Lê Vi học cách hi sinh cho gia đình từ mẹ

( PHUNUTODAY ) - Chị là người sống vì nghề, nhưng chị cũng khẳng định rằng: "Hạnh phúc thực sự của người phụ nữ là được sống vì chồng, vì sự thành đạt của người đàn ông mình yêu".

Từng rất nổi tiếng với vũ điệu Chim công do tự dàn dựng và biểu diễn, năm 2003, Lê Vi quyết định chia tay Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam để theo chồng định cư hẳn ở Pháp khi đang ở đỉnh cao của nghệ thuật. Từ khi sang Pháp định cư cùng chồng, Lê Vi gần như giã từ hoàn toàn đời sống nghệ thuật trong nước, dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cho gia đình, con cái.

Thế nhưng, cái duyên với sân khấu điện ảnh dường như vẫn đeo bám, cô con gái út trong gia đình của NSND Trần Tiến và Lê Mai vẫn đau đáu nghĩ về nghệ thuật dù đã bỏ múa gần 10 năm.

Vừa tái xuất trong dự án phim Hai phía chân trời của đạo diễn Trần Quốc Trọng, Lê Vi như được sống lại quãng thời gian gắn bó với nghệ thuật trước kia. Chị bảo, sinh ra trong một gia đình cả 5 thành viên đều là nghệ sĩ dù muốn hay không cái duyên nghệ thuật cũng sẽ tìm đến với chị.

11 tuổi đã vào trường múa

Sinh ra trong một ngôi nhà nghệ thuật, bố là NSND Trần Tiến, mẹ là diễn viên Lê Mai, chả trách Lê Vi có năng khiếu nghệ sĩ từ khi còn nhỏ. Dù không được cha mẹ hướng theo con đường nghệ thuật, nhưng có tố chất ngôn ngữ nghệ thuật, Lê Vi và cả hai người chị gái Lê Vân, Lê Khanh đều nối gót cha mẹ trở thành nghệ sĩ.

Chị vào học trường múa năm 1978 lúc mới 11 tuổi. Ấn tượng lớn nhất trong đời chị về những tháng ngày học múa là 10 đầu ngón chân lúc nào cũng bầm tụ máu vì phải tập bằng giày mũi cứng. Hồi ấy bố của chị, NSND Trần Tiến, mỗi lần vào trường thăm con gái, đều rơi nước mắt.

Từng rất nổi tiếng với vũ điệu Chim công do tự dàn dựng và biểu diễn, năm 2003, Lê Vi quyết định chia tay Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam để theo chồng định cư hẳn ở Pháp khi đang ở đỉnh cao của nghệ thuật.
Từng rất nổi tiếng với vũ điệu Chim công do tự dàn dựng và biểu diễn, năm 2003, Lê Vi quyết định chia tay Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam để theo chồng định cư hẳn ở Pháp khi đang ở đỉnh cao của nghệ thuật.

Thương con, ông bảo: “Thôi đừng học nữa con ạ. Về nhà với bố đi”. Chị quyết tâm theo nghề, chăm chỉ tập luyện. 7 năm học ở trường, chị luôn là cây múa solist xuất sắc. Tốt nghiệp năm 1985, năm sau chị đầu quân về Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương.

Với điện ảnh, năm lên 9 tuổi chị đã được vào vai một bé gái trong phim Sao tháng Tám. Chị luôn nghĩ rằng những bộ phim mà chị đóng chỉ là cuộc "dạo chơi" qua làng điện ảnh.

Thế nhưng, nó lại mang về cho chị nhiều giải thưởng và sự ái mộ của khán giả, như Cây bạch đàn vô danh, Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17, Giải hạn…Và cứ thế những giải thưởng danh giá trên sân khấu múa cũng như điện ảnh đều về tay chị, chị được phong NSUT khi mới ngoài 30 tuổi.

Lê Vi chia sẻ rằng chính mẹ Lê Mai là người tiếp lửa để chị bám trụ với nghề. Nhìn vào cuộc đời cơ cực nhưng một lòng day dứt với nghiệp diễn của mẹ, chị lại tử nhủ mình có cơ hội là sẽ hết mình với nghiệp.

Mẹ chị, bà Lê Mai cũng theo nghiệp diễn do truyền thống gia đình. Dù lúc đó, những người làm nghệ thuật chưa được xã hội coi trọng như bây giờ, những người chọn nghiệp ca hát thì bị xem là “xướng ca vô loài” và diễn viên cũng… gần giống như vậy. Bà Mai vẫn quyết tâm lựa chọn bởi nghệ thuật đã ngấm vào máu.

Lê Vi và hai chị gái cũng vậy, máu nghệ sĩ đã chảy sẵn trong huyết quản nên lớn lên đều đòi mẹ cho đi học nghệ thuật. Chị luôn tâm niệm, diễn là nghề truyền thống của gia đình, là cái nghiệp không thể bỏ.

“Nhà mình có bố Tiến, mẹ Mai đều làm nghệ thuật, các con không biết đóng kịch, đóng phim thì phí", Lê Vi vẫn luôn khắc cốt ghi tâm câu nói đùa của mẹ từ thời còn thơ dại.

Lấy chồng người Pháp, cưới nhau được gần 10 năm Lê Vi vẫn sống trong nước, là diễn viên múa của Nhà hát Nhạc nhẹ TƯ, đồng thời tham gia đóng trong nhiều bộ phim nhựa và phim truyền hình. Lê Vi lý giải, đó là vì chị quá yêu nghề diễn, nếu không đã phải về Pháp theo chồng từ lâu rồi.

Gia đình chồng ở Pháp và cả người chồng của chị - anh Cyryl Lapointe đều chiều lòng và ủng hộ chị trên con đường nghệ thuật. Như chị nói, nghệ thuật trở thành niềm đam mê của mình từ tấm bé nên thật khó rời xa nó.

Rồi khi buộc lòng phải lựa chọn sang Pháp định cư cùng chồng, khi có cơ hội, chị vẫn tranh thủ tham gia những dự án điện ảnh nho nhỏ để đỡ nhớ nghề. Gần đây chị tái xuất trong dự án phim Hai phía chân trời của đạo diễn Trần Quốc Trọng.

Phim được quay ở CH Czech, nói về cuộc sống của người Việt tại Đông Âu. Trong phim Lê Vi vào vai một phụ nữ đẹp có số phận đầy bi kịch. Đóng chung với chị còn có diễn viên Xuân Bắc và Lê Vũ Long.

Sau gần 10 năm vắng bóng, Lê Vi trở lại màn ảnh nhỏ với nhiều tình cảm, nhiều cảm xúc, chị vẫn là một nghệ sỹ đầy tâm huyết.

Học cách hi sinh cho gia đình từ mẹ

Chị là người sống vì nghề, nhưng chị cũng khẳng định rằng:
Chị là người sống vì nghề, nhưng chị cũng khẳng định rằng: "Hạnh phúc thực sự của người phụ nữ là được sống vì chồng, vì sự thành đạt của người đàn ông mình yêu".

Thích chăm sóc, lo toan cho gia đình và dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào cũng phải sống cho đàng hoàng, qui củ chính là đức tính quý báu mà Lê Vi học được từ mẹ.

Bà Lê Mai vẫn thường dạy các con rằng, sự nghiệp lớn nhất của người phụ nữ là hạnh phúc gia đình. Cả cuộc đời, bà đã cố gắng để vun đắp cho cái "sự nghiệp lớn nhất" này. Bà lấy chồng, sinh con vào thời chiến.

Ngày ấy, Trần Tiến, ông vua hài kịch thường vắng nhà đi diễn xa, một mình mẹ Lê Mai cáng đáng cả 3 con nhỏ. Bị thôi việc ở Ðoàn Kịch nói trung ương, bà may mắn được nhận về Ðoàn kịch Hà Nội. Khi Lê Vân còn nhỏ, bà gửi con ở nhà trẻ nơi sơ tán của Bộ Văn hóa.

Cứ tối thứ bảy, sau diễn kịch, bà lại đạp xe gần 30 cây số đón con và 3 giờ sáng thứ hai lại đạp xe về Hà Nội cho đúng giờ ở đoàn kịch. Bà sợ con xa mẹ sẽ nhớ, sẽ khổ…Rồi Lê Khanh ra đời, cân nặng 1,8 kg, bà lại khốn khổ vì con hay đau ốm, đi diễn một đêm chỉ đủ tiền mua vài viên thuốc cho con một ngày.

Con út Lê Vi ra đời, bà lại lo cho Vi, vừa lo tiếp tế cho Vân và Khanh theo bố sơ tán. Vi là con gái thứ ba, dù bà hi vọng con trai. Bố Trần Tiến hơi buồn, nhưng cả hai vợ chồng nghĩ con là lộc trời nên thương Vi nhất và Vi cũng gắn bó với mẹ nhất.

Ði học cũng chỉ chực về với mẹ, lấy chồng cũng ở cùng mẹ, sang Pháp sống với chồng con nhưng quả quyết "con vẫn sẽ về với mẹ".

Sự tận tụy và hi sinh của mẹ với gia đình khiến Lê Vi rất cảm động, Vi luôn coi mẹ là hình mẫu để phấn đấu khi đã lập gia đình. Có lẽ vì vậy, Vi đã không hối tiếc khi quyết định theo chồng sang Pháp định cư khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao.

Nhớ lại quyết định cách đây 10 năm, chị chia sẻ: “Thời điểm đó, năm 2003, tôi cũng quyết định sinh thêm cháu thứ hai. Lúc ấy tôi không có ý nghĩ là mình sẽ đi hẳn, chỉ là chuyến đi tạm thời vì chưa bao giờ tôi muốn xa Việt Nam.

Chỉ nghĩ mơ hồ là tạm thời mình sẽ sang Pháp, sẽ sinh con và rồi sẽ trở về tiếp tục nghề khi mình vẫn chưa đến 40 tuổi. Sau khi mãn hạn visa, tôi quay về Việt Nam cùng bé thứ hai. Để trở lại với nghề, phải luyện tập trở lại. Điều đó với tôi không phải là điều quá khó khăn.

Nhưng rồi tôi nghĩ, về lâu dài sẽ không thể ở đây được, vẫn sẽ chỉ là cuộc chơi. Có làm thêm vài năm nữa vẫn trụ được nhưng rồi cũng phải dừng lại vì làm nghệ thuật cũng chỉ có thời điểm mà thôi. Nếu mình biết trước trong tương lai sẽ phải dừng lại và phải ra đi thì sao lại không dừng luôn.

Cho dù rất tiếc vì lửa nghề trong mình lúc đó cũng còn nhiều lắm nhưng tôi đã quyết định dừng việc nghề để đặt gia đình lên trên hết. Tôi nghĩ là mình đã lựa chọn được đúng thời điểm và  chưa bao giờ cảm thấy phải hối tiếc vì điều này.

Sự lựa chọn đó sẽ khiến mọi người nhớ đến mình nhiều hơn bởi trong nghệ thuật, sớm hay muộn thì cũng có lúc phải quyết định dừng lại, tôi lựa chọn như vậy còn hơn là sẽ phải ra đi khi bắt buộc.

Tất nhiên là không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm được điều này, tôi đã phải dùng nghị lực rất lớn để có quyết định đó và đến nay tôi tin là mình đã quyết định đúng”.

Giờ đây, Lê Vi sống cùng chồng và 3 con dưới ngôi nhà 200 m2 nằm trong khu vườn rộng hơn 5.000 m2 ở thành phố Amboise, cách thủ đô Paris chừng 200km. Cyryl Lapointe – chồng chị đang công tác tại một công ty môi giới bất động sản.

Niềm an ủi lớn cho Lê Vi là công việc của chồng thuận lợi, các con ngoan ngoãn. Chị là người sống vì nghề, nhưng chị cũng khẳng định rằng: "Hạnh phúc thực sự của người phụ nữ là được sống vì chồng, vì sự thành đạt của người đàn ông mình yêu".

Nên chị đã chọn con đường chia tay nghệ thuật, sang Pháp chăm lo cho chồng con, trả nợ 10 năm hi sinh của chồng. Cuộc sống của gia đình chị bên Pháp rất đầy đủ và đầm ấm, cả nhà chồng ai cũng yêu mến chị.

Dẫu vậy trong lòng chị vẫn đau đáu một nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu da diết “Dù không còn theo nghề nữa nhưng múa dường như đã ngấm vào máu, không bao giờ tôi có thể quên hay chán được nó. Đến nỗi, chỉ cần nghe một bản nhạc hay, tôi đã muốn được múa trên nền nhạc ấy và thả hồn mình vào đó.

Tầng 2 căn nhà bên Pháp của vợ chồng tôi rất rộng. Dù là phòng làm việc của chồng tôi nhưng nếu dùng nó làm phòng múa sẽ hết sức lý tưởng vì sàn bằng gỗ và có tay vịn cạnh tường. Nhà tôi còn có một chiếc piano điện với những bản nhạc có sẵn, trong đó có những bản nhạc từng làm nền cho những bài múa đầu tiên tôi học trong trường.

Mỗi sáng tôi vẫn hay bật những bản nhạc đó lên để tập cơ bản, vừa là cách rèn luyện sức khỏe, cũng vừa được trở về với múa trong thoáng chốc cho vợi bớt phần nào nỗi nhớ nghề. Tôi rất hay múa cho các con xem vì hai đứa con sau này của tôi được sinh ra khi tôi đã rời xa múa.

Những lúc ấy, chính các con là khán giả của tôi và mỗi lần tôi múa, cả nhà rất hưởng ứng, có lúc chồng tôi còn quên cả làm việc”, chị chia sẻ.

  • Kim Kim

[links()]
 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn