Dù doanh nghiệp lỗ nặng, nhưng lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn hưởng mức lương cao. Song theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Sáng 25/7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011. Qua rà soát vấn đề tiền lương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp.
Điển hình, các Công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - Bộ Giao thông vận tải, và các công ty con thuộc Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Vinacco); Công ty mẹ - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) xây dựng đơn giá tiền lương trên cơ sở doanh thu bao gồm cả doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu từ cổ tức và tiền gửi ngân hàng.
Trụ sở Petrolimex tại Hà Nội - Ảnh: Petrolimex |
Ngoài ra, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Điển hình, tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), công ty mẹ và các công ty con 100% vốn xây dựng đơn giá tiền lương chung cho khối kinh doanh xăng dầu, sau đó tập đoàn giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị trên cơ sở đơn giá tiền lương tổng hợp, không xây dựng, quyết toán đơn giá tiền lương riêng.
Trả lời báo chí hồi cuối năm 2012, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết mình đang được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân tại các đơn vị thành viên trong tập đoàn, tổng công ty.
Tại Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thu nhập bình quân của lãnh đạo tổng công ty năm 2011 là 56,5 triệu đồng/ người/ tháng; khối văn phòng tổng công ty là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), lãnh đạo tổng công ty được trả lương 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 32,9 triệu đồng/ người/ tháng. Trong khi đó, Công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 11,175 triệu đồng/người/tháng.
Ở Cienco 4, chức danh hội đồng thành viên và các phó tổng giám đốc được trả lương 39,9 triệu đồng/ người/ tháng, người lao động là 5,49 triệu đồng/ người/ tháng. Tại Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigonpetro), viên chức quản lý công ty có lương 35,853 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết Vinafood 1 và Vinafood 2 đều kinh doanh có lãi và đơn giá tiền lương đã được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan chấp thuận.
Đối với trường hợp của Petrolimex mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng lãnh đạo vẫn hưởng mức lương cao, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Lý do chính là bởi Petrolimex tham gia bình ổn thị trường giá xăng dầu và mức lương trả cho các cấp lãnh đạo cũng đã được Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phê duyệt.
Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết cơ chế tiền lương, đặc biệt cho các cấp lãnh đạo, các đơn vị hiện còn nhiều bất cập. Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này và vừa qua Chính phủ đã ban hành quy định mới về điều chỉnh các khoản tiền lương chi trả, làm sao cho hợp lý, chính xác.
Việc Petrolimex lỗ hàng nghìn tỷ nhưng lương nhân viên lãnh đạo vẫn cao chót vót đã khiến không ít người thấy chạnh lòng, đặc biệt là khi nhìn thẳng vào thực tế lương tối thiểu mãi mới được tăng sau bao lần xin hoãn.
Theo đó, ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.150.000 đồng một tháng.
Theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ 1/5/2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu chi tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước nên Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.
- (Tổng hợp từ NLĐ, ĐVO)