Lấp lánh nụ cười sáng bừng tình bạn nữ sinh

12:41, Thứ ba 08/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Nhìn bạn chân tay co cắp, xúc thìa cơm cũng vung vãi ra ngoài, Hòa ứa nước mắt. Hòa thấy Chi tham gia Trung tâm sống độc lập cho người khuyết tật ở Hà Nội nên cô quyết định trở thành một PA – người hỗ trợ mọi hoạt động cho Chi…

(Phunutoday) - Nhìn bạn chân tay co cắp, xúc thìa cơm cũng vung vãi ra ngoài, Hòa ứa nước mắt. Hòa thấy Chi tham gia Trung tâm sống độc lập cho người khuyết tật ở Hà Nội nên cô quyết định trở thành một PA – người hỗ trợ mọi hoạt động cho Chi…
hơn cả tình thân
Sinh viên Học viện Báo chí đã rất quen  với hình ảnh của đôi bạn đặc biệt này.

Nguyễn Thùy Chi cô gái khuyết  tật tứ chi bẩm sinh nhưng giàu nghị lực. Tuổi thơ của Chi là khúc nhạc buồn. Mẹ bỏ đi khi Chi vừa tròn ba tuổi, gia đình chỉ còn lại người cha suốt ngày đau yếu và ông bà nội đã ngoài 80. Cô bé Chi lớn lên mà khuyết thiếu tình cảm của mẹ. Nhưng cô bé không vì thế mà đầu hàng số phận, Chi đã làm lên kì tích, khi đỗ vào trường Học viện Báo chí và tuyên truyền. Nhưng đằng sau câu chuyện về nghị lực đó, Chi còn có một câu chuyện xúc động khác – tình bạn giữa cô và người bạn thân tên Hòa.

Nguyễn Thu Hòa hiện tại là sinh viên năm thứ hai khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và tuyên truyền, đối với Chi, Hòa là người vô cùng đặc biệt thậm chí hơn cả chị em ruột.

Chi bị khuyết tật cả tứ chi, đến việc vệ sinh cá nhân cũng trở thành thử thách, Hòa đã đứng ra giúp Chi trong mọi việc sinh hoạt và cả trong học tập. Buổi sáng, Hòa cũng phải dậy thật sớm, chuẩn bị mọi thứ cho mình xong xuôi, Hòa lại chạy xuống phòng Chi, giúp Chi thay đồ, vệ sinh cá nhân, xếp sách vở,… bế Chi lên chiếc xe lăn quen thuộc và đưa bạn đến trường trên chiếc xe lăn đó.

Duyên kỳ ngộ

Hai cô bạn cùng xuất thân từ Lào Cai, chốn tận cùng của Tổ quốc, nhưng khoảng thời gian vui vẻ chẳng được bao lâu thì đến năm hết năm lớp 3, Hòa phải theo bố mẹ về Yên Bái và từ đó hai bạn không còn liên lạc với nhau nữa.
Mọi hoạt động của Chi hầu như đều cần sự trợ giúp của Hòa
Mọi hoạt động của Chi hầu như đều cần sự trợ giúp của Hòa

Nhưng trái đất tròn, tình cờ trong ngày nhập học, Hòa gặp lại Chi, niềm vui vỡ òa trong sự ngỡ ngàng.  Sau đó, Hòa được biết Chi tham gia vào Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội, một dự án do nhóm “vì tương lai tươi sáng” của người khuyết tật thực hiện bởi sự hỗ trợ của hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam và tổ chức người khuyết tật quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương, nhằm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập tại gia đình hoặc nơi cư trú dưới sự hỗ trợ của người khác. Trong đó, có nhiều bạn sinh viên, những người nhà tình nguyện (gọi là PA) tham gia, họ sẽ được phân công chăm sóc những người khuyết tật trong trung tâm. Thương bạn, Hòa đã tìm đến rồi tham gia như một PA, vì đơn giản ở đó có Chi. Cũng là cái duyên, Hòa được phân công chăm sóc Chi.

Chi được sắp xếp một phòng riêng ở tầng 1 trong khu kí túc xá sinh viên, thuận tiện cho việc đi lại bằng xe lăn. Hòa sống ở tầng 4 cùng 1 khu với Chi, nhưng thời gian Hòa ở phòng Chi gần như 24/24 cho tiện chăm sóc cho Chi, vì một mình Chi khó có thể làm những việc khác.

Việc chăm sóc Chi với Hòa không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và để có đầy đủ những kĩ năng chăm sóc người khuyết tật, nhưng cũng tùy vào đối tượng khác nhau, Hòa cũng tham gia trung tâm mà Chi giới thiệu, ở đó Hòa được đào tạo tất cả những kĩ năng chăm sóc.

Hòa tâm sự: “lúc đầu thì chưa quen nên khó khăn lắm. Vì Chi không thể tự làm một việc gì nếu không có sự hỗ trợ bên ngoài, tay chân của Chi lại cứng nữa, khi bế cậu ấy cũng đã khó rồi…nhưng sau khi đào tạo và sống cùng nhau, dần dà tớ thích nghi, quen dần nên không còn gì khó khăn cả”.

Dường như Hòa luôn phải để mắt đến Chi, nhưng có những khi Hòa bận việc gì đó, có khi phải để Chi ở nhà một mình nếu không nhờ được ai trông Chi hộ, nhưng lúc như thế Hòa luôn cảm thấy nóng ruột. Có lẽ thầy giáo dậy môn thể dục đã quen và thông cảm với cảnh tượng cô học trò đang học ở sân là Hòa, thi thoảng tranh thủ chạy về phòng thăm nom Chi…

Đẹp như tình thân

Trong khi buổi sáng, thời gian những bạn sinh viên khác dành để ngủ nướng thì Hòa lại dậy sớm chuẩn bị mọi thứ cho Chi. Tan học, Hòa lại đến lớp của Chi đưa Chi về, vì hai bạn học khác lớp.

Đi học về. Hòa lại làm những công việc quen thuộc khác, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ,… cho Chi, bởi tất cả những công việc đó Chi không thể tự mình làm được. Chi chỉ có thể ngồi một chỗ trên chiếc xe lăn, hoặc nằm trên giường, đôi bàn tay khô cứng, Chi không thể tự lấy thức ăn, càng không thể tự mặc quần áo, cũng không thể tự đi giày... Mọi hoạt động của Chi dường như đều cần đến sự hỗ trợ của Hòa.

Đến bữa ăn, Hòa nấu cơm còn Chi ngồi trò chuyện cổ vũ, từ những câu chuyện đời thường, những câu chuyện về những bạn khuyết tật khác trong trung tâm, Hòa cố gợi mở cho bạn mình những câu chuyện về tương lai tươi sáng, về nghị lực vượt lên chính mình… Trong căn phòng nhỏ không khi nào ngớt những câu chuyện, không khi nào ngớt những nụ cười của Chi và Hòa. Bữa cơm Hòa vừa ăn, vừa bón cơm cho Chi, rồi cả hai lại trò chuyện rôm rả.

Hòa không chỉ giúp Chi trong mọi sinh hoạt đời thường, mà còn giúp Chi rất nhiều trong công việc học tập. Hòa học lớp Quan hệ quốc tế, còn Chi lại học lớp Quản lí xã hội, mặc dù khác nhau về chuyên môn, nhưng họ luôn giúp đỡ nhau trong nhưng môn học cơ sở. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình, Hòa luôn hỗ trợ, động viên Chi học tập tốt. Chính vì vậy mà cả hai đều đạt thành tích khá trong học tập.

Trong tất cả mọi hoạt động của Chi dường như đều có đều có sự giúp đỡ của Hòa. Ngoài giờ học, Hòa lại đưa Chi đến trung tâm khuyết tật tham gia những lớp học, ở đó Chi được đào tạo những kĩ năng mềm về giao tiếp, về thuyết trình. Sau những buổi học căng thẳng, Hòa lại thường đưa Chi đi dạo phố, đi công viên, đi lăng Bác, đi bờ Hồ, tham gia những hoạt động cộng đồng khác…, và từ những chuyến đi ấy Hòa đã mang đến niềm tin yêu vào cuộc sống cho Chi, khích lệ Chi tiếp tục mơ ước và thành công, tình  bạn mỗi ngày càng trở nên thắm thiết.

Chi chia sẻ: “Hòa là người bạn mà mình tin tưởng nhất, yêu quý nhất, bọn mình chia sẻ tất cả mọi chuyện trong cuộc sống cho nhau, không giấu giếm. Mặc dù có nhiều khi bất đồng quan điểm, ý kiến, chúng tớ tranh luận với nhau khá gay gắt, nhưng cũng vì thế mà chúng tớ hiểu nhau hơn. Bọn tớ thông cảm, hiểu cho nhau và vun đắp cho tình bạn tốt đẹp chưa từng có này với tớ”.

 Với Chi thì Hòa là người bạn đặc biệt nhất, đơn giản chỉ là: “Hòa sẵn sàng mắng tớ khi mà tớ sai, trong khi không có ai làm như thế với tớ cả. Lúc đầu thì thấy rất tủi thân, có chút mặc cảm, tự ái, nhưng ngẫm nghĩ lại thì những gì Hòa nói đều là muốn tốt cho tớ. Hòa giúp tớ nhìn nhận lại mình, biết mình là ai”.

Và nếu bạn có hỏi Chi rằng: “ đâu là nguồn động lực giúp Chi vươn lên trong cuộc sống sinh viên này?” thì chắc chắn cô bạn khuyết tật ấy sẽ trả lời rằng: “đó là tình yêu thương của mọi người dành cho tớ. Trong đó lớn nhất là tấm lòng của Hòa.”
  • Lê Ngà
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc