Báo Quảng Nam đưa tin, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết do nền nhiệt độ ở huyện miền núi này những ngày qua xuống quá thấp (từ 5-8 độ) nên phòng đã quyết định cho học sinh 3 xã vùng cao của huyện gồm Ga Ry, A Xan, Ch’Ơm nghỉ học đến hết tuần này.
Thầy giáo Nguyễn Đông Vũ – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ch’Ơm cho biết nhà trường cũng đã cho học sinh các điểm thôn nghỉ học. Các học sinh ở bán trú vẫn giữ lại trường để dễ quản lý. Hiện nhà trường cũng đã cấp phát áo ấm cho các em, những áo này do các đoàn từ thiện tặng.
Thời tiết giá lạnh những ngày qua cũng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân ở đây. Trên địa bàn huyện Tây Giang có nơi nhiệt độ xuống dưới 5 độ như Atu, Ch’Nốc (Ch’Ơm) hay GLao, Dading (Ga Ry).
Các em học sinh mầm non ở bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) ngồi sưởi ấm từ đống lửa cô giáo đốt lên
Theo thông tin trên Tiền phong, những ngày này, mỗi buổi sáng đến lớp, các cô giáo mầm non ở xã Tam Thanh, huyện miền núi biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) lại đốt một đống lửa giữa sân trường cho học trò sưởi ấm.
Được biết, hiện nay Trường mầm non xã Tam Thanh có 30 nhóm lớp, tổng số 389 học sinh. Trong đó, hiện có 252 học sinh ở các bản: Ngàm, Kham, Mò, Pa, Phe, Cha Lung đang phải ngồi học trong phòng tranh tre, nứa lá tạm bợ, dột nát. Những phòng học tranh tre, nứa lá này do phụ huynh học sinh, người dân địa phương dựng lên tại bản.
Trao đổi với Tiền Phong, cô giáo Hà Thị Tiếp, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tam Thanh cho biết: “Những ngày qua, nhiệt độ ở đây từ 10 đến 13 độ C, học sinh đến lớp thiếu giày tất, áo ấm, chăn ấm khiến các cô hết sức lo lắng. Để sưởi ấm cho học trò, các cô thường phải đốt đống lửa ở sân trường, cô trò cùng sưởi, có hôm phải sưởi đến nửa buổi sáng. Nhiều hôm nhiệt độ xuống thấp, nhà trường đành phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe cho các em”.
UBND huyện Quan Sơn cho biết, được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước với tổng số vốn hơn 7 tỷ đồng, hiện nay UBND huyện đang xây dựng hoàn thiện khu chính của Trường mầm non xã Tam Thanh tại trung tâm xã. Khu trường kiên cố này gồm sáu phòng học, tiếp nhận được khoảng 180 em học sinh. Như vậy, hiện nay và trong thời gian tới vẫn còn hơn 200 học sinh mầm non ở các bản vùng sâu, vùng xa của xã Tam Thanh vẫn phải ngồi học trong các phòng tranh tre, nứa lá.