Được biết, bố mẹ bé Tuấn Thạc, 1 tuổi rưỡi ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đều đang đi làm ở xa nên gửi con ở quê cho ông bà nội chăm sóc.
Khi bà nội đưa 3 cháu ra ngoài chơi, sau khi về nhà, 2 bé lớn đã tự giác đi vào phòng, chỉ còn bé út Tuấn Thạc là không vào phòng. Một lúc sau, bà nội nghe thấy tiếng cháu khóc mới chạy ra xem thì thấy cả vùng miệng của bé đều đã biến thành màu đen.
Sau đó, bà đã lấy nước rửa miệng cho bé nhưng việc này làm tình trạng của cháu càng thêm nghiêm trọng, vết thương càng lan ra. Chất tẩy đã chảy xuống bụng, chân, bộ phận sinh dục của bé khiến những chỗ này bị bỏng nặng.
Ngay lập tức, bé trai được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện nhi Tế Nam trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Bé trai phải nằm yên trong phòng chăm sóc đặc biệt, sống nhờ truyền dịch. Và sẽ phải đối mặt với nhiều ca phẫu thuật phức tạp trong tương lai.
Sau hơn 20 ngày điều trị trong viện, sức khỏe của bé trai đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thể khẳng định liệu có bộ phận nào khác bị tổn thương không. Hiện tại bé không thể khóc thành tiếng được, đường tiêu hóa và dây thanh có khả năng không còn khỏe mạnh như thường nữa.
Chất tẩy là một loại chất hóa học có tính ăn mòn cao và hòa tan trong nước. Trước kia mẹ bé mở cửa hàng bán đồ ăn sáng, thường xuyên dùng chất tẩy này để giặt khăn, giẻ lau. Họ hoàn toàn không thể ngờ được rằng, có ngày chất độc hại ấy lại làm hại chính con trai mình.
Chất tẩy rửa có 2 nhóm: nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit, các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu thậm chí là hoại tử nặng. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
Khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm để tránh tổn thương sâu. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng và sâu hơn ở niêm mạc miệng. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.
Với bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, vì thế để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, những hóa chất nguy hiểm cần được cất kỹ, để xa tầm với của trẻ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.