Bí mật riêng tư của mỗi cá nhân được pháp luật bảo vệ.
Điều 21. Hiến pháp 2013 ghi rõ:
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
- Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Còn Điều 38 luật Dân sự 2015 ghi về quyền riêng tư như sau:
-Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Xử phạt thế nào?
Việc vợ chồng kiểm tra thông tin riêng tư của nhau, hoặc người yêu kiểm tra điện thoại, tin nhắ, email... là vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế nhiều người không khiếu kiện ra tòa nhưng dẫn tới mâu thuẫn, mất niềm tin rồi ly hôn.
Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi kiểm tra tin nhắn này mà người thực hiện hành vi đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người chồng/vợ, người yêu phát tán tin nhắn, thư tín, email của đối phương ra ngoài gây thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự.
Điều 54 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì có nội dung xử phạt hành chính cho các hành vi liên quan tới xâm phạm danh dự nhân phẩm thành viên gia đình như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
+ Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình.