoặc 1 bản phân tích đối thủ cạnh tranh… Điều này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt dù thiếu kinh nghiệm làm việc.